Hành lang thông tin vụ thảm sát ở Bình Phước

Thứ Sáu, 10/07/2015, 20:15
Ngày 8/7, Công an Bình Phước đã ra quyết định số 29/QĐ khởi tố vụ án 6 người trong cùng một gia đình bị sát hại man rợ tại Công ty TNHH khai thác chế biến gỗ Quốc Anh ở tổ 3, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Vụ trọng án đã thu hút mạnh dư luận quần chúng trong cả nước. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến tận hiện trường chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương phá án, thắp hương trước linh cữu các nạn nhân và chia sẻ nỗi đau buồn với gia đình.

Nạn nhân đã nhận diện hung thủ?

Căn cứ vào diễn biến vụ án cho thấy, có thể một trong số những hung thủ là người mà các nạn nhân quen mặt. Khoảng 7 giờ sáng, ngày 7/7, bà Đoàn Thị Cẩm Loan (sinh năm 1975) là người đầu tiên phát hiện vụ thảm sát. Bà Loan là người giúp việc nhà thân tín của gia đình ông Mỹ từ nhiều năm nay. Bà Loan còn là người trực tiếp chăm sóc bé Bơ. Ban ngày, bà Loan sinh hoạt, ăn ở cùng gia đình bà Ánh Nga như người thân trong nhà. Ban đêm về nhà riêng.

Sáng ngày 7/7, như thường lệ, bà Loan vào cửa sau ngôi biệt thự để bắt đầu ngày làm việc thì phát hiện cánh cửa này khóa kín. Đây là điều bất thường. Vì hàng ngày bà Ánh Nga thường thức giấc rất sớm để điều hành công việc. Bà Loan đành vào nhà bằng cửa trước. Khi đẩy cửa bước vào, bà Loan tá hỏa khi trông thấy ông Lê Văn Mỹ (chồng bà Ánh Nga), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga và Lê Quốc Anh (con trai ông Mỹ và bà Nga), nằm chết trong tư thế bị trói.

Ông Mỹ bị trói chân, bà Nga bị trói tay, nhét giẻ vào miệng, và đầu bị trùm kín khăn. Bà Loan vừa la thét vừa chạy lên lầu kêu gọi đứa con gái của bà Nga là Ánh Linh (sinh viên đại học). Tại phòng ngủ, bà trông thấy Ánh Linh và Dư Ngọc Tố Như (cháu gọi bà Nga bằng dì) đã chết trong tư thế bị trói tay.

Điều lạ là, bé Bơ vẫn còn ngủ say, bình yên trong phòng ngủ của bà Nga.

Nhiều khả năng trước khi bị hung thủ khống chế, bà Nga đã thức dậy ra khỏi phòng ngủ. Bé Bơ nằm lẫn trong tấm chăn nên hung thủ không phát hiện. Nhờ vậy, cháu bé thoát nạn.

Bộ trưởng Trần Đại Quang chia sẻ nỗi mất mát với gia đình nạn nhân.

Theo những gì phóng viên thu thập được tại hiện trường, có vẻ như ngay khi bị khống chế, bà Nga đã nhận diện được hung thủ và báo động cho cả nhà nên bị chúng dùng giẻ bịt mồm và dùng khăn trùm đầu trước khi sát hại. Riêng em Dư Minh Vỹ, 14 tuổi (cháu, gọi bà Nga bằng dì) có thể đã phát hiện nguy hiểm từ đầu nên đào thoát ra ngoài. Hung thủ đã đuổi theo sát hại em tại vị trí phía trong tường rào gần cổng.

Ông Nguyễn Văn Hưng (em ruột bà Nga), 33 tuổi, kể: "Lúc 3 giờ 18 phút ngày 7/7, bé Như, bé Bo có điện thoại cho tôi. Khi đó tôi không bắt máy nhưng sau đó tôi gọi lại thì không thấy bắt máy. Tôi gọi cho chị Nga thì thuê bao mất sóng. Tôi định chạy qua nhà chị nhưng nghĩ lại, gọi lần nữa cho bé Như thì nó nói, cậu Hưng ơi (giọng bình thường), rồi tắt máy. Tôi gọi lại cho chị Nga. Lúc đó là 3 giờ 25 phút. Chị Nga bắt máy bảo, ngủ đi. Giọng nói của chị nhỏ nhẹ, không có biểu hiện gì bất thường. Vì vậy, tôi yên tâm ngủ tiếp.

Đến 7 giờ sáng tôi mới hay vụ việc kinh hoàng. Mọi ngày, 4 giờ sáng tài xế tới lấy xe tải để đi chở gỗ cao su nguyên liệu cho xưởng sản xuất. Hôm đó, khoảng 3 giờ 48 phút, chị Nga có gọi điện thoại cho tài xế chở nguyên liệu gỗ đừng tới lấy xe như thường lệ mà chờ sáng hãy đến".

Ông Hưng kể thêm: "Tôi nghe anh Mỹ bảo, chị tôi vừa trúng thầu mua vườn cao su nguyên liệu của một người tên N. Hôm thứ sáu (ngày 3/7) chị Nga có hẹn thanh toán với ông N. 5 - 7 tỉ gì đó tại thị xã Bình Long, nhưng ông này bận không đến!".

Bà Lê Thị Thanh Thúy (sinh năm 1961, dì ruột nạn nhân Nga), cư ngụ cách xưởng chế biến gỗ Quốc Anh khoảng 500 mét cho biết, tuy ông Mỹ là người đứng tên công ty nhưng mọi việc điều hành sản xuất, kinh doanh đều do một tay bà Nga giải quyết. Hằng ngày, bà Nga đi lùng mua những vườn cao su thanh lý trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước đem về xưởng cưa, cắt, sơ chế thành các thanh phôi gỗ để bán cho các đơn vị sản xuất đồ gỗ gia dụng. Công ty thường xuyên có khoảng 50 công nhân lao động phổ thông.

Để mua được vườn cao su thanh lý của ông N., bà Nga phải tham dự một cuộc đấu thầu gay gắt với các công ty khác. Kết quả cuối cùng bà Nga thắng thầu.

Nhiều nguồn tin quần chúng cho biết, hồi đầu năm 2013, có chuyện đồn thổi bà Nga đã từng bị mất trộm hơn 1 tỉ đồng.

Xưởng gỗ nằm trong khuôn viên biệt thự, thường xuyên có hơn 50 công nhân làm việc hàng ngày vào giờ hành chính. Bà Nga thường tuyển công nhân mới theo sự giới thiệu của các công nhân cũ. Nhiều công nhân là lao động trôi nổi từ khắp các địa phương trong nước.

Bà Nga được nhiều công nhân quí mến và đánh giá là người hiền hậu, đối xử tốt với mọi người. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn đều được bà cho tiền, giúp đỡ.

Tại lễ tang, một công nhân vừa khóc vừa kể: "Chị Nga rất thương yêu công nhân. Khi công nhân có lỗi, chị luôn nhẹ nhàng nhắc nhở. Cách nay mấy tháng, nghe tin mẹ em bệnh, chị cho tiền em về quê mua quà cho mẹ. Chị cất nhà tình thương cho nhiều người lắm. Chị sống nhân nghĩa như vậy mà lại nỡ giết chị thê thảm như vậy. Thật là vô nhân tâm!".

Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường chia sẻ đau thương với thân nhân nạn nhân.

Cách nay nửa tháng, một nhóm công nhân đã xin nghỉ việc vì xích mích với đốc công. Nhóm công nhân này gồm Phú, Xoài, Núc, Xuyên, Thanh, Hiếu và Lẫy đã được lực lượng điều tra ghi nhận lời khai. Những công nhân này, người làm việc ít nhất cũng là 3 năm tại Công ty Quốc Anh.

Trước một số nguồn tin nghi vấn họ có liên quan đến vụ án, ông Bùi Phong Phú - Người có thâm niên 7 năm làm việc tại Công ty Quốc Anh, nằm trong số người xin nghỉ việc khẳng định họ được bà Nga đối xử rất tốt và không có gì thù oán bà Nga. Những thông tin cho rằng họ bị đuổi việc là sai hoàn toàn. Sau khi nghỉ việc ở chỗ chị Nga, nhóm công nhân này tiếp tục đến một xưởng gỗ ở huyện Chơn Thành xin việc. Nhóm công nhân này có nhiều chứng cứ ngoại phạm. Họ yêu cầu các báo đăng tin sai phải cải chính.

Tránh nhiễu loạn thông tin

Ngay trong buổi sáng phát hiện vụ án, Trung tướng Triệu Văn Đạt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an khu vực phía Nam và Đại tá Trần Thắng Phúc - Giám đốc Công an Bình Phước đã bám sát hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác khám nghiệm phá án. Lực lượng công an được huy động tối đa tham gia bảo vệ khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, truy xét các đối tượng nghi vấn.

Sau đó, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội (thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cũng đến hiện trường chỉ đạo công tác nghiệp vụ điều tra. Một số thiết bị kỹ thuật hình sự chuyên dụng hiện đại nhất cũng được sử dụng để phân tích dấu vết hung thủ. Phạm vi hiện trường (ngôi nhà và khoảng sân xảy ra án mạng) được lực lượng khám nghiệm mở rộng, bao quát toàn bộ khu phân xưởng sản xuất gỗ và ao nước cạnh đó.

Có ít nhất 4 dấu vân tay khác nhau được các điều tra viên phát hiện trên bức tường gần cánh cổng chính ngôi biệt thự. Tuy nhiên, chưa thể nhận định những dấu vân tay đó có liên quan đến nhóm hung thủ hay không.

Ngày thứ 3 cuộc điều tra, Công an Bình Phước phát hành thư vận động người dân địa phương tham gia cung cấp những thông tin phát hiện liên quan đến vụ án. Cùng thời điểm, Công an TP HCM có nhiều động thái tăng cường công tác kiểm soát địa bàn nhằm đón lõng nghi phạm.

Công tác khám nghiệm vẫn tiến hành liên tục.

Lực lượng Công an quyết tâm phá án đến cùng

Song song với sự tích cực điều tra của Cơ quan Công an, hàng chục hàng trăm lượt phóng viên các tờ báo khắp cả nước liên tục khai thác cập nhật từng chi tiết liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, có thể do quá nôn nóng đưa thông tin sớm tới bạn đọc, đã xuất hiện trình trạng một số trang thông tin mạng đưa tin vội vàng, thiếu kiểm chứng dẫn đến hiện tượng nhiễu loạn thông tin.

Một sĩ quan cảnh sát điều tra đang thao tác nghiệp vụ tại hiện trường than phiền: "Báo chí đã vô tình gây khó cho chúng tôi khi công bố thông tin những chi tiết liên quan đến vụ án. Chúng tôi đề nghị anh em báo chí nên cân nhắc trước khi đưa chi tiết nào liên quan đến việc truy xét. Một số tờ báo còn cố ý dẫn chứng điều tra viên này nói, điều tra viên kia phát biểu. Tôi khẳng định, tất cả các thành viên tham gia phá án đều được quán triệt không được phép hé lộ bất cứ chi tiết nào liên quan đến vụ án. Công an Bình Phước đã giao nhiệm vụ phát ngôn cho Thiếu tá Đào Văn Thêm - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh. Chỉ duy nhất Thiếu tá Thêm là người phát ngôn chính thức".

Một số phóng viên quá "say" vụ việc đã thông tin thiếu kiểm chứng khiến gia đình nạn nhân bức xúc, thiếu kiềm chế. Ít nhất hai phóng viên đã bị hành hung khi đang dò hỏi khai thác thông tin người dân dự đám tang các nạn nhân. Nhờ lực lượng cảnh sát có mặt can thiệp kịp thời nên sự việc đáng tiếc đã không xảy ra.

Theo nguồn tin riêng, được biết đêm 7/7 vừa qua, tại một địa điểm cách hiện trường vụ án khoảng 30 km, lực lượng chức năng đã đột kích vào một nhà nghỉ bắt giữ một đối tượng nam giới, sinh năm 1985. Đối tượng này cùng 1 đối tượng khác tên H.L. thuê phòng từ sáng ngày 6/7. Theo anh Ng. - quản lý nhà trọ - đêm đó, đối tượng H.L. tụ tập 6 thanh niên địa phương đến nhà trọ thuê 3 phòng khác nhau rồi tổ chức "đập đá", trong đó có 2 nữ. Đến hơn 0 giờ, các đối tượng này bỏ đi đâu đến sáng ngày 7/7 mới trở về nhà trọ.

Đối tượng H.L. đã đào tẩu khỏi nhà trọ trước khi lực lượng công an ập vào. Hiện đối tượng ở chung phòng nhà trọ của H.L. vẫn bị Công an giám sát chặt chẽ.

Chưa có thông tin nào xác nhận đối tượng H.L. có liên quan đến vụ án ở Bình Phước.

Đại tá Trần Thắng Phúc - Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước kêu gọi người dân cả nước và người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nếu phát hiện thông tin liên quan đến vụ án hãy liên lạc với số máy Công an Bình Phước: 06513.879434; email: conganbinhphuoc@gmail.com; Công an huyện Chơn Thành: 06513 668323. Hoặc gọi trực tiếp vào số máy của Đại tá Trần Thắng Phúc số: 0913 937 330

Nguyễn H.K. - Đức Mừng
.
.