Cạm bẫy "tín dụng đen" ở vùng cao

Chủ Nhật, 29/12/2019, 13:51
Nửa đêm, hàng chục người trong list điện thoại của chị Lò Thị Nhinh ở xã vùng cao Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái bị dựng dậy bởi những cuộc điện thoại lạ.

Họ phải nghe những lời nói khó chịu về chị, cùng yêu cầu phải giúp đốc thúc Nhinh trả món nợ cho công ty tài chính X, chủ sở hữu của một app (ứng dụng) cho vay tiền trên mạng. Kiểu đòi nợ quái gở này tỏ ra có tác dụng. Sau khi thấy mọi người phản ánh bị làm phiền, cực chẳng đã chị Nhinh cắn răng bán đi chiếc xe máy để trả khoản nợ đó. 

"Vòi bạch tuộc" của các băng nhóm tín dụng đen đã vươn về các bản làng nông thôn miền núi, dưới nhiều chiêu trò, thủ đoạn, và đây cũng là lúc các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp triệt xóa, cùng sự nâng cao cảnh giác của các hộ đồng bào.

Khốn đốn vì mất cảnh giác

Kể với tôi về những ngày bị khủng bố bởi trót vay tiền trên mạng, chị Nhinh cho biết do thằng con ốm yếu lâu ngày, nay thuốc mai thang nên trong nhà có gì đáng giá cũng đã bán đi để lo chữa trị. Tháng trước cháu lại xuống bệnh viện thị xã Nghĩa Lộ cấp cứu điều trị cả tháng trời.

Bao khoản phải chi, lại chẳng biết vay giật ở đâu, chị được người ta mách lên mạng mà vay tiền. Tò mò, chị tìm từ khóa "cho vay tiền" trên Google và đọc được những lời chào mời hấp dẫn, như thủ tục cho vay không thể đơn giản hơn, lãi suất ưu đãi, giải ngân cực nhanh... 

Một băng nhóm tín dụng "đen" bị triệt xóa tại Tây Nguyên.

"Bị thúc bách về tiền, tôi đã làm theo hướng dẫn trên một ứng dụng (App) cho vay tiền. Đầu tiên, họ bảo tôi phải tải về máy di động một ứng dụng, trong đó có hợp đồng cho vay điện tử, tôi phải gửi ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân, điền đầy đủ các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động của mình. Sau đó có người tự xưng là nhân viên công ty tài chính gọi cho tôi để kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên App. Ngay sau đó, tài khoản của tôi báo nhận được khoản tiền vay 20 triệu đồng, với mức lãi suất 4,4 %/ngày. 

Về sau tôi tính ra đó là lãi suất quá cao, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm. Tôi vay trong 3 tháng, đến hạn trả nợ người ta gọi điện thúc giục liên tục, nhưng vì quá khó khăn nên tôi chưa trả được. Từ đó suốt đêm những người trong danh bạ của tôi bị quấy nhiễu, làm phiền. Người cho vay yêu cầu họ phải giúp đốc thúc tôi trả nợ. Nghĩ mà nhục nhã, xấu hổ với bạn bè, bà con, vợ chồng tôi quyết định bán chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình để trả nợ" - chị Nhinh buồn rầu thuật lại.

Câu chuyện của chị Nhinh phản ánh một thực tế hiện nay, đó là thông qua sức lan tỏa của mạng viễn thông, mạng internet đã phủ sóng khắp nơi, mà hoạt động tín dụng đen đã vươn tỏa những chiếc vòi bạch tuộc gớm ghiếc của mình về vùng nông thôn miền núi rẻo cao, nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Nhinh kể, trong bản mình có nhiều gia đình khó khăn, động có công to việc nhỏ gì cũng phải đi vay. Nhiều người đã vay tiền theo cách của chị và cũng bị đòi nợ theo cách khủng bố điện thoại.

Những năm trước đây ở nông thôn miền núi, việc cho vay lãi suất cao cũng đã diễn ra, mà phổ biến nhất là hình thức bán lúa non. 

Anh Đinh Công Linh, dân tộc Mường ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) giải thích: "Vào mùa giáp hạt, nhiều nhà không có tiền để giải quyết các công việc đột xuất như có người ốm đau, tang chay, cưới hỏi… nên phải đi vay tiền bên ngoài, chủ yếu là các tiểu thương chuyên nghề cho vay, hay các hiệu cầm đồ. Thời gian vay tính trong năm, thường thì cứ vay số tiền quy đổi thành một tạ thóc tại thời điểm vay, đến mùa trả thành tạ rưỡi; hai tạ thành ba; ba thành bốn rưỡi… Đến mùa, chủ nợ ra tận ruộng để thu thóc. Đây là kiểu cho vay "cắt cổ", nhiều nhà cứ năm này lại nợ nần đeo đuổi sang năm sau".

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp thị của những cửa hàng cầm đồ, nhóm cho vay tài chính cũng đã len lỏi vào các thôn xóm bản làng vùng cao, với những tờ quảng cáo cho vay trả góp, cho vay nhanh không thế chấp, vay tiền chỉ cần chứng minh thư nhân dân… được dán trắng các nơi. 

Lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, tâm lý nhẹ dạ, cả tin của người dân, các nhóm tín dụng đen đã thành công trong việc mời chào họ vay tiền với lãi suất cao, hoặc việc tổ chức "bốc bát họ", "chơi phường"… khiến nhiều người mắc nợ, dẫn đến kết cục phải gán nương rẫy, lương thực, gia súc, gia cầm cho các chủ nợ. 

Bà Hà Thị Kim ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) kể: "Mấy năm trước, do cần tiền để đầu tư chăn nuôi, tôi có vay ở một hiệu cầm đồ trong thị xã Nghĩa Lộ số tiền 30 triệu đồng. Trên giấy vay nợ không ghi lãi suất, không cần thế chấp gì. 

Sau đó, do làm ăn thua lỗ, gia súc gia cầm chết bệnh nên tôi không trả nợ được, vì số tiền gốc và tiền lãi cộng dồn đã lên đến cả trăm triệu đồng. Thấy tôi sai hẹn, chủ nợ đã kéo đông người đến nhà tôi uy hiếp, đe dọa để buộc tôi phải trả tiền. Về sau chịu không nổi, tôi đã phải bán ruộng đất đi để trang trải nợ nần".

Nhận diện nguy cơ

Theo ông Đỗ Thái Trung - (Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), tín dụng "đen" là hoạt động huy động vốn và cho vay tín dụng với lãi suất rất cao, căn cứ vào thời hạn vay, số tiền vay, không thông qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, không được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Chủ thể cho vay tín dụng "đen" là cá nhân hay một nhóm người không được cấp phép hoạt động tín dụng. 

Nông dân miền núi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Lãi suất huy động và cho vay cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng. Lãi suất tín dụng "đen" phụ thuộc vào các hình thức vay, như vay nóng (thời hạn vay ngắn, tính bằng ngày, lãi suất thường từ 7-15%/tháng); vay nguội (thời hạn vay dài, tính bằng tháng, quý, năm, lãi suất từ 3-5%/tháng), lãi suất hiện nay phổ biến trong khoảng từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (khoảng 109,5 đến 182,5%/1 năm). 

Thủ tục cho vay tín dụng "đen" rất nhanh, không cần bất cứ điều kiện đảm bảo nào (như không cần tài sản thế chấp, không cần biết về năng lực trả nợ của người vay…); thường giải ngân trong khoảng thời gian ngắn; thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch thường bằng một bản hợp đồng hoặc giấy vay tiền viết tay, có khi là thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản; không tuân thủ những quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như thủ tục trong giao dịch dân sự về cho, mượn, vay, tặng…). 

Trên giấy vay tiền, thường không ghi lãi suất, phương thức tính lãi, hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn so với thực tế cho vay để "lách" luật.

Chủ động phòng tránh

Bàn luận về vấn nạn tín dụng đen tại vùng nông thôn miền núi, Thượng tá Nguyễn Chí Dân (Công an tỉnh Yên Bái) cho rằng do nhiều nguyên nhân khác nhau như việc người dân khó tiếp cận các nguồn vốn vay, thiếu hiểu biết về bản chất của tín dụng đen, nhất là thiếu các kỹ năng kiểm soát chi tiêu tài chính, thiếu cân nhắc khi quyết định vay tiền và tìm kiếm các đơn vị cho vay an toàn. 

Do đó, để đẩy lùi vấn nạn này, bên cạnh sự ra quân quyết liệt của lực lượng Công an, tập trung đấu tranh triệt xóa các băng nhóm hoạt động kinh doanh tín dụng đen, đòi nợ thuê, thì cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Chẳng hạn như ngành ngân hàng cần có những chính sách, biện pháp chủ động tiếp cận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở rẻo cao. Ngành thông tin văn hóa cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về pháp luật trong lĩnh vực tín dụng.

Về phía người dân, ông Dân khuyến cáo nên cân nhắc kỹ lý do vay tiền. Khi đã chót "vướng" vào vay tín dụng "đen", cần xác định rằng việc bắt đầu trả nợ càng sớm thì càng nhanh chóng thoát khỏi nợ nần. Ngược lại, càng để lâu thì lãi suất càng cao và số tiền phải trả càng lớn. 

Vì thế cần cân đối thu chi, nên sớm có kế hoạch cho việc trả nợ thật chi tiết, như liệt kê các khoản nợ và những việc cần làm để giải quyết nợ nần. Cần nghiêm khắc với bản thân, tự ép mình "thắt lưng buộc bụng" để tiết kiệm tiền trả nợ, tự giác thắt chặt chi tiêu cho đến khi hoàn tất việc trả nợ, ngừng ngay lập tức việc mua sắm, chi phí vào các "tiêu sản" - (những đồ vật không làm gia tăng tài sản, mà chỉ mất đi giá trị theo thời gian sử dụng), kiên quyết loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết, các món hàng xa xỉ… 

Hàng tháng nên chủ động tích cóp tiền cho việc trả nợ, để thành khoản riêng không chi dùng đến số tiền này dù với bất kỳ lý do nào. 

Tránh xa các trò đỏ đen, cầu may" như mua vé số, chơi đề đóm, cá độ... với hy vọng có nguồn trả nợ. Cũng không nên vay nặng lãi để trả nợ, vì vay lãi cao để trả một khoản nợ trước đó, sẽ nhanh chóng đẩy mình vào tình trạng kiệt quệ và đối mặt với nạn đòi nợ thuê trái pháp luật. Để sớm thoát khỏi tín dụng "đen", cần kêu gọi sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè. Bằng cách huy động khoản tiền từ người thân, mỗi người một chút, có thể làm giảm tải áp lực trả nợ đến hạn. Vay của người thân với số lượng vừa phải, sẽ có thời gian để thu xếp trả dần sau.

Đòi nợ thuê bằng những biện pháp trái pháp luật luôn xảy ra ở những nơi vấn nạn tín dụng "đen" hoành hành. Với nhiều thủ đoạn độc địa, các nhóm đòi nợ thuê theo kiểu "xã hội đen" luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người.

Theo Thiếu tá Lê Minh Hải (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội), để chủ động phòng tránh nguy cơ bị đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, người vay phải có ý thức, trách nhiệm đối với khoản vay của mình, sử dụng tài sản vay một cách hợp pháp, đúng mục đích và có kế hoạch trả nợ. Tự giác thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Bên cho vay theo đúng cam kết. Không được thoái thác, trốn tránh trách nhiệm trả nợ. 

Trong trường hợp đến hạn trả nợ mà không có điều kiện trả, người vay cần chủ động trao đổi, thương thảo với chủ nợ về lộ trình thanh toán nợ gốc và lãi. Kinh nghiệm dân gian xử lý nợ nần đó là: "Công nợ trả dần, cháo húp vùng quanh". Việc chia nhỏ khoản nợ thành nhiều phần để thanh toán trong những khoảng thời gian nhất định, làm giảm áp lực và có khả năng thực hiện.

"Trường hợp bị chủ nợ hoặc người khác được thuê đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, người vay cần hiểu rằng bản thân vẫn có quyền được pháp luật bảo vệ khỏi tội phạm, có quyền làm đơn trình báo sự việc với cơ quan Công an, đề nghị bảo vệ quyền lợi của mình và sự an toàn cho gia đình. Khi trình báo với cơ quan chức năng, kèm theo đơn người vay cần cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh tội phạm. Trong những tình huống khẩn cấp như bị xã hội đen vây nhà, ném chất bẩn, bắt người, hành hung… Bên vay hoặc người nhà của họ cần gọi điện báo án với lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, Công an cơ sở để kịp thời can thiệp, trấn áp tội phạm. Khi sự việc chưa được giải quyết rốt ráo, cần cảnh giác với những lời đe dọa, không được coi thường nguy cơ nào. Khi xuất hiện thông tin đe dọa, cần chủ động gặp người cho vay để giãn nợ nếu chưa có điều kiện trả nợ, tuyệt đối không trốn tránh, thách thức chủ nợ" - Thiếu tá Hải tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.