Hà Nội: Lần đầu tiên công chứng viên lĩnh án vì làm sai nguyên tắc

Thứ Tư, 30/11/2011, 11:35

Bỏ qua một số nguyên tắc quan trọng của Luật Công chứng khi lập hợp đồng ủy quyền như nhận CMND photo, không xác định nhân thân đúng thực tế… Việc làm tắc trách của công chứng viên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi kẻ lừa đảo sử dụng các bản  hợp đồng ủy quyền có tính pháp lý thực hiện hành vi phạm tội, ngang nhiên bán sổ đỏ của người dân chiếm đoạt hàng tỉ đồng…

Trong các ngày 21 và  22/11/2011, Tòa án nhân dân Tp Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Thu Hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dưới chiêu trò thành lập công ty dịch vụ vay vốn ngân hàng bằng sổ đỏ, Nguyễn Thu Hợp đã chiếm đoạt hàng chục sổ đỏ của những người dân thiếu hiểu biết để mang đi thế chấp và chuyển nhượng lấy tiền sử dụng cá nhân. Một bị cáo khác cùng ra hầu tòa với Hợp là Hoàng Văn Sự, nguyên công chứng viên Phòng công chứng số 5 Hà Nội, can tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thành lập doanh nghiệp kinh doanh vay vốn để lừa đảo

Có một thực tế là người dân dù có tài sản nhưng rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng bằng hình thức thế chấp tài sản đó. Do vậy, họ buộc phải tìm đến các cá nhân, công ty trung gian để nhờ vay vốn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra "cơn sốt" thu gom sổ đỏ trên toàn quốc vào những năm 2007-2008. Vào thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nắm bắt được nhu cầu vay vốn của người dân, Nguyễn Thu Hợp (39 tuổi), trú tại số 2 dốc Tam Đa, phường Thụy Khuê, Hà Nội đã liên kết cùng các đối tượng Phạm Tuấn Anh ở Trương Định, Hoàng Mai; Vũ Thị Minh Hòa ở Lạc Long Quân, Tây Hồ và Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở Ngọc Hà, Ba Đình, thành lập một loạt công ty gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại An Bình, Công ty CP Đầu tư quốc tế và phát triển nhân đạo IQ Việt Nam, Công ty Tư vấn đầu tư tài chính Thiên Đức, sau đó đăng báo quảng cáo nhận dịch vụ vay vốn, đáo hạn tại các ngân hàng. Thực chất, việc thành lập công ty chỉ nhằm tạo vỏ bọc cho hoạt động vay nợ "tín dụng đen" và các hành vi chiếm đoạt tài sản sau này bởi bản thân Hợp chỉ là một người kinh doanh quần áo và đã có 1 tiền án năm 1992 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi những thông tin quảng cáo về hoạt động vay vốn của các công ty được tung lên mạng và các phương tiện thông tin khác, đã có rất nhiều người có nhu cầu tìm đến các công ty trên để đăng ký vay tiền ngân hàng dưới hình thức thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).  Ban đầu, khi việc vay tiền bằng thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng còn chưa bị siết chặt, các đối tượng sử dụng pháp nhân của công ty để thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng rồi cho người có tài sản vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, khi ngân hàng siết chặt các hoạt động tín dụng, các đối tượng chuyển sang dùng sổ đỏ của người dân để vay "tín dụng đen". Từ đây, lợi dụng sơ hở của người dân trong thực hiện công chứng ủy quyền, các đối tượng chuyển sang hoạt động lừa đảo, dùng hợp đồng ủy quyền có nội dung chuyển nhượng (trong khi người có tài sản chỉ có nhu cầu thế chấp vay vốn) cùng sổ đỏ đi bán để chiếm đoạt tiền với số lượng lớn.

Trong số 54 sổ đỏ đã nhận của người dân, các đối tượng Hợp, Tuấn Anh, Hòa đã làm thủ tục chuyển nhượng 6 sổ đỏ cho các cá nhân khác để chiếm đoạt số tiền trên 7 tỉ đồng. Riêng Nguyễn Thu Hợp đã sử dụng hợp đồng ủy quyền công chứng và sổ đỏ để bán nhà đất của 2 gia đình, chiếm đoạt 3 tỉ 450 triệu đồng. Sau khi người bị hại trình báo Cơ quan Công an, Phạm Tuấn Anh và Vũ Thị Minh Hòa đã bỏ trốn.

Hợp đã sử dụng hợp đồng uỷ quyền và sổ đỏ để bán nhà của người cần vay vốn ngân hàng, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Hậu quả nghiêm trọng từ tắc trách của công chứng viên

Hai trường hợp bị Nguyễn Thu Hợp lừa đảo, sử dụng hợp đồng ủy quyền để bán nhà, đều có liên quan đến trách nhiệm của ông Hoàng Văn Sự, khi đó là công chứng viên của Phòng công chứng số 5 Hà Nội. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội kết luận, trong thời gian năm 2007, 2008, công chứng viên Hoàng Văn Sự đã ký nhiều hợp đồng ủy quyền của các chủ sở hữu cho Nguyễn Thu Hợp, Vũ Thị Minh Hòa đều có cùng một nội dung: "Bên nhận ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền dùng toàn bộ tài sản đem chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật, để làm thủ tục vay vốn của ngân hàng và các cơ quan tổ chức tín dụng". Theo nội dung này, những người có tài sản ủy quyền cho Hợp với ý thức mong muốn được vay tiền của ngân hàng và với ý chí giao kết họ đã thỏa thuận với Hợp, Hòa là ủy quyền cho 2 đối tượng này được sử dụng tài sản của họ để vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy khi đọc nội dung ủy quyền trên, chủ tài sản đã bị nhầm lẫn không phân biệt được việc chuyển nhượng và thế chấp.

Mặt khác theo lời khai của những người bị hại thì khi ký hợp đồng ủy quyền, họ không được công chứng viên giải thích rõ ràng về nội dung ủy quyền, không hướng dẫn cho họ biết về thủ tục ký công chứng ủy quyền, không được phân tích chỉ rõ sự bất lợi khi họ ký ủy quyền chuyển nhượng mà chỉ đưa ra các bản hợp đồng đã được soạn thảo trước đó. Trong phiếu yêu cầu công chứng, công chứng viên cũng không hướng dẫn họ viết rõ nội dung yêu cầu công chứng mà chỉ viết chung chung là yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền. Có trường hợp phiếu yêu cầu công chứng ghi "ủy quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng" nhưng nội dung hợp đồng lại bao gồm "chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật để vay vốn ngân hàng".

Trong cùng thời gian từ tháng 5/2007 đến tháng 5/2008, Nguyễn Thu Hợp là người đã tham gia ký 9 hợp đồng ủy quyền do công chứng viên Hoàng Văn Sự đã ký lời chứng, Hợp ký với tư cách là bên nhận ủy quyền. Tuy nhiên, trước sự "trùng hợp" kỳ lạ trên, công chứng viên Hoàng Văn Sự không hề có sự nghi ngờ và cũng không giải thích cho những người ủy quyền biết để có sự kiểm tra, phòng ngừa. Không những vậy, quá trình thực hiện công chứng, ông Hoàng Văn Sự đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc của Luật công chứng dẫn đến việc đối tượng thuê đóng giả người để ký hợp đồng ủy quyền nhưng ông Sự đã không phát hiện ra. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Nương ở tập thể Công ty May 10, Sài Đồng, Gia Lâm, do có nhu cầu vay vốn làm trang trại đã cầm sổ đỏ mang tên hai vợ chồng (Trần Văn Mạnh - Nguyễn Thị Nương) để nhờ Nguyễn Thị Hồng Hạnh giúp đỡ làm thủ tục vay ngân hàng. Do ông Mạnh - chồng bà Nương đi vắng, Hạnh đã thuê một người đàn ông khác đóng giả làm chồng bà Nương rồi cùng Nguyễn Thu Hợp sang Phòng công chứng số 5 giao dịch nội dung ủy quyền với công chứng viên Hoàng Văn Sự.

Được Sự đồng ý cho sử dụng bản CMND photo nên Hợp, Hạnh đã sử dụng tiểu xảo, mặt trước là CMND photo của ông Mạnh được dán ảnh người được thuê đóng giả, mặt sau là bản photo CMND của người được thuê, ghép vào thành CMND của ông Mạnh để đưa vào hồ sơ công chứng. Tuy nhiên lập hợp đồng ủy quyền và nhận sổ đỏ của bà Nương xong, Hợp không đưa tiền vay cho bà Nương theo thỏa thuận mà dùng những giấy tờ trên mang đi bán cho chị Phạm Vân Anh lấy 1,1 tỉ đồng để chiếm đoạt cá nhân.

Một nạn nhân khác là bà Phương Thị Thuyên ở tổ 4 cụm 1  Xuân La, Tây Hồ, tháng 8/2007 ký kết hợp đồng dịch vụ với Nguyễn Thu Hợp - Giám đốc Công ty An Bình với nội dung bà Thuyên ủy nhiệm cho Hợp lập hồ sơ làm thủ tục vay ngân hàng 300 triệu đồng. Bà Thuyên có trách nhiệm cung cấp sổ đỏ, CMND, hộ khẩu của gia đình để Hợp làm hồ sơ với mức phí dịch vụ là 18 triệu đồng. Do giấu chồng việc mang sổ đỏ đi thế chấp nên theo hướng dẫn của Nguyễn Thu Hợp và Vũ Thị Minh Hòa, khi đến Phòng công chứng số 5 làm thủ tục ủy quyền, bà Thuyên đã đưa em chồng là Lê Mạnh Tú đi cùng, đóng giả làm ông Tuấn. Một lần nữa, công chứng viên Hoàng Văn Sự đã dễ dãi tiếp nhận hồ sơ công chứng khi không có CMND của ông Tuấn mà chỉ có đơn đề nghị cấp CMND mang tên Lê Mạnh Tuấn có xác nhận của Công an phường Xuân La. Do đó dẫn đến việc người ký tên ông Lê Mạnh Tuấn trong hợp đồng ủy quyền là ông Lê Mạnh Tú nhưng đã không phát hiện ra.

Về những sai phạm trên của công chứng viên Hoàng Văn Sự, Thanh tra Bộ Tư pháp đã nêu rõ quan điểm: Đối với các hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền là ông Trần Văn Mạnh bà Nguyễn Thị Nương và bên được ủy quyền Nguyễn Thu Hợp; hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền ông Lê Mạnh Tuấn bà Phương Thị Thuyên và bên được ủy quyền Vũ Thị Minh Hòa, khi tiến hành công chứng, công chứng viên đã bỏ qua nguyên tắc xác định nhân thân, không có CMND nên đã công chứng không đúng với người ủy quyền, hợp đồng giao kết không đúng người yêu cầu công chứng. Các hợp đồng ủy quyền trái pháp luật phải được hủy bỏ. Quan điểm của Thanh tra Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, theo nội dung ủy quyền, ý chí của người yêu cầu công chứng là ủy quyền để nhằm vay vốn ngân hàng, nhưng trong hợp đồng lại có nội dung chuyển nhượng thì trách nhiệm của công chứng viên phải chỉ ra nội dung mâu thuẫn, phải giải thích rõ ràng về nội dung ủy quyền để người yêu cầu hiểu được ý chí giao kết, để xác định ý chí công chứng trong hợp đồng. Công chứng viên phải phân tích được những vấn đề bất lợi về nội dung ủy quyền (mục đích là thế chấp tài sản để vay tiền nhưng lại ủy quyền cho chuyển nhượng) của người yêu cầu công chứng để họ tự nguyện ký hợp đồng.

Bản án nghiêm khắc và bài học cảnh tỉnh

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, Nguyễn Thu Hợp chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, chưa có ý thức khắc phục hậu quả, thái độ chưa thành khẩn, bản thân bị cáo đã có 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì vậy cần áp dụng mức hình phạt không có thời hạn. Với những lý lẽ trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Thu Hợp tù chung thân và buộc phải trả lại những người bị hại số tiền đã chiếm đoạt. Cũng theo phán xét của Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm, những người đang giữ sổ đỏ mang tên ông Trần Văn Mạnh bà Nguyễn Thị Nương, ông Lê Mạnh Tuấn bà Phương Thị Thuyên phải trả lại sổ đỏ cho Hợp để Hợp trả cho chủ sở hữu.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Sự, mặc dù Viện Kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội truy tố theo khoản 1, điều 285 BLHS, tuy nhiên Hội đồng xét xử cho rằng chưa thỏa đáng, bởi những sai phạm của công chứng viên này trong quá trình thực hiện các hợp đồng ủy quyền đã dẫn đến việc Nguyễn Thu Hợp chuyển nhượng tài sản của các chủ sở hữu để chiếm đoạt 3 tỉ 450 triệu đồng, là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hoàng Văn Sự theo khoản 2 điều 285 BLHS với mức án 42 tháng tù giam. Hình phạt này là sự trả giá quá đắt đối với ông Hoàng Văn Sự, đồng thời cũng là bài học nhắc nhở những người hành nghề công chứng, cần thực hiện đúng quy định và công tâm trong nghề nghiệp.

Vụ án đã khép lại với những bản án khá nghiêm khắc đối với 2 bị cáo Nguyễn Thu Hợp và Hoàng Văn Sự. Song vụ án còn là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người  trước khi đặt bút ký vào các văn bản pháp lý liên quan đến tài sản của mình. Về phía người mua bán tài sản thông qua hợp đồng ủy quyền, cũng nên kiểm tra chủ tài sản đó có thật sự chuyển nhượng hay không trước khi tiến hành ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng

H.Vũ
.
.