HONETOL - chiến dịch thanh lọc nội bộ lớn nhất trong lịch sử CIA

Thứ Hai, 21/01/2008, 13:30
Nhằm đối phó với việc cài điệp viên nội gián để thu thập thông tin của các lực lượng thù địch. CIA đã tổ chức phản gián nội bộ để bắt giữ các điệp viên phản bội qua việc triển khai nhiều chiến dịch thanh lọc nội bộ, và chiến dịch được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử CIA có tên gọi HONETOL.

Trong lịch sử 60 năm hoạt động, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) luôn là mục tiêu để các cơ quan tình báo nước ngoài, kể cả đồng minh lẫn thù địch, cài điệp viên nội gián để thu thập thông tin.

Nhằm đối phó, CIA cũng đã tổ chức phản gián nội bộ để bắt giữ các điệp viên trên hoặc điệp viên phản bội qua việc triển khai nhiều chiến dịch thanh lọc nội bộ, trong đó phải kể đến chiến dịch được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử CIA có tên gọi HONETOL nhưng chiến dịch này lại là một thất bại lớn nhất trong lịch sử CIA.

Vào ngày 15/12/1961, Anatoly Golitsyn, sĩ quan mang quân hàm trung tá của tình báo Liên Xô hoạt động tại Phần Lan dưới lốt tham tán Sứ quán Liên Xô tại thủ đô Helsinki, đào thoát cùng vợ và con đến Sứ quán Mỹ.

Ngay trong ngày, một chuyến bay đặc biệt của Không quân Mỹ đã đưa điệp viên phản bội này về trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia.Tại đây, đích thân James Jesus Angleton, chỉ huy Đơn vị phản gián của CIA (CIS), thẩm vấn Golitsyn suốt nhiều ngày liền.

Trong khi đó, CIA mà trực tiếp là CIS, bị chỉ trích dữ dội vì sự yếu kém về công tác phản gián đến nỗi còn bị Ủy ban Tình báo của Quốc hội Mỹ đòi xem xét lại cơ cấu tổ chức, ngân sách hoạt động và cả tư cách chỉ huy của Angleton. Vì vậy, sự việc đào thoát và đầu thú của Golitsyn chính là mục tiêu để CIS khai thác, lập công và lấy lại uy tín.

Theo như khai báo của Golitsyn với Angleton, từ lâu tình báo Liên Xô đã cài một điệp viên nội gián hoạt động rất hiệu quả trong Ban Liên Xô của CIA. Điệp viên nội gián này có mật danh "Sasha" và có tên bắt đầu bằng chữ “K”.

Chính Sasha là điệp viên nội gián đã kịp thời chuyển giao cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc CIA triển khai các điệp vụ cũng như cài điệp viên nằm vùng bên trong lãnh thổ Liên Xô.

Những thông tin này đã giúp tình báo Liên Xô làm thất bại một số điệp vụ của CIA và bắt hàng loạt điệp viên nằm vùng.

Theo điều tra của CIS, chỉ riêng Ban Liên Xô của CIA đã tập hợp đến 20 điệp viên có tên bắt đầu bằng chữ “K”. Còn trong toàn thể nhân viên CIA, có đến 100 người cũng có tên bắt đầu bằng chữ “K”.

Tuy nhiên, với quyết tâm phải bắt giữ cho bằng được điệp viên nội gián Sasha, Giám đốc CIA Richard Helms quyết định “bật đèn xanh” cho CIS triển khai một chiến dịch thanh lọc nội bộ quy mô có tên gọi HONETOL khởi đầu từ tháng 3/1962, có sự tham gia của 60 nhân viên CIS và các nhân viên đặc biệt thuộc Đơn vị Phản gián của Cục Điều tra liên bang (FBI) và do Angleton chỉ huy.

Đứng đầu danh sách các nhân viên Ban Liên Xô nghi vấn là Serge Peter Karlow, có tên gọi Klibanski. Là người trốn chạy khỏi nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, được làm việc tại Cục Hành động chiến lược (OSS - tiền thân của CIA) nhưng qua đấu tranh, khai thác với câu trả lời “không” cương quyết, cuối cùng Karlow đã được gạch tên khỏi danh sách điệp viên CIA bị tình nghi.

“Nạn nhân” tiếp đến của chiến dịch HONETOL là Igor Grigorievich Kopatsky. Kopatsky là người Ukraina, đến định cư tại Mỹ cùng gia đình vào năm 1922. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Kopatsky là nhân viên OSS hoạt động tại các quốc gia Bắc Âu. Trở thành điệp viên CIA vào năm 1947, Kopatsky làm việc tại Ban Liên Xô và là điệp viên nằm vùng của CIA tại Phần Lan. Bị đình chỉ chức vụ và triệu hồi về Mỹ vào tháng 6-1962, Kopatsky năm lần, bảy lượt bị đích thân Angleton thẩm vấn. Cũng giống như trường hợp của Karlow, do phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc phi lý, cuối cùng Kopatsky cũng thoát tội và được gạch tên khỏi danh sách điệp viên CIA bị tình nghi. Ngay cả Richard Kovich, người Mỹ gốc Serbia, Phó ban Liên Xô của CIA, cũng nằm trong danh sách nghi vấn là điệp viên nằm vùng Sasha. Bị nghi ngờ nên Kovich phản đối quyết liệt do đó bị cách chức.

Cho đến giữa năm 1964, chiến dịch thanh lọc HONETOL đã tổ chức theo dõi, điều tra và cả thẩm vấn 100 nhân viên CIA có tên bắt đầu bằng chữ “K” để cố tìm ra cho bằng được trong số họ ai chính là điệp viên nằm vùng Sasha như theo khai báo của điệp viên đào thoát Golitsyn.

Tuy nhiên, mọi cố gắng của CIS đều không mang lại kết quả. Bất lực, vào tháng 10/1964, John Edgar Hoover, Giám đốc FBI, ra lệnh cho Đơn vị Phản gián của FBI rút khỏi chiến dịch HONETOL khi cho rằng đây là một hành động điên rồ của Angleton.

Không chấp nhận thất bại, Angleton vẫn kiên quyết triển khai tiếp chiến dịch HONETOL với việc đưa vào áp dụng nhiều phương thức hành động khác nhau chỉ với mục đích duy nhất là phải tìm ra cho bằng được điệp viên nội gián Sasha.

Angleton ra lệnh cho cấp dưới cài đặt các thiết bị ghi âm siêu nhỏ ngay dưới bàn làm việc của các nhân viên thuộc Ban Liên Xô, nghe lén tất cả các cuộc điện đàm bằng điện thoại của họ.

Ngay cả nhà riêng của những nhân viên CIA bị nghi vấn cũng được cài đặt các thiết bị nghe lén và ghi âm. Tuy nhiên, những hành động này vẫn không mang lại kết quả. Vào đầu tháng 11/1964, Richard Helms ra lệnh đình chỉ vô thời hạn chiến dịch HONETOL.

Dù bị đình chỉ, nhưng hậu quả là chiến dịch thanh lọc lớn nhất trong lịch sử CIA  đã làm sứt mẻ nội bộ cơ quan tình báo này. Lòng tin về sự trung thành tuyệt đối của các điệp viên CIA đều bị nghi ngờ, nhất là đối với Quốc hội và Chính phủ Mỹ.

Năm 1978, (sau khi được phục hồi chức vụ và danh dự) Kovich đã gửi kiến nghị lên Nhà Trắng yêu cầu phục hồi danh dự cho nhiều điệp viên CIA là nạn nhân của chiến dịch HONETOL.

Sau khi xem xét và xác minh, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã quyết định phục hồi danh dự và quyền lợi cho các điệp viên CIA từng là nạn nhân của chiến dịch HONETOL

Hà Văn (theo CiCentre)
.
.