Cuộc tình kỳ dị và phiên tòa gây chấn động dư luận

Thứ Ba, 27/02/2018, 06:48
Phiên tòa được mở tại thành phố Kent, thuộc quận King ở tiểu bang Washington. Đứng trước vành móng ngựa là một bị cáo đáng bị lên án nhất về hành vi tội phạm tình dục của mình và đây được coi là "vụ băng hoại đạo đức nổi cộm trong lịch sử nền giáo dục Hoa Kỳ".


Mối tình trái đạo lý

Cô giáo Mỹ Mary Kay Letourneau 34 tuổi "phải lòng" cậu học sinh vị thành niên và kết quả cuộc tình vụng trộm ấy là 1 bé gái. Cô giáo bị kết tội giao cấu với trẻ vị thành niên cùng mức án 6 tháng tù giam, song song là quá trình điều trị tâm lý bắt buộc nhằm uốn nắn lại những nhận thức sai lệch về quan hệ tình dục của mình. Còn "người cha thơ ngây" Vili Fualaau lại luôn khẳng định rằng "rất yêu cô giáo" và hy vọng một ngày nào đó sẽ được cùng chăm sóc đứa con ruột thịt của họ.

M. Letourneau bị cảnh sát áp giải ra tòa.

Mary Kay là con gái của ông John G. Schmitz (1930-2001), một cựu Thượng nghị sĩ cực hữu bất thành trong việc đua tranh chiếc ghế ứng viên Tổng thống Mỹ dạo đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Tới năm 1983 ông ta lâm vào cảnh thất sủng, buộc phải đệ đơn từ chức, sau khi bị phát hiện ra là có 2 đứa con ngoài giá thú từ một nữ sinh viên thực tập tại văn phòng dân biểu của mình.

Trong năm 1985 Mary Schmitz "dính bầu" từ người bạn đồng học Steve Letourneau, khi cả 2 đang theo học ở Trường đại học Sư phạm Arizona và buộc phải lấy anh ta làm chồng, tuy thực tâm cô chẳng có tình yêu với Steve. Rồi họ lần lượt có với nhau thêm 3 mặt con… 

Sau khi vợ bị bắt vì quan hệ với chàng thiếu niên Vili, S. Letourneau quyết định đem cả 4 đứa con trong đó đứa lớn nhất 12 tuổi, còn đứa út mới lên 3 tuổi về quê mình ở tiểu bang Alaska. Trước tòa Mary tố cáo chồng là một kẻ "rất vũ phu, ưa ngoại tình và thậm chí có một đứa con trai ngoài giá thú nữa".

Về cậu học sinh Vili Fualaau, Mary kể: "Vili thật dễ mến, có tâm hồn nghệ sĩ. Tuy còn ít tuổi, nhưng thực ra đó là một chàng trai với phong độ chín muồi". Rồi Mary và Vili chợt phát hiện ra rằng họ có cùng sở thích giống nhau về văn học, nghệ thuật và cả hội họa nữa. Tan trường, họ thường mạn đàm với nhau nhiều tiếng đồng hồ liền. Tới mùa hè năm 1996 cô giáo mời cậu học sinh về chơi nhà mình một tháng. Lần đầu tiên kể từ sau khi lấy chồng, thiếu phụ trẻ mới "khám phá ra "niềm hạnh phúc thực thụ".

"Sự xuất hiện của Vili khiến căn nhà như bừng sáng, còn đám con tôi luôn phấn chấn như đang ở trên 7 tầng mây - nữ can phạm tiếp tục nhớ lại những tháng ngày "khó quên" ấy. Mary là một phụ nữ đẹp, dịu dàng, dễ mến. Vili bắt đầu thổ lộ tình cảm… "Ánh mắt man dại rực lửa của Vili như thiêu đốt tôi… Tôi thử cố lẩn tránh, rồi tự biện hộ rằng quan hệ giữa chúng tôi chỉ thuần túy là tình thầy trò mà thôi - Mary Kay giãi bày trước phiên xử - Tuy có lúc tôi cũng thoáng nghĩ, rằng tình cảm của mình dành cho Vili đã bắt đầu vượt giới hạn cho phép… Rồi tới lúc trong đầu tôi luôn phảng phất điều nung nấu, rằng Vili nhất quyết phải là một phần của cuộc đời mình".

Khi luật pháp vào cuộc

Đến tháng 9-1996 thì Mary có mang với Vili. "Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi chợt nhận thức ra rằng, việc này đang đe dọa cuộc hôn nhân hợp pháp của tôi với Steve, đương nhiên tôi sẽ chẳng còn khả năng nào để mà chuộc lỗi nữa. Nhưng tôi cũng đủ can đảm để khởi đầu cuộc sống mới với Vili cùng những đứa con tôi đã đứt ruột đẻ ra, tại một nơi nào đó xa hẳn chốn này".

Còn S. Letourneau, người chồng bị "cắm sừng" kia đã khiến các "kế hoạch trong đầu" của cô vợ ngoại tình tan thành mây khói. Anh đã đọc những dòng nhật ký cùng các bức thư tình của Mary và hiểu ra tất cả. Steve nổi khùng lên, dọa nạt và đánh đập vợ. Nhưng Mary được sự hậu thuẫn của Vili, đã từ chối việc phá thai.

Bà Margaret Johnson, một nhà xã hội học, người biện hộ cho trẻ vị thành niên nói chung, đã kết tội Mary Kay: "Bị cáo đã cướp đi tuổi thơ của Vili, cưỡng ép một học sinh nhỏ tuổi lên làm… bố". Còn đại diện Viện Công tố giữ quyền công tố trước tòa lại chỉ đích danh: "Mary Kay đã phạm tội cưỡng bức tình dục trẻ vị thành niên, một sự tha hóa nhân cách đáng lên án nhất!".

Ngoài nửa năm tù theo phán quyết ra  của Tòa ra bị cáo còn phải chịu sự giám sát thường xuyên của một thầy thuốc tâm thần, tham gia đều đặn các buổi chữa trị chuyên môn cùng với các bệnh nhân mắc chứng lệch lạc tâm lý, cũng như không được sử dụng các thức uống kích thích như rượu, bia, cà phê… và nhất là tuyệt đối không được xuất hiện giữa chốn công cộng, bởi "dễ làm tổn thương tới tâm hồn non nớt của con trẻ".

Mary Kay biện hộ "Tôi yêu Vili và thừa biết Vili cũng vậy. Vili sẽ luôn nghĩ đến tôi mỗi khi ôm nựng đứa con gái Lokelani bé bỏng của chúng tôi". Bé "Lokelani" (theo tiếng thổ ngữ Hawaii nghĩa là Đóa hồng thần tiên) chào đời dạo tháng 5-1997, được đưa về cho mẹ Vili nuôi. Đích thân Mary trong suốt quá trình xử án đều ra sức bênh vực cho Vili khỏi "búa rìu" của luật pháp. Tôi yêu Mary. Còn con gái chúng tôi cũng cần được cả cha lẫn mẹ chở che", chú nhóc Vili lặp đi lặp lại câu trên với báo giới sau khi có phán quyết, trước sự chứng kiến của bà mẹ - người đã "chịu" tha thứ cho Mary và chấp nhận nuôi bé Lokelani.

Cần phải thêm điều gì vào câu chuyện này nữa? Thể nào cũng có người chậc lưỡi theo câu ngạn ngữ muôn thuở "Tình yêu bất chấp tuổi tác". Nhưng… chữ "nhưng" vẫn luôn tồn tại ở đây. Cho dù có thể một ngày nào đó mọi người sẽ hiểu ra, thông cảm và tha thứ cho "cuộc tình kỳ dị" của Mary với cậu bé Vili, nhưng còn lại một điều mà bất cứ xã hội nào, bất cứ thời nào, cũng như bất cứ nơi đâu đều không thể chấp nhận được, bởi trên hết bị cáo M. Letourneau là một nhà giáo, chính cô ta đã tự bôi nhọ thanh danh cao quý của mình. Âu cũng là bài học cảnh báo về sự băng hoại đạo đức đang có chiều hướng gia tăng.

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.