Hai quyền lực hợp nhất và hai thái độ trái ngược ở phiên xử đại án tại Oceanbank

Thứ Hai, 18/09/2017, 13:29
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đang ở thời điểm “nóng”. Những bí mật một thời của Oceanbank liên quan đến tài chính-kế toán dần lộ diện khi các cựu lãnh đạo Oceanbank cũng như các cán bộ, nhân viên ngân hàng này cùng nhau “điểm mặt, chỉ tên” các tổ chức, cá nhân đã hưởng lợi trái quy định của Oceanbank với số tiền đặc biệt lớn.

Hội đồng xét xử đại án này không bỏ qua những tình tiết quan trọng ấy khi liên tiếp triệu tập các cá nhân, tổ chức hầu hết là lãnh đạo và kế toán trưởng các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để làm rõ lời khai của các bị cáo.

Điều đáng nói là khi xảy ra đại án kinh tế này, Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank và Nguyễn Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Oceanbank là bộ đôi quyền lực khá hợp nhau trong điều hành mọi hoạt động của Oceanbank. Vậy nhưng khi hầu tòa, bộ đôi này lại thể hiện hai thái độ trái ngược.

Cái sự “nóng” ấy càng trở nên “nóng” hơn khi những ngày gần đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVN để điều tra làm rõ, trong thời gian là Kế toán trưởng PVN đã “bắt tay” với lãnh đạo Oceanbank để xảy ra những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng gì?

Cùng ngày khởi tố bị can đối với Ninh Văn Quỳnh, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố một số bị can đang giữ các vị trí quan trọng khác tại PVN vì xác định có liên quan đến những sai phạm về kinh tế xảy ra tại Oceanbank. Trong thời điểm Hội đồng xét xử đã triệu tập bổ sung một số lãnh đạo Tổng công ty, công ty thành viên của PVN tới phiên xử để đối chất với các bị cáo về việc hưởng lãi ngoài trái quy định với số tiền đặc biệt lớn, thì ngày 13-9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Dầu khi Việt-Nga (Vietsovpetro-VSP); Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) để làm rõ về việc Vietsovpetro nhận lãi ngoài 24,27 tỷ đồng; BSR nhận lãi ngoài 19,36 tỷ đồng và PVEP nhận lãi ngoài 76,78 tỷ đồng.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất của Vietsovpetro, BSR và PVEP được cơ quan điều tra xác định là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận giữa lãnh đạo 3 đơn vị trên với lãnh đạo Oceanbank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt.

Đây là những động thái đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm làm rõ bản chất sự việc khi mà những “mảng tối” trong đại án kinh tế này vẫn chưa phơi bày hết.

Trở lại đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank đang trong quá trình xét xử, ngày 14-9, đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố đã luận tội đối với các bị cáo và trình bày quan điểm giải quyết vụ án này. Đại diện viện kiểm sát đã đề nghị hình phạt chung đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn án tử hình về 3 tội danh: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Bị cáo Hà Văn Thắm bị đề nghị án chung thân về 4 tội danh: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Căn cứ khiến bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị mức án cao nhất so với các bị cáo còn lại vì đại diện viện kiểm sát xác định, trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chi phối, yêu sách, áp đặt và yêu cầu Hà Văn Thắm thực hiện việc thu phí, chi lãi suất ngoài trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi, qua đó bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi đó của bị cáo Sơn đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tài sản của Oceanbank, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của PVN, gây bất bình trong xã hội và nhân dân.

Theo dõi quá trình xét xử đại án này, chúng tôi thấy, bị cáo Hà Văn Thắm thể hiện thái độ thành khẩn khai báo từ quá trình điều tra và xuyên suốt những ngày xét xử. Có những thời điểm, Thắm nhận tội thay cho cả cấp dưới và tự nhận là “vì họ tin bị cáo nên mới làm theo chỉ đạo”.

Điều duy nhất mà Thắm chưa thành khẩn là về số tiền thiệt hại 1.576 tỷ đồng đã thực hiện trái quy định Thông tư 02/NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất. Thắm biện hộ rằng “Hoàn cảnh thị trường lúc đó rất khó khăn nên hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều vi phạm trần lãi suất. Oceanbank cũng phải làm theo nếu không sẽ mất thanh khoản.

Theo Thông tư 02, nếu vi phạm quy định về trần lãi suất, lãnh đạo ngân hàng sẽ bị cách chức 3 năm. Trong tình cảnh khó khăn đó, với tư cách là người đứng đầu Oceanbank, bị cáo chấp nhận bị cách chức 3 năm để cứu ngân hàng, chứ không nghĩ là bị truy tố”.

Trước những lập luận của bị cáo Thắm, đại diện viện kiểm sát cho hay, Thông tư 02 là chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Việc các ngân hàng bị xử lý hay không là do cơ quan chức năng phát hiện vi phạm đến mức độ nào của từng ngân hàng trong quá trình thanh kiểm tra.

Đối ngược với sự thành khẩn của bị cáo Hà Văn Thắm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lại tỏ thái độ thiếu thành khẩn khi viện ra đủ mọi lý do chối tội. Chỉ đơn cử việc Sơn ép Thắm phải chi tiền lãi ngoài trái quy định (còn gọi là “chăm sóc khách hàng”) cho các khách hàng của PVN thì đủ thấy sự thiếu trung thực của Sơn.

Thắm khai, cuối năm 2008, PVN đã ký thỏa thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank. Qua đó, PVN đã cử Sơn tham gia thành viên HĐQT ngân hàng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank.

Đầu năm 2009, khi Thắm trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, Sơn chủ động đề nghị Thắm hai vấn đề: Thứ nhất, để huy động được vốn từ các đơn vị thành viên của PVN đã cử Sơn tham gia thành viên HĐQT, Oceanbank phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng trên tổng số tiền gửi. Thứ hai, Sơn phải được toàn quyền quyết định việc chi phí số tiền đó mà không cần trao đổi với ai.

“Do Oceanbank có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên bị cáo đồng ý hai đề nghị trên. Để có nguồn tiền “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, bị cáo sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty bị cáo thành lập) để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceanbank nhằm thu phí. Bị cáo đã chỉ đạo Hoàng Thị Hồng Tứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này thực hiện các yêu cầu của mình để anh Sơn chiếm đoạt được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng”, Thắm khẳng định.

Khi Hội đồng xét xử truy về việc này, bị cáo Sơn thừa nhận, có nhận các khoản tiền như Thắm nói được lấy từ Công ty cổ phần BSC Việt Nam. Nhưng Sơn nguỵ biện “Bị cáo nghĩ đấy là tiền của Thắm đưa nên mới nhận chứ không nghĩ đó là tiền của Oceanbank”. Sau này, khi không còn giữ cương vị Tổng Giám đốc Oceanbank nữa mà chuyển lên làm Phó Tổng giám đốc PVN, nhưng Sơn vẫn tham gia vào một số hoạt động liên quan đến việc chi lãi ngoài tại Oceanbank cho khách hàng của PVN.

Ngoài hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 69 tỷ đồng trên, kết quả điều tra còn xác định, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn còn phạm tội tham ô tài sản khi đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN. Cụ thể là từ hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc chi lãi ngoài, dưới sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Oceanbank đã chi tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng được lấy từ các nguồn của Oceanbank.

Trong số tiền này, theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn, Oceanbank đã chi cho ông ta hơn 246 tỷ đồng để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi. Từ hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước, Sơn đã chiếm đoạt số tiền này.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Không chỉ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện điều này, mà xuyên suốt 12 ngày xét xử qua, các bị cáo nằm trong ban lãnh đạo Oceanbank thời điểm đó như: Chủ tịch Hội đồng quản trị Hà Văn Thắm, Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Lê Thị Thu Thủy đều xác nhận tài liệu điều tra đã thể hiện đúng những việc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã làm khi còn làm việc tại Oceanbank và PVN.

Vậy nhưng, quá trình xét xử, bị cáo Sơn vẫn cứ quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi chiếm đoạt của mình, không có ý thức khắc phục hậu quả thiệt hại. Sự quanh co ấy thể hiện ở việc, Sơn khai “Hầu như toàn bộ số tiền được Oceanbank đưa, bị cáo đều mang đi biếu”.

Hội đồng xét xử hỏi “Biếu những ai mà nhiều tiền đến thế, bị cáo có thể kể tên”. Sơn trả lời “Có những khoản không thể tự chứng minh được trong tài chính-kế toán. Có những khoản bị cáo không nhớ, nhưng chắc chắn là đã biếu”.

Sau khi gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho Oceanbank, Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN. Khi Sơn được bổ nhiệm chức vụ mới cũng là thời điểm Nguyễn Minh Thu tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Oceanbank.

Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2014, thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank Hà Văn Thắm, Thu trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ của Hội sở Oceanbank và giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng tiền gửi trái quy định về trần lãi suất huy động vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ với tổng số tiền khoảng 540 tỷ đồng.

Thu khai “Thời điểm này, theo bàn giao công việc và chỉ đạo của anh Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài hơn 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm Tập đoàn PVN do anh Sơn phụ trách. Cũng vì nhóm khách hàng của PVN gửi tiền tại Oceanbank rất lớn nên bị cáo không thể không nghe theo ý kiến của Sơn”.

Trong thời gian Hà Văn Thắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank đã cùng với Nguyễn Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Oceanbank và các đồng phạm là cấp dưới có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước, gây thiệt hại cho ngân hàng này gần 2.000 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ được giao, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước khi ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc chi lãi ngoài trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng từ các nguồn của Oceanbank.

Ngoài ra, Sơn còn lợi dụng tầm ảnh hưởng của PVN yêu cầu Thắm phải chi tiền “chăm sóc khách hàng” cho các đơn vị của PVN gửi tiền tại Oceanbank. Thực hiện theo yêu cầu của Sơn, Thắm đã sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty do Thắm thành lập) để thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá trái quy định dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua việc ký hợp đồng dịch vụ khống.

Bằng chiêu trò này, Công ty cổ phần BSC Việt Nam đã thu được số tiền hơn 69 tỷ đồng để đưa cho Sơn. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Sơn đã chiếm đoạt luôn số tiền này. Dù Thắm bị cơ quan tố tụng cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo và quyết định việc cho vay tiền trái quy định của pháp luật, nhưng tất cả những việc Thắm làm đều có sự bàn bạc, tham gia của Sơn trước khi thực hiện.

Để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho Oceanbank và các cổ đông liên quan là do hành vi vi phạm pháp luật của Thắm, Sơn, Ban Giám đốc Oceanbank qua các thời kỳ và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank khi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động kinh doanh tiền tệ.


Nguyễn Hưng
.
.