Hành trình truy tìm cháu bé mất tích ở Bệnh viện C: Áp lực nghẹt thở

Thứ Hai, 21/11/2011, 10:35
Đúng 16 giờ 30 phút ngày 8/11/2011, cháu bé sơ sinh Phạm Xuân Trường được các chiến sĩ Công an TP Hà Nội trao trả tận tay sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bệnh viện C). Những tràng pháo tay của hàng ngàn người dân, y bác sĩ… đứng vây quanh như lời cảm ơn chân thành tới lực lượng Công an sau hơn 120 giờ vất vả.

I. Chiều ngày 8/11/2011, chưa khi nào Bệnh viện C lại "quá tải" đến thế. Khi nghe tin cháu bé sơ sinh hai ngày tuổi  bị bắt cóc vừa được giải cứu và đang trên đường về bệnh viện để trao trả cho gia đình, hàng ngàn người dân, y bác sĩ… đã có mặt, đứng chật kín từ hành lang bệnh viện cho tới sân, tràn ra cả lòng đường phố Triệu Quốc Đạt. Họ túc trực, chờ đợi như thể chờ đón người nhà của mình. Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến cảnh xúc động ấy, khiến cho lực lượng bảo vệ của bệnh viện phải rất vất vả để giữ trật tự.

16 giờ, chiếc xe ôtô Land Cruise của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội rẽ từ phố Tràng Thi vào tới cổng bệnh viện trên phố Triệu Quốc Đạt. Nhưng phải sau 30 phút kêu gọi người dân giãn ra, bảo đảm an toàn cửa xe mới được mở. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội trao tận tay cháu bé cho sản phụ.

Cảnh sát phải vất vả dẹp đường để đưa cháu bé bị bắt cóc về Viện C.

Có mặt trong số ấy, mặc dù bị lớp sóng người dồn ép chen lấn xô đẩy đến nghẹt thở, song chúng tôi vẫn cảm thấy thật vui. Khác hẳn cái hôm biết tin cháu bé bị bắt cóc.

Theo lời của sản phụ Trần Thị Thơm (34 tuổi, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Ngày 1/11/2011 chị vào Bệnh viện C để mổ đẻ và sinh được một bé trai nặng 3,4 kg. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 3/11,  có một người phụ nữ mặc áo blouse trắng, đeo thẻ đến hỏi han rồi bảo đưa cháu đi xét nghiệm. Đến gần 13 giờ, chị Thơm mang sổ có số hiệu của con mình xuống phòng xét nghiệm để tìm thì các bác sĩ trả lời là không có cháu bé mang số hiệu đó xuống xét nghiệm.

Quá hoảng hốt, cả gia đình chị Thơm chạy khắp nơi để tìm, đồng thời yêu cầu các y, bác sĩ kiểm tra. Tuy nhiên, mọi sự tìm kiếm đều vô ích. Sự việc ngay sau đó đã được báo tới Cơ quan Công an.

Cháu Phạm Xuân Trường trong vòng tay các bác sĩ, y tá cảnh sát phải vất vả dẹp đường để đưa cháu bé bị bắt cóc về Viện C

II. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết. Sau khi nhận được tin báo về vụ mất tích của cháu bé Phạm Xuân Trường, xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra giữa ban ngày ở một bệnh viện trung tâm thủ đô, ảnh hưởng xấu đến dư luận, Ban giám đốc Công an TP đã thành lập Ban chuyên án để điều tra. Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng PC 45 Công an TP Hà Nội được giao làm Trưởng ban chuyên án. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ tinh nhuệ của Phòng PC 45 và Công an quận Hoàn Kiếm đã được huy động.

Trung tá Nguyễn Tiến Tần, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em - PC45 Công an TP Hà Nội kể lại cho chúng tôi về hành trình truy tìm, giải cứu cháu bé. Đây thực sự là một quá trình đầy khó khăn, vất vả…

Ngay trong buổi trưa ngày 3/11, đồng thời với các mũi trinh sát khác, lực lượng điều tra hình sự đã có mặt tại Bệnh viện C để làm việc với tất cả các bác sĩ, y tá, hộ lý, sinh viên thực tập… tại khoa Sản 2, nơi cháu bé bị mất tích. Sau khi đã xác định được chính xác tính chất, nội dung vụ việc, hàng trăm trinh sát đã được tỏa đi nhiều hướng truy tìm. Để phòng ngừa việc đối tượng đưa cháu bé ra nước ngoài, thông báo truy tìm nạn nhân đã được phát đi tới tất cả các cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng ở các tỉnh phía Bắc.

Cho tới ngày 5/11, thông qua công tác rà soát, sàng lọc lực lượng điều tra đã có được trong tay 5 cháu bé sơ sinh có cùng thời gian sinh với cháu Trường. Tiếp tục xác minh, Cơ quan Công an xác định có 2 cháu bé trai, một ở quận Thanh Xuân và một ở quận Long Biên có nhiều đặc điểm trùng với cháu bé bị mất tích. Lập tức, việc xác minh tìm kiếm nguồn gốc của 2 cháu bé được tiến hành khẩn trương.

Một số người dân ở quận Long Biên báo lên Cơ quan Công an về trường hợp có một gia đình vợ chồng không có con, cũng không hề chửa đẻ mà bỗng dưng có một cháu sơ sinh trong nhà. Một tổ cảnh sát hình sự đã có mặt tại quận Long Biên, tổ chức xác minh nguồn gốc của cháu bé. Mũi này nhanh chóng báo về việc cháu bé có giấy chứng sinh tại bệnh viện, đồng thời cũng đã đi tiêm chủng tại trạm y tế phường. Như vậy thì có thể loại bỏ trường hợp này.

Còn trường hợp cháu trai ở quận Thanh Xuân, cháu cũng được sinh vào ngày 1/11. Tuy nhiên, việc truy nguồn gốc của cháu gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là người nhà cháu kiên quyết không hợp tác với lực lượng công an. Các chiến sĩ đã phải thuyết phục chị này hết nước hết cái, chị ta cho biết đã đi xin đứa trẻ tại một bệnh viện ở TP HCM.

Sau khi làm việc với Cục Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội được lệnh bay ngay vào TP HCM để xác minh hồ sơ của cháu bé ở bệnh viện này. Chưa hết, vì sản phụ là người ở một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nên tổ công tác tiếp tục phải đến tận nhà người này, làm các biện pháp nghiệp vụ để chắc chắn rằng chị ta đúng là mẹ của cháu bé. Để tránh sơ suất, Công an Hà Nội còn tiến hành giám định ADN của cháu bé, và kết luận cuối cùng cháu bé này không phải là cháu trai bị bắt cóc.

Song song với hành trình xác minh, lực lượng Công an cũng đã tiến hành phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Đến sáng ngày 8/11, Ban chuyên án nhận được một nguồn tin từ anh Nguyễn Xuân Việt, tài xế của Hãng taxi Tuấn Linh. Anh Việt cho biết, vào trưa ngày 3/11 anh được một người phụ nữ bế theo một cháu bé sơ sinh thuê chở từ phố Ô Cách (quận Long Biên) về Việt Yên (Bắc Giang). Anh thấy người phụ nữ này có cách hành xử lạ lùng, không giống như những bà mẹ mới sinh, có đặc điểm giống như Cơ quan Công an thông báo nghi vấn về đối tượng gây án.

Nguồn tin trên, cộng với nhiều thông tin khác mà các trinh sát thu thập được giúp Cơ quan Công an dựng lên được một đối tượng nghi vấn. Ngay trong sáng 8/11, một tổ công tác đã được cử đi đến xã Trung Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) nơi đối tượng nghi vấn thuê taxi đưa cháu bé đến. Tại đây tổ công tác đã xác định được đối tượng là Nguyễn Thị Lệ (29 tuổi, HKTT tại xã Trung Sơn), đang sống tại xã Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội).

Một tổ công tác khác do Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng PC 45 đã phối hợp với Công an huyện Đông Anh tổ chức xác minh về đối tượng Nguyễn Thị Lệ. Được biết, Lệ hiện sống tại thôn Hà Khê. Tiếp cận nhà đối tượng, các trinh sát phát hiện có nhiều tã lót của trẻ sơ sinh phơi trước cửa nhà. Khi lực lượng công an vào đến nhà, cháu bé đang ngủ say trên giường. Nguyễn Thị Lệ đã bị bắt ngay sau đó.

Đối tượng Nguyễn Thị Lệ (X) được áp giải lên xe thùng, di lý đến trại tạm giam số 1, Hà Nội

Theo tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan Công an, Lệ đang sống với một người đàn ông tại thôn Hà Khê. Lệ khai rằng do nghĩ phải có một đứa con, thì mới chính thức được công nhận là vợ nên đã đến Bệnh viện C, lấy trộm áo của bác sĩ để bắt cóc cháu Phạm Xuân Trường, mang về cho nhà chồng.

Như vậy là, sau hơn 120 giờ tích cực điều tra, cháu bé bị mất tích đã được tìm thấy trả về nguyên vẹn cho gia đình.

III. Theo người nhà chị Thơm, sau khi được giải cứu cháu Phạm Xuân Trường đã được đổi tên thành Phạm Xuân Hà, và đang được chăm sóc hết sức đặc biệt. Chiều ngày 10/11, đại diện  Bệnh viện C cho chúng tôi biết kết quả giám định gien của Viện Giám định pháp y Trung ương đã cho kết quả khẳng định cháu bé đúng là con của anh chị Phạm Xuân Chiều - Trần Thị Thơm. Cơ quan Công an cũng đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Lệ về hành vi chiếm đoạt trẻ em, đồng thời di lý về Trại tạm giam số 1 để tiếp tục điều tra.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Tiến Tần, vụ án này có rất nhiều điểm đáng lưu ý. Một là, thông thường các vụ án xảy ra Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm thu thập dấu vết, chứng cứ tại hiện trường. Tuy nhiên trong vụ án này, đối tượng đã hầu như không để lại một dấu tích gì. Điều đó khiến cho quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, Ban chuyên án đã nhận được nhiều nguồn tin quý giá, xuất phát từ việc phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Thông tin về vụ án được đưa lên báo chí, kênh VOV giao thông, đặc biệt là phổ biến đến từng lái xe taxi nhằm tìm đối tượng đã bắt cóc cháu bé, bởi các anh nhận định khả năng đối tượng sẽ dùng xe taxi để di chuyển là rất cao.

Cuối cùng, có một điều mà Trung tá Nguyễn Tiến Tần rất băn khoăn, đó là áp lực từ phía gia đình nạn nhân tới Cơ quan Công an, tới bệnh viện là rất lớn. Tất nhiên, việc đứa con mình dứt ruột đẻ ra bỗng dưng biến mất, ai mà chả đau đớn, chả xót xa, chả bức xúc…

Tuy nhiên mặc dù lực lượng công an đã thông báo cho gia đình nạn nhân đây là vụ án bắt cóc trẻ em, do một đối tượng bên ngoài trà trộn vào bệnh viện song hầu như gia đình nạn nhân không tin. Họ cho rằng, chẳng có vụ mất tích nào cả, mà là do chính các y, bác sĩ của bệnh viện đã đưa cháu đi tiêm, khám… khiến cháu tử vong (như một số vụ việc ở các bệnh viện khác gần đây), rồi bịa ra chuyện mất tích để rũ bỏ trách nhiệm (!?). Thế rồi họ mang theo nhiều băng rôn khẩu hiệu, giăng ra nhiều nơi trong bệnh viện với nội dung rất thiếu bình tĩnh. Thậm chí, họ còn thuê cả luật sư, đề nghị khởi tố các bác sỹ, y tá. Trong khi đó, các công tác điều tra để tìm kiếm cháu bé đang được phía công an và bệnh viện tiến hành khẩn trương, ráo riết và đầy trách nhiệm. Thái độ của gia đình trong bối cảnh đó, liệu có quá không?

Chính bác sĩ Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng phải thừa nhận: "Quãng thời gian từ khi cháu bé bị mất tích cho tới khi biết tin cháu được giải cứu thành công chúng tôi thực sự phải chịu áp lực rất nặng nề". Cũng theo Trung tá Tần, trong khi bố mẹ cháu bé là chị Thơm, anh Chiều tỏ ra rất bình tĩnh thì lại có một số người thân của gia đình muốn làm loạn cả bệnh viện. Họ làm như thế, không những gây khó khăn cho quá trình điều tra, mà còn gây ảnh hưởng cả đến công việc của các bác sĩ, y tá, với hàng trăm ngàn bệnh nhân khác đang điều trị. Điều ấy có lẽ không nói ai cũng hiểu, là nên hay không nên

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang biểu dương 4 đơn vị của Công an Hà Nội tham gia phá án gồm: Phòng Cảnh sát hình sự, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm, Công an huyện Đông Anh đồng thời thưởng mỗi đơn vị 10 triệu đồng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã gửi thư cảm ơn "Công an TP Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm và Công an phường Hàng Bông đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình chị Trần Thị Thơm, cho cán bộ Bệnh viện Phụ sản Trung ương".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tặng bằng khen cho Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Hoàn Kiếm, thưởng cho mỗi đơn vị 25 triệu đồng.

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh đã tặng bằng khen cho tài xế taxi Nguyễn Xuân Việt, tài xế của Hãng taxi Tuấn Linh vì báo tin, giúp Ban chuyên án lần ra thủ phạm vụ chiếm đoạt trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Minh Tiến
.
.