Cơ quan Công an vào cuộc vụ dùng rác thải san lấp mặt bằng
- Khẩn trương xử lý hàng nghìn tấn rác thải tồn đọng
- Để rác thải gây nghẹt cống thoát nước, 4 chủ tịch phường bị phê bình
Có mặt tại khu đất này, chúng tôi thấy đây là mảnh đất được bao quanh bởi các con kênh, rạch, ao hồ, nằm ngay mặt tiền đường Thành Long nối với quốc lộ 50 (ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Mảnh đất được san lấp khá bằng phẳng. Trên bề mặt khu đất này có nhiều rác thải sinh hoạt lẫn trong đất như chai nhựa, ly nhựa, túi nilon, vải,…
Khu vực này thưa dân cư, ít người qua lại. Một số người dân sinh sống gần đây cho biết mảnh đất này lúc trước đầy nước, chủ đất đắp bờ thả cá. Thời gian gần đây thấy có xe tải chở bùn đất màu đen vào san lấp. Một vài người dân sử dụng nước giếng khoan, cho biết ở khu vực này có mùi hôi nhưng không biết là bốc ra từ đâu.
Cơ quan Công an đến hiện trường khu đất chôn rác thải. |
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, lô đất mà Công ty Bắc Nam đổ chất thải được xác định là thửa 1510, tờ bản đồ số 2 (tài liệu chỉnh lý năm 1992, bộ hồ sơ địa chính xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cấp cho ông Trần Hồng Thái. Chủ sở hữu của khu đất này trước đó đã lập phương án xin thực hiện san lấp mặt bằng bằng đất đen để trồng cây lâu năm. UBND huyện đã phê duyệt dự án này.
"Chúng tôi đang phối hợp với các quan chức năng để làm rõ vấn đề dùng rác thải để san lấp mặt bằng ở khu đất này. Nếu thực hiện không đúng như phương án được duyệt thì sẽ tiến hành thu hồi giấy phép. Đồng thời, huyện cũng sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ, lãnh đạo xã Phong Phú do thiếu kiểm tra, giám sát địa phương, để xảy ra vấn đề trên", ông Hồng nói.
Theo ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, vị trí san lấp thuộc tổ 8 (ấp 2) có hai chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Cẩm Sa và ông Trần Hồng Thái. Hai người này có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất trồng cây hằng năm, đã xin UBND xã để san lấp và đã được xã chấp thuận. Tổng diện tích san lấp khoảng 8.000m².
Ông Việt cho biết, trong quá trình san lấp, UBND xã có phân công tổ đô thị, địa chính xây dựng, trưởng ấp, công an xã tăng cường phối hợp kiểm tra. Và khi san lấp được khoảng 50% khối lượng thì lực lượng xã thường đến kiểm tra và ghi nhận là san lấp đúng quy trình, vật liệu là đất đen trộn ít xà bần phù hợp với việc trồng cây. Sau đó lực lượng có giảm tần suất theo dõi, kiểm tra chủ yếu ban ngày, giờ hành chính.
Sáng 22-11, đoàn kiểm tra gồm Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh và huyện Bình Chánh đã phối hợp tiến hành đào khảo sát khu đất này; điều máy xúc đến đào 6 vị trí có độ sâu từ 1-2m, chạm đến phần đất đen phía dưới. Đoàn khảo sát đánh giá vật liệu chôn lấp được đào ở các lỗ không phải là đất, thành phần chủ yếu là nylon dạng mảnh vụn, sợi dài, simili, một số bao bì giấy, dây cao su, nhựa, có khả năng là chất thải công nghiệp và có cả những bao chứa rác vẫn còn nguyên, nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc.
Khối lượng chất thải đánh giá sơ bộ là 15.000m³. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu để kiểm nghiệm về thành phần, xác định chất thải nguy hại hay không nguy hại.
Sở TN&MT cũng cho biết việc chủ khu đất đăng ký san lấp có sự xác nhận của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, đến ngày 23-10 thì công tác san lấp được hoàn thành và có nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (TN&MT) cho hay, Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành lấy mẫu chất thải đổ tại khu đất này để xác định đây là chất thải công nghiệp hay chất thải nguy hại. Việc xác định kết quả mẫu chất thải sẽ là căn cứ để Sở đề xuất UBND thành phố có biện pháp và mức xử lý phù hợp.
Chiều 23-11, Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường ETM thuộc Sở KH&CN cũng đến lấy mẫu đất và rác thải để đem về kiểm nghiệm thành phần và các chỉ tiêu. Cục Cảnh sát môi trường cùng Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an huyện Bình Chánh đã đến ghi nhận vụ việc.
Cũng trong chiều 23-11, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường, Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Nhà Bè), Phòng TN&MT huyện Nhà Bè tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Bắc Nam, địa chỉ số 203/11 đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm như bãi tập kết phương tiện của công ty không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có bản kế hoạch môi trường được xác nhận theo quy định…
Qua buổi làm việc, ông Uông Trường Giang, Phó giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam thông tin đơn vị có tập kết rác thải công nghiệp không nguy hại, được thu gom từ Công ty Giấy Lee&Man tại bãi tập kết (ở ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè) bắt đầu từ tháng 1-2018 đến nay. Đồng thời, ông Giang cũng thừa nhận hành vi trên là không đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đoàn kiểm tra đang tiến hành lấy lời khai của chủ đất ở Bình Chánh, người san lấp để thực hiện các bước tiếp theo và sẽ tiếp tục cho kiểm tra một số vị trí nghi vấn có chôn rác thải ở địa bàn huyện Nhà Bè.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam đăng ký kinh doanh lần đầu và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 10-12-2012, với tên gọi Công ty TNHH Bắc Nam Xanh và đăng ký lần thứ 9 vào ngày 12-2-2018.