Cướp ngân hàng để… trả nợ
Ngày 10/1 vừa qua, Công an phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội phối hợp với người dân đã bắt giữ được Trần Vũ Huy, đối tượng gây ra vụ cướp 50 triệu đồng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Maritime Bank tại 65 Hoàng Quốc Việt. Điều gây bất ngờ, Huy là một kỹ sư tin học và chỉ còn 2 tháng nữa, Huy sẽ hoàn thành 2 việc lớn trong đời: Một là cưới vợ, hai là bảo vệ tốt nghiệp bằng đại học thứ hai.
1. Vụ cướp ngân hàng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Thương mại hàng hải (Maritime Bank) 65 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy vào thời điểm cái tết đã cận kề khiến dư luận xôn xao. Thông thường, kẻ cướp ngân hàng, tiệm vàng… thường được đánh giá là những kẻ "gan trời" vì đây là những địa điểm bao giờ cũng có người canh gác và chỉ hoạt động vào ban ngày. Thế nên hành vi của những đối tượng gây án là rất nghiêm trọng.
Những tình tiết của vụ cướp đã diễn ra không khác gì kịch bản của một bộ phim hành động. Khoảng 12 giờ ngày 10/1, một thanh niên mặc bộ quần áo đen, đeo khẩu trang đi xe máy Honda Future màu xanh đến Phòng giao dịch.
Lúc này tại quầy giao dịch số 1 chỉ còn lại anh Lã Văn Quý đang sắp xếp nốt công việc để chuẩn bị nghỉ trưa. Vị khách gửi xe máy rồi đi vào quầy giao dịch. Thấy anh ta vẫn đeo khẩu trang, bảo vệ là anh Đinh Hải Tuấn nhắc khách phải bỏ ra. Tuy nhiên vị khách cố tình không bỏ mà đi thẳng. Tới quầy giao dịch, người thanh niên tiến đến trước bàn của anh Quý rồi đưa ra một tờ giấy A4 đã đánh máy sẵn nội dung được trình bày theo 3 gạch đầu dòng ngắn gọn: "Nhét 50 triệu đồng vào cặp. Không báo động, không thương lượng. Sau 15 phút tôi sẽ ngắt kíp nổ mìn".
Đồng thời, vị khách lấy trong cặp ra một cục màu đen có dính dây điện đặt lên bàn, tay cầm chiếc điều khiển, ra lệnh: "Mở két ra làm ngay đi". Trước tình huống bất ngờ trên, anh Lã Văn Quý tìm cách trì hoãn, nói mình không có quyền hạn rồi gọi chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên quầy giao dịch số 2 ở tầng trên xuống. Lúc này, tên cướp tay trái cầm điều khiển, tay phải rút thêm con dao nhọn ra, huơ lên đe dọa "bỏ tiền vào cặp không tao cho nổ kíp mìn".
Quá hoảng sợ trước tình huống nguy hiểm trên, chị Hà bật khóc, còn anh Quý buộc phải lấy ra một cọc tiền loại 500.000 đồng đưa cho tên cướp. Hắn cho tiền vào cặp thì anh Tuấn nghe tiếng chị Hà khóc bất thường chạy vào. Tên cướp tay vẫn cầm dao và điều khiển, ôm túi chạy ra ngoài. Lúc này mọi người bật chuông báo động và đuổi theo tên cướp. Hắn nhảy lên xe máy, phóng về hướng dốc Hoàng Quốc Việt.
Nhận được tin báo Công an phường Nghĩa Đô đã kịp thời triển khai lực lượng phối hợp cùng nhân dân và số nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng Maritime Bank bao vây, bắt gọn tên cướp. Tại Công an phường, sau khi nhận mặt tên cướp, anh Quý khẳng định ngày 9/1, đối tượng đã tới Phòng giao dịch 2 lần. Khoảng 9 giờ sáng 10/1, trong vai khách hàng, thanh niên này đã vào phòng giao dịch và đi lại một lúc, sau đó bỏ đi. Quả mìn tên cướp để lại quầy giao dịch được xác định là đồ giả.
Phòng giao dịch ngân hàng Maritime Bank, nơi xảy ra vụ cướp. |
2. Kẻ gây ra vụ cướp táo tợn trên là Trần Vũ Huy (27 tuổi) ở phố Lương Thế Vinh, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Khi tôi tới Công an phường Nghĩa Đô, Huy đang bị giữ ở Phòng trực ban. Khoảng hơn 2 giờ chiều. Mải lập hồ sơ, lúc này mọi người mới hỏi hắn ăn gì chưa. Hắn lắc đầu đáp chưa. "Lúc bị bắt, trong túi nó có mỗi 2.000 đồng" - một đồng chí cảnh sát hình sự cho biết. Trung tá Trần Thanh Minh, Trưởng Công an phường Nghĩa Đô chạy lên phòng, lấy xuống một phong lương khô đặt trước mặt tên cướp: "Ăn đi cháu. Đồ ăn dự trữ trực của chú đấy. Việc đâu có đó, cháu ăn để còn làm việc tiếp". Tên cướp lí nhí cảm ơn và có vẻ ngại ngùng, không ăn ngay.
Đồng chí trực ban rót cho hắn một cốc nước chè nóng bốc hơi nghi ngút. Hắn rụt rè xin rồi chậm rãi bóc gói lương khô. Tôi chợt nhớ tới lời một vị lãnh đạo Công an Hà Nội, từng nói với những người lính của mình: "Với tội phạm, cần một cái đầu lạnh nhưng một trái tim nóng. Khi tội phạm đã ở trong tay ta rồi thì phải làm cho họ hiểu sự khoan hồng của pháp luật để thành khẩn khai báo". Ăn xong miếng lương khô, nhấp ngụm trà nóng, gương mặt tên cướp đỡ tái hơn.
Hắn kể về bản thân một cách rành rọt. Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa, hiện Trần Vũ Huy đang làm việc tại một công ty chuyên thiết kế đồ họa có trụ sở tại phố Giang Văn Minh. Công việc của Huy là thiết kế cho một tạp chí ngành hàng không. Chắc chắn, đó là một công việc sáng tạo, đòi hỏi người làm phải có chuyên môn về kỹ thuật cũng như thẩm mỹ. Trước khi làm tại công ty này, Huy khai rằng hắn đã làm việc tại một công ty kinh doanh máy tính, sau đó làm quản trị web game. Hai năm nay, hắn vừa đi học thêm thiết kế đồ họa tại một trường đại học có tiếng, vừa đi làm. Nghe Huy khai vậy, tất cả chúng tôi đều tiếc thay cho hắn. Một thanh niên đẹp trai, được học hành, đào tạo bài bản như vậy, vì đâu lại trở thành kẻ cướp?
Lý do đi cướp ngân hàng mà Huy khai nhận, là do khoản nợ 50 triệu đồng đã đến lúc phải trả. Số tiền này, hắn bảo vay từ năm 2010 của "tín dụng đen" với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày để kinh doanh. Nhưng tiền lãi quá lớn nên hắn chỉ trả được hơn 10 triệu đồng thì mất khả năng thanh toán. Có vẻ như hắn là người thật thà khi nói rằng chỉ cướp 50 triệu đồng, đủ để trả nợ mà thôi. Tôi hỏi, vì sao hắn không xin bố mẹ tiền để trả nợ, Huy gục đầu xuống bàn một lúc: "Em không nói với ai vì sợ mọi người lo lắng". Rồi hắn bảo ra tết sẽ tổ chức đám cưới. Hắn cũng muốn sắm sửa thêm ít đồ đạc. Tiền không có, áp lực trả nợ, hắn thấy bế tắc.
Đêm trước khi gây ra vụ cướp, hắn trằn trọc không ngủ được, nghĩ cách xoay tiền trả nợ. Hắn bảo cũng đã nghĩ đến phương án van xin chủ nợ cho khuất. Nhưng kiểu gì thì vẫn phải trả. Và ý nghĩ cướp ngân hàng thoáng qua trong đầu như thôi thúc. Khoảng 2 giờ sáng, hắn dậy để chế tạo mìn giả. Hắn lấy hai vỏ bao thuốc lá chập lại, dùng cuộn băng dính đen quấn xung quanh. Quả "mìn" còn lại được làm từ con chuột máy tính, quấn giấy và băng dính trắng. Hắn lấy chiếc điều khiển cửa cuốn của gia đình và con dao gọt hoa quả, bỏ tất cả đồ nghề vào cặp. Sáng hôm sau, hắn xách cặp đi làm như bình thường. Nhưng, hắn đã không đến cơ quan.
Nhìn gương mặt đẹp trai của Trần Vũ Huy, tôi chợt nhớ đến một trí thức trẻ khác cũng trở thành tội phạm trước ngày cưới. Anh ta là Trần Ngọc Hiển (27 tuổi) ở phường 10, quận Tân Bình, TP HCM. Bố mẹ ly hôn từ khi Hiển mới 8 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn, Hiển và chị gái được một người bác nhận về nuôi. Mẹ Hiển nuôi đứa em út. Vượt lên hoàn cảnh éo le, Hiển đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa và trở thành kỹ sư thiết kế kết cấu tại Công ty TNHH Zamilsteel Việt Nam, một công ty chuyên sản xuất phần mềm thiết kế nhà khung sắt.
Từ khi đi làm, Hiển dành dụm gửi cho mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng để nuôi em trai ăn học. Người yêu của Hiển là một cô bạn học cùng cấp 3. Hai đứa đã đăng ký kết hôn và dự định tháng 12 sẽ làm đám cưới, nghĩ ở nhờ nhà bác mãi cũng không tiện, Hiển quyết định sau khi đám cưới xong sẽ ra ở riêng. Nhưng bố mẹ khó khăn không có tiền giúp đỡ, Hiển làm liều, copy phần mềm thiết kế của công ty rồi rao bán trên mạng. Hiển đã bán được cho 3 khách hàng, thu về hơn 100 triệu đồng. Ngày 16/9, Hiển bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội bắt giữ.
Tại Cơ quan điều tra, nghe Hiển trình bày lý do phạm tội của mình, các điều tra viên lắc đầu thở dài. Vẫn biết những lý do ấy không thể biện minh cho hành vi phạm tội. Song nhìn ánh mắt ngu ngơ của Hiển sau làn kính cận với thái độ thành khẩn và hối hận, thấy tội nghiệp thay. Phải chi Hiển có một gia đình êm ấm, thì đâu đến nỗi cậu ta phải làm liều như vậy?
Trần Vũ Huy và tang vật. |
3. Đưa cho tôi xem túi thiệp hồng đã được chuẩn bị cho ngày cưới của con trai, ông Trần Hữu Tam (bố của Trần Vũ Huy) thở dài bảo rằng, cả nhà đang rất vui khi ra tết thằng Huy sẽ hoàn thành hai việc lớn trong đời. Một là cưới vợ, hai là bảo vệ tốt nghiệp thiết kế đồ họa tại Đại học FPT. Như vậy, Huy sẽ có thêm một tấm bằng đại học nữa. Tôi giở thiệp cưới. Ngày trọng đại của Huy đã được ấn định là 23/2 dương lịch, tức mùng 2/2 âm lịch. Tiệc cưới được đặt tại một nhà hàng trên phố Láng Hạ.
Theo ông Tam thì vợ chồng ông chưa bao giờ phải lo lắng về Huy bởi từ trước đến nay, Huy không phải là đứa chơi bời. Nó không dính dáng đến cờ bạc, rượu chè, cũng không có ai đến nhà đòi nợ. Thế nên việc thằng Huy khai vì nợ nần phải đi cướp ngân hàng khiến cả nhà, cả dòng họ sững sờ. Hoàn cảnh gia đình tuy không giàu có nhưng cũng không túng thiếu. Sau khi nghỉ mất sức, hai vợ chồng ông Tam mở quán cơm bình dân tại nhà. Mấy năm gần đây, có tuổi nên vợ chồng ông quyết định cho thuê 2 tầng dưới, được 8 triệu đồng/tháng, đủ chi tiêu sinh hoạt cho cả nhà. Ông Tam bảo từ ngày thằng Huy đi làm, bố mẹ cũng không bắt nó đóng góp đồng nào, thậm chí còn cho thêm tiền xăng xe. Việc cưới hỏi, gia đình cũng đã chuẩn bị chứ không để Huy thiếu thốn gì. Vợ chồng ông Tam đã chuẩn bị đầy đủ hết cho đám cưới như sơn lại nhà, trang trí phòng cưới cho Huy.
Dẫn chúng tôi lên tầng 4 để xem phòng cưới của Huy, ông Tam lắc đầu buồn bã: "Hôm trước thằng Huy xin mua đồ mới, tôi nói những đồ trong phòng nó vẫn dùng được. Có giường đôi, có tủ rồi, chỉ cần thay một cái đệm mới và thay lại rèm cửa. Cách đây một tuần, nó và cái Thùy Anh - vợ sắp cưới đi mua thêm một cái bàn vi tính, cũng chỉ mấy trăm nghìn chứ nhiều nhặn gì. Tivi trong phòng nó cũng đã có rồi. Vợ chồng tôi có để nó phải sắm sửa gì đâu. Thật sự chúng tôi không thể hiểu nổi vì sao nó lại làm như vậy".
Bác gái của Huy cũng thở dài: "Phía nhà gái họ là gia đình lao động nên cũng rất đơn giản, không thách cưới cái gì hết. Có phải họ thách vòng vàng, nhẫn kim cương gì cho cam mà nó phải đi ăn cướp như vậy. Nếu nó nói ra chuyện nợ nần, gia đình kiểu gì cũng trả nợ cho nó được vì có đến nỗi nào đâu. Gia đình không trả được thì họ hàng mỗi người giúp một tay".
Ông Tam cho biết, sau khi đọc được thông tin vụ cướp mà Huy gây ra, anh giám đốc công ty nơi Huy làm việc gọi điện cho gia đình và nói mấy hôm nay thằng Huy có vẻ bồn chồn, lo lắng điều gì đó. Nó đi lại trong phòng rất nhiều, thỉnh thoảng đập đầu xuống bàn. Sau này xâu chuỗi lại các sự việc, gia đình cũng thấy Huy có những biểu hiện khác thường kể từ sau khi nó bị tai nạn giao thông vào cuối tháng 10/2011 tại khu Xa La (Hà Đông, Hà Nội), bị gãy một đốt ngón tay và gãy 7 chiếc răng cửa. Huy được bạn đưa vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Gia đình cũng đã cho đi chụp cắt lớp nhưng ở thời điểm đó bác sĩ không phát hiện ra nghi vấn gì. Bình phục, Huy tiếp tục đi làm nhưng có nhiều biểu hiện khác trước, trầm tư hơn, hay sao nhãng, mất nhạy cảm, hay kêu đau đầu. Ở nhà cũng rất hay quên. Có buổi tối đi ra khỏi nhà, Huy không đóng cửa kính, cửa cuốn như mọi khi. Ông Tam xuống nhà hốt hoảng thấy cửa mở toang, gọi điện hỏi thì Huy bảo con đóng cửa rồi. Nhiều lần mẹ chuẩn bị cơm hộp để trên bàn, nó cũng quên không mang đi.
"Từ trước nó là người sống rất tình cảm, nhưng sau tai nạn, nó như người trầm cảm, không chia sẻ với bố mẹ điều gì. Đi làm về, nó lên thẳng phòng và ở lì trên đó. Một tuần nay tôi châm cứu cánh tay bị liệt, cả tuần đi qua nó cũng không vào hỏi thăm bố mẹ. Tôi cũng bực với con lắm nhưng nghĩ nó cũng lo lắng việc đám cưới nên thôi. Thế nên khi xảy ra việc, chúng tôi mới nghi ngờ tại sao nó lại làm việc đó? Có phải vì ảnh hưởng của vụ tai nạn nên nó có vấn đề về thần kinh? Hay nó mắc bệnh hoang tưởng, làm việc tiếp xúc với máy tính nhiều quá, xem những bộ phim hành động rồi bắt chước?".
Nói chuyện với Huy, tới nhà Huy rồi, chúng tôi cũng băn khoăn không lý giải nổi nguyên nhân nào khiến một người như anh ta lại trở thành kẻ cướp. Quẫn trí vì món nợ, hay còn vì một nguyên nhân nào khác? Tất cả còn chờ vào kết quả của Cơ quan điều tra.
Song, những câu chuyện trí thức trẻ trở thành tội phạm, bao giờ cũng khiến cán bộ điều tra và những người được trực tiếp chứng kiến như phóng viên chúng tôi trăn trở, tiếc nuối. Tiếc cho tương lai của chính họ, xót xa cho những người làm cha mẹ. Không ai muốn con mình trở thành tội phạm. Nhất là khi chăm chút cho con học hành bài bản thì cha mẹ kỳ vọng lắm lắm.
Ranh giới giữa một người bình thường với kẻ phạm tội, đôi khi thật mong manh?