Vụ án vận chuyển gần 1,5kg "ma túy đá" qua đường hàng không:

Cạm bẫy chết người đối với phụ nữ châu Á

Thứ Ba, 21/08/2012, 09:45

"Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn đối với điều tra viên trong công tác đấu tranh, khai thác đối với các đối tượng phạm tội là người nước ngoài. Nhưng con người ở đâu cũng thế, quan trọng là biết cách cảm hóa để họ thành khẩn khai báo hành vi phạm tội", Thượng tá Nguyễn Trần Giang, điều tra viên cao cấp Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an Hà Nội bắt đầu như vậy khi nói về công tác điều tra các vụ án ma túy có yếu tố người nước ngoài. 

Vận chuyển "ma túy đá" qua đường hàng không

Thượng tá Nguyễn Trần Giang đầy trăn trở khi nói rằng, vụ án Ana Safitri (26 tuổi), quốc tịch Indonesia vận chuyển gần 1,5kg ma túy tổng hợp (ma túy đá) từ nước ngoài vào Việt Nam, là một trong số nhiều vụ án những người phụ nữ nhẹ dạ bị các ông trùm ma túy gốc Phi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của họ để dẫn dụ, ép buộc vào công việc vận chuyển thuê ma túy xuyên quốc gia.

5 người phụ nữ mang quốc tịch các nước trong khối ASEAN khi vận chuyển một lượng lớn ma túy đá lên tới 18kg đã bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện vào cuối tháng 4/2012, khi họ làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không. Ana Safitri là một trong số 5 phụ nữ đó.

Khoảng 21 giờ 35 phút ngày 25/4, tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) - Bộ Công an kiểm tra, phát hiện Ana Safitri có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhập cảnh vào Việt Nam từ chuyến bay QR610 (hành trình Doha - Bangkok - Nội Bài), thu giữ trong valy hành lý màu đen có hoa văn của Ana mang theo 7 gói nylon chứa ma túy được ngụy trang khá tinh vi bằng cách dàn mỏng trong các gói nhỏ và dài, dùng  keo dính dán dọc theo đáy valy và may vải lót lụa màu vàng phủ lên.

Qua giám định số ma túy trên là methamphetamine (ma túy tổng hợp - đá) có trọng lượng 1.468,587gr. Số ma túy đá khủng này trị giá khoảng 3 tỉ đồng Việt Nam. Ngay sau đó, Ana Safitri cùng tang vật đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT (PC47) Công an Hà Nội để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Ana Safitri bị bắt giữ cùng tang vật tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cảm hóa người nước ngoài phạm tội

Sợ hãi, hoảng loạn là tâm trạng của Ana Safitri khi bị cơ quan chức năng bắt giữ. Điều tra viên Trần Thị Thanh Hương được phân công "ở" cùng cô gái này trong suốt thời gian làm việc tại trụ sở Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng thái độ thân thiện, cởi mở của nữ điều tra viên khiến Ana bớt lo lắng.

Những buổi làm việc, hỏi cung tiếp theo đối với Ana Safitri, các điều tra viên đều mang theo một món quà nho nhỏ cho cô. Thường là các loại kẹo có xuất xứ từ  Indonesia như kẹo Kopiko coffee, Dynamite… Nhận quà, Ana  rất vui và xúc động. Cô bảo đây chính là loại kẹo cô hay ăn ở đất nước mình. Ana ngạc nhiên không hiểu tại sao cán bộ công an Việt Nam lại biết sở thích của một người khác xứ như cô.

Cũng như những  đối tượng phạm tội là người nước ngoài khác, Ana Safitri  bị tạm giam trong khu vực riêng. Rất ít phạm nhân cùng quốc tịch nên trong điều kiện bất đồng ngôn ngữ, nhu cầu được giao tiếp khiến Ana mong ngóng từng ngày được "đi cung". Ana tỏ ra rất phấn khởi khi được gặp cán bộ điều tra.

Để tạo không khí cởi mở, giảm bớt căng thẳng trong các buổi hỏi cung, thi thoảng, điều tra viên hỏi về đời tư của Ana. Sau phút e dè, Ana rơm rớm nước mắt. Ana cho biết cô sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc thôn Ngolowan, xã Duwet RT/RW 16-04, huyện Wetes, thành phố Kediri, Indonesia. Nhà Ana có 3 anh chị em. Năm 18 tuổi, Ana lấy chồng, cũng là một nông dân trong huyện. Đứa con đầu lòng chưa đầy một tuổi qua đời vì bệnh tật. Không nhận được chia sẻ từ người chồng, trái lại Ana thường xuyên bị bạo hành buộc cô phải ly hôn.

Cuộc sống ở miền quê khó khăn khiến Ana cũng như nhiều phụ nữ khác phải tìm đường mưu sinh nơi xứ người. Theo chỉ dẫn của những người đi trước, năm 2010, Ana sang Hồng Công bằng đường du lịch rồi ở lại làm giúp việc. Tuy nhiên, công việc này không được bao lâu. Khi hết hạn visa, Ana buộc phải sang Macao một thời gian rồi mới quay lại Hồng Công để gia hạn visa. Đây là "đường đi" của những người đồng hương của Ana đã chỉ dẫn cho cô khi muốn ở lại Hồng Công làm việc. Nhưng chính trong thời gian ở Macao, Ana đã gặp Kris, người bạn gái quốc tịch Indonesia đã dẫn dắt cô vào đường dây vận chuyển ma túy thuê sau này. Kris cho biết, do cuộc sống khó khăn nên cô cũng sang Macao làm giúp việc. Trước khi chia tay, hai người trao đổi cho nhau số điện thoại, hẹn có dịp gặp lại.

Do không thể ở lại Hồng Công bằng hộ chiếu du lịch nên sau một thời gian ngắn, Ana phải trở về Indonesia. Khoảng tháng 3/2012, Ana nhận được điện thoại của cô bạn Kris. Kris nói hiện cô ta không làm giúp việc nữa mà đã tìm được một công việc mới khá thuận lợi là buôn bán quần áo. Kris rủ Ana cùng tham gia để kiếm thêm thu nhập. Đang không có việc làm nên Ana đồng ý nhận lời. Kris nói sẽ chuyển cho Ana 400.000 rupiah (tương đương 400 USD) để Ana mua vé máy bay sang Bangkok. Kris sẽ đón Ana tại Bangkok và cùng nhau làm ăn.

Ngày 30/3, Ana từ Indonesia bay sang Bangkok. Xuống sân bay, Ana mua sim điện thoại quốc tế liên lạc với Kris. Tuy nhiên, Kris không xuất hiện mà nói sẽ có bạn trai của cô ta ra đón Ana. Tại sân bay, một thanh niên da đen tự giới thiệu là Robert, bạn trai của Kris đón Ana, đưa cô về một khách sạn tại Bangkok. Sau khi đưa cho Ana 500 USD, Robert  bỏ đi. Ana rất lo lắng, liên lạc lại với Kris nhưng điện thoại của người bạn gái này đã bị ngắt.

Trong thời gian ở Bangkok, Ana được Robert đưa cho một vé máy bay đi Niamey (thủ đô Niger) vào ngày 9/4. Anh ta nói đến đó để nhận valy quần áo. Một mình nơi đất khách, không biết làm cách nào, Ana đành phải nghe theo hướng dẫn của Robert. Ngày 9/4, khi tới sân bay Niamey, Ana được một thanh niên da đen khác đón và đưa về khách sạn. Anh ta "thu" hộ chiếu của Ana cùng 500 USD mà Robert đưa cho cô lúc ở Thái Lan. Thanh niên da đen này chỉ  đưa cho cô một ít tiền địa phương để chi tiêu rồi bỏ đi. Hai tuần liền ở Niamey,  Ana chỉ quanh quẩn trong khách sạn, không dám đi đâu do không có hộ chiếu.

Đến ngày 22/4, thanh niên da đen kia quay lại mang theo một valy màu đen có hoa văn, 1 vé máy bay đi Việt Nam, 1 vé máy bay từ Việt Nam đi Indonesia (chuyến bay ngày 30/4/2012) và bảo Ana mang chiếc valy này đi Việt Nam, anh ta sẽ trả lại 500 USD và cho thêm 200 USD nữa. Mở valy không có gì, Ana đã nghi ngờ trong valy có giấu ma túy. Cô lo lắng hỏi thanh niên da đen: "Trong valy này có gì? Nếu là ma túy thì tôi không làm đâu vì tôi rất sợ bị bắt". Thanh niên da đen trả lời: "Không cần hỏi nhiều, cứ chuyển đến Việt Nam, thuê khách sạn nghỉ là lắp sim điện thoại quốc tế sẽ có người liên lạc điện thoại, gặp và nhận valy. Còn nếu không làm thì tự mua vé mà về Indonesia". Nói xong, thanh niên da đen này bỏ đi luôn.

Ở lại khách sạn với chiếc valy, Ana hết sức hoảng sợ. Không hộ chiếu, không có tiền mua vé máy bay, cô chỉ biết gọi điện thoại về cho người bạn trai sắp cưới tại Indonesia xin tiền. Nhưng chồng sắp cưới của cô cũng rất nghèo, không có đủ tiền gửi cho Ana. Bản thân Ana cũng không dám báo cơ quan an ninh của Niger bởi cô không thể chứng minh về chiếc valy chứa ma túy kia. Ngày 24/4, thanh niên da đen kia quay lại. Ana đành theo anh ta ra sân bay cùng chiếc valy. Để ngụy trang, Ana cho quần áo của mình vào valy. Lúc đó thanh niên da đen mới trả lại Ana hộ chiếu và đưa cho cô  200 USD. Ana lên máy bay trong tâm trạng đầy lo sợ. Chuyến bay từ Niamey quá cảnh qua Casablanca (Marocco), Doha (Qatar) và nhập cảnh vào Việt Nam lúc 21 giờ ngày 25/4/2012.

Điều tra viên Nguyễn Nhật Quang kể, tìm được phiên dịch tiếng Indonesia không phải dễ. Chính vì vậy, những buổi hỏi cung đối với Ana thường được đặt lịch làm việc trọn một ngày, để "tranh thủ" thời gian của người phiên dịch. Buổi trưa, Ana dùng cơm chung với các điều tra viên. Vì Ana theo đạo Hồi nên các món ăn đều kiêng thịt lợn. Biết Ana thích ăn trứng nên bữa cơm nào, điều tra viên cũng  đặt nhà bếp làm một đĩa trứng lớn.

Để tạo không khí thân mật, đồng thời tạo điều kiện cho phiên dịch viên có thời gian nghỉ ngơi, ngoài giờ  hỏi cung, các điều tra viên nói chuyện với Ana bằng tiếng Anh. Viết kém nhưng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Ana khá tốt. Những lúc trò chuyện như vậy, Ana cười nhiều hơn.

Một lần, Ana tỏ ra băn khoăn, hỏi điều tra viên rằng nếu sau này khi cô đã chấp hành xong bản án tại Việt Nam, liệu cô có được cấp vé máy bay để trở về Indonesia. Ana giải thích cô rất lo lắng điều này, bởi gia đình cô rất nghèo, không có tiền để gửi cho cô. Chính vì không có tiền mua vé máy bay nên cô đã buộc phải nhận mang chiếc valy cho các đối tượng người Phi, dù biết đó là ma túy. Ana kể về giây phút tuyệt vọng của cô tại Niamey, thủ đô Niger, khi điện thoại về cho chồng chưa cưới tại Indonesia xin tiền mua vé máy bay về nước nhưng không được. Giá như lúc đó, cô nhận được một khoản tiền đủ để mua vé máy bay về nước, cô sẽ trả lại chiếc valy cho những kẻ thuê cô vận chuyển. Chúng đã ép buộc cô cũng như rất nhiều người khác vào tình thế bất đắc dĩ, nếu không nhận chiếc valy chứa ma túy sẽ không có cơ hội trở về đất nước.

Các điều tra viên giải thích với cô rằng đối với phạm nhân là người nước ngoài, sau khi chấp hành xong bản án theo pháp luật Việt Nam, cô sẽ được trao trả về nước theo các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Ana thở phào nhẹ nhõm. Trước khi trở lại buồng giam, bao giờ Ana cũng cúi đầu chào theo nghi lễ của người Hồi giáo và không quên cảm tạ hành động đối xử của Cảnh sát Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam đối với cô. Ana nói rất ân hận và có lỗi khi cô đã mang ma túy vào đất nước Việt Nam.

Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ ma túy giấu dưới đáy valy.

Bài học cảnh tỉnh với nhiều phụ nữ châu Á

Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố Ana Safitri về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" theo khoản 4 điều 194 Bộ luật Hình sự. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử một ngày gần đây. Song theo Thượng tá Nguyễn Trần Giang, vụ án là lời cảnh tỉnh cho nhiều phụ nữ châu Á, trong đó có cả phụ nữ Việt Nam trước thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng buôn bán ma túy khi nhằm vào những phụ nữ nhẹ dạ, có hoàn cảnh khó khăn để dụ dỗ hoặc buộc họ rơi vào tình thế phải vận chuyển ma túy theo ý đồ của chúng. Những tổ chức tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không này mang tính chất quốc tế, có nhiều đối tượng tham gia ở nhiều quốc gia khác nhau. Nguồn gốc ma túy  tổng hợp thường từ vùng Trung Phi, được vận chuyển sang các nước châu Âu bằng con đường quá cảnh qua Việt Nam. 

Tại Việt Nam, trên tuyến hàng không từ nước ngoài về Hà Nội và TP HCM, các cơ quan chức năng Việt Nam  phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển ma túy tổng hợp (ma túy đá). Riêng tại sân bay quốc tế Nội Bài, liên tiếp từ ngày 23/4 đến ngày 30/4/2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ gồm 5 người phụ nữ có quốc tịch châu Á vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, thu giữ 18,1kg methamphetamine. Những phụ nữ vận chuyển ma túy, có người bị ép buộc phạm tội như Ana, cũng có người vì lợi nhuận đã tham gia vận chuyển nhiều lần. Nhưng kết cục cuối cùng đều là những cái giá rất đắt mà họ phải trả cho những khoản lợi nhuận kếch xù mà các ông trùm ma túy được hưởng

Hương Vũ
.
.