Cảnh giác với những trò lừa đảo chuyên nghiệp

Thứ Ba, 20/08/2019, 15:15
Rất nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn TP HCM bắt nguồn từ chỗ các nạn nhân thường là nhẹ dạ, cả tin nên nhanh chóng rơi vào "bẫy" tinh vi của các đối tượng lừa đảo để rồi bị mất cả tiền lẫn tình.

Vì đã có ý định và kế hoạch từ trước nên các đối tượng thường không để lại tung tích gì, nên khi nạn nhân đến trình báo, cơ quan điều tra phải nghiên cứu một thời gian khá lâu, phải xâu chuỗi vụ việc và đi theo nhiều hướng điều tra mới xác định được danh tính đối tượng và thực hiện truy xét…

Bẫy mua nhà của hai anh em ruột

Đã có thâm niên hoạt động trong công việc môi giới bất động sản, chị Đ.T.K.D. (SN 1983, ngụ Bình Trưng Tây, quận 2, TP Hồ Chí Minh) tự tin cho rằng mình đã gặp bao nhiêu khách hàng, thành công trong bao nhiêu lần môi giới thì khách hàng khó tính đến cỡ nào, chỉ cần chị D. ra tay, tư vấn, thuyết phục là khách hàng sẵn sàng "mở hầu bao" hợp tác với chị.

Tuy nhiên lần này chị D. không ngờ đến việc, dù kinh nghiệm tích lũy được nhiều nhưng chị D. cũng bị rơi vào bẫy của hai anh em ruột và biến mình trở thành nạn nhân của một vụ cướp.

Thông qua các mối làm ăn, chị D. quen với một người tên Tuấn, cũng hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Sau nhiều lần Tuấn ngụ ý muốn chị D. tư vấn để mua nhà, Tuấn yêu cầu chị D. đến trụ sở của Tuấn tại một chung cư cao cấp nằm trên địa bàn phường An Phú, quận 2 làm việc.

Hai anh em Trung sử dụng chiêu lừa mua đất sau đó trói nạn nhân để cướp 200 triệu.

Tin tưởng vào khách hàng, chiều 12-8, chị D. tìm đến trụ sở của Tuấn. Đang ngồi nói chuyện với Tuấn thì bất ngờ một thanh niên khác to khỏe áp sát dùng hung khí khống chế trói chị D. lại. Tuấn lúc này lộ nguyên hình là kẻ cướp yêu cầu chị D. đọc số tài khoản ngân hàng chuyển số tiền 200 triệu đồng thông qua hệ thống internet banking trên điện thoại.

Vì bị trói tay chân, sợ Tuấn và đồng bọn làm liều, chị D. đành đọc mật khẩu để Tuấn chuyển tiền. Sau khi chuyển 200 triệu vào nhiều số tài khoản, 2 đối tượng này bỏ mặc chị D. và tẩu thoát. Sau khi tự cởi trói được cho mình, chị D. đã đến Công an quận 2 trình báo.

Chỉ sau vài giờ đồng hồ, Công an quận 2 đã bắt được 2 đối tượng cướp tài sản của chị D.. Chị D. không ngờ 2 đối tượng này là 2 anh em ruột tên Hồ Sỹ Nam Trung, SN 1985 và Hồ Nguyễn Trung SN 1997, cùng ngụ ở quận Bình Thạnh.

Bất ngờ tiếp theo là chị D. không phải là nạn nhân đầu tiên của 2 anh em nhà này mà trước chị, cũng bằng thủ đoạn này, 2 anh em Trung đã cướp của một người môi giới khác 10 triệu đồng và 2 chiếc ĐTDĐ.

Tang vật của một vụ lừa đảo.

Hai anh em Nam Trung vốn sống trong một gia đình khá giả, từng hoạt động trong việc môi giới bất động sản. Tuy nhiên, mặc dù cha mẹ cấp cho một số vốn kha khá để kinh doanh sau khi lấy vợ sinh con nhưng làm ăn bị thua lỗ nên Nam Trung nảy sinh ý định lừa các nạn nhân cùng làm cùng lĩnh vực với mình vào bẫy để thực hiện các vụ cướp.

Vì sức khỏe yếu, Nam Trung đã rủ em trai mình cùng tham gia. Khi nghe anh trai than không có tiền nuôi vợ con, muốn làm một vài phi vụ để trả nợ, em trai Nam Trung đã đồng ý.

Thủ đoạn cũ nhưng vẫn có người dính bẫy

Đến bây giờ bà N.T.T. (SN 1957, ngụ Linh Xuân, quận Thủ Đức) vẫn không ngờ mình rơi vào bẫy lừa đảo của đối tượng Bùi Thị Cẩm Hồng, SN 1967, quê Đồng Nai một cách dễ dàng như vậy. Nếu như cơ quan Công an không khám phá kịp thời thì số tiền dành dụm, ky cóp để dưỡng già của bà T. đã theo chân của Hồng.

Chiêu thức dùng tiền đánh vào lòng tham của Hồng nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Buổi sáng đầu tháng 5, bà T. đi xe đạp ra đầu hẻm đường số 7, KP5, phường Linh Xuân thì thấy Hồng tấp xe sát với xe đạp của bà. Hồng bắt chuyện, hỏi thăm và nhấn mạnh việc mình đang đi tìm người bán cho mình mấy tờ vé số "may mắn" trúng độc đắc để trả ơn 400 triệu.

Thấy Hồng tốt bụng lại đi tìm người bán vé số cho số tiền lớn nên bà T. liền cùng Hồng đi tìm người bán vé số theo mô tả của Hồng. Đi cả buổi vẫn không tìm thấy người bán vé số như Hồng mô tả, thấm mệt bà T. mời Hồng về nhà mình chơi.

Tại nhà bà T., Hồng than nhà ở xa, đi lại khó khăn nên ngụ ý muốn bà T. giữ toàn bộ số tiền để làm từ thiện, còn dư chút ít Hồng biếu bà T. dưỡng già và mua thuốc chữa bệnh. Tự dưng "lộc" đến, bà T. "không nỡ" chối từ.

Sau đó, Hồng nói xé lẻ cọc tiền ra hơi tiếc nên kêu bà T. đưa cho Hồng 17 triệu để Hồng trở về nhà. Tin lời, bà T. vét hết tiền trong người được 5 triệu sau đó kêu Hồng chở bà T. đến nhà bà N.T.N. (SN 1964, ngụ Dĩ An, Bình Dương) để bà T. lấy thêm 12 triệu.

Sau khi mượn được tiền và đưa toàn bộ số tiền 17 triệu cho Hồng, Hồng nói chở bà T. ra chợ mua trái cây cúng sau đó sẽ đưa toàn bộ 400 triệu cho bà T.

Khi đến chợ, bà T. vào mua trái cây, ở bên ngoài Hồng nổ máy xe giông thẳng. Mua trái cây ra không thấy Hồng đâu, biết bị lừa nhưng bà T. chỉ biết ngậm ngùi. May mắn một lần đi ngang khu vực chùa Linh Phước, bà T. phát hiện Hồng nên truy hô để người dân bắt giữ giao Công an.

Không học hành nhiều nhưng miệng mồm nhanh nhảu, khéo ăn nói nên những lần đi làm người giúp việc gia đình, Trần Thị Mười, SN 1967, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh thường được lòng chủ nhà. Sở thích của Mười là sau những giờ giúp việc thì lên mạng chát chít.

Trong một lần trò chuyện trên mạng, Mười quen với ông Đ.V.M., SN 1955, quê Gia Lai. Dù là người giúp việc nhưng Mười lại "nổ" mình làm ở đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, có mối quan hệ rộng. Đang trong lúc cần tìm việc cho người cháu, ông M. đánh tiếng với Mười ngụ ý nhờ vả xin việc giùm cho cháu. Mười đồng ý giúp ông M. với giá 50 triệu đồng.

Dù làm người giúp việc nhưng Mười lại xưng mình làm trong đài truyền hình để lừa đảo.

Hai bên gặp nhau, Mười xưng là trưởng phòng kỹ thuật của đài truyền hình. Nhìn cách ăn mặc, dáng vẻ của Mười, ông M. tin tưởng, Mười yêu cầu ông M. ứng trước 25 triệu đồng. Chờ đợi một thời gian nhưng không thấy động tĩnh gì, ông M. liên lạc với Mười thì Mười hẹn gặp ở một quán cà phê ở quận 1.

Lúc này Mười dẫn theo một người phụ nữ khác xưng tên Phúc với lời giới thiệu chức danh là trưởng phòng nhân sự của đài truyền hình. Phúc nói hồ sơ của cháu ông M. khá đạt yêu cầu và đang chờ xét duyệt và phân công công việc cho cháu ông M., thêm một lần tin tưởng, ông M. giao tiếp số tiền 25 triệu đồng.

Sau cuộc hẹn trên nhiều tháng sau ông M. gọi điện cho Mười nhưng Mười tắt máy. Biết bị lừa, ông M. lên Công an trình báo. Từ hình ảnh của Mười do vợ ông M. chụp lại, Công an quận 1 nhanh chóng bắt giữ Mười.

Đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ

Một cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự-Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, xét về những vụ lừa đảo những người nhẹ dạ trong thời gian qua cho thấy các đối tượng lừa đảo thường lên kế hoạch rất chi tiết, tinh vi khiến nạn nhân nhầm tưởng mọi hành động của các đối tượng đều là thật lòng và nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy.

Những chiêu lừa cũ như giả bộ trúng số, hay lừa nạn nhân vào bẫy rồi thực hiện các vụ cướp như trên vẫn thường xuyên xảy ra. Nạn nhân quá nhẹ dạ, dễ dãi nên đối tượng càng có đất để hoạt động.

Mã ngoài đẹp trai, Trí đã biến nhiều cô gái thành nạn nhân cho những trò lừa đảo của mình.

Không chỉ bị mất tài sản, nhiều nạn nhân còn mất cả tình đối với chúng, nhất là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa những cô gái trẻ, thích vẻ bề ngoài những đối tượng lừa đảo có mã bắt mắt. Có những cô gái mất cả tiền lẫn tình rồi nhưng các đối tượng vẫn không tha bởi chúng nắm trong tay những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân và dùng nó để khống chế "con mồi" tội nghiệp.

Vẻ ngoài điển trai, body đẹp, Tôn Thất Minh Trí (27 tuổi) nhanh chóng trở thành hotboy trên mạng xã hội (Facebook), nhiều cô gái khi kết bạn với Trí đã tỏ mong muốn được gần gũi với đối tượng này. Nắm được tâm lý của các cô gái, Trí nhanh chóng đưa nhiều nạn nhân là các cô gái trẻ vào bẫy đoạt tình và tiền.

Trí thường đưa các nạn nhân vào khách sạn sau đó đưa đi ăn, đi mua sắm, lợi dụng nạn nhân sơ hở, Trí cuỗm tài sản của nạn nhân, đa phần là xe gắn máy. Sau mỗi phi vụ Trí lặn mất tích, nạn nhân không biết nhà, nơi làm việc của Trí cũng như không dám trình báo vì mình trót dại… mê trai nên gây khó khăn cho công tác điều tra của Công an.

Không chỉ phụ nữ rơi vào bẫy của Trí mà ngay cả đàn ông "mê trai đẹp" cũng bị Trí lừa lấy tài sản.

Cũng như Trí, Nguyễn Hoài Hận (quê Đồng Tháp) cũng dùng cái mã đẹp trai của mình kết bạn trên mạng xã hội như facebook, zalo sau đó giả vờ cưa cẩm. Các cô gái bị hút bởi vẻ đẹp trai của Hận nên dễ dãi cùng Hận tay trong tay đến khách sạn.

Mỗi lần cùng nạn nhân vào khách sạn hay đi mua sắm, Hận thường chủ động giữ thẻ xe và chìa khóa xe, chỉ cần nạn nhân sơ hở, Hận lấy xe của nạn nhân biến mất. Đến khi Hận bị Công an quận Gò Vấp bắt, đã có cả chục cô gái là nạn nhân của Hận.

Nhìn chung những hình thức lừa đảo trên không mới, chỉ có nạn nhân là mới. Người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các đối tượng lạ thường đem đến cho nạn nhân cảm giác sắp nhận được một khoản tiền lớn nhưng lại chỉ đòi hỏi số tiền nhỏ hơn để làm tin.

Đừng vì lòng tham nhất thời mà rồi ôm hận. Để tránh là nạn nhân của các vụ lừa tình, lừa tài sản, mọi người nên thận trọng với các mối quan hệ mới quen biết, nhất là quen biết qua mạng xã hội.

Mạnh Đức
.
.