Cảnh giác với bẫy lừa xuất khẩu lao động

Thứ Ba, 10/05/2016, 18:00
Mặc dù công ty không có chức năng đưa người đi lao động tại nước ngoài nhưng Nguyễn Quang Thuân (40 tuổi, ngụ TP Hải Phòng), Chủ tịch hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH N&D Việt Nam (gọi tắt Công ty N&D), vẫn đăng tin trên mạng tuyển người đi lao động ở Australia với mức lương hấp dẫn.

Có không ít người lao động "sập bẫy lừa" và Thuân đã "ôm" tiền lừa đảo được rồi "biến mất". Cuối tháng 4-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP HCM đề nghị truy tố Nguyễn Quang Thuân tội "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng bị lừa

Thành lập năm 2006, Công ty N&D (trụ sở tại TP Hải Phòng) có các chức năng: kinh doanh bất động sản, xây dựng, vận tải, xuất nhập khẩu, thời trang, tin học, dịch vụ việc làm... Mặc dù trên giấy phép không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhưng tháng 3-2008, Thuân vẫn đăng trên nhiều trang web tuyển người đi lao động phổ thông tại Australia, thời hạn 5 năm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng.

Người lao động sau khi sang Australia sẽ làm việc 8h/ngày, một tuần làm việc 5 ngày. Công việc gồm: làm nông tại các nông trại, làm nhân viên siêu thị hoặc nhân viên văn phòng. Mức lương được nhận sẽ là 2.300 - 3.000 USD/tháng.

Nguyễn Quang Thuân (giữa) tại tòa.

Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ ăn trưa, có nhà ở và được hưởng bảo hiểm y tế, an sinh xã hội của Australia. Đơn vị đưa người XKLĐ là Công ty N&D và đơn vị tiếp nhận lao động là Công ty TNHH siêu thị Kenmax tại Australia. Để củng cố thêm niềm tin cho người lao động, Thuân bịa ra rằng: Công ty TNHH siêu thị Kenmax là của vợ lãnh đạo Đại sứ Việt Nam tại Australia và Thuân là cháu và Thuân cùng Công ty Kenmax đã từng có mối quan hệ làm ăn nhiều lần trước đây.

Sau khi tìm hiểu các thông tin đăng tải trên mạng, cuối tháng 12-2008, ông Chung Trường Sơn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom tại TP HCM (gọi tắt là Chi nhánh Vietcom, trụ sở ở Q.Tân Bình) liên hệ với Thuân để làm dịch vụ cung ứng nhân lực XKLĐ đi Australia như thông tin quảng cáo. Thuân đồng ý cho Chi nhánh Công ty Vietcom tuyển nhân lực tại TP HCM và các tỉnh để cung ứng cho công ty N&D với chi phí trọn gói là 13.000USD/người.

Là doanh nghiệp có chức năng cung ứng nhân lực XKLĐ, thấy việc hợp tác này có lãi lớn vì người lao động sẵn sàng chi từ 17-19.000USD để được đi xuất khẩu lao động tại Australia nên ông Sơn đã tích cực xúc tiến ký hợp đồng với Thuân.

Theo nội dung hợp đồng thì việc tuyển nhân lực đi XKLĐ tại Australia, Công ty N&D giao cho Chi nhánh Vietcom. Còn lại tất cả các thủ tục để bảo lãnh người lao động sang làm việc hợp pháp tại Australia thì Công ty N&D sẽ chịu trách nhiệm. Thời gian làm thủ tục nhận visa xuất cảnh là 4 tháng, tính từ ngày nhận hồ sơ. Tin tưởng, ông Sơn, đại diện Chi nhánh Vietcom tiến hành thông báo tuyển nhân lực.

Sau khi thông báo tuyển dụng được đăng tải, rất nhiều người lao động ở các tỉnh thành tới Chi nhánh Vietcom đăng ký. Khi nhận hồ sơ, Chi nhánh thông báo tổng chi phí cho một lao động xuất khẩu tại Australia từ 14-18.000USD (tùy thời điểm), tiền cọc đóng từ 1.000 đến 4.000 USD/người.

Trong hai năm 2009 - 2010, Chi nhánh Vietcom đã nhận hồ sơ và tiền cọc của 58 người lao động tại TP HCM, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tây Ninh. Số tiền cọc 96.588 USD thu được từ những người đăng ký đi XKLĐ đã được Chi nhánh Vietcom thu và chuyển cho Thuân.

Đến thời điểm phỏng vấn và nhận visa xuất cảnh đi nước ngoài, nhưng không thấy phía Công ty N&D thực hiện lời hứa nên người lao động đã đến Chi nhánh Vietcom yêu cầu giải thích. Ông Sơn liên lạc với Thuân thì Thuân trả lại tiền cọc cho hai trường hợp, đồng thời đề nghị Chi nhánh Vietcom cho Thuân ứng trước tiền để trả lãi cho 17 trường hợp đã đặt cọc quá lâu.

Đồng thời, Thuân gửi công văn cho Chi nhánh Vietcom thông báo lý do làm visa chậm trễ là do Chính phủ Australia thay đổi chủ trương chính sách về nhập khẩu lao động nên Công ty N&D cùng đối tác là Công ty TNHH siêu thị Kenmax của Australia phải ngừng làm visa xuất cảnh để xử lý công việc. Việc phỏng vấn sẽ dời lại vào tháng 10-2010. Thuân "cam kết", nếu sai hẹn sẽ hoàn trả hồ sơ và tiền cọc cho người lao động.

Tuy nhiên, khi mốc hẹn đã đến, Thuân lại tiếp tục ký công văn hứa hẹn việc phỏng vấn sẽ chắc chắn thực hiện vào cuối tháng 12-2010 vì phần trục trặc là do lỗi của phía đối tác. Nguyên nhân là do Công ty TNHH siêu thị Kenmax của Australia trước đây có bảo lãnh cho công nhân Việt Nam sang làm việc, nhưng hiện có 3 người đã bỏ trốn ra ngoài lao động tự do, 1 người bị tai nạn giao thông tử vong nên công ty đang dồn sức để lo giải quyết hậu sự.

Vì vậy, việc phỏng vấn người lao động theo lịch trình tạm hoãn và lần này, Huân hứa chắc là đến cuối tháng 12-2010 sẽ tiến hành phỏng vấn người lao động. Thấy Thuân cứ liên tục đưa ra nhiều lý do để khất hẹn, nghi ngờ, ông Chung Trường Sơn đã trực tiếp "bay" thẳng ra Hải Phòng để tìm hiểu sự việc. Sau khi gặp trực tiếp, lần này Thuân giải thích lý do chậm trễ việc phỏng vấn và cấp visa xuất cảnh cho người lao động là do TNHH siêu thị Kenmax của Australia bận giải trình với các cơ quan chức năng Australia để tiếp tục nhận lao động Việt Nam sắp đưa sang làm việc.

Cũng như lần trước, Thuân đề nghị ông Sơn cho Công ty N&D ứng tiền trước trả lãi cho người lao động, để họ yên tâm chờ đến ngày phỏng vấn, cấp vi sa.

Khi mốc hẹn cuối cùng để phỏng vấn đã trôi qua, nhưng Thuân không thực hiện, ông Sơn biết mình bị lừa nhưng đã muộn, khi ấy Thuân đã "ôm" hơn 28.000 USD tiền đặt cọc của người lao động bỏ trốn. Đến cuối tháng 7-2011, do không thể liên lạc được với Thuân, người lao động đã kéo đến Chi nhánh Vietcom đòi tiền, ông Chung Trường Sơn đã quyết định bán nhà và tài sản để thanh toán hết nợ còn lại cho người lao động. Chi nhánh Công ty Vietcom đã lâm vào tình trạng phá sản, ông Sơn đã gửi đơn đến cơ quan điều tra để tố giác Thuân với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cảnh giác với "bánh vẽ" xuất khẩu lao động

Không phải lần này Thuân mới "sa lưới" pháp luật mà trước đó, vào năm 2013, Thuân đã bị TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt mức án 8 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiện, Thuân đang thi hành bản án này tại Trại giam An Phước - Bộ Công an.

Trương Kim Tuyến.

Liên quan hành vi này, vào tháng 8-2008, cũng với chiêu lừa tuyển người đi XKLĐ tại Công ty Kenmax - Australia, Thuân đã móc nối với Roman Minh - Rohman (ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), nhân viên của Công ty CP Liên Việt để tuyển người đi xuất khẩu lao động tại Australia.

Lệ phí Thuân đưa ra để Rohman tuyển dụng là 14.000 USD/người (trong đó, Thuân trả cho Rohman 1.000 USD/người). Rohman tiếp tục móc nối với một cán bộ ở huyện Cần Giờ - TP HCM để tuyển dụng người lao động tại địa phương với phí trọn gói được kê lên đến 20.500 USD cho một người XKLĐ. Số tiền cọc do người lao động đóng đã được chuyển hết về cho Công ty N&D. Tổng cộng, các đối tượng này đã móc nối, chiếm đoạt gần 99.000USD của 8 hộ dân ở huyện Cần Giờ - TP HCM. Chỉ đến khi chờ đợi quá lâu mà không được gọi đi XKLĐ, những người đã đóng tiền mới biết mình ăn phải "quả lừa" và tố cáo đến cơ quan chức năng thì lúc này sự việc mới bị phát hiện.

Mặc dù tình trạng lừa đảo XKLĐ đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng trên thực tế có không ít doanh nghiệp, cá nhân người lao động vì thiếu thông tin hoặc vì hám lợi nên đã bị các đối tượng lừa đảo. Mới đây, ngày 8-4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã bắt tạm giam Trương Kim Tuyến (ngụ huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức XKLĐ và du học nước ngoài.

Tuyến lợi dụng danh nghĩa của một công ty và mở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật để tiếp nhận hồ sơ và thu tiền của khách hàng có nhu cầu XKLĐ và du học ở Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc. Nhằm tạo lòng tin với người lao động, Tuyến đã móc nối với một số đối tượng ở phía Bắc đưa ra những đơn đặt hàng tuyển dụng lao động, tổ chức đoàn vào phỏng vấn người có nhu cầu đi hợp tác lao động tại trung tâm.

Hồ sơ giả XKLĐ bị cơ quan Công an thu giữ.

Đồng thời, Tuyến cũng thuê người đóng giả những người lao động tại Canada do Tuyến tuyển dụng, đăng lên mạng xã hội cho thấy họ đang làm việc và có cuộc sống ổn định. Bằng thủ đoạn trên, Tuyến đã thu tiền của 75 trường hợp với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tuyến trả công cho các đối tượng móc nối 2,5 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt.

Tại Hà Nội, Công ty TNHH UFJ Việt Nam (Công ty UFJ) do Nguyễn Văn Bảo (38 tuổi, trú tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội) làm Giám đốc, mặc dù không có chức năng tuyển dụng lao động làm việc ở nước ngoài, nhưng Bảo quảng cáo trên mạng Internet là Công ty UFJ làm được thủ tục đưa người đã lao động tại Nhật Bản được trở lại Nhật Bản làm việc với chi phí trọn gói 13.000 USD/người. Với chiêu lừa này, Bảo đã chiếm đoạt tiền học tiếng Nhật, học văn hóa giao tiếp tại nước ngoài… và tiền cọc của 36 người lao động gần 3,4 tỷ đồng.

Thúy Hà
.
.