Đường dây “đầu tư tài chính” qua Internet đã lừa đảo như thế nào?

Thứ Sáu, 16/11/2007, 14:15
Âm ỉ từ thời gian cuối năm 2006 và thực sự bùng phát vào mấy tháng cuối năm 2007, các đường dây đầu tư tài chính qua mạng Internet đã lừa đảo và làm kiệt quệ rất nhiều "nhà đầu tư" trong Nam ngoài Bắc, thành thị cũng như nông thôn.

Liên tiếp trong các ngày 8, 9, 10 và 11/11/2007, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) mà đơn vị chủ công là Phòng Chống tội phạm công nghệ cao đã bóc gỡ thành công nhiều đường dây trên.

Ngày 8/11/2007, Cục C15, Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can và bắt tạm giam 3 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng cách kêu gọi đầu tư cho Công ty Colony qua mạng Internet.

Các đối tượng bị bắt tạm giam gồm Vũ Thị Thu Hằng (31 tuổi, trú tại phường 17, quận Tân Bình, TP HCM), hiện là đại diện cấp cao, tổng đại lý của Colony Invest Management Inc (Công ty C.I) tại Việt Nam; Hoàng Thị Bây (trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) và Nguyễn Văn Dân (34 tuổi, quê Hải Dương, hiện tạm trú tại quận 12, TP HCM).

Tiếp đó, ngày 9/11, Cơ quan Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Sáng 27 tuổi, trú tại đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội được xác định là đối tượng cao nhất trong đầu mối tại Hà Nội của Công ty Callyinvest (công ty có trang web là callysinvest.com và www.e-gold.com).

Tính từ ngày 16/2/2006 đến 19/10/2007 đã có 256 lượt chuyển tiền vào tài khoản của Hằng với số tiền trên 25 tỉ đồng. Hằng đã rút ra hơn 24,8 tỉ đồng để chiếm đoạt, phần lớn tiền đều là của người tham gia đầu tư.

Bằng các thủ đoạn tương tự, hai bị can Hoàng Thị Bây và Nguyễn Văn Dân đã chiếm đoạt trên 3 tỉ đồng của các nạn nhân khác. Nguyễn Quang Sáng cũng khai nhận đã lừa 5.000 người với số tiền khoảng 5 triệu USD trong mạng lưới của hắn.

Với số tiền gửi tối thiểu là 100 USD, người gửi sẽ được cung cấp một account (tài khoản) trên mạng Internet của các công ty đầu tư để theo dõi tình hình đầu tư tài chính của mình. Các đối tượng rêu rao đây là những tập đoàn huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực “béo bở” như ngân hàng, bảo hiểm, sòng bạc v.v... nên mới có mức lãi cao như thế.

Khách hàng cũng phải cam kết đầu tư lâu dài, nếu muốn rút lãi theo ngày thì phải liên hệ trực tiếp với người môi giới. Đặc biệt, nếu các thành viên giới thiệu được thêm các nhà đầu tư mới thì sẽ được hưởng hoa hồng theo kiểu đầu tư đa cấp.

Có hai hình thức để tham gia đầu tư. Một là nhận tiền và trả điểm ảo trực tiếp cho người đầu tư, hai là nhận tiền của người đầu tư rồi chuyển cho đại lý cấp cao hơn lấy hoa hồng. Một nạn nhân của hình thức lừa đảo trên tính toán: Với mức đầu tư và mức lãi như trên thì chỉ sau 30/40 ngày là có thể thu hồi vốn. Còn sau đó thì cứ... “ngồi mát ăn bát vàng”.

Một loạt trang web có tên nghe rất hấp dẫn như www.colonyinvest.net; www.callysinvest.com; www.money100.us; www.c-invest.com; www.vip-viet.com.v.v. được lập nên để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Mặc dù đây là một hình thức đầu tư chưa từng có ở Việt Nam, song do mức lãi suất quá cao (gấp vài chục lần lãi suất gửi ở các ngân hàng) đã khiến cho hàng vạn người bị cuốn vào vòng quay của nó. Những đối tượng lừa đảo cũng đã giải ngân một số tiền lãi nhỏ giọt cho một vài nhà đầu tư, điều này khiến cho việc đầu tư tài chính vào đây trở thành cơn sốt.

Để thêm phần tin tưởng cho các nhà đầu tư, các đối tượng lừa đảo đã xây dựng nhiều mạng lưới chân rết ở các tỉnh, tổ chức các buổi hội thảo hoành tráng để thông báo về một hình thức đầu tư mà theo lời chúng là “mỏ vàng đấy, đào đi!”.

Ở một tỉnh miền núi còn khó khăn như Thái Nguyên, các đối tượng đã xây dựng được những chân rết khá chuyên nghiệp chuyên đi quảng cáo cho Công ty C.I để đầu tư hưởng lãi suất.

Theo như cách tính của các đối tượng thì mỗi người gửi tiền vào tài khoản sẽ được quy ra điểm (1USD tương đương với 1 điểm). Tổng đại lý sẽ bán lại các điểm này theo “giá gốc”, sau đó các đại lý cấp dưới với giá cao hơn theo hình thức đa cấp.

Tất cả các cấp đều trả bằng tiền thật cho tổng đại lý, nhưng đổi lại là chỉ được những điểm trên mạng và họ mua bán với nhau bằng những “điểm ảo” này.

Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, tất cả những công ty huy động vốn qua mạng có địa chỉ như trên đều không có thật. Đó chỉ là những website ảo để lừa người đầu tư.

Sau khi đã nhận tiền của người đầu tư, những đối tượng lừa đảo đã giữ lại phần lớn số tiền đó, một phần chuyển cho đại lý cấp trên. Những đại lý này cũng chiếm đoạt luôn số tiền của những người đầu tư.

Thượng tá Trần Văn Hòa - Trưởng phòng Chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an cho biết số lượng nạn nhân của vụ lừa đảo tài chính qua mạng là rất lớn, khoảng 20 nghìn người. Còn theo một số đại diện của Công ty C.I đã tổ chức các cuộc hội thảo ở Hà Nội, Bắc Ninh cho biết, hệ thống của họ có khoảng 23 nghìn-25 nghìn người tham gia.

Các nạn nhân đã đầu tư rất nhiều tiền, qua kiểm tra một số tài khoản cho thấy có người nộp cao nhất là 82 nghìn USD/lần, còn thông thường là 5.000-10 nghìn USD/lần.--PageBreak--

Sau một quá trình điều tra âm thầm song không kém phần mưu trí, quyết liệt, Cơ quan Công an đã xác định số tiền đường dây lừa đảo đầu tư tài chính của các đối tượng Hằng, Bây, Sang v.v... chiếm đoạt lên tới 10 triệu USD (khoảng 160 tỉ đồng).

Trong mạng lưới ấy, có thể nói Tập đoàn C.I là một trong số tập đoàn lừa đảo “thành công” nhất. Thoạt nhìn, người ta dễ lầm tưởng C.I là một công ty đàng hoàng vì có website với giao diện rất “oách”.

Thế nhưng bằng một số thủ thuật đơn giản, chúng tôi đã kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, kiểm chứng các thông tin đăng trên website và phát hiện ra hàng loạt điểm đáng nghi ngờ của công ty này.

Người đăng ký website này lấy tên là Peter Fernandez, địa chỉ tại California (trong khi đó Công ty C.I luôn khẳng định mình là một công ty lớn tại Mỹ, địa chỉ của họ đặt tại New York !?).

Bên cạnh đó, địa chỉ thư điện tử của người này lại là địa chỉ thư của... Trung Quốc. Và thật hài hước nữa là địa chỉ của Peter Fernandez tại California lại là địa chỉ của một công ty sản xuất/nhập khẩu... bao cao su.

Tên miền ColonyInvest.net được đăng ký vào ngày 20/3/2007, và sẽ hết hạn vào 20/3/2008. Như vậy là thời gian tồn tại của nó mới được trên 5 tháng. Trên toàn bộ website hầu như không chỗ nào có about us (giới thiệu), hay thông tin liên lạc của công ty.

Điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc minh bạch thông tin đối với các website tổ chức hoặc thương mại. Một công ty hàng đầu ở Mỹ chẳng nhẽ lại không biết điều này?

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy không có công ty nào trên thế giới có tên là Công ty C.I; trang web (của công ty này) có domain đặt tại Mỹ và một người quản trị mạng tại Hồng Kông. Cơ quan điều tra cũng xác minh Công ty C.I không hề có tài khoản tại Ngân hàng HSBC (như trong website đã giới thiệu).

Những thông tin như Công ty C.I là một trong những nhà kinh doanh độc quyền của Forex và là quản lý Quỹ đầu tư hàng đầu tại Hoa Kỳ, C.I có lượng giao dịch luôn quá 300 triệu USD, 35% tài khoản cá nhân của thế giới đều được quản lý bởi các cơ quan tập đoàn tài chính Mỹ v.v... đều không hề có cơ sở.

Bởi vậy có thể khẳng định C.I là công ty đầu tư tài chính đa cấp, không có đại diện, không đăng ký kinh doanh, không có người đứng ra chịu trách nhiệm, chỉ có thể liên hệ qua mạng. Công ty này không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động tài chính.

Một cán bộ điều tra thuộc Phòng Chống tội phạm công nghệ cao cho chúng tôi biết, tất cả những trang web nói trên đều đặt máy chủ ở nước ngoài, nhưng hầu hết những người quản trị đều là người Việt Nam và cư trú ở Việt Nam.

Công ty C.I - chủ sở hữu trang này, cũng không có đại diện, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Tất cả những người tham gia đầu tư đều chỉ có quyền truy cập tài khoản của mình do đại lý cấp. Việc đầu tư tiền chỉ trao tay, không có phiếu thu, hóa đơn chứng từ...

Đây chính là một kẽ hở chết người mà rất nhiều nhà đầu tư hám lợi đã bỏ qua khi tham gia vào đường dây tài chính của Hằng và Bây. Số liệu thống kê của Cơ quan điều tra thông qua phân tích trang www.colonyinvest.net cho thấy, có khoảng 55,6% lượng truy cập là từ Việt Nam, 32,5% từ Thái Lan, 2,6% từ Trung Quốc, 2% từ Philippines, 1,7% từ Mỹ...

Trong đó, tại Việt Nam có khoảng 42,4% ở Hà Nội, 9,5% ở TP HCM. Cuộc hội thảo tại Bắc Ninh, Lạng Sơn (khoảng 500 người tham gia), Hà Nội (khoảng 1.500 người tham gia). Bắc Ninh cũng là một trong số những địa phương có rất nhiều nạn nhân của trò lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng này.

Chúng tôi về xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh trong một ngày nắng hanh hao đầu đông. Có thể nói ở thời điểm này, cả xã đang xôn xao trước cái tin Tập đoàn Colony đã đổ bể. Hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Đa Vạn), một người dân chỉ đường cho chúng tôi, kèm theo cái lắc đầu đầy thương cảm: “Nhà đã nghèo rớt mùng tơi, nợ nần chồng chất nay lại thêm cái vụ này, gia đình nhà Vinh có mà ăn... cháo”.

Đón tiếp chúng tôi với khuôn mặt cực kỳ mệt mỏi, thậm chí Vinh còn chẳng thèm... mặc áo. Cách đây một tháng, Vinh được Ngô Văn Tới (người cùng thôn) đến vận động tham gia chơi đầu tư tài chính trên mạng với lãi suất rất cao.

Chơi 1 tuần lấy lãi 1 lần, nộp 17,6 triệu đồng, chia cho anh Tới làm môi giới 10%, còn lại 16 triệu vào tài khoản, lãi suất 400 nghìn đồng/ngày”. Bị hoa mắt trước lãi suất quá cao, Vinh đã bán luôn chiếc xe ôtô tải của mình (mà anh mới mua được vài tháng để đi chở thuê) lấy hơn 80 triệu đồng. 50 triệu đồng anh trả nợ ngân hàng, còn lại gom góp thêm để đủ 2.000 USD đưa cho Tới.

Sau khi lấy lãi được 3 tuần với số tiền 12 triệu 200 ngàn đồng, đến tuần thứ tư thì không có tiền lãi, khi hỏi thì Tới trả lời: “Do ở khu vực này không có người chơi mới nên không có tiền trả lãi tuần này, phía trên sẽ làm thẻ để chuyển tài khoản vào ngân hàng, sau 5 tuần mới được rút tiền”.

Cho đến thời điểm này, biết Tập đoàn Colony là lừa đảo, cả ngày hầu như Vinh chỉ biết thở vắn than dài mà ngẫm cái vận mình đen đủi. Ngôi nhà mà gia đình anh Vinh đang ở xây bằng gạch mộc, chưa có tiền trát.

Trong nhà chả có gì đáng giá, ngoài chiếc tivi nhưng cũng là... đi mượn. Mảnh đất mà anh đang ở vẫn là trên đất thuê. Cả hai vợ chồng Vinh đều đi làm thuê, mỗi tháng được gần 2 triệu đồng chỉ đủ nuôi ba con nhỏ. Nay tay trắng lại hoàn trắng tay.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Vinh là anh Phạm Văn Thành 35 tuổi cùng thôn Đa Vạn. Sau những lời mời chào ngọt như mía lùi của Tới, anh Thành cũng mong “đổi đời” bằng cách vay mượn gia đình tiền để tham gia đầu tư tài chính.

Vì Thành chỉ nộp cho  Tới hơn 16 triệu thôi, nên số tiền lãi mỗi tuần bị Tới “khấu trừ” vào số tiền còn thiếu. Và đến bây giờ, coi như số tiền ấy Thành bị mất trắng. Anh tâm sự, cả hai vợ chồng làm thuê, mỗi tháng cố lắm cũng chỉ dành dụm được 100-200 ngàn đồng.

Thế mà đùng một cái, số tiền bằng cả hơn chục năm gom góp tan thành mây khói. Của đau con xót, cả tuần nay vợ chồng con cái không hôm nào được bữa cơm ngon canh ngọt.

Đến nay, theo nhiều người dân Đa Vạn thì Nguyễn Văn Tới đã biến mất. Theo ước tính của người dân thì còn hàng trăm người cũng đang khóc dở mếu dở vì tham gia đường dây đầu tư tài chính của hai cha con Tới. Song hiện cũng chưa có nhiều người dám đứng lên tố cáo vì sợ bị trả thù, hơn nữa cũng sợ bị hàng xóm cười chê.

Trao đổi với báo giới, Thượng tá Trần Văn Hòa - Trưởng phòng Chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an khẳng định chiêu đầu tư tài chính qua mạng là một loại tội phạm mới, sử dụng công nghệ Internet để lừa đảo.

Bọn tội phạm lập các website có tên và thiết kế na ná với những trang web của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới khiến cho ngay cả người có trình độ cũng khó phát hiện. Thêm vào đó, với lãi suất quá cao đã đánh vào lòng tham của nhiều người. Đây thực sự là bài học lớn cho những người ham làm giàu siêu tốc

Minh Tiến
.
.