Cảnh giác trước chiêu trò bán số lô, số đề để chiếm đoạt tài sản

Chủ Nhật, 14/03/2021, 09:52
Công an TP Thanh Hóa vừa phá chuyên án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” quy mô lớn thông qua hình thức bán số lô, số đề qua mạng xã hội, bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ nhiều phương tiện, tang vật có liên quan.

Vì ham đỏ - đen và dễ dàng tin tưởng vào những lời quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều người ở nhiều địa phương đã bị các đối tượng lừa đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Có người lâm vào cảnh tán gia, bại sản, gia đình lục đục vì vừa mất tiền, vừa bị mang tiếng xấu vì ham mê lô, đề, cờ bạc...

Mất gần 150 triệu đồng vì mua số lô, đề qua mạng

Ngày 28-1-2021, chị C.T.L.,  ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa đến Cơ quan công an trình báo về việc bị các đối tượng hoạt động trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) lừa dưới hình thức mua bán khẩu trang để chiếm đoạt số tiền 141.200.000 đồng của chị. Quá trình xác minh vụ việc, xác định bị hại có biểu hiện gian dối nên Cơ quan công an đã động viên chị L. thành khẩn khai báo rõ sự việc.

Các đối tượng thường xuyên lên mạng xã hội đăng tin quảng cáo nhằm lừa đảo trục lợi.

Sau nhiều lần động viên, thuyết phục, chị L. cũng thành khẩn khai rõ sự việc là bị các đối tượng mua bán số lô, đề qua mạng xã hội lừa. Cụ thể, trong quá trình sử dụng Facebook, chị L. thấy có đăng tải nội dung liên quan đến việc cho số lô, số đề trúng thưởng với cam kết chính xác tới 100%. Bên cạnh đó các đối tượng còn cho chị xem trước bảng kết quả của “Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc” có dấu đỏ, chữ kí của lãnh đạo công ty, nên chị rất tin tưởng. 

Sau đó, chị L. đã liên hệ với số hotline trên các mẫu tin quảng cáo và chuyển số tiền 141.200.000 đồng cho các đối tượng qua số tài khoản chúng cung cấp. Đợi mãi không thấy các đối tượng này gửi số lô, số đề sẽ trúng cho chị, chị đã liên hệ nhiều lần nhưng không được và bị chúng chặn Facebook, Zalo và cắt mọi liên lạc với chị.

Biết mình bị lừa nên chị L. đã đến Cơ quan công an để trình báo sự việc. Tuy nhiên, do lo sợ vi phạm pháp luật và xấu hổ nên chị L. đã không thành khẩn khai báo đúng bản chất vụ việc, khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo của bị hại, Công an TP Thanh Hóa đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng trên. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các đối tượng này đều diễn ra trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Trong đó, các đối tượng hoạt động di động, thường xuyên thay đổi nơi ở tại các khu chung cư cao tầng, sử dụng tài khoản mạng ảo, tài khoản ngân hàng không chính chủ, sim rác để giao dịch. Khi thực hiện giao dịch xong thì các đối tượng sẽ chuyển tiền sang một số tài khoản khác để rút tiền tại các cây ATM và hủy sim, thẻ đã sử dụng.

Trung tá Đỗ Tân Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Thanh Hóa cho biết: “Cái khó nhất trong vụ án này là các đối tượng thường xuyên thay đổi nơi ở (là các căn hộ chung cư) ở Hà Nội và thay đổi phương thức hoạt động liên tục. Nhóm đối tượng này có sự phân công rất cụ thể, trong đó đối tượng cầm đầu chuyên sử dụng phần mềm Photoshop để chỉnh sửa bảng kết quả của các công ty sổ số kiến thiết sau đó đóng dấu giả của các công ty và chuyển cho một số đối tượng khác đăng tải thông tin lên mạng xã hội nhằm lôi kéo người chơi.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng này mua tài khoản ngân hàng của những người xa lạ cung cấp cho bị hại chuyển tiền vào, sau đó cử người bịt mặt đến các cây ATM để rút tiền chia nhau. Tuy nhiên, với quyết tâm phá án, làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này, chúng tôi đã cử các trinh sát có kinh nghiệm lần theo hoạt động của các đối tượng. Sau hơn 1 tháng bám sát, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện được căn cứ hoạt động của nhóm đối tượng này”.

Ngày 3-3-2021, tại một căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội, ban chuyên án bắt giữ các đối tượng: Trần Nhật Duật (sinh năm 1986), Trần Đình Phúc (sinh năm 2002), Nguyễn Thanh Cao (sinh năm 1999), Phạm Ngọc Bình (sinh năm 1996), đều trú tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; Vũ Trần Dũng, Nguyễn Khắc Đồng, Lê Đức Minh, đều sinh năm 2003 và trú tại tỉnh Phú Thọ.

Đối tượng Trần Nhật Duật, Trần Đình Phúc khai nhận tại Cơ quan điều tra và con dấu giả, bảng số lô, đề đã được chỉnh sửa, thông tin giả mạo  để đưa lên mạng.

Trong đó, Trần Nhật Duật và Trần Đình Phúc là 2 đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an thu giữ 12 điện thoại di động, 5 máy tính và nhiều thẻ sim, thẻ tài khoản các ngân hàng, 10 con dấu giả của Công ty Xổ số kiến thiết miền Bắc, Công ty Xổ số 3 miền và các thiết bị điện tử khác...

Quá trình đấu tranh, bước đầu các đối tượng đã khai nhận: Do cần tiền tiêu xài nên các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất với nhau chỉnh sửa kết quả, thông tin của công ty xổ số kiến thiết sau đó trực tiếp sử dụng máy tính, điện thoại đăng những thông tin giả mạo trên lên các tài khoản Facebook, Zalo ảo để quảng cáo, cung cấp số điện thoại hotline để dụ dỗ người chơi. Khi có người liên hệ, nhóm người này sẽ báo giá cho mỗi con số khi mua (mỗi loại số sẽ có các mệnh giá khác nhau). Người chơi phải chuyển khoản trước, khoảng 16h chiều các đối tượng sẽ chuyển số cho người chơi và thúc giục người chơi đánh to, đánh lớn.

Để tạo lòng tin cho bị hại, các đối tượng này còn đặt làm những con dấu giả của các công ty xổ số, giả mạo chữ ký của lãnh đạo công ty, bảng danh sách kết quả lô đề được đóng dấu mật, dấu cam kết từ nhà quay thưởng để gửi cho bị hại hoặc tung lên mạng xã hội. Khi người mua chuyển khoản xong thì chúng sẽ chặn Facebook, Zalo của họ, còn nếu ngẫu nhiên trúng thì các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển hoa hồng (hoặc 10%) giá trị giải thưởng đã trúng và tiếp tục với thủ đoạn trên.

Cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang”

Bước đầu, Công an TP Thanh Hóa đã làm rõ tổng số tiền giao dịch mà các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo là gần 500 triệu đồng. Đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Các đối tượng phạm tội bị Công an TP Thanh Hóa bắt giữ.

Trung tá Đỗ Tân Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Thanh Hóa cho biết thêm: “Những thông tin mà các đối tượng đăng tải hoàn toàn không có căn cứ, đã bị chỉnh sửa để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin. Đây là loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả rất nghiêm trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng. Không những thế, hoạt động của các đối tượng còn cổ xúy cho tệ nạn đánh bạc, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự. 

Bên cạnh đó, để dễ dàng thực hiện được hành vi của mình, các đối tượng này còn phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” để tạo dựng lòng tin, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Hành vi này đã làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan, tổ chức, các cá nhân của các cơ quan này hoạt động theo đúng quy của pháp luật. Nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ để lại hậu quả lớn về kinh tế, uy tín của các cơ quan, tổ chức mà các đối tượng này giả danh.

Thực tế, hiện nay trên các trang mạng xã hội có rất nhiều đối tượng mua bán, lừa đảo số lô, số đề với nhiều chiêu trò quảng cáo, mời chào hấp dẫn và thu hút số lượng lớn người sử dụng mạng xã hội tham gia. Nếu người dùng mạng xã hội thiếu cảnh giác, ham đỏ - đen thì sẽ rất dễ sa vào bẫy của bọn chúng. Trong khi đó, những nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền không biết kêu ai vì sợ bị tai tiếng cũng như sợ bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ án này cũng là bài học cho tất cả mọi người để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng tội phạm công nghệ mạng hiện nay, tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”. Bởi thực tế cho thấy, nếu các đối tượng biết trước được kết quả thì họ đã đánh to, thắng lớn, không cần phải đi mời chào bán kết quả để kiếm lời vài triệu đồng như vậy.

Đình Hợp
.
.