Chuyến bay của chiếc Mig-25P đã góp phần ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân như thế nào?

Thứ Tư, 19/11/2008, 17:30
35 năm trước, một chuyến bay lịch sử của loại máy bay MiG-25P của Liên Xô ngay trên bầu trời thủ đô Tel-Aviv của Israel đã góp phần ngăn chặn được nguy cơ của một cuộc chiến hạt nhân rất có thể sẽ xảy ra.

Sự kiện đáng chú ý này mới được tiết lộ trong cuốn sách “50 năm trong lịch sử ngành hàng không. Ghi chép của một viện sĩ” của tác giả Evgheny Fedosov – Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia các hệ thống hàng không, và là một trong những tác giả hàng đầu của Bách khoa toàn thư về tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga…

Tháng 10/1973, vào đúng thời điểm đang nổ ra cuộc chiến tranh giữa Israel với Ai Cập và một số quốc gia Arập khác, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô Aleksey Minaev đã cho mời Viện sĩ Fedosov cùng với Viện sĩ Bunkin (Tổng công trình sư các hệ thống tên lửa phòng không) để bàn bạc về một chủ đề quan trọng và cũng rất bất ngờ: Liệu loại máy bay MiG-25P hiện đại nhất khi đó của Liên Xô có khả năng bay lượn an toàn trên bầu trời Tel-Aviv?

Kết quả là Minaev và Fedosov cho rằng, độ cao có thể hoạt động của MiG-25P (từ 22-33 km) có thể đảm bảo độ an toàn cho máy bay, do các tên lửa và máy bay tiêm kích của Mỹ đều không thể tiếp cận được. Chỉ có Bunkin nhận định vẫn còn có khả năng nguy hiểm đối với loại máy bay này.

Máy bay Mig-25P và Anh hùng Liên Xô Aleksander Bezevez (ảnh nhỏ).

Nguyên nhân khiến Moskva tính toán đến khả năng của chuyến bay đặc biệt này bắt nguồn từ cuộc chiến đang leo thang quyết liệt tại Trung Đông. Vào thời điểm đó, có nhiều thông tin khẳng định về việc không quân Israel đang có kế hoạch tấn công phá hủy đập nước Aswan được Ai Cập xây dựng trên sông Nile nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô vào năm 1970. Đập nước này cho tới giờ vẫn là một công trình độc đáo trên quy mô toàn thế giới, khi đó thậm chí còn được nhiều người mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”.

Với độ cao 110m và chiều dài tới 4 km, lớp vỏ bê tông của đập đang chứa đựng một lượng nước khổng lồ khoảng 160 tỉ m3. Nếu như đập bị phá hủy, một làn sóng nước với độ cao từ 80-100m có thể quét sạch tất cả các thành phố cũng như các điểm dân cư khác của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Hậu quả của thảm họa này sẽ chẳng khác gì một đòn tấn công hạt nhân. Ngay cả Moskva trong trường hợp này cũng đã phải lên kế hoạch cảnh báo về một đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Israel. Một khi tình hình đã tới mức độ nghiêm trọng như trên, mọi diễn tiến sẽ khó có thể kiểm soát nổi, nhất là khi khả năng can thiệp của Mỹ gần như là chuyện chắc chắn.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là tại sao loại máy bay MiG-25 khi đó lại được dự định sử dụng làm một công cụ răn đe Tel-Aviv trước âm mưu tấn công đập Aswan và ngăn chặn nguy cơ của một cuộc chiến hạt nhân? Máy bay tiêm kích đa chức năng MiG-25P được chế tạo lần đầu vào năm 1966, mà một trong những cha đẻ của nó không ai khác chính là Thứ trưởng Aleksey Minaev.

Loại máy bay này khi mới ra đời đã được coi là không có một đối thủ xứng tầm, khi có khả năng bay cao chưa từng có: trần bay thông thường là 22 km còn khi hoạt động hết công suất là 37 km. Ngoài ra, tốc độ bay của MiG-25P còn nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Trên thực tế, không có một phương tiện phòng không nào khi đó của quân đội Israel có thể bắn hạ được loại máy bay này tại những độ cao như trên. Không phải ngẫu nhiên mà sau cuộc chiến tranh nói trên, người Mỹ đã tìm mọi thủ đoạn để có thể lấy được một mẫu máy bay kiểu này.

Mọi việc đã được chuẩn bị và phê chuẩn rất nhanh chóng kể từ khi ý kiến của Thứ trưởng Aleksey Minaev được phê duyệt. Một ngày mùa thu năm 1973, phi công Aleksander Bezevez lái một chiếc MiG-25P cất cánh từ một sân bay gần Cairo. Chỉ sau vài phút, chiếc MiG-25P đã bay lượn trên bầu trời Tel-Aviv ở độ cao 22 km.

Ngay lập tức, một vài chiếc máy bay đánh chặn của Israel hiệu Phantom và Hokey đã cất cánh truy đuổi. Nhưng tất cả những tên lửa và đạn được những máy bay này bắn ra đã không thể chạm tới chiếc MiG-25P.

Phi công Bezevez sau đó còn tiếp tục bay lượn trước sự bất lực của đối phương, bật camera ghi lại tất cả những cảnh khai hỏa tuyệt vọng trên, cũng như chụp ảnh toàn bộ Tel-Aviv từ trên cao.

Cần biết là chiếc MiG-25P trong chuyến bay “trình diễn” này không hề mang theo vũ khí đạn dược. Sau khi bay lượn đúng 6 vòng (trong khi yêu cầu của cấp trên chỉ là 1 vòng) quanh Tel-Aviv, Bezevez mới chịu cho máy bay trở về căn cứ. 

Sau chuyến bay đặc biệt này, phi công Aleksander Bezevez đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Còn phía Israel cũng hiểu rõ rằng, họ sẽ không thể tránh được đòn trừng phạt nghiêm khắc nếu như quyết định tấn công đập nước Aswan.

Cũng chỉ vài ngày sau, Georgi Kornienko - một nhà ngoại giao Xôviết nổi tiếng, sau trở thành Thứ trưởng Ngoại giao, hồi năm 1973 đang làm cố vấn - phái viên tại Washington - đã được mời tới Nhà Trắng để gặp trực tiếp Tổng thống Nixon.

Theo yêu cầu của phía Mỹ, Kornienko đã đứng ra tổ chức và trực tiếp làm phiên dịch cho một cuộc đàm phán qua điện thoại giữa Tổng thống Richard Nixon và Tổng bí thư Leonid Brejnev. “Xin ngài hãy nghe tôi, Leonid – Nixon nói với Brejnev – Đã đến lúc bắt tay vào gây sức ép với những người bạn của chúng ta tại Cairo và Tel-Aviv. Đã đến lúc phải kết thúc cuộc xung đột giữa họ”.

Sau thỏa thuận nhanh chóng giữa nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới khi đó, cuộc chiến Israel - Ai Cập đã nhanh chóng chấm dứt chỉ một ngày sau. Thế giới đồng thời cũng tránh được nguy cơ nổ ra và leo thang của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngày 17/1/1974, Thứ trưởng Aleksey Minaev được giao nhiệm vụ trực tiếp trao tặng những phần thưởng cao quý của quốc gia cho các kỹ sư hàng không và phi công thử nghiệm đặc biệt xuất sắc trong dự án chế tạo loại máy bay MiG-25P.

Dường như là một định mệnh, ngay sau khi hoàn tất mọi nghi lễ trao thưởng tại sân bay thử nghiệm “Vladimirovka” (Volgograd), Minaev vào một căn nhà gần đó tạm nghỉ ngơi, trong lúc chờ các phi công chuẩn bị cho chuyến bay về Moskva.

Đến khi một nữ tiếp viên vào gọi thì phát hiện ông đã đột tử. Cái chết bất ngờ của Thứ trưởng Minaev được đánh giá là một tổn thất nặng nề đối với ngành công nghiệp hàng không Xôviết

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.