Đường đến pháp trường của Cục trưởng tiếp tay cho thuốc giả

Thứ Tư, 02/01/2019, 17:45
Trịnh Tiểu Du tóc bạc trắng, mặc bộ vest sẫm, tay không ngừng mân mê cặp kính lão, thỉnh thoảng lại ngước nhìn chồng hồ sơ tội trạng của mình trên bàn xét xử. Do Trịnh bị bệnh tiểu đường khá nặng, trong trại giam nhiều lần phát tác, nên luôn phải có nhân viên y tế theo dõi.

Buổi sáng ngày 16-5-2007, Tòa án trung cấp số 1 Bắc Kinh, Trung Quốc đông nghịt người, đông nhất là 2 giới: cánh truyền thông báo chí và những người quản lý, sản xuất, phân phối dược phẩm. Nhân vật chính ngồi ở ghế bị cáo là Trịnh Tiểu Du, 63 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc, cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm chính về sức khỏe của hơn 1 tỷ người. 

Cục này được chính thức thành lập vào tháng 4-1998, Trịnh Tiểu Du là cục trưởng đầu tiên, thuộc cán bộ cấp thứ trưởng. Liên quan đến vụ án này ngoài Trịnh Tiểu Du còn có vợ y là Lưu Nại Tuyết, con trai là Trịnh Hải Dung cùng 2 người từng là thư ký của Trịnh, gồm Hách Hòa Bình - Vụ trưởng Vụ Quản lý trang thiết bị y tế, và Tào Văn Trang – Vụ trưởng Vụ Đăng ký dược phẩm. Nhưng trước đó 1 tuần, tòa chung thẩm đã xử Hách Hòa Bình 15 năm tù giam, những người khác tách ra điều tra, xét xử riêng. Lần này chỉ xét xử một mình Trịnh Tiểu Du.

Cáo trạng khởi tố Cục trưởng Trịnh vi phạm 3 điều khoản của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và 8 điều khoản về tội nhận hối lộ. Số tiền nhận hối lộ tổng cộng là 6,45 triệu tệ, trong đó có 5 triệu nhân dân tệ, 1 triệu tệ Hồng Công và 30.000 đôla Mỹ. Trịnh Tiểu Du nhận hối lộ chủ yếu từ các công ty sản xuất thuốc, nơi nhiều đến 1 triệu tệ, nơi ít thì vài chục ngàn tệ để phê chuẩn, cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất thuốc GMP.

Trịnh Tiểu Du nhận án trước tòa.

Hậu quả là để cho thuốc giả sản xuất tràn lan, liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc nghiêm trọng do sử dụng thuốc giả, làm chết hàng chục người, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - chính trị. Ngoài ra Viện Kiểm sát còn khởi tố tội “sinh hoạt hủ hóa, sa đọa” nhưng tòa chỉ xét 2 tội trên. Điều khiến người ta bất ngờ là Trịnh Tiểu Du nhanh chóng thừa nhận hết các khoản tiền nhận hối lộ của bản cáo trạng, không hề cải chính.

Chánh án Tòa án Bắc Kinh tuyên án: “Bị cáo Trịnh Tiểu Du phạm tội Nhận hối lộ, tuyên án tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân; phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuyên án 7 năm tù giam. Tổng hợp hình phạt là chấp hành tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân”. 

“Trong cuộc sống đầy rẫy cám dỗ, chúng ta phải sáng suốt mà buông bỏ… Một con người mang được gì theo mình khi qua đời? Chắc chắn không phải là tiền bạc, và cái lưu lại lâu dài trên cuộc đời cũng không phải là tiền bạc, mà chính là phẩm cách và tinh thần của con người” - Năm 2001, Trịnh Tiểu Du từng diễn thuyết hùng hồn như thế sau 4 năm nắm đại quyền cục trưởng. Những lời rao giảng này cách những lời tuyên án đúng 6 năm.

Từ nhân viên bào chế thuốc đến cục trưởng

Trịnh Tiểu Du sinh tháng 12-1944, người Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Năm 1968 Trịnh tốt nghiệp khoa Sinh vật, Trường Đại học Phúc Đán, được phân về làm việc tại Xí nghiệp bào chế dược số 1 Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (sau đổi tên là Xí nghiệp dược Dân Sinh Hàng Châu), đây là 1 trong 10 đơn vị bào chế thuốc lớn nhất Trung Quốc. Trịnh làm việc ở đây suốt 22 năm 3 tháng, đi từ 1 nhân viên kỹ thuật bình thường lên trưởng phòng kỹ thuật, trưởng phòng kế hoạch, phó giám đốc rồi giám đốc kiêm bí thư đảng ủy.

Trịnh Tiểu Du thường nói: “Cái tên “Du” đã định trước sự nghiệp của tôi là theo nghề thuốc, bởi “chữ du này là trong “thù du”- một loại cây thuốc dân gian dùng để tránh tà, sơn thù du làm thuốc có thể phù chính, giáng âm hỏa…”. Trịnh được xem là người có năng lực.

Năm 1985, Trịnh từng bỏ tiền túi hơn 4.000 tệ mời các chuyên gia ở Học viện Khoa học y học Trung Quốc về xây dựng chiến lược sản xuất thuốc cho xí nghiệp mình, nhờ đó mà loạt sản phẩm “Vitamin thế kỷ 21” của Xí nghiệp dược Dân Sinh Hàng Châu đã lập kỷ lục về tiêu thụ: 800 triệu nhân dân tệ/năm. Tiếng tăm của Trịnh nổi lên từ đó.

Trịnh Tiểu Du (trái) lúc còn tại chức phát biểu trên Tân Hoa Xã.

Năm 1994, sau gần 23 năm làm việc ở Hàng Châu, Trịnh Tiểu Du được điều về làm Cục trưởng Cục Quản lý y dược. Tháng 3-1998, sau cải cách cơ cấu của Chính phủ, thành lập Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia, Trịnh Tiểu Du trở thành Cục trưởng đầu tiên. Từ đây hoạn lộ thênh thang, quyền lực tập trung trong tay, Trịnh mặc sức tự tung tự tác. Một khẩu hiệu nổi tiếng của Cục trưởng Trịnh là “Biến Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia thành “FDA của Trung Quốc”.

Trịnh Tiểu Du đưa ra “luật riêng”, bắt buộc các xí nghiệp dược muốn sản xuất thuốc phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn GMP do cục xác nhận. Chỗ khác nhau giữa FDA và GMP là muốn có giấy chứng nhận GMP chỉ cần công ty “chịu chi” là được. Vì thế rất nhiều công ty lo “chạy” GMP xong là yên tâm sản xuất… thuốc giả, chẳng ai quản lý, kiểm tra gì cả. Điều đáng nói là chính Trịnh Tiểu Du có lần bị viêm gan A, nhập viện truyền dịch, không ngờ đúng phải chai truyền dịch giả, Trịnh thấy màu chai khác lạ bèn nói với y tá nhưng y tá bảo không sao.

Nửa giờ sau Trịnh thấy đau nhức phía sau đầu, bèn tự ngắt đường truyền dịch, sau đó bị nôn mửa liên tục, sốt cao, huyết áp hạ, phải cấp cứu mới tỉnh dậy. Từ đó, Trịnh rất quan tâm đến thuốc giả, thường nói “1% không hợp quy cách sẽ dẫn đến 100% nguy hại cho bệnh nhân”, yêu cầu Xí nghiệp dược Dân Sinh Hàng Châu phải sản xuất thuốc đúng quy cách 100%. Thế nhưng khi lên nắm quyền cục trưởng, Trịnh đã bị tiền tài làm mờ mắt, vấn đề thuốc giả ở Trung Quốc càng trở nên trầm trọng…

Lật tẩy đường dây tội phạm

Ngày 12-1-2006, các cán bộ quản lý dược ở các tỉnh thành hân hoan kéo về tập trung ở một khách sạn lớn thuộc ngoại ô Bắc Kinh tham gia “Hội nghị công tác quản lý, giám sát thực phẩm, dược phẩm toàn Trung Quốc năm 2006”. Đây là hội nghị thường niên do Cục Quản lý thực phẩm - dược phẩm tổ chức khá long trọng 2 ngày vào dịp gần tết, ai cũng vui vẻ, không ngờ rằng sóng gió đã nổi lên…

Sau bữa tiệc xôm tụ tối 12-1, nguyên Vụ trưởng Vụ Đăng ký, Cục Quản lý thực phẩm -dược phẩm, Tổng thư ký Hội Dược học Trung Quốc Tào Văn Trang cùng 7 cán bộ khác bất ngờ “được” các điều tra viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương “mời đi nói chuyện”, dẫn ra khỏi hội trường. Sau đó, nhóm của Tào Văn Trang bị thông báo chính thức chuyển từ hình thức “song quy”(quy định bắt buộc về thời gian và địa điểm cách ly để điều tra dành cho cán bộ) sang bắt giam.

Điều tra cho thấy Tào Văn Trang lợi dụng quyền hạn chủ quản về phê chuẩn chất lượng thuốc mới, tiêu chuẩn thuốc cấp địa phương lên cấp trung ương… đã nhiều lần nhận hối lộ với số lượng lớn. Điều tra phát hiện rất nhiều hồ sơ đăng ký chất lượng thuốc giả dối một cách nghiêm trọng nhưng vẫn được Tào phê chuẩn. Do Trung Quốc vốn tồn tại hai dạng thuốc theo “tiêu chuẩn địa phương” và “tiêu chuẩn quốc gia” dẫn đến chất lượng thuốc rất chênh lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Từ những năm 1998, ngành dược Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách quy mô về tiêu chuẩn thuốc cấp quốc gia. Năm 2001 “Luật Quản lý dược phẩm” ra đời, xóa bỏ việc phê chuẩn thuốc “tiêu chuẩn địa phương”, tập trung quyền phê chuẩn chất lượng thuốc cho Cục Quản lý thực phẩm - dược phẩm. Nhiều xí nghiệp dược muốn mau chóng được phê chuẩn “đạt tiêu chuẩn quốc gia” để không ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu thụ, đã tranh nhau “chạy” bằng cách tạo hồ sơ giả về quy trình sản xuất, kiểm định…sau đó thông qua hối lộ để có được chữ ký của Tào Văn Trang.

Nhưng một vụ trưởng như Tào Văn Trang không thể một tay che trời, hoành hành bá đạo như vậy. Dần dần cơ quan điều tra đã lần ra “ông kẹ” Trịnh Tiểu Du che chắn phía sau cho Tào để cùng nhau hưởng lợi.

Liên minh ma túy

Một mắt xích lớn để làm rõ tội lỗi của Trịnh Tiểu Du là thông qua vụ án Chu Hàng vốn là Cục trưởng Cục Quản lý dược tỉnh Triết Giang. Trịnh Tiểu Du từng làm việc tại Hàng Châu, Triết Giang gần 24 năm trước khi được chuyển về Bắc Kinh, có quan hệ rất mật thiết với Chu Hàng.

Chu Hàng bị tuyên án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm. Nhưng người lên thay Chu Hàng là Trịnh Kim Sinh, cũng là bạn tâm phúc của Trịnh Tiểu Du. Trịnh Kim Sinh là người “dắt mối” quan trọng cho việc phối hợp làm ăn giữa Trịnh Tiểu Du với các công ty dược tỉnh Triết Giang. Tháng 2-2007, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo làm án chéo, giao Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát Thâm Quyến tiến hành bắt điều tra hình sự Trịnh Kim Sinh. Đây là hiện tượng hiếm có vì cả hai cục trưởng cục quản lý dược cấp tỉnh nối nhau vào nhà đá.

Ngay trong năm đầu tiên cục được thành lập, số hồ sơ phê chuẩn cho sản xuất tân dược của tỉnh Triết Giang chiếm đến 1/5 tổng số hồ sơ quốc gia. Chính điều này đã khiến cơ quan điều tra chú ý đến Trịnh Tiểu Du, nhưng vì chứng cứ không đủ và nhiều lý do khác mà không làm án được. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã “quan tâm” đến Cục trưởng Trịnh từ lúc ấy.

Đáng nói là khi Chu Hàng bị cơ quan chức năng bắt điều tra, Trịnh Tiểu Du đã lập tức thực hiện những hoạt động “chống hủ bại, xướng liêm khiết” khá rầm rộ mà về sau bị dân chúng cho là kiểu “cả vú lấp miệng em”.

Có lần, Trịnh Tiểu Du đã đắc ý dùng thư pháp để tỷ dụ về phương châm xử thế của mình: “Học thư pháp đầu tiên phải nắm bắt được các phép tàng phong, tụ phong, vận bút như thế nào. Muốn sang trái thì chuyển sang phải trước, muốn sang phải thì chuyển sang trái trước, muốn lên trên thì xuống dưới trước, muốn xuống dưới thì lên trên trước. Nắm được quy luật này thì sẽ không xảy ra vấn đề lớn”.

Nhưng rồi “vấn đề lớn” đã xảy ra với Trịnh Tiểu Du khi liên tục những vụ ngộ độc thuốc do thuốc giả, thuốc kém chất lượng xảy ra trên diện rộng, làm chết hàng chục người. Điển hình là vụ thuốc tiêm Amillarisin A có phụ liệu propylene glycol giả, do Công ty Dược phẩm số 2 Tề Tề Cáp Nhĩ sản xuất, khiến bệnh nhân sử dụng bị suy thận đặc biệt nghiêm trọng, làm 9 người chết...

Rồi đến vụ Tập đoàn dược Khang Thần Hồ Nam làm giả thuốc giả Terazosin Hydrochloride của Mỹ để điều trị tăng sinh tuyến tiền liệt, dù sự việc đã được cán bộ phụ trách bào chế là Cao Thuần trực tiếp lên gặp Cục trưởng Trịnh Tiểu Du hơn chục lần nhưng không được giải quyết…

Sau khi vụ bê bối của cục trưởng Trịnh Tiểu Du được phơi bày ra ánh sáng, Phó thủ tướng Ngô Nghi trực tiếp chỉ đạo điều tra toàn diện về dược phẩm, kết quả là có 160 công ty sản xuất dược Trung Quốc bị phạt và rút giấy phép sản xuất vì không đủ tiêu chuẩn.

Trưa ngày 22-12-2006, với tư cách là Chủ tịch Hội Dược học Trung Quốc, Trịnh Tiểu Du tham dự hội nghị của Hội Dược học Bắc Kinh, tham quan các mô hình sản xuất thuốc, cười cười nói nói trước ống kính. Nhưng ngay chiều hôm ấy, các cán bộ của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật đã “mời” Trịnh cục trưởng đi, và “một đi không trở lại”.

31 người khác cũng bị tạm giam điều tra. Công tác điều tra rất thuận lợi. Chỉ 1 tháng sau, vụ án Trịnh Tiểu Du đã được báo cáo đầy đủ. Phó thủ tướng Ngô Nghi cho biết vụ án này đã bộc lộ những lỗ hổng về cơ chế pháp luật, cơ chế hành chính cũng như  công tác tư tưởng trong giám sát - quản lý.

Chính vì thế không riêng một Trịnh Tiểu Du mà từ năm 2002, hàng loạt quan chức ngành quản lý dược Trung Quốc  từ trung ương đến địa phương đã nối nhau ngã ngựa, tiêu biểu như vụ Vu Khánh Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược tỉnh Cát Lâm; Dương Vệ Đông, Cục trưởng Cục Quản lý dược TP Quảng Châu; Trương Thụ Sâm, Cục trưởng Cục Quản lý dược tỉnh Liêu Ninh; Dương Khánh Vĩ, Phó trưởng phòng đăng ký dược - Cục Quản lý dược tỉnh Thanh Hải… đều bị kết án từ 10 năm tù trở lên.

Thiên Tường
.
.