Cảnh giác với “bạn” đường xa…

Chủ Nhật, 11/10/2020, 11:58
Nửa đêm, điện thoại đổ chuông, linh cảm lành ít dữ nhiều, tôi vơ lấy máy nghe. Ở đầu dây, Tuấn gấp gáp kể rằng vợ anh đi xe khách liên tỉnh, bị một kẻ đi cùng xe đánh "thuốc" đến mê man bất tỉnh. Đến bến, thấy khách rũ như tàu lá, nhà xe liền đưa vào bệnh viện cấp cứu.


Sợi dây chuyền, chiếc nhẫn vàng cùng đồng hồ trên vợ anh đã biến mất. Cướp tài sản bằng cách sử dụng độc chất, thuốc mê, thuốc ngủ không còn là chuyện mới, nhưng đang diễn biến khá phức tạp trên các chuyến xe khách thời gian gần đây. Nhận diện thủ đoạn phạm tội để cảnh giác trên hành trình đường xa, là điều mọi người cần biết. 

Thủ đoạn nguy hiểm

Từng có nhiều năm giữ chức vụ Đội trưởng Đội phòng chống cướp, cướp giật của phòng CSHS - Công an TP Hà Nội, Thượng tá Ngô Minh An cho biết cướp tài sản là hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, bởi cùng lúc xâm hại, đe dọa xâm hại 2 quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ và quyền sở hữu tài sản. 

Theo ông An, kẻ phạm tội cướp có thể dùng vũ lực, đe dọa ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhằm chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, hành vi khác phổ biến là đầu độc nạn nhân bằng độc chất, hoặc các dược chất như thuốc gây mê, thuốc ngủ. 

Khi vô tình hít phải, tiếp xúc, hoặc sử dụng thực phẩm bị tẩm các hoá chất này, nạn nhân sẽ lâm vào trạng thái mê mệt, mất khả năng tri giác, không còn khả năng nhận biết thế giới xung quanh trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu hấp thụ độc chất, dược chất nói trên với nồng độ, hàm lượng cao, còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Nhân cơ hội nạn nhân bất tỉnh, kẻ phạm tội chiếm đoạt tài sản của họ. Thủ đoạn cướp bằng độc chất, dược chất không mới, nhưng thời gian gần đây đang rộ lên tại nhiều địa phương trong cả nước. Địa điểm xảy ra chủ yếu tại các nơi công cộng và trên xe khách tuyến đường dài.

Mới đây, một vụ cướp đầu độc được phát giác kịp thời trên xe khách đã làm "lộ sáng" thủ đoạn phạm tội nguy hiểm này. Nguyễn Hòa (59 tuổi, trú tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vốn là kẻ bất hảo, từng có tiền án 9 năm tù giam. 

Mãn hạn tù từ tháng 12/2016, nhưng Hoà không kiếm tìm công việc làm ăn lương thiện, mà tiếp tục phạm tội để kiếm tiền tiêu xài và trả nợ. Thủ đoạn của gã là ra các bến xe khách, quan sát những người phụ nữ có đeo nữ trang để tiếp cận, mua vé xe đi cùng rồi thừa cơ đánh thuốc mê cướp vàng. 

Tên cướp Nguyễn Hòa bị Công an thành phố Cần Thơ bắt giữ.

Sáng 25/9, Hoà đến bến xe Năm Căn (Cà Mau) "tăm tia", kiếm tìm "con mồi". Tại đây, Hoà thấy bà L.T.L. (64 tuổi, ở ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) ra bến xe Năm Căn mua vé đi Bến Tre, có đeo nhiều nữ trang trên người. Lập tức Hoà mua vé lên xe, ngồi phía sau ghế của bà L. 

Khi lên xe, Hoà chủ động bắt chuyện làm quen rồi liên tục hỏi thăm bà L. về chuyện làm ăn, gia đình. Ban đầu bà L. còn chút e ngại khi tiếp xúc với người lạ, nhưng trong hành trình đường dài, bà cũng mở lời nói chuyện qua lại cho vui để "giết" thời gian.

Khi xe ghé trạm dừng chân tại Sóc Trăng, bà L. đi vệ sinh, còn Hoà vào mua 3 lon nước yến, rồi lén lấy thuốc mê đã chuẩn bị sẵn bỏ vào một lon. Khi xe tiếp tục chuyển bánh, Hoà lấy lon nước yến đã pha thuốc mê mời bà L. uống. Thấy người đàn ông đi xe cùng mình tốt bụng, bà L. không nghi ngờ, cầm lon nước yến uống hết. 

Sau khi uống, bà cảm thấy buồn ngủ rồi rơi vào trạng thái mê man. Nhân cơ hội này, Hoà liền tiến lại gần tháo sợi dây chuyền 5 chỉ vàng 18k trên cổ nạn nhân. Tuy nhiên, do sợi dây chuyền bị vướng áo nên gã không lấy được. Hoà tiếp tục gỡ chiếc nhẫn trên tay bà L, nhưng do chiếc nhẫn quá chật nên cũng không lấy được. 

Đúng lúc đó, hành khách trên xe nhìn thấy liền tri hô. Bị phát hiện, Hoà chối cãi rồi tìm cách tẩu thoát, nhưng tài xế đã nhanh chóng đóng cửa xe và cùng hành khách khống chế Hoà, đưa thẳng vào trụ sở Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an TP Cần Thơ để trình báo và bàn giao Hoà cho Công an. Qua đấu tranh, Hoà đã thừa nhận hành vi đánh thuốc mê nạn nhân để cướp tài sản.

Trước đó, vào sáng 23/9, Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã phát đi thông báo phòng ngừa đến các doanh nghiệp vận tải hành khách và người dân trên địa bàn tỉnh, cảnh báo thủ đoạn cướp bằng thuốc mê. Sự việc bắt đầu từ đơn trình báo của ông P.V.N. (sinh năm 1976, trú ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên). Theo đó, vào buổi chiều 26-8, ông N. rời TP Hồ Chí Minh bằng ôtô khách để về Phú Yên. 

Ông N. có vé giường nằm A12, nằm ở giường số B12, kế bên ông N. là một người đàn ông chừng 60 tuổi. Người này tỏ ra cởi mở, chủ động bắt quen với ông. Buổi tối cùng ngày, khi xe dừng lại ở một quán cơm thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, thì người bạn đồng hành mời ông N. một lon nước yến. 

Do chủ quan, ông N. đã uống lon nước này và lâm vào trạng thái mệt mỏi, rồi lịm đi rất nhanh.  Khoảng 4 giờ sáng 27/8, xe về tới Phú Yên, nhà xe phát hiện ông N. đang trong tình trạng hôn mê sâu, trong khi người nằm ở giường B12 đã xuống xe trước đó rất lâu. Ông N. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu. Khi tỉnh lại, ông phát hiện chiếc lắc đeo cổ tay cùng sợi dây chuyền bằng vàng 18K, tổng trị giá 75 triệu đồng đã "bốc hơi".

Đối tượng Lê Văn Bắc bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ.

Đầu năm 2020, đối tượng Lê Văn Bắc (63 tuổi, thuê trọ tại KCN Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ về hành vi cướp tài sản bằng thủ đoạn dùng thuốc mê đầu độc hành khách trên xe. Đó là kết quả đấu tranh chuyên án từ đơn trình báo của ông H.V.T. (64 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh).

Kết quả điều tra xác định, tối 9/12/2019 Bắc đến nhà xe P.T. ở bến xe Miền Đông đặt vé đi Đà Lạt theo chuyến 23h30. Tại phòng chờ, thấy ông H.V.T. cũng đang mua vé đi TP Đà Lạt cùng chuyến, trên tay đeo chiếc nhẫn to, Bắc quyết định sẽ đánh thuốc ngủ ông T. để cướp tài sản nên ra chỗ vắng nghiền nát thuốc ngủ mang sẵn trong người. 

Khi xe đến trạm dừng nghỉ, Bắc bắt chuyện làm quen với ông T. rồi mua hai lon nước yến, bí mật đổ thuốc ngủ đã nghiền nát vào một lon và mời ông T. uống. Khi xe đến Bến xe liên tỉnh Đà Lạt, Bắc lay ông T. để kiểm tra xem ông T. đã ngấm thuốc chưa. Thấy ông T. không có phản ứng, Bắc tháo chiếc nhẫn 5 chỉ vàng của nạn nhân rồi bỏ trốn xuống TP Hồ Chí Minh, bán chiếc nhẫn được hơn 19 triệu đồng và đánh bạc thua hết ngay trong đêm 10-12. Ông T bị mê man bất tỉnh, được nhà xe đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu…

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ cướp đầu độc đã xảy ra trong thời gian gần đây. Hậu quả của các vụ phạm tội đều rất nghiêm trọng, ngoài việc bị chiếm đoạt số tư trang có giá trị cao, các nạn nhân còn nguy hiểm đến sức khoẻ. Hiện nay, những khó khăn trong đời sống trong bối cảnh mà nền kinh tế đã "ngấm đòn" từ đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động bị đẩy ra đường… khiến tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp. Số vụ phạm tội xâm phạm sở hữu, trong đó tội cướp tài sản với các thủ đoạn khác nhau đang gia tăng, gây hoang mang dư luận.

Cơ chế hành vi phạm tội

Theo Thượng tá An, trong cơ chế của hành vi phạm tội cướp tài sản bằng thủ đoạn đầu độc thuốc ngủ, thuốc mê đang liên tiếp xảy ra gần đây, nạn nhân có vai trò quan trọng trong việc làm cho kẻ phạm tội nảy sinh ý định phạm tội, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc gây án của đối tượng được dễ dàng hơn. Đó chính là những sơ hở, chủ quan, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của họ, khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng. "Có thể thấy nạn nhân trong các vụ án cướp bằng thuốc mê, thuốc ngủ, đều có những đặc điểm như: mang theo nhiều đồ trang sức quý, có giá trị kinh tế cao. 

Một đối tượng được cho là đánh thuốc mê, cướp tài sản trên xe khách bị camera ghi lại Ảnh cắt từ clip.

Do đó, khi đập vào mắt kẻ phạm tội, sẽ kích thích lòng tham của chúng trỗi dậy, hình thành ý định chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, nạn nhân lại thiếu sự tỉnh táo, cảnh giác cần thiết khi tiếp xúc công cộng. Họ đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm khi kết bạn, ăn uống những vật phẩm mà bạn đồng hành trên các tuyến xe đưa cho mà không mảy may nghi ngờ. Điều này đã tạo ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi để kẻ phạm tội thực hiện hành vi cướp bằng thủ đoạn đầu độc trở nên dễ dàng hơn" - ông An phân tích.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà nghiên cứu tội phạm học nổi tiếng: "Nếu kẻ phạm tội là con thú dữ, thì nạn nhân đã giúp hắn trong việc tự biến mình thành con mồi". Liên hệ với các vụ án cướp đầu độc trên xe, có thể thấy chính các nạn nhân đã "lôi" tội phạm đến với mình, thông qua việc mang trên người nhiều đồ trang sức quý.

Bên cạnh đó, chính họ cũng tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, khi sử dụng những vật phẩm do người không quen biết đưa cho.

Bài học cảnh giác

Khi đã nhận diện được nguyên nhân làm phát sinh hành vi phạm tội này, thì giải pháp phòng ngừa chủ động tối quan trọng, đó là mỗi người dân cần phải tự mình nâng cao cảnh giác khi tham gia vào các hoạt động tại địa điểm công cộng, hay trên các tuyến xe khách đường dài. Kẻ gian luôn nhằm vào những người có mang trên mình những tài sản có giá trị cao, gọn nhỏ, dễ chiếm đoạt và cất giấu… Do đó khi ra đường, mọi người, nhất là chị em phụ nữ không nên trưng ra những món trang sức quý. Đồng thời, cần phải cảnh giác cao độ khi có người lạ đến bắt quen, hỏi chuyện, nhờ giúp đỡ… 

Tội phạm thường theo dõi nạn nhân từ bến xe khách liên tỉnh.

Bọn tội phạm vì muốn nạn nhân tin tưởng mình, để có điều kiện ra tay chiếm đoạt tài sản, đều rất cố gắng bắt quen. Chúng luôn tỏ ra thân thiện, cởi mở, gần gũi, biết cách nói chuyện lôi cuốn… để từng bước lấy lòng tin của nạn nhân. Trong khi đó, những người lương thiện thường không có những biểu hiện này với bạn đồng hành. Đây chính là một đặc điểm quan trọng để có thể nhận biết những tên cướp trong vỏ bọc bạn đường xa. 

Đặc biệt, mọi người cần nhớ một nguyên tắc quan trọng trong ứng xử tại nơi công cộng hay trên phương tiện giao thông công cộng, đó là không dễ làm theo đề nghị của người lạ, đề cao cảnh giác tuyệt đối, không sử dụng những đồ ăn, thức uống mà họ đưa cho. Tại các nhà xe, nên trang bị lắp đặt máy camera an ninh để lưu giữ hình ảnh hành khách, vị trí ngồi, nằm trong xe, để phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng khi có tội phạm xảy ra.

Đào Trung Hiếu
.
.