Chiêu trò lừa đảo xin việc khiến nhiều người mắc bẫy

Thứ Năm, 11/10/2018, 17:07
Khao khát con cái được làm việc trong các cơ quan Nhà nước, trong các ngành nghề, công sở được đồn thổi là có quyền lực, có thu nhập cao, nhiều phụ huynh đã tìm cách chạy vạy, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để “tìm cửa” xin việc, chạy trường cho con. Lợi dụng nhu cầu này, không ít kẻ đã nắm bắt cơ hội, tìm hiểu thông tin để lập kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ. Và nhu cầu việc làm đã khiến các nạn nhân sập bẫy...

Từ “chạy trường” đến “chạy dự án”

Ngày 8-10, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Vũ Thu Thủy (40 tuổi, quê Phủ Lý, Hà Nam; trú tại ngõ 134 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bản thân không nghề nghiệp nhưng người đàn bà này lại có tài “chém gió”, khoe có thể chạy trường, chạy xin việc biên chế nhà nước, xin dự án... ở nhiều lĩnh vực.

Mặc dù không biết rõ về Thủy nhưng cứ nghe những lời giới thiệu rằng cô ta có quan hệ thân thiết với các “VIP”, nhiều người đã đặt niềm tin và gửi tiền cho người đàn bà chuyên... lừa đảo này.

Tháng 11-2015, được một người quen giới thiệu rằng Nguyễn Vũ Thu Thủy có người nhà làm việc tại trường Trung cấp cảnh sát, có khả năng “chạy” vào học tại các trường công an nhân dân mà không cần qua thi tuyển, chị Dương Thị Thu ở Lạng Giang (Bắc Giang) cùng em gái là Dương Thị Hồng đã tìm gặp Thủy nhờ “chạy” cho 2 con trai vào học trường Trung cấp cảnh sát.

Được Thủy tiếp chuyện tại chính nhà cô ta ở ngõ 134 phố Nguyễn An Ninh, hai chị Thu và Hồng hoàn toàn tin tưởng rằng Thủy là người “đứng đắn”. Thủy cho biết sẽ giúp 2 cháu được toại nguyện ước mơ trở thành sinh viên trường Trung cấp cảnh sát, với chi phí là 450 triệu đồng/người. Mặc dù tại buổi gặp này, chỉ có chị Thu mang theo số tiền 450 triệu đồng chuyển cho Thủy nhưng cô ta viết luôn 2 tờ cam kết nhận tiền của chị Thu và chị Hồng, mỗi người 450 triệu đồng và hứa hẹn sẽ giúp 2 cháu được nhận học trước tháng 3-2016, nếu không sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền trước ngày 30-3-2016.

Cầm tờ cam kết trong tay, cả 2 người phụ nữ đều phấn khởi đã gặp được mối “chạy trường” là người rất đàng hoàng, không nặng nề vấn đề tiền nong. Cũng vì tin tưởng vào tờ giấy cam kết do Thủy viết nên sau đó, chị Hồng đã chuyển vào tài khoản của Thủy 450 triệu đồng.

Đến đầu tháng 12-2015, Thủy liên hệ với hai chị Thu và Hồng thông báo có suất “chạy” vào Học viện An ninh nhân dân, nếu đồng ý thì Thủy sẽ chuyển 2 cháu sang với chi phí phải đóng thêm là 200 triệu đồng/suất. Thủy còn “vẽ” ra một kế hoạch ngoạn mục rằng, vì 2 cháu trai không qua thi tuyển nên để vào học tại Học viện, sẽ phải đi đường vòng là bước 1 - tuyển vào làm... bảo vệ của trường, sau đó sẽ chuyển sang... đi học (?!).

Với một kế hoạch bất khả thi như vậy nhưng vì không hiểu biết về việc tuyển sinh, lại khát khao giấc mơ con được vào ngành công an nên 2 người phụ nữ hoàn toàn tin tưởng Thủy. Thế nhưng, qua thời hạn tháng 3-2016, rồi qua mùa tuyển sinh năm đó mà 2 con không được đi học, chị Thu và chị Hồng tìm gặp Thủy để đòi lại tiền nhưng cô ta kiếm cớ khất lần rồi lẩn như trạch.

Sau nhiều lần bỏ thời gian, công sức “săn tìm”, gia đình các nạn nhân cũng túm được Thủy. Đến nay, cô ta mới trả một phần tiền, hiện còn nợ chị Thu 400 triệu đồng, nợ chị Hồng 200 triệu đồng. 

Một đối tượng lừa đảo việc làm bị Công an Thanh Hóa bắt giữ.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an làm rõ ngoài hành vi “chạy trường” nêu trên, Nguyễn Vũ Thu Thủy còn khoe có nhiều mối quan hệ để “chạy dự án” và đã có nạn nhân sập bẫy người phụ nữ này.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2016, thông qua các mối quan hệ xã hội, ông Võ Sơn (ở quận 3, TP Hồ Chí Minh) có quen biết với Nguyễn Vũ Thu Thủy. Biết ông Sơn là một đại gia chuyên kinh doanh, buôn bán nguyên liệu thuốc lá nên Thủy chủ động giới thiệu rằng cô ta có mối quan hệ đặc biệt với đại diện Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, có thể giúp ông Sơn ký hợp đồng bán nguyên liệu cho doanh nghiệp này.

Để làm tin, ngày 3-12-2016, Thủy ký với ông Sơn một bản cam kết với nội dung: Thủy có trách nhiệm liên hệ làm việc với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và Công ty Thuốc lá Thăng Long để tạo điều kiện cho công ty của ông Sơn ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam với số lượng 1.500 tấn trong thời gian 30 ngày kể từ khi ký cam kết.

Giá cả, chủng loại, phương thức giao nhận hàng và thanh toán do phía ông Sơn tự thỏa thuận với Tổng Công ty thuốc lá. Ông Sơn có trách nhiệm trả thù lao cho Thủy tổng số tiền là 10 tỷ đồng, trả theo từng đợt để được ký hợp đồng.

Theo thỏa thuận, ngày 6-12-2016, ông Sơn chuyển vào tài khoản của Thủy số tiền 2 tỷ đồng để cô ta lo “chạy thủ tục”. Tuy nhiên, sau khi tiền chảy vào tài khoản, Thủy đã rút ra chi tiêu cá nhân hết. Sau một thời gian không ký được hợp đồng với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, ông Sơn tìm Thủy để đòi tiền. Đến tháng 3-2017, Thủy mới chuyển trả lại 800 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội làm rõ bản thân Nguyễn Vũ Thu Thủy không có khả năng cũng như không có bất cứ quan hệ nào để có thể xin học cũng như ký hợp đồng với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam. Được biết, sau khi biết tin Nguyễn Vũ Thu Thủy bị bắt giữ, trên một số mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết tố cáo thêm hành vi lừa đảo của người đàn bà này dưới chiêu trò “xin dự án”, “xin việc”... Những nội dung này đang được Cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ.

Đối tượng Nguyễn Vũ Thu Thủy.

Mạo danh cán bộ Nhà nước để “chạy việc”

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội, cũng trong đầu tháng 10-2018, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Minh Nguyệt (45 tuổi, trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, Nguyệt từng có 2 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hình phạt cho 2 bản án là 12 năm tù. Tuy nhiên, Nguyệt xin hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ. Trong thời gian được hoãn thi hành án, người đàn bà này tiếp tục “ngựa quen đường cũ” với những thủ đoạn lừa tinh vi hơn.

Những người lần đầu gặp Nguyệt đều có ấn tượng tốt với người phụ nữ có gương mặt xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, có xe ô tô “xịn” Audi. Vì vậy, khi Nguyệt giới thiệu là cán bộ đang công tác  tại cơ quan VPCP, có quan hệ với cán bộ cấp cao của một số bộ ngành có thể “chạy” được việc làm vào các cơ quan ngân hàng, hải quan và đặc biệt còn tổ chức cho các học sinh đi du học tại nước ngoài ở các nước Mỹ, Anh được hưởng học bổng 100%, ai cũng tin ở khả năng của người phụ nữ này. Với vỏ bọc trên, Nguyệt còn tới các địa phương, tìm cách tiếp cận với một số lãnh đạo để “tiếp thị” việc chạy các suất du học có học bổng.

Đối tượng Bùi Minh Nguyệt và tờ cam kết có nội dung mạo danh cán bộ VPCP để nhận tiền xin việc.

Sau khi nhận đơn tố cáo của người bị hại về hành vi lừa đảo của Bùi Minh Nguyệt, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã tiến hành xác minh, xác định Nguyệt không phải là cán bộ VPCP như cô ta vẫn giới thiệu. Tiếp tục thu thập các tài liệu về người đàn bà có 2 tiền án lừa đảo này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng 11h30 ngày 20-9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện đối tượng Nguyệt đang nhận tiền của một số bị hại tại nhà hàng Vân Nam số 27 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tại thời điểm bắt quả tang, Cơ quan công an đã thu giữ tiền và nhiều tài liệu liên quan.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyệt tại quận Thanh Xuân, Cơ quan công an đã thu giữ 3 bộ hồ sơ xin việc cùng nhiều tài liệu liên quan. Ngay sau khi có thông tin Nguyệt bị cơ quan Công an bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều bị hại đã mang giấy tờ nhận tiền do chính Nguyệt viết và ký để Cơ quan công an phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan Công an đã làm rõ, mỗi hồ sơ xin việc hoặc du học được Nguyệt thu từ 25 nghìn đô la Mỹ đến 50 nghìn đô la Mỹ. Từ một vài người giao nhận tiền xong, Nguyệt lại nhờ chính những người đó giới thiệu ai có nhu cầu xin việc thì liên hệ với Nguyệt. Mặc dù giới thiệu là cán bộ cơ quan nhà nước nhưng mọi giao dịch nhận tiền và hồ sơ, Nguyệt đều hẹn ra quán cà phê. Chính vỏ bọc hào nhoáng, sang trọng của người phụ nữ này đã khiến các nạn nhân mất cảnh giác.

Thực tế, sau khi nhận tiền xong, Nguyệt đã không xin được việc cũng không “lo” được cho bất cứ ai đi du học nước ngoài. Theo cơ quan điều tra, với thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn từ khoảng cuối năm 2017 đến nay, Nguyệt đã lừa đảo 6 nạn nhân với tổng số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng. 

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo việc làm

Qua các vụ án trên cho thấy, áp lực quá lớn của vấn đề xin việc làm hiện nay và tâm lý muốn được làm việc tại các cơ quan nhà nước, cộng với sự thiếu hiểu biết của một số người dân đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo có “đất” thực hiện các thủ đoạn tội phạm. Cơ quan Công an khuyến cáo,  theo quy định thì khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước cũng có quy định, quy trình rất chặt chẽ.

Người dân khi có nhu cầu về việc làm hoặc xin việc cho người thân, cần phải liên hệ trực tiếp với các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác. Khi tiếp xúc với người lạ, cần tìm hiểu về nhân thân của con người đó, không nên đặt niềm tin vào các đối tượng môi giới xin việc để tránh  “tiền mất, tật mang”.

Duy Trần
.
.