Chưa có hồi kết cho"người tù thế kỷ" của Israel

Thứ Ba, 12/01/2010, 08:20

Mordechai Vanunu, 56 tuổi, kỹ sư hạt nhân người Israel gốc morocco ngày 29/12/2009 lại bị an ninh Israel bắt lần thứ 3 vì tội trao đổi với người nước ngoài. Mordechai Vanunu trở thành tù nhân nổi tiếng từ năm 1986. Vai trò của ông quan trọng đến mức sau khi mãn hạn tù ông vẫn bị theo dõi chặt chẽ.

Làm nhân viên kỹ thuật sau đó trở thành quản đốc tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Negev của Israel từ năm 1976 đến 1985, Vanunu sở hữu một kiến thức uyên thâm về các chương trình hạt nhân của Israel. Trung tâm Negev là Cơ quan nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của Israel đặt tại sa mạc cùng tên. Sau khi bị sa thải khỏi nhà máy này năm 1985, Vanunu rời Israel tới Nepal và dự tính chuyển từ đạo Do Thái sang đạo Phật. Sau đó ông tới Myanmar và Thái Lan.

Đến năm 1986, khi tới Sydney, Australia, ông sống trong một khu nhà tập thể làm các công việc vặt kiếm sống. Tình cờ, ông gặp được Peter Hounam, nhà báo của tờ The Sunday Times ở London, Anh. Sau đó Vanunu cùng với Hounam tới London và rồi ông đã tiết lộ chương trình hạt nhân của Israel cho tờ báo này, kể cả nhiều bức ảnh mà ông đã lén chụp ở Trung tâm Negev.

Vanunu tiết lộ là Israel làm giàu 30kg plutonium mỗi năm và có thể sản xuất 4kg chất phóng xạ này cho một loại vũ khí hạt nhân. Tính tổng cộng vào thời điểm đó, Israel có thể đã sản xuất được khoảng 150 loại vũ khí hạt nhân. Thông tin gây chấn động này sau đó đã khiến cơ quan mật vụ Mossad của Israel ra lệnh truy lùng Vanunu.

Một nhân viên của Cơ quan Mật vụ Israel (Mossad) là Cheryl Bentov đã vào vai một cô bạn gái của Vanunu mang tên Cynthia Hanin. Vẻ ngoài quyến rũ của Hanin chẳng mấy chốc làm Vanunu xiêu lòng và ông đã không ngần ngại nhận lời đề nghị của Hanin cùng cô tới Rome, Italia để nghỉ hè trong căn hộ của bà chị cô đang bỏ trống. Tại đây, các điệp viên Mossad đã tiêm ma túy cho Vanunu và bí mật đưa ông rời Italia trong một bưu kiện ngoại giao gửi về Israel.

Tòa án của Israel vào năm 1988 đã xét xử bí mật và buộc tội Vanunu 18 năm tù giam vì tội bội ước (khi làm trong lĩnh vực hạt nhân của Israel phải ký kết thỏa thuận không được tiết lộ bí mật) và làm gián điệp. Trong suốt thời gian thụ án, Vanunu luôn là đối tượng thủ tiêu của Mossad. Chính các cựu lãnh đạo của Mossad cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên, họ đã từ bỏ ý định vì dù sao Vanunu cũng là người Do Thái.

Ngay trước khi Vanunu được tự do vào năm 2004, Bộ Nội vụ Israel đã ra lệnh hạn chế tự do hoạt động của Vanunu, trong vòng 6 tháng ông này không được lui tới các cảng biển và hàng không, các chốt biên giới và đại sứ quán, không được phép tiếp xúc với báo giới và người ngoại quốc nếu không được phép. Nếu muốn đi ra khỏi Tel-Aviv hay ngủ đêm ngoài nhà, Vanunu phải thông báo trước 24 tiếng đồng hồ. Và bất cứ ai muốn tiếp xúc với ông, đều phải báo cáo lại cho Cơ quan tình báo. Lệnh này được gia hạn nhiều lần cho tới năm 2007 khi Vanunu bị bắt trở lại vì đã tiếp xúc với báo giới, ông bị tuyên phạt 6 tháng tù giam. Sau khi mãn hạn tù, Vanunu đã chuyển sang đạo Thiên Chúa giáo.

Sau khi ra tù năm 2004 tới nay, Vanunu liên tục gặp gỡ báo chí nước ngoài bất chấp lệnh cấm. Trong những lần xuất hiện trước giới truyền thông nước ngoài, đáng chú ý có cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình BBC, Vanunu cho rằng, ông không hối tiếc gì về những việc đã làm, và cho biết quyết định tiết lộ bí mật quốc gia của ông là do chiến dịch quân sự của Israel ở Liban năm 1982 tác động. Vanunu còn nói với Cơ quan an ninh Shin Bet rằng: "Tôi không phải là kẻ phản bội hay điệp viên, tôi chỉ muốn thế giới biết những gì đang diễn ra".

Vanunu cũng là một trong số ít người Do Thái có thiện cảm với người Palestine khi cho rằng: "Chúng ta (Israel) không cần một Nhà nước Do Thái mà cần có một Nhà nước Palestine vì người Do Thái có thể sống ở mọi nơi trên thế giới". Vanunu đã nộp đơn xin được tị nạn ở nhiều nước để tìm lại tự do cho mình. Tuy nhiên, tới nay chưa có nước nào chấp nhận đơn của ông. Na Uy và Thụy Điển từ chối vì theo luật nước này, đương đơn phải có mặt tại nước xin tị nạn. Ireland thì yêu cầu trước hết Vanunu phải rời khỏi Israel. Cái khó là mọi di chuyển của ông đều bị an ninh Israel kiểm soát nên việc ra nước ngoài là chuyện không tưởng.

Vào ngày 29/12/2009, Vanunu lại bị bắt giữ sau khi tiếp xúc với cô bạn gái người Na Uy từng bị cảnh sát thẩm vấn. Hiện ông đang bị quản thúc tại gia. Nhà chức trách Israel lo ngại Vanunu có thể còn có những thông tin đáng tin cậy về các chương trình hạt nhân của Iran mà ông có thể cung cấp cho nước ngoài. Luật sư của Vanunu, ông Avigdor Feldman cho rằng, Cơ quan An ninh Shin Bet của Israel biết quá rõ về mối quan hệ giữa Vanunu với cô bạn người Na Uy chỉ là mối quan hệ tình cảm bình thường.

Vanunu đã phải thốt lên rằng: "Tất cả những gì tôi muốn là sự tự do. Tôi chưa từng được tự do phát biểu và di chuyển".  Vanunu cho biết những kiến thức về hạt nhân của ông giờ đây không còn gì là bí mật nữa vì nó trở nên phổ quát hơn.

Báo chí Israel và nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi Israel đối xử công bằng hơn với Vanunu và xem những biện pháp kiểm soát ông là vi phạm luật pháp quốc tế. Gần đây nhất, Chính phủ Scotland đã yêu cầu Israel dỡ bỏ mọi hạn chế trong sinh hoạt của ông Vanunu. Ông Vanunu cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Tromse của Na Uy, giải thưởng Hòa bình của Nhân dân Na Uy.

Được bầu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Glasgow, Scotland vào năm 2005 nhưng Vanunu không thể nhậm chức vì không được phép ra khỏi Israel. Ông cũng liên tục nhận được đề cử giải Nobel Hòa bình từ năm 1988 đến 2004. Tháng 3/2009, ông đã viết thư gửi Ủy ban Hòa bình tại Oslo yêu cầu ủy ban này đưa ông ra khỏi danh sách đề cử vì ông không thể đứng tên chung với Tổng thống Israel Shimon Perez, người mà ông cho là đã ủng hộ hết mình chương trình hạt nhân của Israel. Thế nhưng, giới chức Israel không bao giờ tự tuyên bố là nước có vũ khí hạt nhân, vì vậy, những tiết lộ của Vanunu đối với họ là không thể chấp nhận

Trương Minh (tổng hợp)
.
.