Giết người chỉ vì 138 nghìn đồng

Thứ Hai, 14/11/2011, 11:10
Thời điểm Nguyễn Văn Tới có hành vi phạm tội, gã mới 19 tuổi, gã sinh năm 1990. Quê gã ở vùng Tây Nguyên, địa phận xã Đắk Yâ, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Gã là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Ba gã mất sớm, mẹ gã một mình bám mặt vào mảnh vườn nhỏ làm quần quật cả ngày để kiếm tiền nuôi con...

Vẫn biết, ở bất kỳ hoàn cảnh hoặc địa điểm nào, cái ác bao giờ cũng cần thiết phải nhận lãnh một hình phạt thích đáng từ pháp luật. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy rất nặng lòng trong vụ án mà kẻ thủ ác là người làm thuê, người bị hại cũng là người làm công cho chủ. Địa vị trong quán ăn có thể khác nhau, kẻ làm phục vụ, người làm thủ quỹ… Nhưng, xét tận cùng thì cũng đều xa quê, vào Sài Gòn mưu sinh để hy vọng vào một cơ hội đổi đời. Người bị sát hại ấy, còn vợ và hai cô con gái nhỏ ở quê nhà.

1.Thời điểm Nguyễn Văn Tới có hành vi phạm tội, gã mới 19 tuổi, gã sinh năm 1990. Quê gã ở vùng Tây Nguyên, địa phận xã Đắk Yâ, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Gã là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Ba gã mất sớm, mẹ gã một mình bám mặt vào mảnh vườn nhỏ làm quần quật cả ngày để kiếm tiền nuôi con.

Chưa hoàn tất chương trình học kỳ II của lớp 5, thì gã thôi học. Ở vùng đất nơi gã sinh ra, chuyện đến trường và không đến trường nữa cũng đơn giản như trái cà phê ban đầu thì xanh non, đến khi già chín thì chuyển màu đỏ thẫm. Đánh đu với đám bạn cùng xã được ít lâu, mới chớm lớn gã bắt đầu mơ đến vùng đất hứa có tên Sài Gòn. Tình thật, là tôi cũng không hiểu bắt nguồn từ đâu mà những gã thanh niên vừa lớn như Tới lại mê mẩn Sài Gòn đến thế. Đồng ý là Sài Gòn dễ sống, Sài Gòn làm bất cứ nghề gì cũng có thể kiếm được một ít tiền, đủ để tồn tại. Tuy nhiên, Sài Gòn không đơn giản chỉ là nhét đầy quần áo vào ba lô, bắt xe đò vào Sài Gòn là có thể thản nhiên vơ tay nhét tiền vào túi.

Gã thưa với mẹ rằng, gã muốn đổi đời. Gã đã chán ngấy chuỗi ngày chỉ quẩn quanh với cây cà phê khi nắng hạn, với con đường đất đỏ bụi mù loằn ngoằn đèo dốc, với những buổi sáng lẫn chiều khi sương sớm phủ mờ cả một góc trời… Gã chán cả cái không khí tẻ nhạt vùng quê miền cao. Gã sẽ không có tương lai ở nơi này, gã muốn có một sự thay đổi triệt để. Thương con, mẹ gã đồng ý để gã xuống Sài Gòn.

Mẹ gã thừa hiểu rằng, bà không đủ sức để níu giữ gã ở lại ngôi nhà, nơi mà gã đã được sinh ra và lớn lên. Người anh rể gã biết chuyện, thương gã nên bán cả chiếc xe gắn máy cũ, tài sản lớn nhất của gia đình để có thể dúi một ít tiền vào tay gã làm lộ phí.

Nét mặt đau khổ của mẹ Tới.

Sài Gòn đón gã bằng choáng ngợp nhà cao tầng, đèn điện nhấp nháy suốt đêm, người - xe đông như mắc cửi… Gã gọi điện thoại cho một người quen để nhờ sự giúp đỡ. Người quen hướng dẫn gã đến tìm việc tại các khu công nghiệp hay khu chế xuất ở những quận vùng ven.

Rất nhanh chóng, gã được nhận vào làm công nhân của một nhà máy chế biến gạch, nơi chỉ cần sức khỏe, không cần trình độ. Tính luôn tiền công cho những giờ tăng ca thì mỗi tháng gã có tròm trèm 1,8 triệu đồng. 1,8 triệu đồng, đối với gã là một số tiền lớn, dẫu với mức chi phí ở Sài Gòn, tiền nhà trọ và những thứ tiền sinh hoạt khác nhanh chóng cuốn phăng số tiền lương của gã. Nhưng không sao, với gã chỉ bấy nhiêu là đủ đầy cho một giấc mơ.

Tiếc là giấc mơ thường dang dở. Mới làm ở xí nghiệp gạch hơn hai tháng, thì gã gặp tai nạn. Sau tai nạn, sức khỏe của gã không còn được như trước, nên gã lò dò đến xin việc bưng bê tại một quán ăn trên đường Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Tp HCM. Và được chủ quán đồng ý nhận.

Căn nguyên mọi bi kịch của cuộc đời gã bắt đầu từ đây. Ngày 14/12 được nhận vào làm, thì rạng sáng ngày 19/12 gã đã ra tay giết hại người đàn ông làm thủ quỹ của quán với ý định cướp tiền tiêu xài. Gã nghĩ, thủ quỹ thường có nhiều tiền trong người.

Nhưng, gã đã nhầm…

2. Người đàn ông bị gã sát hại sinh năm 1970, cũng từ miền quê vào Sài Gòn mưu sinh. Phục vụ ở quán ăn nhiều năm, được chủ quán tin tưởng giao cho nhiệm vụ giữ tiền thanh toán của khách. Quê của người đàn ông ấy ở tận xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ở quê, vợ và hai cô con gái lớn 12 tuổi, nhỏ 11 tuổi đều phụ thuộc vào số tiền lương mà người đàn ông này gửi về.

Gã làm việc đến ngày thứ 4, thì nảy sinh ra ý định giết người để có tiền tiêu xài. Đích nhắm của gã là người đàn ông ấy. 23h đêm ngày 18/1/2009, quán nghỉ bán. Gã cùng nhiều nhân viên phục vụ khác sau khi dọn dẹp, đã tổ chức cuộc nhậu. Theo thói thường, đây cũng là chuyện hay diễn ra ở các quán ăn mà người phục vụ được lưu trú tại quán. Vừa uống rượu, gã vừa lên kế hoạch sẽ giết người như thế nào cho gọn gàng, rồi vơ vét tài sản ra sao… Trong cuộc rượu hôm ấy, người đàn ông là "con mồi" của gã không uống bất kỳ giọt rượu nào.

Tàn cuộc rượu, gã đã chếnh choáng hơi men, liếc thấy người đàn ông đang  kê giường xếp cá nhân chuẩn bị đi ngủ. Gã lẳng lặng đặt chiếc giường xếp của mình cạnh nơi nghỉ ngơi của người đàn ông này. Vừa đặt lưng xuống giường xếp, gã vừa nhẩm tính tiếng thở của người đang nằm ngay kế bên. Lúc này, quán im phăng phắc. Những người phục vụ cùng gã đã ngủ say do thấm hơi rượu ở căn gác bên trên quán.

4h sáng ngày 19/12, thời điểm mà gã tin chắc rằng người đàn ông ấy đã ngủ say. Gã nhẹ nhàng rời khỏi chiếc giường xếp của mình, đi ra phía sau quán lục tìm cái mỏ lết bằng sắt mà gã đã chuẩn bị từ trước. Người đàn ông là đích nhắm của gã hoàn toàn không biết đây chính là thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình.

Người mẹ tội nghiệp của Tới tại hàng ghế dự khán.

Theo cáo trạng, thì gã cầm cái mỏ lết bằng hai tay, dùng toàn lực đánh thẳng vào mặt, đầu của người đàn ông tội nghiệp ấy. Những cú đánh có âm điệu khô khốc chỉ dừng hẳn khi người đàn ông kia đã bất động.

Gã bắt đầu lục soát quán. Trái với dự tính của gã, trong túi quần của người đàn ông này chỉ có 100 nghìn. Gã xới tung tất cả các hộc tủ của quán lên cũng chỉ kiếm thêm 38 nghìn tiền lẻ. Tổng cộng, gã có được 138 nghìn. Trời đã tang tảng sáng, gã sợ nhân viên đến mở cửa tiệm sẽ phát hiện ra hành động của mình, nên gã vội vàng dùng chìa khóa mở cửa cuốn của quán và đào thoát. Trước khi bỏ trốn, gã còn kịp dùng bao bố phủ lên xác của nạn nhân.

Đến 6h sáng cùng ngày, khi các nhân viên phục vụ lục tục tỉnh dậy, đã phát hiện thi thể của thủ quỹ nằm gục trên giường xếp, máu đọng thành vũng dưới sàn nhà. Cạnh thi thể của nạn nhân, là chiếc mỏ lết lấm lem máu… Thông tin này nhanh chóng được trình báo đến Cơ quan Điều tra. Và gã, bị các trinh sát bắt giữ chỉ sau 2 ngày gây án. Gã bị bắt giữ ngay trong chính căn nhà của mẹ gã, ở Gia Lai.

Gã khai nhận, sau khi sát hại thủ quỹ của quán, gã thuê xe ôm về bến xe miền Đông, mua vé xe và vội vàng trở lại nhà mình. Về đến nhà, gặp mẹ, gã bảo "Con đã phạm tội giết người. Con sợ quá, mẹ ơi" và kể lại toàn bộ câu chuyện.

Tội nghiệp cho người đàn bà ấy, con đi làm xa, chưa nhận được một ngày báo hiếu thì đã chứng kiến cảnh con trai mình bị bắt khẩn cấp. Bà nói rằng, bà đã khuyên con bà và con bà đồng ý đến Cơ quan Công an đầu thú. Thương con, bà tất tả ra chợ quê mua cho con cái gì đó để ăn trước khi đến trình diện tại Cơ quan Công an, nhưng chưa kịp thực hiện thì con bà đã bị bắt, là bà kể như vậy.

Ai đó tư vấn với bà, nếu bà bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của vụ án, con bà sẽ nhẹ tội. Bà vay mượn khắp nơi, được hơn 55 triệu bồi thường cho gia đình nạn nhân. Số tiền với bà là cả một sự cố gắng tột cùng, vẫn chưa đủ một nửa số tiền mà gã phải có trách nhiệm bồi hoàn cho gia đình nạn nhân theo phán quyết của tòa án. Đó là chưa kể đến khoản tiền trợ cấp 2 triệu đồng/tháng cho hai cô con gái nhỏ của nạn nhân cho đến lúc cả hai đều 18 tuổi…

Gã khai ở Cơ quan Điều tra rằng, giữa gã và người đàn ông làm thủ quỹ quán có mâu thuẫn sau khi uống rượu. Nên người đàn ông ấy đã chủ động dùng mỏ lết đánh gã. Trong lúc giằng co, mỏ lết rơi xuống đất. Gã nhanh tay nhặt được mỏ lết và tấn công lại người đàn ông kia.

Tuy nhiên, những chứng cớ mà Cơ quan Điều tra thu thập được đã bác bỏ hoàn toàn lời khai của gã.

Kết quả giám định pháp y ghi rõ, người đàn ông là nạn nhân của gã tử vong do chấn thương sọ não. Chi tiết hơn về kết luận giám định pháp y rất kinh hoàng, không tiện nêu đến bạn đọc. Không có dấu hiệu của một vụ xô xát trước khi gã xuống tay hạ sát nạn nhân. Khi bị gã tấn công với cú đánh đầu tiên trong lúc ngủ say, người đàn ông ấy đã không hề có cơ hội để phản kháng.

Thấy lời khai có mâu thuẫn nên bị tấn công trước không thuyết phục, gã đổi lại lời khai. Gã khai, khi gã mới vào làm tại quán hơn một ngày, thì chủ quán bị mất điện thoại di động. Người đàn ông này cứ kiên quyết cho rằng gã chính là thủ phạm của vụ trộm đó. Nên gã rất tức giận, và chờ cơ hội để trả thù riêng. Nhưng, xác minh của Cơ quan Điều tra cho thấy, mọi chuyện diễn ra hoàn toàn khác với những gì gã khai. Giữa gã và người đàn ông là nạn nhân của gã hoàn toàn không có mâu thuẫn gì.

Không còn biết bám víu vào mục đích nào ngoài chuyện giết người để cướp đoạt tài sản, gã phải thú nhận động cơ của hành vi giết người là do muốn có tiền tiêu xài. Gã xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để gã có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, mọi thứ đến lúc này đã là quá muộn.

Ở phiên sơ thẩm đã diễn ra cách đây khá lâu, và phiên phúc thẩm vừa diễn ra, mức án dành cho gã không có sự thay đổi. Hội đồng xét xử ở hai phiên tòa đều thống nhất, hành vi phạm tội của gã là không còn tính người, không có khả năng cải tạo, giáo dục nên Hội đồng xét xử quyết định loại bỏ vĩnh viễn gã ra khỏi cuộc sống xã hội. Vẫn theo Hội đồng xét xử thì bản án ấy tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của gã.

3. Tổng hợp cho hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản", gã bị tuyên án tử hình. Đồng thời, gã phải có trách nhiệm bồi thường số tiền gần 119 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.

Đã không có một ngoại lệ hay tình tiết giảm nhẹ nào trong vụ việc của gã. Chỉ thương cho người mẹ nghèo của gã ở Gia Lai, đón xe xuống Sài Gòn để dự khán phiên xử của con mình. Bà ngồi bấu víu vào hàng ghế dành cho người dự khán, mắt hướng về vành móng ngựa nơi đứa con áp út của bà đang đứng chờ nghe phán quyết. Nhìn bà xác xơ, quay quắt như cây cà phê mùa hạn còn cố vẫy cành vươn theo gió vào những đêm không trăng.

Tôi không biết gã có bị ám ảnh về hành vi của mình mỗi khi đêm về nằm mơ ngủ trong trại giam hay không. Tôi cũng không thể biết gã sẽ trải qua những ngày trong nhà giam, chờ đến lúc thi hành án như thế nào… Có thể gã sẽ hoảng sợ hoặc bị nỗi hối hận giày vò. Nhưng tiếc rằng, sự ân hận bao giờ cũng chỉ đến sau khi hành vi phạm tội đã diễn ra trước đó từ rất lâu. Khi bị các chiến sĩ cảnh sát giải ra xe về lại nhà giam, có thấy nước mắt gã chảy dài khi cất giọng gọi mẹ

Ngô Nguyệt Hữu
.
.