Diễn biến vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri của Liban

Thứ Hai, 18/05/2009, 22:40
Cảnh sát Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) tại Dubai vừa bắt giữ Mohammed Zuhair Siddiq - một trong những kẻ tình nghi liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri của Liban. Trong quá khứ, chính những lời khai của đối tượng này đã từng là cơ sở để xây dựng một giả thuyết về sự dính líu của Cơ quan Mật vụ Syria vào vụ ám sát này, cho dù mọi việc sau đó đã gần như "giậm chân tại chỗ".

Theo các nhà quan sát, việc vụ bắt giữ lần này trùng với thời điểm chuẩn bị cho phiên tòa xét xử vụ ám sát ông Hariri, những lời khai mới của Siddiq gần như chắc chắn sẽ gây ra những đảo lộn chính trị nghiêm trọng tại Liban - khi mà cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 năm nay sẽ có kết quả phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình điều tra…

Lời khai nhằm vào Damascus

Tháng 2/2009 là tròn 4 năm kể từ khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng xé tan đoàn xe hộ tống ông Rafik Hariri cựu Thủ tướng Liban, đồng thời cũng là một trong những chính trị gia và thương gia có ảnh hưởng nhất tại Trung Đông. Từ thời điểm đó cho đến nay, phần lớn những người dân Liban gần như mất hoàn toàn hy vọng về việc, những kẻ sát nhân thực sự đến một lúc nào đó sẽ bị sa lưới - bất chấp trong nhiều năm qua đã có một ủy ban đặc biệt của LHQ được lập ra để điều tra vụ án này. Trong 4 năm, ủy ban này ban đầu đã kịp đưa ra một giả thuyết nhưng sau đó xem xét lại quan điểm của mình, và trên thực tế gần như đã từ bỏ hoàn toàn những kết luận ban đầu.

Với những diễn biến mới gần đây, hoạt động điều tra gần như đã được bắt đầu lại. Các nhà chức trách tiếp tục bắt giữ Mohammed Zuhair Siddiq - cho tới giờ vẫn được đánh giá là nhân vật bí ẩn nhất trong vụ án, từ một nhân chứng chủ chốt vào thời điểm ban đầu bỗng quay ngoắt 180 độ trở thành bị cáo.

Cần nhớ là chính những lời khai của Siddiq hồi 4 năm trước đây đã từng gây ra những diễn biến gây chấn động liên quan đến vụ án. Cụ thể là nhân vật này trong quá trình bị thẩm vấn vào năm 2005 đã từng khẳng định những nghi ngờ đáng sợ nhất của các điều tra viên cũng như công luận Liban khi cho rằng, vụ sát hại ông Hariri có bàn tay đạo diễn từ phía chính quyền Syria.

Ngoài Mohammed Zuhair Siddiq, quá trình điều tra hồi năm 2005 còn có một nhân chứng chủ chốt nữa là công dân Husam Taher Husam của Syria. Nhân chứng này khai đã từng tham gia một vài cuộc họp tại Damascus để soạn thảo kế hoạch ám sát ông Rafik Hariri. Những người trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị này, theo Husam, là em rể Assef Shawkat của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (khi đó đang đứng đầu Cơ quan Tình báo Syria), em ruột Maher Assad của Tổng thống cùng với lãnh đạo một số cơ quan mật vụ của Liban có quan hệ thân cận với Syria.

Cựu Thủ tướng Rafik Hariri và hiện trường vụ ám sát.

Phản cung!

Với những bằng chứng trên, Ủy ban điều tra của LHQ do quan chức người Đức Detlev Mehlis đứng đầu đã soạn một báo cáo sơ bộ với lời lẽ khá gay gắt, trên thực tế đổ hết trách nhiệm của vụ ám sát lên đầu Chính phủ Syria. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian, những bằng chứng tưởng như rất vững chắc trên bỗng trở nên lung lay hơn bao giờ hết.

Đầu tiên là nhân chứng Taher Husam bất ngờ quay về Damascus, anh ta lên truyền hình tuyên bố rằng đã phải chịu cực hình để đưa ra những lời khai trên. Ngoài ra, Husam còn cho biết, cậu con trai Saad của Rafik Hariri - hiện đang đứng đầu phe phái chính trị lớn nhất trong Quốc hội Liban - đã đưa tiền mua chuộc anh ta để đổ tội cho Tổng thống Assad và các quan chức dưới quyền của ông.

Đòn tiếp theo bắt nguồn từ nhân chứng Siddiq. Công luận sau đó mới được biết, nhân vật này tại Syria đã vài lần bị xét xử vì tội lừa đảo. Tạp chí Spiegel của Đức sau một thời gian điều tra riêng cũng thông báo rằng, Siddiq đã bị mua chuộc bởi người cậu của Tổng thống Assad, người trước đó cũng nằm trong hàng ngũ lãnh đạo của Syria trước khi bị chính cháu mình phế truất.

Siddiq trước đó bị bắt giữ tại Pháp và bị buộc tội đưa ra lời khai giả, nhưng đã kịp chạy trốn trong thời gian bị quản thúc tại gia. Kết quả là Tòa án Pháp cũng như Ủy ban LHQ đã buộc phải loại nhân vật này ra khỏi danh sách nhân chứng.

Khi vụ án trở thành công cụ chính trị

Những người ủng hộ đường lối của Hariri và cả những đối thủ của ông hiện vẫn đưa ra nhiều kết luận trái ngược nhau về thủ phạm thực sự của vụ ám sát. Chẳng hạn như phe ủng hộ thủ tướng quá cố, gia đình và chiến hữu của ông vẫn quả quyết như trước đây rằng, vụ ám sát do Damascus lập kế hoạch, còn các nhân chứng Siddiq và Husam đã được phía Syria cố tình giật dây để đánh lạc hướng điều tra.

Cũng cần phải thừa nhận rằng, ngoài những lời khai đáng ngờ của các nhân chứng đã nói ở trên, cũng còn một vài yếu tố khách quan khác có thể khiến người ta nghĩ tới dấu vết từ Syria. Chẳng hạn chỉ vài ngày sau vụ ám sát hôm 14/2/2005, mật vụ Liban (khi đó đang được coi là do Syria kiểm soát) đã cho phá hủy hết tất cả những mảnh vỡ của xe ôtô tại hiện trường, kể cả của chiếc xe tải hiệu Mitsubishi mang chất nổ, sau đó còn dùng nhựa đường vá đầy hố bom. Còn phải kể tới sự kiện cựu Bộ trưởng Nội vụ Syria Ghazi Kanaan đã tự vẫn một thời gian ngắn sau khi bị Ủy ban điều tra thẩm vấn.  

Tất nhiên còn phải kể tới một giả thuyết khác, khi các chính trị gia thân Syria tại Liban khẳng định, việc điều tra của LHQ ban đầu chỉ có mục đích nhằm đổ tội cho Damascus. Theo phe này, Detlev Mehlis là người thân cận với phái tân bảo thủ tại Mỹ, đồng nghĩa với việc ông ta nằm dưới ảnh hưởng của chính quyền Bush khi đó.

Liên quan đến giả thuyết này, rất nhiều độc giả hiện đang tìm đọc tại Beirut cuốn sách "The Assassination of Rafik Hariri" của cựu điều tra viên người Đức Jurgen Kulbel, trong đó khẳng định tội ác trên là do Mỹ và Israel đạo diễn nhằm bôi nhọ và gây áp lực lên Syria.

Những tranh cãi giữa hai phe trên đang ghi nhận có chiều hướng sâu sắc và căng thẳng hơn, khi họ bắt đầu bước vào cuộc chạy đua giành chính quyền tại Liban trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 7/6 tới. Hiện liên minh cầm quyền tại đây đang do phe kế tục Rafik Hariri nắm giữ - giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó chủ yếu nhờ làn sóng căm phẫn của người dân Liban trước vụ ám sát cựu Thủ tướng. Thủ lĩnh của phe này không ai khác chính là con trai của Rafik - Saad Hariri. Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của Saad trong 4 năm qua đã củng cố được đáng kể vị thế của mình.

Nếu như 4 năm về trước, phe thân Syria gần như đã tan rã thì giờ đây họ đang phục hồi mạnh mẽ với một gương mặt mới - khi đội tiên phong của phe đối lập tại Liban chính là phong trào Hezbollah do Hassan Nasrallah đứng đầu. Sau cuộc chiến năm 2006 chống lại Israel, Nasrallah đã trở thành một nhân vật huyền thoại tại Liban. Khả năng Hezbollah trở thành lực lượng chính trị hàng đầu tại Liban và lên nắm chính quyền sau cuộc bầu cử sắp tới đang được đánh giá là rất cao.

Trong bối cảnh như vậy, cơ hội duy nhất để có thể thay đổi cán cân lực lượng và ngăn chặn phe Hezbollah lên nắm quyền chính là phải có một bước ngoặt mới trong điều tra nhằm tìm ra được các bằng chứng thuyết phục chống lại Syria.

Rõ ràng là vào thời điểm này, cơ sở để tạo ra một bước ngoặt mới có thể được khai thác từ cựu nhân chứng chủ chốt, hiện đã trở thành bị cáo Mohammed Zuhair Siddiq. Chính phủ Syria mới đây đã yêu cầu UAE dẫn độ anh ta về nước với lý do đã sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh. Nếu Siddiq được đưa về Damascus, anh ta chắc chắn sẽ không đưa ra bất kỳ lời khai nào chống lại giới lãnh đạo Syria.

Tuy nhiên, có nhiều khả năng UAE sẽ giao nhân vật này cho Tòa án quốc tế tại La Haye. Nếu phương án này xảy ra, phe cầm quyền tại Liban hy vọng sẽ còn hơn một tháng nữa để những lời khai mới từ Siddiq sẽ giúp thay đổi được cán cân lực lượng trước thời điểm bầu cử Quốc hội

Linh Nga (tổng hợp)
.
.