Cuộc đời như phim của kẻ làm giả cổ vật hàng đầu nước Mỹ thế kỷ 20

Thứ Tư, 17/03/2021, 08:29
Bộ phim tài liệu mới nhất của Netflix, "Murder Among the Mormons" đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về vụ đánh bom hàng loạt từng gây rúng động thành phố Salt Lake và cộng đồng người theo Đạo Mormon tại Mỹ năm 1985. "Murder Among the Mormons" đã phác họa cuộc đời kẻ làm đồ nhái khét tiếng nhất thế kỷ 20 Mark Hofman cùng những nỗ lực giết người diệt khẩu và cái giá hắn phải trả.

Chàng trai sùng đạo trở thành kẻ bán đồ giả

Mark Hofman sinh năm 1954 và được nuôi dạy trong một gia đình sùng đạo, êm ấm. Khi còn học cấp 3, hắn là một học sinh trung bình nhưng lại có nhiều tài lẻ và sở thích như ảo thuật, điện máy, hóa học, sưu tầm tiền xu và tem cổ. Thiên hướng phạm tội của Mark được bộc lộ khá sớm: hắn rất quan tâm đến các loại bom và đã từng thử chế tạo bom hồi đi học. Đặc biệt hơn, khi mới 17 tuổi, hắn đã từng làm cũ một đồng xu mới và nhiều chuyên gia sưu tầm đồ cổ đã tin đó là đồ thật.

Mark nhập học khoa Y thuộc trường Đại học Utah. Hắn kết hôn với cô Doralee Olds năm 1979 và có 4 con. Cô Doralee ly dị Mark năm 1987.

Mark Hofman thời trẻ

Năm 1980, Mark tuyên bố đã tìm ra phiên bản thế kỉ 17 của Kinh Thánh King James kèm một mẩu giấy kẹp bên trong. Theo Mark, mẩu giấy là một phần của cuốn kinh bằng vàng linh thiêng được vị thánh thành lập đạo Mormon Joseph Smith chép tay. Báu vật này thực ra có tồn tại, từng được Giáo sư đại học Columbia Charles Anthon kiểm định năm 1828 nhưng sau đó đã thất lạc. Dựa theo những ghi chép của Giáo sư Anthon, Mark đã tạo ra một món đồ giả hệt như thật, và từ đó hắn trở thành một tay buôn đồ cổ sừng sỏ tại Utah nói riêng và cộng đồng Mormon nói chung. Trình độ làm giả của hắn tinh vi đến mức ông Dean Jesse, một trong những chuyên gia hàng đầu về nét chữ và tài liệu cổ thời đó, còn tin Mark rao bán đồ thật. Giáo hội Mormon nhanh chóng công bố "phát hiện" của Mark vào tháng 4-1980 và quyết định bỏ ra 25.000 USD để mua lại "báu vật".

Sau khi kiếm được món hời và nhận ra "năng khiếu" của mình, Mark bỏ ngang việc học đại học để bắt đầu kinh doanh đồ cổ. Hắn liên tục làm giả hàng loạt các báu vật đã thất lạc từ lâu, hoặc vốn chỉ là giai thoại và đã qua mắt được không chỉ những người lãnh đạo tuổi cao sức yếu của Giáo hội mà còn cả những sử gia uy tín. Theo vợ chồng phóng viên Richard và Joan Ostling, Mark chế tác và buôn bán đồ giả không chỉ vì lòng tham mà còn vì muốn thử thách kiến thức của Giáo hội, cũng như bí mật làm họ bẽ mặt khi bỏ ra rất nhiều tiền chỉ để rước về đồ giả. 

Chỉ 1 năm sau, động cơ phạm tội của Mark đã trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều: hắn muốn tạo ra những tài liệu có thể thay đổi cả bề dày lịch sử cũng như bộ mặt của Đạo Mormon. Mark giới thiệu một lá thư cho thấy Joseph Smith đã chọn con trai Joseph Smith III làm người kế thừa vị trí đứng đầu giáo hội, chứ không phải Brigham Young. Cụ thể hơn, lá thư được viết bởi mục sư Thomas Bullock năm 1865 khẳng định Brigham Young đã tiêu hủy mọi bằng chứng, đẩy Joseph Smith III đi và chiếm đoạt vị trí người đứng đầu Giáo hội Mormon. Nếu sự thật này bại lộ, toàn bộ lịch sử của tôn giáo này sẽ bị xét lại và các tín đồ sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tín ngưỡng.

Mark bán món đồ này cho Giáo hội vào tháng 2-1981 với một mức giá đắt đỏ đến mức chính tôn giáo nổi tiếng chịu chi và nhiều tiền này cũng phải lắc đầu. Sau đó, tên này đã có một nước cờ cực kì ranh ma: hắn đem món cổ vật đểu này bán cho một nhánh khác của Đạo Mormon là Tái Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau, vốn luôn khẳng định Joseph Smith III mới là truyền nhân chân chính của Joseph Smith. Đóng vai một tín đồ đạo Mormon trung thành, Mark không lấy tiền mà muốn nhận lại một số món cổ vật xịn trị giá khoảng 20.000 USD. Sau khi giao dịch xong xuôi, tên lừa đảo lập tức công khai nội dung lá thư trên các phương tiện truyền thông, gây ra một cơn chấn động trong cộng đồng Mormon.

Mark Hofman tại phiên tòa.

Vậy là Mark đã đạt được mục đích: hắn giờ đã nắm trong tay một thứ quyền lực khủng khiếp để dọa nạt và thao túng những người đứng đầu đạo Mormon chỉ bằng một mẩu giấy. Đạo Mormon vốn có tiếng xấu thường xuyên bưng bít những thông tin bất lợi cho mình, chính vì vậy Mark tin rằng họ sẽ mua đồ giả của hắn rồi giấu chúng đi vĩnh viễn, và sẽ không có một chuyên gia nào được phép tiếp cận "cổ vật" và vạch mặt kẻ lừa đảo.

Để lý giải cho số lượng cổ vật dồi dào mà mình sở hữu, Mark thường giải thích rằng hắn tìm kiếm những món đồ giá trị nhờ vào sự giúp đỡ của một mạng lưới đông đảo những người đưa tin, và hắn quan tâm đến ngày tháng trên tài liệu hơn là nội dung. Ngoài ra, Mark còn thi thoảng trộn đồ thật vào đồ giả đem bán để tăng thêm uy tín cho bản thân.

Âm mưu thâm độc của kẻ nợ nần

Cho dù kiếm được rất nhiều tiền, Mark vẫn lâm vào cảnh nợ nần vì lối sống xa hoa và sở thích sưu tầm những quyển sách hiếm. Để có tiền trả nợ, hắn bắt đầu quảng cáo rằng mình đã tìm được và sẽ bán "Tuyển tập McLellin" bao gồm hàng loạt những lá thư và bài viết của William E. McLellin, một tông đồ đạo Mormon thế kỉ 19 nhưng đã có xích mích và sớm rời bỏ tôn giáo này, và Mark cũng khẳng định những thông tin trong tuyển tập này sẽ gây bất lợi cho Giáo hội. Trên thực tế, ông McLellin cũng đã viết một số lá thư tố cáo lối sống đa thê của Joseph Smith - vốn là người có chủ trương bãi bỏ chế độ hôn nhân này trong cộng đồng người Mormon. Cụ thể hơn, trong một lá thư gửi con trai của Joseph Smith, ông McLellin cho rằng vợ của người sáng lập đạo Mormon biết rất rõ về lối sống của chồng mình.

Thực tế Mark không hề biết "Tuyển tập McLellin" đang ở đâu, và hắn cũng không thể làm giả một khối lượng lớn tài liệu như vậy trong một khoảng thời gian ngắn. Những người hắn hứa  sẽ bán "Tuyển tập McLellin" cũng các chủ nợ của "vua đồ giả" bắt đầu săn lùng hắn, còn thương vụ "Lời thề người tự do" bị tạm hoãn vì một số chuyên gia nghi ngờ rằng đó là đồ giả. Trong lúc tuyệt vọng, Mark đã nhớ lại thú vui chế tạo bom của mình ngày xưa và quyết định diệt khẩu.

Vào tháng 15-10-1985, hắn đặt một quả bom trên xe một trong những người muốn mua "Tuyển tập McLellin" là ông Steven Christensen, giết hại ông này và làm bị thương người thư kí. Chiều cùng ngày, một quả bom khác cướp đi sinh mạng của bà Kathy Sheets, vợ của một nhân viên cũ của ông Steven. Thành phố Utah yên bình bỗng chốc trở nên hỗn loạn: hàng loạt tay buôn đồ cổ lập tức dời đi vì sợ mình sẽ bị nhắm đến, một bưu tá bị đám đông đuổi đánh vì giao một gói hàng trông giống bom, mỗi ngày cảnh sát nhận đến hàng trăm cuộc gọi báo có kẻ khả nghi… Để tránh bị nghi ngờ, Mark còn đặt bom lên chính xe của mình và bị thương nhẹ.

Một tài liệu giả do Mark làm ra.

Âm mưu của Mark đã thành công, hầu như mọi điều tra viên tham gia vào chuyên án đều tin rằng thủ phạm là một trong những người người bị Steven và chồng của nạn nhân Kathy là Gary lừa tiền. Tuy nhiên quá trình điều tra cho thấy không một ai trong số đó có khả năng phạm tội hoặc đang ở gần hiện trường lúc vụ việc xảy ra và 2 thám tử Ken Fanswoth cùng Jim Bell bắt đầu nghi ngờ Mark. Đầu tiên, khám nghiệm hiện trường cho thấy hắn nói dối về vị trí của quả bom trên xe, và những thương tích của Mark quá nhẹ so với người bị trúng bom trong không gian hẹp. Một nhân chứng gần hiện trường cũng thề rằng ông ta đã nhìn thấy Mark ôm một gói giấy màu nâu bước vào văn phòng. Những chứng cứ này không rõ ràng nên họ chưa thể kết tội Mark, mà chỉ được giám sát hắn vì hắn là nạn nhân.

Hình ảnh mới nhất của kẻ đánh bom hàng loạt.

Trong 2 tháng tiếp theo, vụ án trở thành một nỗi ám ảnh của Sở Cảnh sát Utah khi các điều tra viên làm việc 12 tiếng mỗi ngày, ngủ lại buổi tối dưới gầm bàn ở cơ quan và lãnh đạo quyết định chuyển khỏi phòng làm việc riêng để nhường chỗ cho các sĩ quan ngủ. Công tố viên hạt Utah quyết tâm bỏ việc, chuyển nhà và không theo đạo nữa vì đêm nào cũng mơ thấy Mark và các cổ vật của người Mormon, để rồi choàng tỉnh và mất ngủ, suy kiệt tinh thần.

Hết cách, các điều tra viên phải chuyển hướng sang 2 quả bom, và chỉ 1 tuần sau, họ xác định được vật liệu chế tạo bom được mua từ một trong vài chục cửa hàng tạp hóa Radio Shack ở Utah. May mắn thay cho cơ quan chức năng, Radio Shack yêu cầu khách hàng phải ghi rõ tên cùng địa chỉ vào hóa đơn, và các thám tử từng nhìn thấy vài lá thư ghi cái tên "Mike Hansen" trên vài phong bì trong nhà Mark. Sau khi đối chiếu kĩ càng và nhận ra cái tên này không có liên quan đến các nạn nhân, các điều tra viên cho rằng Mike Hansen là cái tên Mark đã sử dụng để mua thiết bị chế tạo bom. Sau đó, tất cả cảnh sát phải ngồi rà soát hàng chục nghìn hóa đơn ở các chi nhánh Radio Shack và cuối cùng, họ cũng tìm ra cái tên này.

Trong lúc đó, hai chuyên gia phân tích tài liệu cổ George Throckmorton cùng William Flyn bắt đầu nhận ra, mọi cổ vật được Mark bán ra đều có một vết tích chung: vết rạn trên nét chữ, hậu quả của việc mực bị khô và các tài liệu khác được lưu trữ ở Thư  viện Quốc gia có chung tuổi đời, loại mực và giấy thì lại không hề có dấu vết đó. George và William nhận ra đây là kết quả của việc Mark tự pha loại mực được sử dụng từ thế kỉ 17-18, nhưng lại sử dụng một số nguyên liệu hiện đại. Xâu chuỗi lại sự việc, cảnh sát kết luận Mark đã làm giả hầu hết những món đồ mình đem bán, và khi sắp bị phát hiện hoặc vì không kịp chế tác "Tuyển tập McLellin", hắn đã giết hại khách hàng. Nhận định này càng được củng cố khi cảnh sát tìm thấy rất nhiều vật liệu để làm đồ giả trong gara của Mark.

Mark bị bắt năm 1986, bị kết án tù từ 5 năm đến chung thân vì giết người và lừa đảo, nhưng hắn sẽ không bao giờ được ân xá vì cơ quan chức năng đã nhận ra sự tàn nhẫn của Mark khi hắn trả lời rằng: "Kathy, một em bé, hay một con chó chết cũng không quan trọng. Tôi không hề thấy thương xót vì các nạn nhân đằng nào cũng đã thiệt mạng và không cảm thấy đau đớn gì nữa".

Năm 1987, Mark tự tử bằng thuốc trong tù. Hắn được cứu sống nhưng mất đi một cánh tay vì hắn bất tỉnh trên sàn, nằm lên tay suốt 10 tiếng gây nghẽn mạch máu. Hiện tại, Mark Hofman đang thụ án tại nhà tù Utah.

Huyền Thi
.
.