Giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo
- Tìm bị hại vụ đối tượng giả danh Công an gọi điện lừa đảo
- Giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo
- Tái diễn thủ đoạn giả danh Công an gọi điện lừa đảo
1. Gặp chúng tôi tại trụ sở Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng N. (71 tuổi, trú tại một quận trung tâm của TP Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng, tiếc nuối vì số tiền bao năm tích cóp, mong an hưởng tuổi già đã bay mất "trong vài nốt nhạc". Nghe câu chuyện của bà N., chúng tôi cũng thật sự bất ngờ trước thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng.
Bà N. kể, khoảng một tuần trước bà nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại khá "đẹp". Phía đầu dây là giọng một cô gái miền nam, thông báo bà đang nợ cước viễn thông hơn 1 triệu đồng. Dĩ nhiên là bà N. cho biết tiền cước số điện thoại này là do con trai bà trả, bà không biết gì cả. Cô gái liền nói bà gọi vào số điện thoại 069…xxx để hỏi thì sẽ rõ.
Khi bà N. gọi vào thì gặp một người đàn ông, xưng là cảnh sát TP HCM. Người đàn ông hỏi thêm bà một số thông tin, đồng thời khẳng định bà N. - chủ thuê bao số điện thoại này - liên quan đến một đường dây ma túy xuyên quốc gia. "Khi đang nói chuyện với tôi, người đàn ông này quay sang phía bên cạnh vẻ như hỏi cấp trên rằng trường hợp này xử lý thế nào? Cấp trên trả lời rằng Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, sẽ thực hiện trong vòng một vài ngày tới. Rồi anh ta quay sang nói lại với tôi cơ quan công an chuẩn bị thực hiện lệnh bắt và khám xét nhà tôi ở, yêu cầu tôi phải thực hiện theo những điều họ yêu cầu" - bà N. kể.
Cơ quan Công an đang hướng dẫn bị hại làm đơn trình báo. |
Các đối tượng truy vấn bà N. có mấy tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tiền ở trong đó. Chúng cũng dọa bà N. muốn được khoan hồng thì phải lập một tài khoản mới mang tên bà, song phải ghi lại ID và mật khẩu rồi gửi cho chúng. Riêng số điện thoại dùng để nhận mật khẩu OTP thì là số của bọn chúng. Các đối tượng cũng yêu cầu bà N. phải rút tất cả số tiền tiết kiệm gửi vào tài khoản mới trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, bọn chúng còn yêu cầu bà N. phải bí mật việc này. "Cứ lẳng lặng đi làm, ai hỏi gì cũng không nói. Bởi nếu lộ ra sẽ làm hỏng cả chuyên án" - bọn chúng dặn bà N. như vậy.
"Dù đôi lần đã được nghe về chuyện bạn bè bị lừa, song không hiểu sao lúc ấy tôi cứ như cái máy mà làm theo chúng. Thậm chí buổi sáng hôm ấy ở ngân hàng, mấy cô giao dịch viên còn nhắc tôi là hiện đang có nhiều đối tượng giả danh là công an để lừa chuyển tiền rồi chiếm đoạt, song tôi vẫn gạt đi. Bởi tôi nghĩ rằng tài khoản vẫn mang tên tôi, lo gì bị mất".
Chính bởi niềm tin ngây thơ đó mà chỉ vài giờ sau khi chuyển tiền vào tài khoản mới lập bà N. mới giật mình và quay lại ngân hàng kiểm tra tài khoản. Số tiền hơn 300 triệu đồng của bà N. đã bị chúng chuyển đến một tài khoản khác rồi rút sạch!
Giống như bà N., bà Hoàng Thị T. (SN 1952, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã bị một nhóm đối tượng lừa số tiền hơn 1 tỷ đồng. Thủ đoạn của chúng cũng là gọi điện thoại đến, xưng là công an đang điều tra một vụ tham nhũng, đề nghị bà hợp tác. Các đối tượng trong đường dây này còn khiến bà T. bị như mê đi, mất cảnh giác khi hứa hẹn, sau khi chuyên án kết thúc bà sẽ được tặng bằng khen của Bộ Công an cùng số tiền thưởng là hàng trăm triệu đồng.
Chúng cũng yêu cầu bà T. phải rút tất cả số tiền tiết kiệm từ các tài khoản ngân hàng khác nhau, để chuyển vào một tài khoản duy nhất mang tên bà T. (nhưng các thông tin dùng để giao dịch internet banking thì bọn chúng giữ). Và sau khi đã chuyển tiền vào tài khoản kia, bà T. gọi điện thoại lại cho các đối tượng để thông báo thì thấy không liên lạc được. Kiểm tra lại số dư tài khoản, bà T. mới tá hỏa khi phát hiện số tiền hơn 1 tỷ đồng đã biến mất.
Một trường hợp khác, ông Ngô Văn H. (SN 1944) cũng nhận được một cuộc gọi báo nhà ông nợ tiền cước viễn thông. Sau khi trao đổi với "điều tra viên" phòng Cảnh sát kinh tế công an TP HCM, ông H. còn được chúng gửi cho một file ảnh Lệnh bắt khẩn cấp của… Tòa án nhân dân tối cao. Lo sợ, ông H. vội rút mấy trăm triệu tiền tiết kiệm, rồi bán cả vàng, đô la… để chuyển vào tài khoản của các đối tượng.
2. Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự công an TP Hà Nội, thời gian gần đây, nạn gọi điện thoại giả danh cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… lại liên tục tái diễn với những hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Một đối tượng trong đường dây giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo bị bắt giữ. |
Các đối tượng vẫn diễn màn kịch cho bị hại biết họ đang nợ cước điện thoại. Dần dà, chúng sẽ "moi" thêm các thông tin về giấy CMND, tài khoản ngân hàng… rồi tuyên bố bị hại liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, rửa tiền, tham nhũng… Muốn chứng minh trong sạch thì phải làm theo yêu cầu của bọn chúng.
Nhóm đối tượng cũng giả cách nói chuyện của cơ quan công an, đồng thời tạo những âm thanh, tiếng động như tiếng người lao xao ở công sở, tiếng còi hụ như thể chúng đang ở trụ sở Cảnh sát khiến cho bị hại thêm phần tin tưởng. Thêm nữa, bọn chúng cũng rất tinh vi khi luôn hỏi hiện bị hại đang ở một mình hay có ai khác nữa để tiện đường đối phó. Bọn chúng cũng bắt bị hại không được hé răng với người khác. Bên cạnh đó, chúng còn chế ra những văn bản như : "Giấy triệu tập"; "Lệnh bắt khẩn cấp"... rồi gửi cho bị hại, khiến họ hoang mang lo sợ. Nếu những người tinh ý thì sẽ phát hiện ra những văn bản đó trông rất thiếu chuyên nghiệp, nội dung thì được cắt dán lộn xộn "đầu Ngô mình Sở".
Ngoài ra, gần đây các đối tượng có chiêu trò đề nghị bị hại "giữ bí mật và hợp tác" với cơ quan điều tra. Chúng hứa hẹn sau khi chuyên án kết thúc sẽ tặng bằng khen và tiền thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng cho những người góp công. Chính vì thế mà không ít bị hại đã mất cảnh giác.
Cơ quan công an cũng cho biết thêm, trong số những đơn trình báo của các bị hại thời gian vừa qua, có một phụ nữ nhờ tham khảo ý kiến bạn bè đã tránh được chiêu lừa của các đối tượng. Bà Nguyễn Phương L. (45 tuổi) nhận một cuộc điện thoại thông báo có một bưu phẩm gửi từ TP.HCM, nhưng vì lý do nào đó nên bưu phẩm không thể gửi đến đúng địa chỉ như dự định.
Từ bưu phẩm "lạ" này, nhân viên tổng đài cho biết bà L. sẽ phải trao đổi với "Công an TP.HCM" để làm rõ, rồi tiến hành chuyển máy. Một lát sau, có người tự xưng là công an ở TP.HCM trao đổi với bà L., dọa nạt rằng bà có liên quan tới đường dây rửa tiền cho nhóm tội phạm ma túy, và sẽ bị bắt tạm giam.
Sau đó, chúng lại chuyển máy để nạn nhân gặp… "Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM". Lúc này, một đối tượng khác tự xưng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM lại tiếp tục dọa nạt người phụ nữ, yêu cầu phải làm theo những gì chúng hướng dẫn, nhằm mục đích khiến nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt.
Để tăng sự tin tưởng nhằm khiến nạn nhân hoảng sợ, hoang mang, nhóm lừa đảo còn gửi cho nạn nhân một tờ… "lệnh tạm giam", trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND, địa chỉ… của nạn nhân.
Song nếu đọc kỹ vào tờ lệnh tạm giam giả mạo này, có thể thấy nhiều chi tiết bất thường, chẳng hạn như lệnh tạm giam của "Tòa án Nhân dân Tối cao" nhưng phần ký tên lại là… Viện trưởng Viện Kiểm sát, hoặc số trên lệnh tạm giam là năm 2017, nhưng lại được dùng cho năm 2018, các chi tiết về hình thức văn bản quy phạm pháp luật cũng không đúng quy định.
Bà Nguyễn Phương L. đã tỉnh táo và tham khảo thông tin của những người xung quanh, để không trở thành nạn nhân chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo.
Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định "kịch bản" mà nhóm tội phạm dạng này thực hiện phải do một đối tượng "lão luyện" về tâm lý tội phạm dàn dựng. Từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút vào "mê hồn trận", rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với… cơ quan điều tra".
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).
Bên cạnh đó người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.
VNPT cảnh báo lừa đảo Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT, thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng mạo danh nhân viên VNPT hoặc Tổng đài VNPT để nhắc nợ cước viễn thông để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng. Mặc dù, hình thức lừa đảo nhắc này xuất hiện trong một vài năm trở lại đây, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trái lại ngày càng nở rộ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và lan rộng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cùng với chiêu thức gọi điện trực tiếp, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng tổng đài tự động gọi đến số thuê bao của VNPT, khi chủ thuê bao nhấc máy, hệ thống sẽ tự động bật hộp thư thoại có nội dung "VNPT xin thông báo, số máy của quý khách còn nợ số tiền cước là 9 (hoặc 10) triệu đồng. Trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, nếu chưa thanh toán, VNPT bắt buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ đến thuê bao này. Nếu chưa rõ thông tin, vui lòng bấm số 9 để nghe lại hoặc nhấn phím số 0 gặp điện thoại viên để được giải đáp". Nhiều khách hàng thiếu cảnh giác, đã thực hiện như chỉ dẫn, có người tự xưng là nhân viên của VNPT nghe máy, rồi giải đáp thông tin cho khách hàng đó. Các điện thoại viên giả này sẽ khẳng định lại thông tin khách hàng chưa thanh toán số tiền nêu trên là đúng. Nguy hiểm hơn cả, mục đích của kẻ mạo danh còn nhằm thu thập trái phép thông tin cá nhân của khách hàng như tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, số CMND, tài khoản ngân hàng… và chiếm đoạn tiền bằng cách cung cấp số tài khoản để khách hàng thanh toán, hoặc lừa khách hàng bấm số gọi lại với mục đích chuyển tiếp cuộc gọi từ máy của khách hàng vào các đầu số dịch vụ giá cước cao, sau đó các đối tượng này sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi. Lãnh đạo VNPT cho biết, Tập đoàn không thực hiện việc nhắc nợ cước qua bất kỳ hình thức hộp thư ghi âm tự động nào. Nếu khách hàng thấy nghi vấn có thể điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126 (miễn phí từ điện thoại cố định VNPT). |