Cuộc truy tìm kẻ lập website giả lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

Thứ Năm, 02/07/2020, 09:57
Đường dây lừa đảo hàng trăm nạn nhân qua mạng Internet do đối tượng Lê Anh Tuấn (SN 1989, trú ở phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cầm đầu vừa bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khám phá. Tuấn từng là sinh viên xuất sắc của một trường đại học công nghệ thông tin ở TP Đà Nẵng nhưng lại dùng kiến thức học được lập nhiều trang Facebook ảo, website giả mạo ngân hàng và các dịch vụ chuyển tiền để phạm tội.

Để đưa các đối tượng ra ánh sáng, các thành viên ban chuyên án đã khắc phục nhiều khó khăn để truy tìm dấu vết gây án trên không gian mạng.

Truy tìm chủ nhân các website giả

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4-2020, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tục nhận được đơn trình báo của nhiều người bán hàng online về việc bị kẻ gian rút trộm tiền trong tài khoản ngân hàng. Trong đó có trường hợp của chị Nguyễn T.V. (chủ shop quần áo thời trang ở TP Huế) được một người mua hàng vào Facebook hỏi mua 4 cái áo.

Người này cho biết đang sống ở Mỹ và yêu cầu chị V. chuyển hàng đã mua theo địa chỉ được cung cấp. Tiếp đó, người này gửi cho chị V. một đường link đề nghị truy cập điền đầy đủ thông tin cá nhân thì mới nhận được tiền bán hàng. Tin tưởng nên chị V. làm theo hướng dẫn và cung cấp mã OTP xác nhận thông tin, sau đó toàn bộ số tiền hàng chục triệu đồng trong tài khoản của chị V. lập tức “biến mất”.

Ngày 4-6, anh N.H.T.C. (SN 1983, trú phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đăng lên website Chợ Tốt bán 1 chiếc loa âm thanh với giá 12 triệu đồng. Không lâu sau, một người khách nhắn vào Zalo, anh C. đồng ý mua chiếc loa. Người này cho biết đang ở nước ngoài, sau khi chuyển tiền nhờ anh C. mang sản phẩm đưa đến nhà người thân ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) và được anh C. đồng ý.

Người bán hàng online gửi đơn đến cơ quan Công an tố cáo băng nhóm giăng bẫy lừa đảo.

Tiếp đó, điện thoại anh C. nhận được tin nhắn từ số thuê bao +84586055XXX với nội dung: “Western Union xin thông báo, số dư tài khoản thay đổi +12 triệu đồng”. Để nhận được số tiền này, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh C. điền đầy đủ thông tin cá nhân vào một website ngân hàng có mã giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, vừa nhập các thông tin theo đường link do đối tượng này cung cấp thì anh C. hoảng hồn khi điện thoại di động báo tin nhắn tài khoản ngân hàng bị trừ 2 lần với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Tương tự, chị T.T.T.N. (SN 1998, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), là nhân viên bán hàng nội thất của một công ty cũng bị lừa bằng thủ đoạn như trên. Trong đơn thư gửi đến Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 23-6, chị N. cho biết, khi đang giao dịch bán sản phẩm của công ty qua mạng internet thì chị nhận được tin nhắn từ Facebook “lylyphuong”.

Chủ tài khoản Facebook này cho biết là Việt kiều đang ở Mỹ và muốn mua 26 ghế xoay văn phòng, đồng thời yêu cầu chị N. giao hàng đến địa chỉ số 151/15 Tản Đà, TP Đà Nẵng sau khi chuyển tiền thanh toán mua sản phẩm là 15,6 triệu đồng. Lấy lý do đang ở Mỹ, đối tượng này yêu cầu chị N. đăng nhập vào đường link của website dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union để làm thủ tục nhận tiền. Sau khi đăng nhập, chị N. nhắn số tài khoản ngân hàng của mình, trong tài khoản chỉ có 3.024 đồng và cung cấp mã OTP cho đối tượng.

Lúc này, đối tượng cho biết ngân hàng báo lỗi, không thể giao dịch chuyển tiền nên chị N. xin số tài khoản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) của một người bạn thân để nhận tiền bán hàng thì lập tức tài khoản này bị rút 27 triệu đồng. Cũng vì tin tưởng và làm theo yêu cầu của các đối tượng nên anh Đ.D.C. (ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) bị rút 25 triệu đồng trong tài khoản.

Anh Đ.Đ.Th. (trú ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng bị rút mất hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng chỉ sau vài giây đăng nhập vào website giả do đối tượng đặt đơn hàng online mua tivi cung cấp.

Từ những thông tin các nạn nhân trình báo, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định có một nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online với thủ đoạn rất tinh vi. Các website mà đối tượng yêu cầu nạn nhân đăng nhập là các website giả, được lập giống như website thật. Vậy, chủ nhân của các website giả này là ai?

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phòng CSHS đã lập chuyên án, phối hợp với Phòng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ đường dây này.

Thủ phạm lộ diện

Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế kể lại, quá trình lần theo các dấu vết và manh mối do nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo để lại, ban chuyên án xác định, kẻ cầm đầu đường dây là Lê Anh Tuấn ở tỉnh Quảng Trị. Tuấn từng tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin ở TP Đà Nẵng nên rất ma mãnh khi tìm mọi cách xóa dấu vết sau mỗi phi vụ lừa đảo.

Cứ mỗi phi vụ lừa đảo, Tuấn mua nhiều sim rác, sau đó lập nhiều Facebook ảo và để ảnh đại diện là các cô gái sang chảnh, có nhiều tiền để tạo lòng tin với nạn nhân. Tuấn còn trực tiếp thiết kế tạo ra nhiều website giả mạo ngân hàng, website giả mạo dịch vụ chuyển tiền trung gian từ nước ngoài về Việt Nam như http://www.westers-unions.com/un... Ban đầu, các phi vụ lừa đảo chỉ do một mình Tuấn thực hiện.

Nhưng với mục đích mở rộng đường dây, Tuấn câu kết với Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Các đối tượng thuê chung cư ở phường Xuân Phú, TP Huế và nhà trọ ở đường Ngự Bình, phường An Cựu, TP Huế để cùng thực hiện hành vi lừa đảo người bán hàng online.

Tuấn phân công nhiệm vụ cho Dũng, Thành lên mạng vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online, nhắn tin trò chuyện mua hàng. Sau khi thực hiện chiêu bài giả vờ mua hàng của người bán hàng online, các đối tượng lấy lý do đang ở nước ngoài và đề nghị được thanh toán tiền hàng bằng USD thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế trung gian như Money Gram hay Western Union do nhóm này lập ra.

Đối tượng Lê Anh Tuấn cầm đầu đường dây lừa đảo qua mạng internet; Đối tượng Nguyễn Tuấn Dũng; Đối tượng Nguyễn Ngọc Thành.

Khi các chủ shop, người bán hàng online tin tưởng thì các đối tượng tiếp tục yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào các đường link website giả được lập giống như website thật của ngân hàng để điền các thông tin nhu user, mật khẩu, mã OTP vào đó. Những thông tin mật này được chuyển về email của Tuấn và Tuấn sử dụng thông tin đăng nhập vào website thật của ngân hàng để chuyển tiền trong tài khoản của nạn nhân sang nhiều tài khoản do nhóm đối tượng này mở từ trước.

Trong cuộc đấu trí với băng nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng internet, có những lúc các điều tra viên ban chuyên án tưởng chừng như mất dấu các đối tượng bởi Tuấn, Dũng và Thành liên tục thay đổi địa điểm, chỗ ở từ Thừa Thiên-Huế vào TP Đà Nẵng, từ Đà Nẵng ra Quảng Trị rồi di chuyển đến nhiều tỉnh, thành ở miền Trung. Chúng còn tìm cách xóa mọi dấu vết trên mạng internet... nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Đại úy Lưu Thanh Tùng và các điều tra viên đã lần theo được dấu vết của từng đối tượng. Khi Lê Anh Tuấn và Nguyễn Tuấn Dũng đang di chuyển trên đường phố ở địa bàn TP Đà Nẵng thì bị bắt giữ.

Tiếp đó, Cơ quan công an bắt giữ Nguyễn Ngọc Thành khi đối tượng này đang ở nhà riêng tại khu phố 7, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Hơn 117 tỷ đồng chiếm đoạt của người bán hàng qua mạng

Qua điều tra, ban chuyên án làm rõ, với những thủ đoạn tinh vi như trên, đường dây do Lê Anh Tuấn cầm đầu đã lừa đảo gần 500 nạn nhân, phần lớn là nhân viên bán hàng online, chủ shop thời trang, chủ cửa hàng có hoạt động buôn bán sản phẩm qua mạng xã hội ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh. Và số nạn nhân vẫn chưa dừng lại khi mỗi ngày, Cơ quan công an vẫn đang tiếp nhận thêm nhiều đơn thư trình báo bị đường dây này giăng bẫy lừa đảo.

Trong số 14 tài khoản ngân hàng do các đối tượng này mở để thực hiện giao dịch chuyển tiền và rút tiền sau mỗi phi vụ lừa đảo, Cơ quan công an đã làm rõ được 4 tài khoản với số tiền hơn 117 tỷ đồng do băng nhóm của Lê Anh Tuấn lừa đảo của các nạn nhân từ tháng 10-2019 đến thời điểm bị bắt. Trong số đó, có nạn nhân trú ở TP Hồ Chí Minh đã bị nhóm đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng, trường hợp nạn nhân ít nhất bị lừa vài triệu đồng.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an thu giữ 6 điện thoại di động, 2 máy tính xách tay lưu trữ tài liệu phạm tội và 1 hệ thống chỉnh âm thanh giả giọng nói cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan đến các phi vụ lừa đảo.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh thành thường xuyên xuất hiện các nhóm đối tượng dùng thủ đoạn gọi điện, giả danh cán bộ cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Viện KSND, thậm chí có trường hợp mạo danh cả Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng... để thực hiện hành vi lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền qua số tài khoản do chúng cung cấp.

Ngoài các thủ đoạn trên, nhiều đối tượng còn lập Facebook ảo, tạo website giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người bán hàng online hoặc người thường xuyên giao dịch tiền bạc qua mạng internet.

Vì thế, qua chuyên án nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet do Lê Anh Tuấn cầm đầu bị triệt phá, Cơ quan công an khuyến cáo đến người dân, đặc biệt là người mua bán hàng online cần cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch, chuyển tiền mua bán hàng qua mạng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP, không nhấp vào các đường link do người mua hàng chuyển đến.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các đối tượng có những thủ đoạn nói trên, người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh, không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng mà cần trình báo Cơ quan công an để được phối hợp điều tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Giả nhân viên công ty chuyển tiền quốc tế  bằng hệ thống chỉnh âm thanh

Một điều tra viên tham gia chuyên án cho biết, quá trình điều tra làm rõ băng nhóm trên gặp rất nhiều khó khăn do Lê Anh Tuấn là người có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm tránh bị Cơ quan công an phát hiện. Tuấn mua hàng chục “sim rác” lắp vào nhiều điện thoại di động khác nhau, sau đó sử dụng các đầu số “sim rác” này để nhắn tin cho chủ shop, người bán hàng online về biến động số tiền trong tài khoản tương ứng với số tiền đặt mua hàng.

Tiếp đó, đối tượng dụng máy chỉnh giọng nói giả danh nhân viên của công ty chuyển tiền quốc tế để hướng dẫn các nạn nhân kê khai thông tin và cách thức thanh toán chuyển tiền.

Khi Tuấn nhận được thông tin từ email thì nhóm đối tượng này lập tức sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng nhập vào website thật của ngân hàng rồi làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân vào tài khoản của các đối tượng.

“Sau khi chiếm đoạt được tiền của các nạn nhân, các đối tượng liền xóa tất cả dấu vết như chặn Facebook, xóa các trang Facebook ảo, xóa địa chỉ IP trên máy tính và luân chuyển dòng tiền qua nhiều tài khoản khác nhau. Cứ mỗi phi vụ chuyển tiền trót lọt, Tuấn trả công cho Dũng và Thành từ 10-50% số tiền lấy được để tiêu xài và đánh bạc”, điều tra viên cho hay.

Anh Khoa
.
.