Cần nghiêm khắc với hành vi coi thường pháp luật của một số đối tượng ở Đồng Tâm

Thứ Hai, 07/09/2020, 17:25
Theo dự kiến, ngày 7-9, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử các bị can trong vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9-1 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Trong vụ án này có 29 bị can bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố với 2 tội danh “Giết người” và "Chống người thi hành công vụ".

Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng trong vụ án đã coi thường pháp luật, bất chấp hòa giải, đối thoại của chính quyền các cấp, tìm mọi cách chống đối, chuẩn bị lựu đạn, vũ khí tự chế và đỉnh điểm là chủ động tấn công lực lượng chức năng khi triển khai phương án để bảo vệ lực lượng quân đội xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn.

Từ khiếu kiện đơn thuần đến tổ chức hoạt động gây mất ANTT

Lê Đình Kình sinh năm 1936, ở tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Từ năm 1967-1982, Lê Đình Kình đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo tại xã Đồng Tâm: Phó Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã. Tuy nhiên, đến cuối năm 1982, tại đại hội đảng bộ xã, Lê Đình Kình không trúng cử vào Ban Chấp hành đảng bộ nên không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo xã. Từ tháng 1-1983 đến tháng 5-1987, Lê Đình Kình được phân công làm Thư ký Văn phòng UBND xã cho đến hết tuổi công tác.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, từ năm 2013, một số đối tượng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã thành lập “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình, con trai là Lê Đình Công sinh năm 1964 và Bùi Viết Hiểu sinh năm 1943, trú tại xóm 4, thôn Hoành, xã Đồng Tâm cầm đầu. Các đối tượng thường xuyên lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện phức tạp về quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm.

Hung khí của các đối tượng bị tịch thu trong vụ việc ở Đồng Tâm.

Trong khi đó, bản thân Lê Đình Kình và Bùi Viết Hiểu, nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982 đã tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện UBND xã Đồng Tâm và Bộ Tư lệnh Công binh nên biết rõ nguồn gốc đất ở cánh đồng Sênh đã được bàn giao và là đất quốc phòng. Tuy nhiên, Lê Đình Kình cùng Bùi Viết Hiểu và đồng bọn vẫn tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm. Đồng thời, kêu gọi người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đấu tranh để giữ đất; hứa lấy lại được đất thì sẽ chia cho những người tham gia đòi đất và đi theo “Tổ đồng thuận”.

Để thực hiện mục đích này, các bị can trong nhóm chủ mưu, cầm đầu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân trong xã để lôi kéo, kích động khiếu kiện về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền các cấp; đồng thời hứa hẹn, ai tham gia “Tổ đồng thuận” thì khi đòi được đất sẽ được chia đất theo nhân khẩu... Lời khai của một số bị can bị bắt giữ trong vụ án đã cho thấy sự tha hóa của Lê Đình Kình. Rồi vì động cơ cá nhân dẫn đến hoạt động tập hợp lực lượng, chống chính quyền.

Bị can Mai Thị Phần cho biết: “Ông Kình hứa hẹn với người dân, đất trên đấy là đất ruộng, bán mỗi mét vuông được 6 triệu đồng. Đất là của mình cứ đi mà đòi, đòi được mỗi người được chia 24 mét vuông. Còn nếu ai không đi thì không được chia đất. Ông Kình trước là cán bộ mà nói thế thì chúng tôi cứ theo thôi...”.

Bị can Đào Thị Kim nói: “Những năm 1980, tranh chấp đất ông ấy đang đương thời, bọn em tin là ông ấy biết rõ nguồn gốc đất nên cứ theo ông ấy. Em thì do thiếu hiểu biết, lúc ấy chỉ lo mất đất nên nghe ông Kình, anh Công nói thế là bọn em cứ theo thôi”. Bị can Lê Đình Quân khai nhận: “Em không biết gì cả, nghe ông Công nói là chống tham nhũng thì em theo thôi. Em bị lôi kéo nên mới vi phạm pháp luật”.

Trong quá trình Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel triển khai thi công dự án quốc phòng, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình đứng đầu thường xuyên tập trung tại khu đất 32,75 ha tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp, tự ý canh tác, gieo trồng ngô trên khu vực này gây cản trở đến hoạt động xây dựng dự án. Ngày 28-2-2017, UBND xã Đồng Tâm đã ban hành Thông báo số 07/TB-UBND yêu cầu công dân trong xã không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công việc của đơn vị quân đội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH ở địa phương.

Trước tình hình trên, vào các ngày 1-3-2017 và 7-3-2017, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức đã cử 2 đoàn công tác đến làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm để giải quyết tình hình ANTT tại địa phương. Khi cuộc họp diễn ra, các đối tượng do Lê Đình Công cầm đầu kéo đến trụ sở UBND xã Đồng Tâm để tập trung đông người sau đó xông vào phòng họp chửi bới, lăng mạ các thành viên trong đoàn công tác và cán bộ xã Đồng Tâm, khiến cuộc họp phải dừng lại. Khi đoàn công tác ra về, một số đối tượng chặn đầu xe, giả vờ ngất và hô hoán bị xe công an đâm để kích động các đối tượng khác. Một số trường hợp còn nhảy lên nắp capo xe và chửi bới, không cho xe của đoàn công tác về.

Ngày 15-4-2017, khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thi hành lệnh bắt giữ 4 đối tượng gồm Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba và Nguyễn Văn Doanh trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng tại địa bàn xã Đồng Tâm, Mỹ Đức vào ngày 1-3-2017 và 7-3-2017”, các đối tượng đã chống đối quyết liệt, đập phá nhiều xe ô tô của lực lượng chức năng; bắt giữ trái pháp luật 34 CBCS của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và 4 cán bộ Huyện ủy, Công an huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ đi ngang qua, không liên quan đến vụ việc; bố trí lực lượng canh gác, chặn các ngả đường đi vào thôn Hoành. Quá trình giam giữ trái pháp luật 38 CBCS, các đối tượng liên tục có các hành vi manh động để gây áp lực, uy hiếp tinh thần cán bộ như đổ xăng quanh nơi giam giữ và đe dọa châm lửa đốt...

Ngày 19-4-2017, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP Hà Nội, thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Ngày 19-7-2017, Thanh tra TP Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra số 2346 kết luận “Sân bay Miếu Môn diện tích 236,7 ha, trong đó có 64,03 ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm đều là đất quốc phòng” và đã phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức, tổ chức đối thoại nhiều lần về các nội dung trong kết luận thanh tra.

Lê Đình Công, Bùi Viết Hiếu, Mai Thị Phần, Nguyễn Quốc Tiến và Nguyễn Văn Tuyển.

Sau khi được thông báo về kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” không đồng ý với nội dung bản kết luận thanh tra. Một mặt các đối tượng tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ do Lê Đình Kình đứng đầu đơn, mặt khác các đối tượng thực hiện hàng loạt hoạt động tuyên truyền, kích động nhân dân chống đối lại các hoạt động của chính quyền xã Đồng Tâm, đe dọa, uy hiếp tinh thần, xâm phạm sức khỏe của cán bộ xã Đồng Tâm, khiến cho cán bộ và nhân dân hoang mang, lo sợ; hệ thống chính trị bị tê liệt.

Ngày 25-4-2019, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP về việc rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra ngày 19-7-2017. Sau khi nhận được thông báo, các đối tượng trên đã chuẩn bị vũ khí, công cụ, phương tiện để chống đối lực lượng chức năng nếu về cưỡng chế thu hồi đất tại đồng Sênh.

Động cơ cá nhân dẫn đến hoạt động tập hợp lực lượng, chống chính quyền

Từ việc khiếu kiện đơn thuần, Lê Đình Kình và các đối tượng trong vụ án đã có các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, tổ chức, thực hiện các hoạt động gây mất ANTT, vi phạm pháp luật; lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân có hoạt động chống đối. Từ tháng 11-2019, số đối tượng cầm đầu đã bàn bạc, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể từng người, vận động một số người dân đóng góp tiền để mua lựu đạn, xăng để làm bom xăng, bình gas, pháo nổ, tuýp sắt có gắn dao bầu, tích trữ gạch đá...

Tất cả các loại vũ khí, hung khí này được tập trung về nhà đối tượng Lê Đình Kình, Lê Đình Hợi, Lê Đình Chức... nhằm mục đích tấn công, sát hại lực lượng Công an đến làm nhiệm vụ. Bị can Nguyễn Quốc Tiến cho biết: “Em đang ở nhà thì anh Tuyển, anh Công đến và bảo em mua lựu đạn. Hai anh bảo em mua 10 quả. Mấy hôm sau em tìm trên mạng, gọi đặt hàng 10 quả, người bán hướng dẫn em mua sim rác. Sau đó em mua 10 quả với giá 30 triệu. Anh Công đưa cho em 31 triệu...”.

Bị can Lê Đình Doanh khai: “Vào khoảng mùng 1-2, ông em có gọi em và đưa 500 nghìn đồng bảo em mua chục con dao về. Khi mua về, em để dưới nhà ngang và bảo ông là cháu đã mua được dao rồi. Ông em bảo, cầm xuống nhà Hòa hàn tuýp sắt vào. Còn việc chuẩn bị xăng, gạch thì em không biết gì”. Bị can Trần Thị La khai nhận: “Nguyễn Văn Tuyển nhờ em đi chở 10 vỏ chai về, anh Công thì bảo mấy người khác đi nhặt đất đá. Em tham gia cắt giẻ làm nút chai bom xăng”.

Rạng sáng ngày 9-1, theo kế hoạch, lực lượng Công an vào thôn Hoành để bảo vệ an toàn cho lực lượng tham gia xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Khi lực lượng Công an đến cổng thôn Hoành, bị can Bùi Văn Niên, Lê Đình Quân đã báo động bằng kẻng... Bị can Lê Đình Uy, Nguyễn Quốc Tiến bắn pháo hiệu và bắn pháo về phía lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Trước sự ngông cuồng của các đối tượng, lực lượng chức năng đã sử dụng loa phóng thanh kêu gọi chấm dứt ngay các hành vi vi phạm và đầu thú. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn chủ động sử dụng lựu đạn, bom xăng, gạch đá, dao phóng... quyết liệt tấn công từ mái nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức... Hành vi manh động của các đối tượng đã khiến 3 chiến sĩ công an hi sinh.

Lực lượng chức năng tổ chức trấn áp, bắt giữ được hàng chục đối tượng. Đối tượng Lê Đình Kình tử vong khi tay phải vẫn cầm 1 quả lựu đạn... Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đều khai nhận hành vi phạm tội và ăn năn, hối cải. Căn cứ hành vi phạm tội, lời khai của người liên quan, người chứng kiến và các tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đã khởi tố bị can 29 đối tượng về hành vi giết người và chống người thi hành công vụ; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố theo quy định của pháp luật.

Bị can Lê Đình Công khai nhận: “Liên quan đến đất thì đúng là tôi, ông Bùi Viết Hiểu và ông Nguyễn Văn Tuyển là chủ mưu cầm đầu, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ. Đến ngày 9-1 xảy ra vụ án như vậy, bị can rất hối hận, đặc biệt là hối hận về sự hi sinh của 3 chiến sĩ công an. Chúng tôi đã thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra”. Bị can Nguyễn Văn Tuyển tỏ ra ăn năn, xin lỗi gia đình các CBCS đã hi sinh tại Đồng Tâm và mong muốn được Đảng, Nhà nước tha thứ.

Với lời khai trên của các đối tượng cho thấy việc trấn áp hành vi phạm tội quả tang thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc trấn áp là biện pháp duy nhất và cấp thiết để ngăn chặn kịp thời các hành vi đặc biệt nghiêm trọng, manh động, quá khích của các đối tượng, thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT.

Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an TP đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, chính quyền địa phương cùng các đơn vị có liên quan tiến hành các hoạt động điều tra đúng theo quy định của pháp luật. Quá trình tiến hành điều tra đều đảm bảo đúng người, đúng tội, khách quan, toàn diện, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP, hoạt động của hệ thống chính quyền xã Đồng Tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương xã Đồng Tâm đã củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và vận động quần chúng ổn định tình hình, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại cơ sở...

UBND xã Đồng Tâm đang triển khai các hạng mục đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; quan tâm chăm lo hỗ trợ các gia đình thuộc diện chính sách... Hầu hết nhân dân địa phương đều tin tưởng và ủng hộ hoạt động của bộ máy chính quyền, yên tâm lao động sản xuất. Cuộc sống của người dân trên địa bàn đã bình yên trở lại.

Xuân Mai
.
.