Chống người thi hành công vụ: Không chỉ là câu chuyện ý thức!
- Xe chở gỗ tông thẳng vào CSGT đang làm nhiệm vụ
- Tìm giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) khiến số vụ, số người chết, bị thương tăng như: Điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao trong người, sử dụng ma túy, điều khiển phương tiện lấn làn, không đội mũ bảo hiểm (MBH), chạy quá tốc độ, chạy ngược chiều, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ…
Tuy nhiên, có một nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến TNGT đó chính là ý thức của người dân khi tham gia giao thông nhưng không chấp hành luật.
Khi chạy sai luật, người tham gia giao thông lúc đầu có tư tưởng năn nỉ, xin xỏ sau đó tìm cách chống đối, "thông chốt" để khỏi bị phạt. Đặc biệt Nhiều vụ người vi phạm cố tình chống người thi hành công vụ, nhất là chống CSGT đã xảy ra.
Bắt nguồn từ hành vi tham gia giao thông
Ngày 22-8, tại QL13, đoạn qua phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, chỉ trong 1h đồng hồ, Đội CSGT Bình Triệu đã lập biên bản hàng chục người điều khiển phương tiện chạy ngược chiều. Khi phát hiện tổ kiểm tra, nhiều phương tiện bất chấp nguy hiểm quay đầu xe bỏ chạy, một số khác sử dụng biện pháp xuống xe dắt bộ để đi qua chốt sau đó tiếp tục nổ máy chạy.
Ông H.H., nhà Thủ Đức sau khi ký biên bản vi phạm đã giãi bày: "Tất cả những người dân tham gia giao thông phải tuân thủ luật giao thông đường bộ, tôi biết, tuy nhiên do nhà tôi ngay đây một đoạn nên tôi quẹo qua đây để về nhà cho tiện(!?). Mình sai thì mình chịu thôi, mình mong tất cả mọi người chấp hành luật giao thông cho tốt! Có như vậy mới an toàn cho bản thân mình, an toàn cho những phương tiện khác".
Một vụ tông thẳng xe vào tổ CSGT của người say xỉn tại TP Hồ Chí Minh khiến một cán bộ CSGT bị thương. |
Tại đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn gần hầm vượt sông Sài Gòn, hướng từ quận 2 về quận 1, nhiều xe gắn máy liều lĩnh lưu thông lên giữa dòng xe ôtô, bất chấp sự khó chịu, bấm còi liên hồi của các bác tài ô tô.
Tổ CSGT thuộc Đội CSGT Bến Thành liên tục ra hiệu lệnh yêu cầu người điều khiển xe máy dừng xe. Khi thấy tổ CSGT, nhiều xe gắn máy quay đầu xe đột ngột khiến các bác tài xe ôtô phải thắng gấp. Một số người điều khiển phương tiện bất chấp hiệu lệnh cố tình nhấn ga tháo chạy, tổ CSGT đã chia làm 2 tốp để chặn các phương tiện cố tình tháo chạy.
Ý thức tham gia giao thông quá kém khiến nhiều người đi đúng luật bất bình. Chỉ vì sự tiện lợi trước mắt, muốn đi tắt cho nhanh, nhiều người đã coi thường tính mạng của mình, liều lĩnh vi phạm luật giao thông.
Gần đây những hình ảnh phản cảm khi tham gia giao thông được người đi đường quay lại tung lên mạng xã hội, trong đó nhiều nhất là các phương tiện xe 2 bánh dừng đỗ bất chấp trên đường để sử dụng điện thoại hay mặc áo mưa.
Đoạn clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ chở theo con nhỏ ngang nhiên dừng xe giữa đường mặc áo mưa bị một xe gắn máy khác tông trúng. Cả ba người ngã ra đường, tuy nhiên may mắn cả 3 chỉ bị thương nhẹ, cháu bé sau tai nạn hoảng hốt gào khóc.
Dừng xe giữa đường để mặc áo mưa, người mẹ trẻ nhận cái kết đắng cho việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông. |
Chứng kiến hình ảnh này, nhiều cư dân mạng ngao ngán. Anh Thanh (nhà quận 5) sau khi xem đoạn clip trên lắc đầu: "Nhiều người chạy xe ra đường nhưng không nghĩ đến tính mạng của mình và của người khác, cứ vô tư dừng đậu giữa đường rồi nghĩ mình đang đậu trong nhà. May mà đứa bé không sao, nếu có chuyện gì người mẹ này hối cũng không kịp. Người lớn thiếu ý thức để trẻ con phải khổ".
Còn nhiều đoạn clip, đa phần là phụ nữ vô tư dừng xe khi dòng người lưu thông trên đường bóp còi inh ỏi, có trường hợp quá bức xúc, người đi đường phải dừng xe lại rồi khiến phương tiện ngang nhiên dừng đỗ trên đường vào lề. Tuy nhiên nhiều người không nhận ra vi phạm của mình còn lớn tiếng chửi bới, thách thức.
Liên tiếp chống người thi hành công vụ
Vi phạm giao thông, cố tình "thông chốt" sẵn sàng tông vào tổ CSGT để thoát thân đã liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, những đối tượng vi phạm dạng này thường đã có men rượu trong người.
Trần Văn Trạng (22 tuổi, quê Bạc Liêu), sau chầu nhậu điều khiển xe lưu thông trên đường đến khu vực cầu Xéo thì bị tổ CSGT Công an huyện Long Thành, Đồng Nai dừng phương tiện kiểm tra. Sau khi lập biên bản, tổ CSGT yêu cầu Trạng ký vào biên bản thì Trạng hung hăng chống đối, giật chìa khóa xe từ tay CSGT bỏ chạy.
Thiếu tá Đạt bị đối tượng say xỉn tông thẳng xe vào người phải nhập viện cấp cứu. |
Trạng lượm cục đá bên đường tấn công tổ công tác khiến đồng chí Nguyễn Thanh Thú bị thương.
Thấy Trạng chống người thi hành công vụ, đồng chí Nguyễn Cao Cường chạy tới thì bị Hà Văn Nghĩa (25 tuổi, quê Đắk Lắk, một người không liên quan) lao vào tấn công đồng chí Cường. Trước sự hung hăng của 2 đối tượng này, người dân đã hỗ trợ tổ CSGT khống chế cả 2 đối tượng giao cơ quan Công an.
14h ngày 21-8, tổ CSGT Công an huyện Thống Nhất lập chốt tại tuyến đường D9T769, khu phố Phan Bội Châu, thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai thì phát hiện Trần Ngọc Thảo (SN 1978, ngụ huyện Thống Nhất) điều khiển xe máy nhưng không đội MBH. Thượng úy Trần Triệu Pha ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính nhưng Thảo không chấp hành hiệu lệnh mà tông thẳng xe vào anh khiến cả 2 ngã ra đường bất tỉnh.
Trưa 9-8, tổ CSGT Đội Cát Lái làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trên đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2 thì phát hiện Nguyễn Minh Khang (sinh năm 1983, quê Trà Vinh) điều khiển xe quá tốc độ cho phép.
Thiếu tá Huỳnh Tấn Đạt ra hiệu lệnh dừng xe. Thấy tổ CSGT, Khang giảm ga rồi bất ngờ tăng tốc tông thẳng vào Thiếu tá Đạt khiến cả 2 ngã ra đường bị thương.
Cả 2 được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, Thiếu tá Đạt bị chấn thương vùng đầu, khâu nhiều mũi, riêng Khang chỉ bị thương nhẹ. Tại Công an phường Bình Khánh, tổ công tác tiến hành đo nồng độ cồn thì phát hiện Khang có nồng độ cồn cao.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại các tổ CSGT khi làm nhiệm vụ khiến các chiến sĩ làm nhiệm vụ hy sinh trên cả nước rất cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người vi phạm chống đối, trong đó đa phần người vi phạm đã sử dụng bia rượu, bị kích động và có tâm lý, có lối suy nghĩ không tốt về CSGT.
Qua các vụ chống người thi hành công vụ, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm và nhận thấy CSGT cũng cần phải có quy tắc ứng xử tốt hơn khi thực hiện quy trình xử lý vi phạm giao thông. Phòng CSGT đã thường xuyên tổ chức cho CBCS tập huấn về văn hóa ứng xử khi làm nhiệm vụ, phải luôn chấp hành điều lệnh CAND, quy trình công tác, đúng lễ tiết tác phong, khi tiếp xúc với nhân dân phải luôn có tinh thần trách nhiệm, thái độ vui vẻ, hướng dẫn ân cần, khi xử lý phải giải thích đầy đủ lỗi vi phạm cho người dân hiểu.
Khi kiểm tra mà chưa phát hiện lỗi, CBCS CSGT phải biết nói cảm ơn người tham gia giao thông đã hợp tác, chấn chỉnh những CBCS có thái độ chưa chuẩn mực.
Người dân khi tham gia giao thông vẫn còn hạn chế về ý thức chấp hành luật, chống đối khi vi phạm nên Phòng CSGT đã phối hợp với các cơ quan báo đài tuyên truyền sâu đậm hơn về luật giao thông cho người dân hiểu và hợp tác với CSGT để kéo giảm tình trạng TNGT, giảm thiểu những vụ chống đối người thi hành công vụ trên địa bàn thành phố.
Và những hậu quả không thể khắc phục
Thông tin về TNGT liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, rồi các mạng xã hội cũng sử dụng những hình ảnh tai nạn giao thông hằng ngày đăng tải trên các trang cá nhân, trong đó có cả hình ảnh những người điều khiển phương tiện giao thông thiếu ý thức, những vụ chống người thi hành công vụ, tuy nhiên ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn hạn chế.
Tổ CSGT khống chế một người vi phạm dùng đá đánh CSGT. |
Chị N.T.H. (nhà quận 6) từng có người thân bị TNGT tử vong chỉ vì uống rượu chạy ngược chiều bị xe bồn tông chết.
Chị tâm sự: "Anh ấy là trụ cột trong gia đình, khi anh ấy bị tai nạn phải nhập viện cho đến khi mất, gia đình phải vay mượn một số tiền lớn để chữa trị, đến giờ đã 2 năm trôi qua mà món nợ ấy gia đình vẫn chưa trả hết!. Chỉ vì không tuân thủ luật giao thông mà chồng tôi thiệt mạng, mẹ con tôi mất đi chỗ dựa.
Bởi vậy, khi tham gia giao thông, mọi người cần tuân thủ luật, tự bảo vệ tính mạng của mình hơn là tìm cách chống đối. Tôi thấy nhiều người vi phạm sai mồn một nhưng vẫn lớn tiếng cự cãi, chống người thi hành công vụ. Việc làm đó chỉ giúp họ thỏa cơn tức giận ban đầu nhưng hậu quả phía sau là rất lớn, người chịu thiệt thòi chính là bản thân họ, ngoài ra gia đình còn bị liên lụy".
Xem lại đoạn clip tài xế Nguyễn Thanh Hùng điều khiển xe 12 chỗ tông thẳng vào tổ CSGT ở Gia Lai khiến một cán bộ CSGT bị thương, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật DC Counsel, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh phân tích, đoạn clip thể hiện rõ hành vi của Nguyễn Thanh Hùng điều khiển ô tô 12 chỗ ngồi (nghi chở gỗ lậu) đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của tổ CSGT và tông thẳng vào xe chuyên dụng của CSGT đang chặn giữa đường (với mục đích để dừng phương tiện) thì hành vi này có dấu hiệu tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn việc hành vi này có dấu hiệu của tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì phải quá trình điều tra mới xác định được. Nếu Hùng cố ý tông thẳng vào tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông thì hành vi này có dấu hiệu tội giết người, dù hậu quả chỉ làm một chiến sĩ CSGT bị thương.
Có thể nhận thấy tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên phạm vi toàn quốc ngày càng xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp.
Hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng rõ nét, thể hiện sự chủ động và thậm chí có sự chuẩn bị trước. Nhưng về hình phạt đối với tội phạm chống người thi hành công vụ chưa nghiêm.
Trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 với 2 khung hình phạt là: Khoản 1 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và khoản 2 với mức hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tùy theo tính chất phạm tội.