Cảnh giác với giao dịch nhà đất bằng giấy tờ giả

Thứ Ba, 09/06/2020, 20:25
Có thể nói, nạn dùng giấy tờ giả trong các giao dịch kinh tế như mua bán, cầm cố tài sản, vay mượn... đã trở thành cơn ác mộng cho nhiều tổ chức cũng như cá nhân. Các đối tượng phạm tội luôn "thiên biến vạn hóa" những thủ đoạn nhằm chiếm đoạt được tiền, tài sản của bị hại.

Thậm chí, có những vụ việc mà bị hại đành ngậm đắng nuốt cay, rõ ràng mất hàng tỷ đồng mà không xác định được đối tượng gây án, chứ chưa nói đến chuyện thu hồi tài sản.

Loạt phóng sự sau sẽ phần nào vạch trần những thủ đoạn tinh vi ấy...

Bài 1: Mất tiền tỷ mua... "vịt giời"!

1. Tháng 3/2020 vừa qua Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã khám phá một vụ lừa mua đất thông qua việc làm giả sổ đỏ, đánh tráo lấy sổ thật rồi dàn dựng màn kịch chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an cho thấy khoảng cuối năm 2019 thông qua mạng Internet, anh Lý Văn Việt và vợ là chị Nguyễn Minh Lệ (trú quận Long Biên, Hà Nội) có thông tin về mảnh đất tại địa chỉ khu hồ Cầu Đuống, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với giá hợp lý. Khi liên hệ với người "chủ đất" tên là Lê Đức Lương (trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) anh Việt bất ngờ trước sự xởi lởi, dễ dãi hiếm có. Chỉ trong vài ngày, hai bên thỏa thuận giao dịch mua bán mảnh đất trên với giá hơn 3 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng lừa đảo Đinh Đức Hiệp và Nguyễn Mạnh Cường.

Ít ngày sau tại Văn phòng công chứng Long Biên (số 120 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên) vợ chồng anh Việt và ông Lương đã ký hợp đồng giao dịch mua bán mảnh đất trên. Ngày 28/12/2019, vợ anh Việt đến ngân hàng rút tiền và giao trực tiếp cho ông Lương đủ số tiền như cam kết.

Ngày 3/1, chị Lệ đến Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Gia Lâm làm thủ tục sang tên. Cứ yên trí rằng mua được miếng đất ngon lành, chả ngờ hai tuần sau vợ chồng anh Việt toát mồ hôi khi nhận được thông báo từ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm. Mảnh đất trên hiện không thể sang tên do có giấy đề nghị tạm ngừng giao dịch mảnh đất trên của anh Lê Đức Bình, con trai ông Lê Đức Lương lập vào tháng 7/2019.

Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm mời cha con ông Lương, Bình và vợ chồng anh Việt đến làm việc. Tại buổi làm việc, vợ chồng anh Việt thêm một lần chết điếng khi phát hiện "ông Lương" - người từng thực hiện giao dịch chuyển nhượng thửa đất cho vợ chồng anh - lại không phải là ông Lương đang ngồi trước mặt mình. Về phần ông Lương, ông cho biết mình không ký bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho ai.

Sau những phút ngỡ ngàng, vợ chồng anh Việt quyết tâm đi tìm hiểu, truy tìm kẻ lừa đảo. Rất may hình ảnh đối tượng, số điện thoại... vợ chồng anh Việt vẫn còn. Họ đã làm đơn gửi cơ quan Công an.

Trung tá Ngô Văn Điển, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Long Biên cho chúng tôi biết. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an quận, cán bộ chiến sỹ trong Đội đã khẩn trương thu thập các tài liệu chứng cứ, đồng thời tổ chức rà soát những đầu mối trong quá trình giao dịch của anh Việt.

Sau một thời gian ngắn, các trinh sát đã phát hiện, vạch trần được thủ đoạn của hai gã siêu lừa. Chúng là Đinh Đức Hiệp (sinh năm 1953, trú tại TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1986, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội).

Thủ đoạn của các đối tượng như sau: nhóm Cường, Hiệp thường xuyên lên mạng Internet để thu thập thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó chúng chủ động liên lạc, xưng là người môi giới và kết nối với những người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng; đồng thời đề nghị gặp gỡ xem giấy tờ có liên quan.

Tiếp đó bộ đôi này yêu cầu người bán gửi các thông tin liên quan như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy CMND (hoặc Căn cước công dân), sổ hộ khẩu... qua mạng xã hội để chúng tiến hành làm giả các giấy tờ này. Tiếp đó, chúng yêu cầu được xem bản chính của "sổ đỏ". Quá trình gặp chủ sở hữu mảnh đất, lợi dụng sơ hở, các đối tượng sẽ đánh tráo giấy tờ giả để lấy sổ đỏ thật. Cuối cùng, chúng mang về dựng lên toàn bộ hồ sơ, con người cho khớp rồi lên mạng xã hội rao bán mảnh đất đó.

Không khó để các đối tượng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức rồi mang đi lừa đảo.

Khi gặp khách, các đối tượng sẽ cho người mua xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán. Thỏa thuận xong, các đối tượng dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ, con người được dựng lên làm thủ tục chuyển nhượng tại phòng công chứng để chiếm đoạt tiền của người mua. Mỗi người đóng thế chủ sử dụng đất sẽ được trả công khoảng 400 triệu đồng...

Trong vụ việc của anh Việt, nhóm này đã "ẵm" ngon ơ hơn 3 tỷ đồng của bị hại. Cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Mạnh Cường.

Cũng theo Trung tá Điển, với những thiết bị in ấn hiện đại, trình độ photoshop vào hạng "thượng thừa"... hiện không ít đối tượng có thể dễ dàng chế ra những giấy tờ nhà đất y như thật. Từ đó chúng sẽ tráo đổi, hoặc tiến hành mua bán sang nhượng cho các bị hại. Chỉ khi biết mình mua phải "vịt giời", các bị hại đuổi theo thì đã quá muộn...

2. Nếu như cặp đôi Cường - Hiệp dùng thủ đoạn làm giả sổ đỏ, rồi đánh tráo lấy sổ thật sau đó dùng để "bẫy" khách hàng thì "siêu lừa" Trần Viết Hùng lại chuyên đi thuê nhà, làm giả giấy tờ rồi đem bán. Với thủ đoạn này, Hùng cũng lừa được nhiều tỷ đồng của các bị hại.

Siêu lừa Trần Viết Hùng.

Trung tá Vũ Đức Bình, Điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội nhớ lại. Khoảng hai năm về trước, cơ quan Công an nhận được đơn của anh Trần Đức Văn ở Bắc Ninh tố cáo Hùng bán cho anh căn hộ chung cư "vịt giời". Tổ chức điều tra, cơ quan công an có đủ cơ sở để kết luận hành vi lừa đảo của Hùng.

Cụ thể, với mưu đồ lừa đảo, Hùng tìm thuê một căn hộ chung cư tại khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Căn hộ này của bà Bùi Thị Mỳ, do chưa có nhu cầu sử dụng nên ủy quyền cho anh Trần Đức Thành quản lý và cho thuê. Lấy lý do thuê nhà để ở một thời gian, Hùng gặp anh Thành thỏa thuận thuê căn hộ trên với giá 6 triệu đồng/tháng. Hùng yêu cầu anh Thành cho xem toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn hộ chung cư rồi nhanh tay copy lại, giao cho một đối tượng tên là Trung.

Từ những giấy tờ này, Trung làm giả một bộ hồ sơ mua bán căn hộ mang tên Trần Viết Hùng. Với bộ hồ sơ giả này, Hùng chào bán căn hộ cho anh Trần Đức Văn với giá 800 triệu đồng. Gã siêu lừa còn đưa anh Văn đến nhận nhà như thật! Rất tinh vi, để che đậy âm mưu, Hùng vẫn gặp anh Thành xin gia hạn thời gian thuê. Phải đến hơn một năm sau anh Trần Đức Văn mới biết bị Hùng lừa đảo nên làm đơn tố cáo.

Trước đó, Hùng cùng với một đối tượng tên Cường cũng thực hiện trót lọt một vụ bán nhà theo kiểu đi buôn “vịt giời” cho vợ chồng anh Nguyễn Tiến Hưng - chị Nguyễn Huyền Trang (trú tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội). Để thực hiện âm mưu Hùng đã thuê căn hộ số 506 của tòa nhà CT5B khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông) giá 4 triệu đồng/tháng, sau đó rao bán với giá rất rẻ. Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Hưng thấy giá hợp lý nên đã liên hệ hỏi mua.

Thấy con mồi sắp cắn câu, Hùng thuê đối tượng tên Thành ở Chương Mỹ làm giả một bộ hợp đồng mua bán căn hộ, phiếu thu... Tuy nhiên thông tin chủ hộ trong hợp đồng là một đồng bọn khác của Hùng, tên là Cường. Sau đó, Hùng không ra mặt mà dẫn đối tượng Cường lên căn hộ thuê, mở cửa để Cường vào nhà nắm được thiết kế, vị trí căn hộ, đồng thời đưa cho Cường xem bộ hồ sơ giả gồm hợp đồng mua bán căn hộ và biên bản bàn giao nhà để Cường đưa cho khách.

Với bộ hồ sơ này, Cường đã giao dịch với vợ chồng anh Hưng mức giá 800 triệu đồng. Để tránh bị lộ, ngay sau khi cú lừa trót lọt hai đối tượng đã liên lạc với vợ chồng anh Hưng hỏi có sử dụng căn hộ không, nếu không có nhu cầu ở thì Cường cho thuê giúp với giá 3 triệu đồng/tháng. Anh Hưng đồng ý và giao chìa khóa nhà cho Cường.

Nhiều tháng sau vợ chồng anh Hưng đến căn hộ trên kiểm tra mới tá hỏa khi phát hiện ra người chủ thực sự của căn hộ là một người khác. Khi anh Hưng gọi điện thoại, Cường cũng thừa nhận căn hộ trên không phải của mình và giấy tờ nhà là giả. Sau đó, Trần Viết Hùng và Cường cùng bỏ trốn.

3. Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay với sự phát triển của thiết bị công nghệ thì việc các đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra hết sức tinh vi.

Những loại giấy tờ này bằng mắt thường trực quan không thể nhận biết được là thật hay giả. Thậm chí, có những trường hợp chúng làm giả tinh vi, sắc sảo đến giao dịch viên, công chứng viên cũng không thể nào phân biệt nếu không dùng những thiết bị chuyên dụng.

Người dân khi đăng tin bán nhà đất trên các trang rao vặt cần chú ý không đưa đầy đủ thông tin, tránh bị các đối tượng làm giả để lừa đảo.

Để làm giả giấy tờ, các đối tượng thường sử dụng máy in có độ phân giải cao, sử dụng những màu mực chính không pha tạp và in bằng phương pháp phun màu, in laser màu trên nền giấy tương ứng. Vì vậy, về hình dáng, đặc điểm, màu sắc bên ngoài rất rõ nét, giống hoàn toàn so với các loại giấy tờ thật, rất khó phát hiện nếu không có các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng.

Đối với chữ ký, các đối tượng tập ký theo mẫu chữ ký thật, sau đó ký vào giấy tờ giả và sử dụng các phương tiện kỹ thuật để sao chép chữ ký thật sau đó in phun màu, in laser màu lên giấy tờ giả. Vì vậy về hình dạng, đặc điểm chung, màu sắc rất giống với chữ ký thật, chỉ sử dụng các phương tiện nghiệp vụ hiện đại mới phát hiện được các đặc điểm chung và riêng.

Đối với con dấu, các đối tượng sử dụng hình dấu thật trên các văn bản để sao chụp, chỉnh sửa lại hoặc vẽ mới bằng phần mềm đồ họa, sau đó sử dụng máy in phun màu, in laser để in lên giấy tờ giả. Vì vậy, về hình dạng, đặc điểm chung, màu sắc rất giống với hình dấu thật.

Có một điểm mà hầu hết các bị hại đều bức xúc là sau khi thực hiện xong hành vi lừa đảo, các đối tượng thường nhanh chóng tẩu tán tài sản đó. Bởi thế nên dù có bắt được các đối tượng, buộc chúng phải lĩnh án thì việc thu hồi lại tài sản không hề dễ dàng...

(Còn nữa)

M.Tiến - M.Trí
.
.