Gia đình nạn nhân máy bay MH17 kiện vì tiền hay vì chính trị?

Thứ Sáu, 27/05/2016, 16:35
Một công ty luật Australia đại diện cho các gia đình nạn nhân người Australia trong vụ rơi máy bay MH17 vừa nộp hồ sơ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu để đòi nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin bồi thường cho các nạn nhân xấu số trong vụ máy bay rơi. Đây là vụ kiện đầu tiên của gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay MH17.

Theo The Guardian, hồ sơ vụ kiện đã được Công ty luật LHD ở Sydney nộp lên Tòa án Nhân quyền châu Âu vào ngày 9-5 vừa qua. Bị đơn được nêu đích danh là Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga. Công ty luật LHD đại diện cho 5 gia đình nạn nhân vụ máy bay MH17 đòi nước Nga và Tổng thống Putin phải bồi thường số tiền lên đến 10 triệu USD mỗi nạn nhân. Bộ hồ sơ khởi kiện nộp tại tòa án dày đến 3.500 trang, do luật sư Jerry Skinner chuyên về luật hàng không dân dụng của Mỹ chủ trì soạn thảo.

Cũng cần biết rằng, luật sư Skinner từng đứng ra hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ tai nạn máy bay Lockerbie năm 1988 và đã giành thắng lợi, được nhà nước Libya chấp nhận bồi thường. Và gia đình các nạn nhân Australia đang hy vọng ông Skinner sẽ giúp họ yêu cầu nước Nga của Tổng thống Putin bồi thường giống như Libya của Đại tá Muammar Gaddafi từng làm.

Vấn đề mấu chốt ở đây là, liệu có bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của nước Nga trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở vùng Đông Ukraine vào tháng 7-2014 hay không? Liệu các gia đình nạn nhân Australia kiện vì tiền hay chỉ là động thái mang động cơ chính trị chống nước Nga và ông Putin? Nếu không có bằng chứng cụ thể thì vụ kiện xem như vô vọng, vì không thể buộc nước Nga bồi thường thiệt hại khi không thể chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra là do Nga gây ra. Tên lửa do Nga sản xuất không có nghĩa là Nga có dính líu trong vụ việc.

Mặt khác, địa điểm xảy ra vụ rơi máy bay MH17 là miền Đông Ukraine, nơi đang diễn ra cuộc nội chiến giữa Chính phủ ở Kiev và phe nổi dậy đòi ly khai. Kiev và phương Tây luôn cáo buộc Nga đứng sau lưng hậu thuẫn cho phe nổi dậy ở miền Đông Ukraine, do đó, việc đặt ra “nghi vấn” có binh sĩ Nga tham gia trong cuộc chiến là một nước cờ có ý nghĩa, vì nó khiến dư luận chung nghĩ rằng “có thể nước Nga có nhúng tay vào thật”.

Xác máy bay MH17.

Trong hồ sơ khởi kiện, đại diện gia đình nạn nhân Australia còn cố “quàng” nước Nga và Tổng thống Putin vào vụ việc bằng những lời cáo buộc dựa trên các cơ sở không vững chắc, chẳng hạn như cáo buộc nước Nga đã tìm cách “che giấu” sự dính líu của mình trong vụ rơi máy bay dựa trên cơ sở cho rằng vì “Nga đã không tự tổ chức cuộc điều tra nội bộ”, và cáo buộc rằng các hacker chiến tranh mạng của Nga đã tấn công, bẻ khóa vào website của cơ quan Hội đồng An toàn Hàng không Hà Lan – cơ quan phụ trách điều tra vụ máy bay MH17.

Chưa hết, trong hồ sơ cáo buộc gửi lên tòa án, các luật sư đại diện gia đình nạn nhân đã tô đậm nỗi đau thống thiết do mất mát người thân, và đưa vào hồ sơ những câu chuyện lâm ly bi đát về cuộc sống của những người còn sống bị mất người thân trong vụ rơi máy bay. Chiến thuật này được cho là nhằm đặt ra vấn đề đạo đức, khơi dậy tình cảm nơi các quan tòa châu Âu, vốn sẵn lòng chống lại nước Nga và ông Putin, từ đó gây áp lực về mặt tình cảm, đạo đức rất lớn lên nước Nga.

Cuộc điều tra chính thức của nhóm quốc gia gồm Hà Lan, Malaysia, Australia, Bỉ và Ukraine vẫn chưa kết thúc (dự kiến kéo dài đến tháng 10-2016). Cho đến nay, những gì mà các nhà điều tra thu được chỉ là những mảnh vỡ máy bay và mảnh kim loại nghi là của tên lửa.

Các nhà điều tra chính thức đã không thể đưa ra chứng lý nào khác hơn những gì mà các đồng nghiệp Nga cũng đã trưng ra, và hai bên đã có những kết luận giống nhau và khác nhau. Giống nhau đó là thủ phạm làm rơi MH17 là loại tên lửa Buk. Khác nhau, trong khi các chuyên gia Nga khẳng định dấu vết thực tế cho thấy loại tên lửa gây ra thảm họa là tên lửa Buk đời cũ, số hiệu 9M38 do Liên Xô sản xuất từ năm 1986, với vết cắt hình thoi, còn các nhà điều tra Hà Lan thì khăng khăng cho rằng vết cắt kim loại hình nơ bướm, và quả quyết loại tên lửa bắn rơi MH17 là loại mới hơn, mang đầu đạn 9N314M.

Luật sư Jerry Skinner.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra của Hà Lan cũng không thể chắc chắn hoàn toàn trong các kết luận của mình, do đó cũng không thể bác bỏ hoàn toàn kết luận do các chuyên gia Nga đưa ra.

Một mấu chốt quan trọng mà các nhà điều tra Hà Lan cho đến nay vẫn chưa thể xác định được, đó là tên lửa bắn rơi MH17 đã được bắn đi từ đâu và do ai bắn? Có một tình cảm chống Nga len vào trong tư duy khiến cho các nhà điều tra này khó có thể khách quan làm việc. Và cũng vì thế mà họ không muốn thấy những bằng chứng thực tế rằng tên lửa Buk bắn rơi MH17 được bắn từ vùng lãnh thổ Ukraine do Chính phủ Ukraine kiểm soát, hoặc cũng có thể nó được bắn từ máy bay chiến đấu đang bay, như gợi ý ban đầu của các chuyên gia Nga.

Thậm chí, có trang web mang tên Bellingcat do một cá nhân người Anh tên là Eliot Higgins, 37 tuổi lập ra, đã vẽ ra một câu chuyện như thật rằng “có chừng 100 binh sĩ và sĩ quan quân đội Nga có thể biết hoặc đã tham gia vào vụ bắn rơi máy bay MH17”(!?) Bellingcat đã sưu tầm thông tin từ những nguồn mở trên mạng xã hội rồi chắp vá lại làm báo cáo của riêng mình, tung lên website. Thế là báo chí phương Tây vồ lấy, xem đó như một “báo cáo” chính thống.

Chỉ có những người tham gia cuộc điều tra chính thức, hiểu rõ mình biết gì và không biết gì nên rất thận trọng khi đưa ra bất cứ cáo buộc nào. Fred Westerbeke, người chủ trì cuộc điều tra MH17 đã nói trong một lá thư gửi cho gia đình các nạn nhân hồi tháng 2-2016 rằng “việc tìm ra và xử lý những người phải chịu trách nhiệm có thể phải tốn rất nhiều thời gian”.

An Châu (tổng hợp)
.
.