Em trai trùm lừa đảo Lê Thị Bình đã bị bắt giữ như thế nào?

Thứ Năm, 14/02/2008, 10:00
Ngày 25/12/2007, sau hơn 8 năm ráo riết truy tìm, lực lượng trinh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên được sự giúp đỡ của PC14 Công an tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ được Lê Mạnh Hùng - đối tượng truy nã đặc biệt cùng 57 bánh hêrôin.

Lê Mạnh Hùng chính là em trai của trùm lừa đảo Lê Thị Bình – thủ phạm của vụ lừa đảo hàng chục tỉ đồng ở thành phố Điện Biên Phủ rồi bặt vô âm tín cho đến bây giờ.

Lật lại hồ sơ vụ án Lê Mạnh Hùng và đồng bọn sử dụng 45 triệu đồng tiền giả mua bán ma túy

Khoảng 10h một ngày trung tuần tháng 12/1999, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Lai Châu (cũ) nhận được tin tại Cửa hàng Công ty Thương nghiệp Điện Biên có đối tượng đã sử dụng 9,4 triệu đồng tiền giả loại có mệnh giá 50.000 đồng để mua xe máy.

Khi bị phát hiện, đối tượng đã cầm tiền bỏ trốn theo hướng Cầu Trắng (khu vực giáp ranh giữa thị xã Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên). Ngay sau khi nhận được tin báo, đồng chí Đậu Quang Chín - khi đó đang là quyền Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu - đã chỉ đạo lực lượng điều tra vào cuộc.

Theo lời khai của các nhân viên bán hàng, xế chiều ngày 16/12/1999, khi chuẩn bị đóng cửa, anh Đỗ Quốc Hùng - mậu dịch viên thấy một người đàn ông chừng 35 tuổi vào đặt vấn đề mua một chiếc xe Minsk với giá 9,6 triệu đồng. Sau khi xem xét, chỉnh sửa, người đàn ông đề nghị xin trả trước 9,4 triệu đồng (loại tiền có mệnh giá 50.000 đồng), số còn lại hẹn sẽ thanh toán khi hoàn tất thủ tục giấy tờ.

Người đàn ông trả tiền, vì lúc đó trời sẩm tối, thủ quỹ đã nghỉ nên anh Hùng chỉ kịp giao số tiền này cho kế toán trưởng cửa hàng là chị Vũ Thị Thục mà không kịp chuyển vào kho quỹ.

Sáng ngày 17/12/1999, đúng hẹn, người đàn ông đến trả số tiền còn nợ, nhưng khi nhập két, thủ quỹ sử dụng máy soi phát hiện toàn bộ số tiền 9,4 triệu đồng người đàn ông trả hôm trước đều là tiền giả. Thấy chị Thục thông báo như vậy, anh ta đã cầm bọc tiền chạy ra ngoài lấy bừa một cái xe đạp của ai đó dựng gần cửa và bỏ trốn. Do sự việc xảy ra quá nhanh nên không ai kịp hô hoán, truy đuổi đối tượng.

Tuy nhiên, qua lời khai của nhân viên bán hàng và các nhân chứng, Cơ quan ANĐT đã khoanh vùng, sàng lọc đối tượng. Các biện pháp nghiệp vụ đang được khẩn trương tiến hành thì 11h15’ ngày 17/12/1999, Công an thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố) nhận được tin báo tại đại lý thuốc lá số 25 - phố 2, phường Mường Thanh (thị xã Điện Biên Phủ) và đại lý số 73, phố Thanh Mai thị trấn Mường Thanh (huyện Điện Biên) có một người đàn ông đi xe đạp đặt mua thuốc lá Vinataba (1 kiện giá 3 triệu đồng ở đại lý số 25; 5 kiện giá 15 triệu 250 ngàn đồng ở đại lý số 73). Nhưng khi thanh toán, các chủ đại lý phát hiện tiền giả nên người đàn ông nọ đã giật lại tiền rồi bỏ đi.

Theo mô tả và qua xác minh, các trinh sát nhận định người đàn ông mua xe máy và thuốc lá chỉ là một và địa bàn cư trú của đối tượng là khu vực lòng chảo Điện Biên.

Nhận định này càng có cơ sở khi một khách hàng có mặt tại đại lý thuốc lá số 73 Thanh Mai khai báo với các điều tra viên là dường như anh ta đã gặp người đàn ông nọ ở chợ thị trấn Mường Thanh. Các trinh sát đã đưa vào vòng ngắm 3 đối tượng, trong đó tập trung chú ý đến tên Phạm Ngọc Văn - một kẻ nghiện hút và có tiền án về tội tổ chức đánh bạc.

Trong khi công tác điều tra vẫn đang tiếp tục thì tối cùng ngày, một người đàn ông tự xưng là Phạm Ngọc Văn đã đến Công an thị trấn Mường Thanh trình báo về việc mình bị khách hàng lừa trả 3,4 triệu đồng tiền giả. Nhận được tin, các trinh sát lập tức xuống địa bàn, nhưng đến lúc này “cháy nhà mới ra mặt chuột”, “người bị hại” lại chính là... kẻ đã sử dụng tiền giả mua xe máy và thuốc lá buổi sáng cùng ngày (?!).

Ban đầu, trước Cơ quan ANĐT, Phạm Ngọc Văn một mực khai mình chỉ là người bị hại. Nhưng trước chứng cứ và lý lẽ của các điều tra viên, 2 ngày sau Văn đã phải khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Qua lời khai của Văn cùng các chứng cứ thu thập được, ngày 19/12/1999, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lai Châu đã tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Hứa Văn Tiến (44 tuổi) ở phố Thanh Mai, thị trấn Mường Thanh (Điện Biên) về tội lưu hành tiền giả và mua bán trái phép chất ma túy. Tại nhà Tiến, Lực lượng Công an thu được 130gr hêrôin.

Tiếp đó, ngày 20/12/1999, khi tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Vì Văn Muôn (43 tuổi) ở bản Nà Ngum, vợ chồng Đỗ Văn Thắng (44 tuổi), Trần Thị Dần (34 tuổi) ở đội 4, Thanh Yên (Điện Biên).

5 đối tượng liên quan đến đường dây này là Lê Mạnh Hùng (36 tuổi) ở phố Hoàng Văn Nô, thị trấn Mường Thanh; Lò Văn Mỷ (SN 46 tuổi); Vì Văn Pấng (32 tuổi) ở bản Nà Ngum; Lò Văn Tinh (44 tuổi) ở bản Hạ; Lò Văn Vinh, Nông Quốc Khánh (43 tuổi) ở đội 4, Thanh Yên (Điện Biên) khi thấy động đã cao chạy xa bay.

Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, 5 tháng sau, Lực lượng Công an đã phát hiện và lần lượt bắt giữ tên Lò Văn Tinh, Nông Quốc Khánh, Vì Văn Pấng theo lệnh truy nã của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lai Châu. Chỉ còn tên Lê Mạnh Hùng - đối tượng cầm đầu là bặt vô âm tín. Cơ quan ANĐT cũng thu giữ 36,5 triệu đồng tiền giả và 130gr hêrôin. Các đối tượng đã đốt, phi tang 8,5 triệu đồng.

Ngày 4/6/2001, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tàng trữ, lưu hành tiền giả và mua bán trái phép chất ma túy. Đây cũng là vụ lưu hành tiền giả được coi là lớn nhất trên địa bàn Tây Bắc cho đến thời điểm bây giờ (2008). Tòa đã tuyên phạt tổng cộng 121 năm tù cho 7 đối tượng. Riêng đối tượng cầm đầu Lê Mạnh Hùng tiếp tục bị truy nã ráo riết.

Gần 3.000 ngày lẩn trốn và cuộc truy tìm của lực lượng công an

Ngay sau khi 11 tên đồng bọn lần lượt sa lưới, Lê Mạnh Hùng đã trốn về Hà Nội, ở taÅi nhà một người họ hàng, sau đó lang thang đi nhiều địa phương khác. Gần 1 năm sau, chưa biết bằng cách nào, Hùng làm thủ tục xuất cảnh sang Đức, nhưng vừa đến sân bay Franfutk, hắn bị tạm giữ, sau đó bị tống vào trại tị nạn 4 năm.

Năm 2004 y bị trục xuất về Việt Nam. Lúc này, vai trò của bà chị cả của Hùng là Lê Thị Bình bắt đầu được “phát huy”, cũng không hiểu bằng cách nào, Lê Thị Bình đã “qua mặt” được các cơ quan chức năng đón được ngay thằng em trai ở sân bay Nội Bài, sau đó đưa lên Thái Nguyên ở nhờ một bà dì họ.

Tại đây, sau vài tháng chỉ ăn ngủ và nghe ngóng, Hùng ra bến xe khách Thái Nguyên “xoáy” được chiếc ví của một hành khách tên là Nguyễn Trung Kiên ở Bình Lục, Hà Nam. Hùng đã thay ảnh của mình vào chứng minh nhân dân và từ đây hắn nghiễm nhiên có một cái tên mới là Nguyễn Trung Kiên. 8 năm lẩn trốn tại Thái Nguyên, “Nguyễn Trung Kiên” làm cho quán karaoke của bà dì họ, ít xuất đầu lộ diện tại nơi đông người.

Lê Thị Bình mặc dù tung tin là em trai mình đã trốn và hiện đang định cư tại Australia, nhưng thực tế hằng tháng thị vẫn cho con gái là Lê Thu Hằng mang tiền tiếp tế cho em trai. Theo lời khai của Hùng, thường thì mỗi tháng, Hùng được bà chị yêu quý gửi cho 5 – 10 triệu đồng. Hùng nghiện ma túy nặng, ngày “chơi” hết vài trăm ngàn, nên tiền bà chị cho cũng như muối bỏ bể.

Sẵn có mối quan hệ từ trước, nên Lê Mạnh Hùng bắt đầu quay lại con đường buôn bán ma túy từ Lào, qua Hà Nội lên Thái Nguyên. Từ bán lẻ ban đầu, dần dần Hùng cũng thiết lập được một đường dây buôn hêrôin lớn (?).

Có tiền, có chứng minh nhân dân, Hùng với cái tên mới là Nguyễn Trung Kiên nghiễm nhiên nhập hộ khẩu tại tổ 3, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Tháng 5/2006, Hùng kết hôn với MH (22 tuổi) ở tổ 1 phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên là một người cùng làm với anh ta ở quán karaoke của bà dì và đã có một con trai 6 tháng tuổi.

Lấy vợ, lại bắt đầu có tiền từ các phi vụ ma túy, “Nguyễn Trung Kiên” xin phép bà dì họ cùng vợ mua nhà ra ở riêng, với vỏ bọc là mở hiệu bán, cho thuê băng đĩa hình trước cửa Trường đại học Công nghiệp Thái Nguyên.

Đầu năm 2001, sau phiên tòa xét xử đồng bọn của Lê Mạnh Hùng, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ xác minh, truy bắt Lê Mạnh Hùng.

Gia đình Lê Mạnh Hùng khá phức tạp. Anh trai bị tử hình về tội buôn bán ma túy. Chị gái là Lê Thị Bình lừa đảo chiếm đoạt khoảng 18 tỉ đồng, làm cho nhiều người dân thành phố Điện Biên Phủ giờ còn choáng váng. Tuy nhiên còn rất nhiều đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” không dám trình báo, cho nên số tiền mà Bình lừa đảo có thể còn lớn hơn.

Ngày 26/10/2007, Lê Thị Bình cùng con gái là Lại Thị Hằng (22 tuổi) cán bộ Chi cục Thuế thành phố trốn khỏi địa bàn. Để chuẩn bị cho vụ chạy trốn này, cách đó 10 ngày, Lê Thị Bình đã tung tin con gái mình bị ung thư đại tràng phải về Hà Nội phẫu thuật. Nhưng sau khi lên máy bay, số điện thoại của Lê Thị Bình và con gái đã không còn liên lạc được cho đến tận... bây giờ.

Sau khi Lê Thị Bình cùng con gái bỏ trốn, gia đình Lê Thị Bình đã tung tin là Lê Thị Bình đã xuất cảnh sang Australia theo em trai là Lê Mạnh Hùng. Nhưng qua biện pháp nghiệp vụ Phòng PC14 nhận định rất nhiều khả năng Lê Thị Bình cùng con gái Lê Thu Hằng vẫn đang lẩn trốn ở trong nước và Lê Mạnh Hùng là một đầu mối quan trọng.

Các trinh sát nắm được nguồn tin Lê Thị Bình do làm ăn bất chính nên rất mê tín, thường xuyên đi các tỉnh để “lên đồng”, dâng lễ giải hạn. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ các trinh sát phát hiện gia đình Bình thường theo lễ một “cô” đồng ở Sơn La và “cậu” ở Thanh Hóa.

Cử trinh sát xác minh, Lực lượng Công an nắm được những thông tin cần thiết về nhân thân của những người trong gia đình Lê Thị Bình, trong đó có cả một em trai tên là “Nguyễn Trung Kiên” hiện trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên thường được đưa vào các lá bài để thầy khấn.

Sau khi đã xác minh được mối quan hệ của Lê Thị Bình và Lê Mạnh Hùng, Phòng PC14 đã cử cán bộ đi xác minh truy bắt và tham mưu cho thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ra Công văn số 304 ngày 19/11/2007 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên, đề nghị phối hợp truy bắt Lê Mạnh Hùng và Lê Thị Bình theo Quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên.

Đồng thời phòng CSĐTTP hình sự thường xuyên trao đổi tin tức với Phòng PC14 Công an tỉnh Thái Nguyên để truy bắt 2 đối tượng trên. Ngày 25/12/2007 Phòng CSĐTTP hình sự Công an tỉnh Thái nguyên đã bắt được Lê Mạnh Hùng (dưới tên giả Nguyễn Trung  Kiên) và phát hiện thu giữ 57 bánh hêrôin.

Lê Mạnh Hùng khai 57 bánh hêrôin là của một đối tượng người Lào tên là Sinđi mang sang Hà Nội, Sinđi nhờ Hùng mang đi tiêu thụ với giá 7.000 USD/bánh. Nhận hêrôin của Sinđi, Hùng mang đến một khách sạn ở Hà Nội gần cầu Chương Dương cất giấu và điện cho Đỗ Minh Tiến, còn gọi là Tiến "cô ca”, 26 tuổi, là cháu họ của Lê Mạnh Hùng lái xe từ Thái Nguyên về Hà Nội để chở hêrôin lên Thái Nguyên.

Tiến thuê được xe tự lái, biển kiểm soát 31A - 0368 sau đó Lê Mạnh Hùng và Đỗ Minh Tiến chở 57 bánh hêrôin về thành phố Thái Nguyên. Đến địa phận phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, do lên cơn nghiện, Lê Mạnh Hùng lấy dao nhọn ra cạy một miếng nhỏ hêrôin để chích, lúc đó Đỗ Minh Tiến xuống xe ra ngoài hút thuốc lá, trong khi Hùng còn đang “phê” ma túy thì các trinh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện, bắt giữ theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Điện Biên, kiểm tra xe phát hiện thu giữ 57 bánh hêrôin.

Lê Thị Bình hãy ra đầu thú

Chị gái của Lê Mạnh Hùng là Lê Thị Bình được liệt vào hàng “cao thủ võ lâm” sau vụ lừa đảo động trời ở thành phố Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho phi vụ này, thị đã âm thầm chuẩn bị cả chục năm trời; từ chỗ tạo dựng các mối quan hệ, thu phục nhân tâm (không ít gia đình còn tin tưởng đến mức nhận Bình là con nuôi hay chị em, anh em kết nghĩa).

Và độc chiêu hơn cả chính là việc Lê Thị Bình tung tin và làm mọi người đều tin tưởng là em trai đã trốn, định cư và làm ăn phát đạt ở Australia. Chính vì vậy, khi Bình ẵm tiền bỏ trốn, mọi thông tin đều đồn thổi là thị đã cùng con gái sang Thái Lan, sau đó bay sang bên đó với em trai.

Sau khi Công an tỉnh Thái Nguyên bắt được Lê Mạnh Hùng dưới cái tên giả là Nguyễn Trung Kiên, hàng trăm khổ chủ ở Điện Biên lại le lói tia hy vọng là Lực lượng Công an sẽ sớm bắt được Lê Thị Bình để họ có thể lấy lại được số tiền bị lừa đảo

Vũ Mạnh Hà
.
.