Chuyện chưa kể về dẫn độ tội phạm bị truy nã quốc tế

Thứ Hai, 14/05/2018, 14:54
Một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm là sau khi gây án thường “biến” sang “đất nước thứ ba” để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nhiều đối tượng thậm chí còn lên kế hoạch đặt vé máy bay để “chuồn” trước khi gây án. Song, dù có tính toán để “cao chạy xa bay” thì sớm hay muộn những đối tượng này cũng sẽ phải trả giá cho hành động phạm tội của chúng.

1. Đầu năm 2018, trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) xảy ra một vụ “hỏa thiêu” gây xôn xao dư luận. Do mâu thuẫn ghen tuông, chị Nguyễn Thị H. (34 tuổi, tạm trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) bị bạn trai là Iredale Gary (53 tuổi, trú tại Blackpool, Vương quốc Anh) đổ xăng rồi châm lửa đốt gây bỏng nặng. Do đã mua sẵn vé máy bay từ trước nên ngay sau khi gây án, Gary đã kịp chuồn sang Bangkok (Thái Lan).

Vụ việc cũng thu hút dư luận quốc tế, khi nhiều tờ báo Anh quốc như Daily Mail, The Sun, Miror… đồng loạt đưa tin về vụ án nghiêm trọng này. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, lực lượng điều tra hình sự Công an TP Hà Nội đã vào cuộc. Do Gary mang 2 quốc tịch (Anh và Australia), trong giao dịch bình thường, gã sử dụng hộ chiếu của Australia nên đã gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra.

Và, trước khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Giết người”, thì Gary đã kịp chuồn sang Thái Lan, rồi tiếp đó là Philippines. Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, Công an Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, ra lệnh truy nã quốc tế đối với kẻ giết người.

Được biết, sau khi gây án và trốn sang Philippines, Gary đã tiếp tục chuồn sang nhiều quốc gia khác. Song, “lưới trời lồng lộng”, tháng 3-2018, hắn đã bị sa lưới tại Peru. Theo thông tin từ cảnh sát Peru, phát hiện thấy Iredale Gary có lệnh truy nã từ Interpol, lực lượng chức năng nước này ngay lập tức đã bắt giam, đồng thời thông tin sang phía Việt Nam.

Nhận được thông tin từ phía bạn, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xin ý kiến các cấp lãnh đạo, đồng thời đang gấp rút tổ chức thực hiện các công tác để tiến hành dẫn độ đối tượng về Việt Nam trong một ngày gần nhất.

Đối tượng Iredale Gary sẽ được dẫn độ về Việt Nam từ Peru theo nguyên tắc “có đi có lại”; Trùm lừa đảo quốc tế Oshanugor James Anyasi sa lưới tại Việt Nam.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, theo khoản 1, Điều 32, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, quy định: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.

Hiện nay Việt Nam có ký kết một số Hiệp định Tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia như: Liên bang Nga, Cuba, Lào, Hàn Quốc, Algeria, Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Ukraina, Mông Cổ, Triều Tiên...

Nên nếu người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự bị bắt khi đang ở các quốc gia này thì việc dẫn độ sẽ áp dụng theo Hiệp định Tương trợ tư pháp đã ký kết với quốc gia đó. Còn người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự hiện đang ở quốc gia chưa có Hiệp định Tương trợ tư pháp về dẫn độ thì tùy quốc gia có áp dụng theo nguyên tắc “có đi có lại”. Do Việt Nam và Peru chưa ký Hiệp định Tương trợ tư pháp nên đối tượng Iredale Gary sẽ được dẫn độ về Việt Nam theo nguyên tắc “có đi có lại”.

2. Còn nhớ ít năm trước, Công an TP Hà Nội thụ lý vụ án “Sử dụng mạng viễn thông, máy tính lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Minh Thi (SN 1988, trú tại phường An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai). Theo đó, Thi đã câu kết với nhiều đối tượng Việt Nam và nước ngoài, tổ chức hàng trăm vụ lừa đảo qua mạng Internet, mà kẻ cầm đầu là Oshanugor James Anyasi (còn gọi là “James”, SN 1980, quốc tịch Nigeria).

Có thể nói James là một đối tượng lừa đảo thuộc hàng “siêu hạng”. Xuất thân từ châu Phi, James có thể nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, và đã tổ chức một mạng lưới lừa đảo từ Malaysia, Campuchia, Việt Nam… Hắn từng có thời gian cặp kè với một người phụ nữ Việt tại TP Hồ Chí Minh. Song rất khôn ngoan, sau mỗi phi vụ, James thường “biến” ra nước ngoài để trốn tránh, khiến cho công tác điều tra truy bắt đối tượng trở nên rất khó khăn, nếu như không muốn nói là… vô vọng. Ngay cả khi lệnh truy nã quốc tế đối tượng này được phát ra, thì hành tung của hắn vẫn như “bóng chim tăm cá”.

Sau một thời gian dài kiên trì đeo bám đối tượng, trinh sát hình sự đã phát hiện ra “gót chân Asin” của James. Đó là trong một lần bất cẩn, hắn book máy bay để di chuyển từ Dohar (Qatar) sang Phnom Penh (Campuchia). Nắm được thông tin quý như vàng này, quyết tâm phải tóm bằng được đối tượng một sợi dây tình cảm với James được thiết lập cùng cuộc hẹn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). James không thể ngờ hắn đã lọt vào tầm kiểm soát của Cơ quan công an từ lúc nào...

Hai trinh sát giàu kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự được lệnh bí mật từ Hà Nội bay vào TP Hồ Chí Minh, phối hợp cùng với Đồn công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đón lõng đối tượng. Khi được mời xuống máy bay, James vẫn luôn miệng nói rằng... công an bắt nhầm người! Hắn bảo với các trinh sát rằng, “người mà các ông truy nã là người anh em sinh đôi với tôi”. Nhưng mọi chiêu trò của James đều bị các trinh sát lật tẩy dễ dàng. James sau đó đã bị kết án 12 năm tù.

Tháng 8-2013, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội đã phối hợp Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Bộ Công an tiến hành dẫn độ đối tượng Phạm Thúy Ngân (SN 1952, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) từ Liên bang Nga về Việt Nam. Trước đó, Ngân đã bị truy nã về hành vi cố ý gây thương tích.

Tài liệu của Cơ quan điều tra cho thấy, khoảng thời gian từ năm 2002-2006, Ngân có làm ăn chung với anh Trần Quang Khánh (SN 1966, trú tại Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tại nước ngoài. Anh Khánh có nợ Ngân 180 ngàn đô la Mỹ. Nhiều lần Ngân đòi mà Khánh không trả, Ngân đã nhờ Ngô Văn Long (SN 1962, trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - còn được giới giang hồ gọi là Long “vàng” đứng ra lo hộ. Long đã rủ nhiều đàn em tổ chức “tróc nợ” anh Khánh.

Đỉnh điểm, các đối tượng còn tổ chức đánh dằn mặt, khiến anh Khánh tổn hại đến 47% sức khỏe. Nhóm đối tượng này sau đó đã bị Cơ quan công an ra lệnh truy nã. Riêng Ngân đang cư trú tại Liên bang Nga nên bị truy nã quốc tế.

Nếu như Phạm Thúy Ngân ở nước ngoài, “chỉ đạo” đàn em gây án ở Việt Nam và sau đó bị bắt, dẫn giải về nước thì cặp đôi Phạm Thế Vinh và Nguyễn Hà Lan lại gây án ở nước ngoài, song cuối cùng vẫn phải về Việt Nam chịu tội.

Cán bộ công an dẫn độ đối tượng Phạm Thúy Ngân từ Liên bang Nga về chịu án.

Vinh và Lan đều là người Hà Nội sang làm ăn sinh sống tại Nga. Ban đầu, tại Nga, vợ chồng Vinh - Hà Lan làm chủ một xưởng may người Việt ở ngoại ô Moskva và có thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm ăn tại đây, vợ chồng Vinh đã gây dựng cho mình nhiều mối quan hệ phức tạp và sử dụng những quan hệ này để cưỡng đoạt tài sản của những người Việt Nam làm ăn buôn bán tại Nga.

Khoảng đầu năm 2010, vợ chồng Vinh trở thành nỗi sợ hãi đối với nhiều người Việt làm may mặc tại Nga. Bởi, nếu họ không chấp nhận chi tiền bảo kê cho vợ chồng Vinh thì xưởng may của họ với số vốn đầu tư vài chục nghìn USD có thể sẽ bị phá phách hoặc đóng cửa. Phẫn nộ, nhưng hầu hết những người làm may trong cộng đồng người Việt tại đây, đều sợ hãi không dám tố cáo.

Cũng trong khoảng thời gian này, từ nguồn tin khác nhau, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam đã thu thập được nhiều nguồn tin về những hoạt động tội phạm của vợ chồng Vinh - Hà Lan. Nhận định, hành vi phạm tội của Vinh - Hà Lan đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt, làm xấu đi hình ảnh người Việt trong con mắt chính quyền và người dân Nga, được sự đồng ý của cấp trên, một nhóm điều tra viên từ Việt Nam đã được điều sang Nga để thu thập chứng cứ và tiến hành các hoạt động điều tra về hành vi phạm tội của vợ chồng Vinh - Hà Lan.

Sau khi có đầy đủ chứng cứ pháp lý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng Vinh - Hà Lan về tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam đề nghị Ban Tổng thư ký Tổ chức Interpol ban hành Lệnh truy nã quốc tế đối với vợ chồng Vinh - Hà Lan. Đến tháng 4-2013, hai đối tượng trên đã được dẫn giải về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra và đưa ra xét xử.

Vụ việc về Iredale Gary thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, công tác dẫn độ một đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam thường mất nhiều thời gian. Trước hết là việc xử lý các thủ tục giấy tờ, xin ý kiến cơ quan hữu quan của nước bạn. Việc dịch, công chứng các văn bản này ra tiếng nước bạn cũng mất khá nhiều thời gian.

Tiếp đó, việc tổ chức một đoàn công tác ra nước ngoài để tiếp nhận đối tượng, di lý về Việt Nam cũng có nhiều khó khăn. Song anh em cán bộ chiến sỹ đã vượt lên tất cả những khó khăn trở ngại đó, quyết tâm đưa đối tượng về thụ án, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Yên Chi
.
.