“Đọc vị” chiêu trò giả danh Công an

Thứ Hai, 07/09/2020, 22:39
Thực hiện tội phạm bằng chiêu trò giả mạo Công an đang diễn ra tại nhiều địa phương. Mới đây nhất, vụ 2 đối tượng trong trang phục Cảnh sát đến đọc lệnh bắt, khám xét một gia đình tại TP Hồ Chí Minh nhằm chiếm đoạt 200 triệu đồng, đã cho thấy sự manh động của bọn tội phạm.

Không chỉ xâm hại tài sản của người dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, những hành vi giả danh, giả mạo đó còn bôi nhọ hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng CAND. Nhanh chóng "đọc vị" và lật tẩy những kẻ giả mạo người thực thi công vụ là điều người dân cần biết khi xuất hiện những nghi vấn về người đang làm việc với mình.

Tột cùng của sự liều lĩnh

Cách đây vài tháng, được phép của cơ quan có thẩm quyền, ê-kip truyền hình thực tế của ANTV cùng tôi thực hiện chuyên mục "Kỹ năng sống" trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội. Theo kịch bản, các diễn viên mặc đồ Cảnh phục, với đầy đủ trang phục của ngành Công an, gậy chỉ đường… sẽ đứng chặn các xe máy mà người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm để xử phạt.

Ở các góc quay khác nhau đã giấu kín những chiếc camera chuyên dụng để ghi lại phản ứng của người dân khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Kết quả thật bất ngờ, nhiều người dân đầu trần lái xe, khi bị "ách" lại, phản ứng đầu tiên là xin xỏ, có người rút tiền ra đưa cho diễn viên trong vai Cảnh sát, chứ không hề có sự nghi ngờ nào từ phía họ, không có ai hỏi lại xem tổ công tác ở đơn vị nào?…

Cho đến khi chúng tôi xuất hiện, diễn cảnh kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của tổ công tác và cho biết họ không phải là Công an, đây chỉ là chương trình truyền hình thực tế có dàn dựng… thì đám đông đang "nằn nì" xin "tha" mới ngớ người ra. Phát hiện sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân, ngay tại chỗ, ê-kíp thực hiện chương trình đã tuyên truyền, phổ biến cho họ những kiến thức cần thiết để có thể nhận biết những kẻ giả mạo lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường.

Các đối tượng Trần Hữu Sơn và Trần Hồng Thái bị Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh bắt giữ, khởi tố điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Qua trải nghiệm này, có thể thấy một bộ phận người dân vẫn còn rất thiếu hụt về kỹ năng xử lý các tình huống tại nơi công cộng, trong đó có phương pháp làm việc với lực lượng thực thi nhiệm vụ trên đường để bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật và phòng ngừa những kẻ giả mạo.

Chương trình truyền hình thực tế này xuất phát từ yêu cầu bài trừ vấn nạn giả mạo lực lượng Công an để thực hiện hành vi phạm tội đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.

Tới đây, nền kinh tế sẽ thực sự "ngấm đòn" từ hậu quả của đại dịch COVID-19, dẫn đến nhiều khó khăn, suy thoái, doanh nghiệp phá sản, người lao động thiếu việc làm, thất nghiệp…, sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội phức tạp, trong đó tình hình tội phạm nói chung, tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nói riêng được cảnh báo sẽ gia tăng.

Dự báo trong thời gian tới, cùng với những hành vi phổ biến của nhóm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt như: trộm cắp, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… thì những chiêu trò giả mạo Công an để phạm tội sẽ chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Kẻ phạm tội giả mạo lực lượng Công an, chủ yếu để thực hiện hành vi lừa đảo, gồm cả lừa tiền, lừa tình, lừa chạy việc, cướp, cưỡng đoạt tài sản trên các tuyến giao thông, nơi công cộng. Tuy nhiên, việc mặc trang phục CAND mua trên mạng, xông vào nhà dân với súng ngắn, khoá số 8 để thực hiện lệnh bắt, khám xét giả mạo, nhằm "quay" tiền… thì quả là đã vượt qua mọi giới hạn có thể tưởng tượng về sự manh động, liều lĩnh của tội phạm hiện nay.

Đó là trường hợp Trần Hữu Sơn (sinh năm 1979, ngụ quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (sinh năm 1983, quê Hưng Yên) vừa bị Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh bắt giữ, khởi tố điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Ngày 28/8, Sơn và Thái mặc trên người 2 bộ Cảnh phục, đem theo súng ngắn, đi ôtô biển xanh BKS 80B - 2547 (chúng thuê tự lái, lắp BKS giả) đến nhà bà T. ở đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11.

Khi vào nhà bà T., các đối tượng xưng danh là cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an rồi đọc lệnh bắt bà T. và khám nhà bà này. Gia đình bà T. và người dân xung quanh thấy việc khám xét và đọc lệnh bắt của 2 người này có nhiều việc nghi vấn, nên đã gọi điện báo Công an phường 7.

Nắm tâm lý tội phạm

Đánh giá về việc gia đình bà T. gọi điện báo Công an phường 7 xuống kiểm tra khi nghi vấn các đối tượng đang thi hành lệnh bắt, khám xét tại nhà mình là giả danh, Thượng tá Ngô Minh An (nguyên Phó trưởng phòng PA05- CATP Hà Nội) nói: "Tôi đánh giá cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng gian và kỹ năng xử lý tình huống của gia đình này. Đó là sự tỉnh táo cần thiết trong bối cảnh tình hình tội phạm đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Nếu không hiểu biết về quy trình làm việc của cơ quan chức năng, để nỗi sợ hãi dẫn dắt… rất có thể họ đã "sập bẫy" nhóm tội phạm vô cùng táo tợn, liều lĩnh này".

Đối tượng giả danh Công an bị bắt giữ.

Theo Thượng tá An, sở dĩ người dân khi bị những người trong trang phục Công an đến nhà làm việc, hay bị chặn lại kiểm tra trên đường…thường có tâm lý lo sợ sẽ bị xử lý vì những sai phạm của mình. Chính điều này khiến họ chỉ nghĩ đến cách đối phó để giảm thiểu hậu quả. Năng lực tư duy lúc đó chỉ tập trung vào việc thanh minh, phân trần về lỗi, vi phạm của mình, hay xin xỏ, đưa hối lộ, nhờ can thiệp…, mà ít ai có đủ bình tĩnh để suy nghĩ đến tính hợp pháp, hợp lý của công vụ đó, cùng những biểu hiện của người đang thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, việc phải đối diện với lực lượng chức năng không phải là trải nghiệm của nhiều người, nên sự thiếu hiểu biết về quy trình công tác của họ là đương nhiên. Điều này dẫn tới phản ứng tâm lý tự nhiên là nhìn thấy Công an đã cảm thấy lo sợ. Khi nhận được yêu cầu hợp tác làm việc, người dân thường nhanh chóng chấp hành và hầu như không có sự "kiểm tra ngược".

Đây cũng là yếu điểm tâm lý của nạn nhân được bọn tội phạm khai thác triệt để. Sở dĩ chúng mặc trên người bộ trang phục CAND để diễn vai người thi hành công vụ, vì chúng biết nhìn chung bất cứ ai cũng có những nỗi lo sợ mơ hồ, đặc biệt rất ngại liên quan đến pháp luật. Lực lượng Công an có sức mạnh đại diện cho pháp luật, được trang bị đầy đủ về phương tiện, biện pháp… chứa đựng sức mạnh và khả năng trấn áp mọi hành vi chống đối… nên tâm lý chung của người dân là phục tùng vô điều kiện, nhất là khi chính họ tự biết bản thân mình rõ ràng đang có những sai phạm.

Một khía cạnh khác trong tâm lý nạn nhân của nhiều vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh Công an, đó là niềm tin vào sắc phục này. Trong mắt nhiều người dân, Công an là những người có sức mạnh, đứng về lẽ phải, đại diện cho Nhà nước, chiến đấu vì bình yên cuộc sống, bảo vệ dân thường trước các mối đe dọa từ tội phạm, nên cảm tình, sự tin tưởng dành cho cán bộ chiến sĩ là xu hướng tâm lý chung.

Bởi vậy khi thiết lập được quan hệ với người trong sắc phục Công an, nhiều người đặt ngay lòng tin mà thiếu đi sự kiểm tra, dẫn đến hàng loạt các vụ lừa tình, lừa tiền, lừa chạy việc, xin học, chạy dự án… mà thủ phạm sắm cho mình những bộ đồng phục CAND mua trên mạng.

Khi tấm "mặt nạ" được lột ra...

Hướng dẫn người dân nhận biết và phòng tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm giả danh Công an, chiều 31/8, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã giải thích về quy trình công tác của ngành trong hoạt động tố tụng hình sự, theo đó lực lượng Công an khi thi hành quy trình tố tụng vụ án không đi một mình. Khi thi hành lệnh bắt hoặc khám xét chỗ ở công dân thì phải có Công an sở tại đi cùng.

Ngoài ra, phải có thêm sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố, chính quyền địa phương và đại diện VKSND trong trường hợp cần thiết. Theo Chánh văn phòng Bộ Công an, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về quy trình tố tụng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Khi thấy nghi ngờ hoặc phát hiện hành vi mạo danh Công an, cần ngay lập tức trình báo Công an sở tại.

Về kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn giả mạo của người thực thi công vụ, theo Thượng tá Ngô Minh An, khi quan sát thấy những dấu hiệu bất minh, như trang phục CAND thiếu biển tên, cách nói không thể hiện là người hiểu biết pháp luật, không đủ các thành phần luật định khi tiến hành các biện pháp tố tụng, thì cần phải kiểm tra bằng các biện pháp khác nhau. Đầu tiên, cần yêu cầu cán bộ đó cho xem giấy chứng minh CAND (thẻ ngành), các giấy tờ liên quan (lệnh bắt, khám xét...). Tuy nhiên cần lưu ý những giấy tờ này cũng có thể bị làm giả (scan dấu, dấu giả).

Tiếp theo, cần hỏi về đơn vị công tác, xin số máy lãnh đạo và xác minh nhanh (tra số trên đường dây nóng, cổng thông tin các đơn vị Công an niêm yết trên mạng), gọi hỏi xem có cán bộ như vậy không. Có thể hỏi tên một số người tại đơn vị mà đối tượng nói làm việc ở đó.

Có thể "bịa" ra vài cái tên không có thật, nếu đối tượng gật như đúng rồi, chắc chắn là giả mạo; hỏi về công việc, kẻ giả mạo sẽ lúng túng. Một cách hiệu quả khác là dùng điện thoại chụp ảnh đối tượng nghi vấn, vì tâm lý chung của kẻ giả mạo là rất sợ "lưu vết". Cuối cùng, khi có nhiều dấu hiệu bất minh, hãy gọi điện báo Công an cơ sở, đề nghị cử người xuống kiểm tra.

"Điều quan trọng nhất là người dân cần tự nâng cao hiểu biết về pháp luật, về quy định, quy trình công tác của ngành Công an để có thể bình tĩnh suy xét, đánh giá về tính hợp pháp, hợp lý của công việc mà bản thân đang phải giải quyết với những người mặc trang phục CAND.

Người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi nhiệm vụ, nhưng cũng phải tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò mạo danh. Nếu có nghi ngờ, người dân có quyền chất vấn người đang làm việc với mình để làm rõ mọi chuyện"  - Thượng tá An tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.