Buốt lòng vụ mẹ đẻ sát hại con trai ngỗ ngược ở Hà Nội

Thứ Bảy, 09/07/2016, 10:16
Ngày 1-7-2016, một vụ trọng án gây xôn xao dư luận xảy ra tại xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội): chị Chử Thị Thước (47 tuổi, trú tại thôn Ba Chữ, xã Vân Nội) đang tâm dùng vật cứng sát hại con trai mình là Chử Văn Chiến (SN 2001). Theo những gì mà người thân, bà con xóm giềng kể lại thì chúng tôi phần nào lý giải được hành vi dã man đó…

Chúng tôi có mặt tại thôn Ba Chữ ít ngày sau khi vụ trọng án xảy ra. Người dân ở đây vẫn không ngớt bàn tán về vụ việc. Cũng không ít người tỏ ra thương cảm cho người đàn bà tảo tần xốc vác "bỗng dưng" phải sa vào vòng lao lý.

Căn nhà nơi gia đình chị Thước trú ngụ nằm ngay giữa thôn, lọt thỏm giữa nhiều ngôi nhà cao tầng khác. Đặt chân vào ngưỡng cửa, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác xót xa. Không biết nó có còn là ngôi nhà nữa không. 

Những bức tường đã xạm đen, rạn nứt.  Sáu cánh cửa cái thì đã hỏng nằm ngoài hiên, cái còn treo trên bản lề thì lung lay như răng bà lão. Trong nhà ngoài một chiếc tivi đời… Tống và một chiếc tủ lạnh cũ nát thì chẳng còn thứ gì đáng giá. Dây rợ mạng nhện chăng khắp nơi.

Theo người bác ruột, Chử Văn Chiến chưa bao giờ là đứa con ngoan trong nhà.

Theo anh Chu Văn Khoa, anh trai chị Thước thì căn nhà vốn là của anh. Nhưng khi thấy em gái qua hai lần đò mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng, anh thương quá nên nhường lại ngôi nhà này cho ba mẹ con (gồm chị Thước và hai cháu Chử Văn Chiến và Chử Thị Chinh) ở tạm. Còn anh và gia đình chuyển sang ngôi nhà bên.

Cũng theo anh Khoa, sáng ngày xảy ra sự việc anh không có ở nhà, nên không rõ diễn biến sự việc như thế nào. Anh chỉ lờ mờ đoán rằng, vì cháu Chiến hỗn hào khiến cho những uất ức lâu ngày dồn nén chị Thước không kiềm chế được nên đã nhặt cây xà gồ "dạy bảo" con. Chẳng ngờ sự việc đã đi quá xa.

Theo cơ quan điều tra, khoảng 12 giờ trưa ngày 1-7-2016, Công an huyện Đông Anh nhận được trình báo của chị Chử Thị Thước về việc con trai là Chử Văn Chiến chết bất thường trên giường ngủ. Lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm tử thi. Tại đây, cơ quan điều tra phát hiện nhiều vết thương trên đầu cháu Chiến. Ngoài ra, Công an còn tìm thấy nhiều vết máu xung quanh nhà Thước.

Xác định tính nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra đã tập trung khoanh vùng, xác minh di biến động của nạn nhân và đặt ra nghi vấn đối với Thước. Sau nhiều giờ đấu tranh, đến chiều tối cùng ngày, Thước đã bước đầu thú nhận hành vi đánh con dẫn đến tử vong.

Tại cơ quan công an, Thước khai nhận, đêm ngày 30-6-2016, Chiến đi chơi về muộn, lại lấy tiền của Thước nên đã xảy ra cãi vã giữa hai mẹ con. Trong lúc tức giận, Thước lấy cây gậy chống giàn giáo đánh nhiều nhát vào con trai mình khiến cháu tử vong ngay sau đó. Sau khi gây án, Thước rửa sạch hung khí vứt ra sau nhà.

2.Cũng theo anh Khoa, trong gia đình chị Thước là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Chỉ học đến lớp 6, Thước phải nghỉ để theo bố mẹ ra đồng làm lụng. Là người xốc vác, hay lam hay làm nên Thước cũng được nhiều trai làng nhòm ngó. Tuy nhiên, mãi đến năm 27 tuổi chị Thước mới lập gia đình. Chồng chị là anh Hoan, nhà ở xã Tự Lập, mãi cuối huyện Mê Linh (Hà Nội).

Cuộc hôn nhân này được vài năm thì xuất hiện những rạn nứt. Không giải quyết được những mâu thuẫn với chồng, chị Thước bỏ về nhà mẹ đẻ.

Ngôi nhà tuềnh toàng của chị Thước.

Năm 2000, chị Thước tái giá với một người đàn ông khác cũng ở huyện Mê Linh, nhưng ở xã Tráng Việt. Buồn thay, khi chị Thước bụng mang dạ chửa thì cũng là lúc hai vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, cãi cọ. Đỉnh điểm, chị ôm bụng bầu về sống nhờ nhà một người bà con ở xã Vân Nội.

Ngày sinh nở, chỉ có bà ngoại và các bác có mặt tại bệnh viện. Sau khi bé Chinh được đỡ ra ngoài thì các bác sỹ mới phát hiện ra còn một bé trai nữa. Bé được đưa ra trong tình trạng rất yếu ớt, phải nằm trong lồng ấp mất vài ngày. Khi hai cháu Chinh, Chiến biết lẫy biết bò thì anh Khoa thương tình cưu mang. Cứ sáng ra mẹ cho ăn xong là một đứa lên ngồi giỏ xe, đứa sau bác ôm sau xe ra chợ Vân Nội. Rồi bác trải một chiếc bao tải xuống cho hai đứa nằm chơi, còn bác lo bán hàng. Đến trưa chị Thước lại chạy ra cho con bú, đến chiều thì hai cháu theo bác về nhà.

Một nách hai con, chị Thước đã phải bươn trải đủ mọi việc để nuôi dạy, mong con nên người. Làm ruộng chả đủ ăn, chị quay sang trồng rau. Mấy sào rau cải ngọt, cải canh cũng ngốn hết thời gian của chị. Cứ như vậy, suốt mười mấy năm ròng rã chỉ một mình chị Thước nuôi nấng chăm bẵm, người chồng tuyệt nhiên không một lần xuất hiện, chứ chưa nói gì đến chuyện đóng góp tiền nong nuôi con. Chị cũng hầu như không còn thời gian để có thể theo sát được mọi thay đổi về tâm, sinh lý của hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học.

Cháu Chinh ngoan ngoãn từ bé. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu sớm biết đỡ đần giúp mẹ. Lúc nhỏ thì biết nấu cơm, dọn nhà; lớn thì biết ra đồng giúp mẹ chăm rau, làm cỏ. Cháu học cũng rất khá, vừa đỗ vào Trường THPT Vân Nội thừa đến 5 điểm. Nhưng Chiến thì lại rất ngỗ ngược.

Một người hàng xóm của chị Thước kể với chúng tôi. Gia cảnh Thước rất nghèo, bản thân chị lại trắc trở về đường tình duyên. Thước đã trải qua hai đời chồng mà chẳng được người nào ra hồn. Số phận lại càng trêu ngươi chị, khi thằng con trai lại là đứa không biết vâng lời. Đáng ra Chiến phải biết thương mẹ mình mà chịu khó làm lụng, đằng này nó ham chơi, ham vui mà quên mất rằng mẹ nó phải vất vả lắm mới có thể nuôi nó thành người. 

Nhiều khi Chiến bỏ nhà đến 2, 3 hôm cho đến khi hết tiền hoặc đói quá mới mò về. Chị Thước phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới kiếm được chút tiền để trang trải cuộc sống và đóng học cho hai chị em, vậy mà thi thoảng nó lại ăn trộm tiền của mẹ để tiêu xài.

Cháu Chinh cứ bần thần bên ban thờ của người em sinh đôi.

"Hôm xảy ra vụ việc, nghe đâu nó lấy 2 triệu của mẹ đi chơi đến tối khuya mới về. Vẫn biết là hổ dữ không ăn thịt con nhưng có lẽ chị Thước vì nóng giận quá nên đã hành động dại dột dẫn đến thảm cảnh đau lòng này..." - người này kể.

Một người hàng xóm khác là bà Phạm Thị Liên đồng cảm: "Thước khổ từ tấm bé nhưng rất chịu khó, việc gì cũng đến tay cũng làm. Những tưởng cuộc sống về sau sẽ dễ dàng hơn với cô ấy nhưng ai mà ngờ rằng cái vận đen đủi nó cứ đeo bám mãi cho đến tận lúc già thế này.

Hôm qua khi biết được tin Thước đánh chết cháu Chiến, tôi đã chết lặng. Tôi không dám tin và cũng không muốn tin điều ấy là sự thật, bởi bình thường Thước là một người rất hiền lành, chung sống với bà con hàng xóm hòa đồng vui vẻ.

Dù cuộc sống có cơ cực đến đâu nhưng chưa bao giờ tôi thấy Thước kêu ca nửa lời. Có lẽ bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dồn nén lại trong từng ấy năm đã khiến cho Thước không tự chủ được hành động của mình để rồi đánh chết cháu Chiến. Giờ đây Thước đi tù rồi thì không biết rằng ai sẽ là người nuôi nấng cái Chinh?".

Vẫn theo anh Khoa, chị Thước chăm chỉ chịu khó có tiếng ở xã, nhưng phải cái tính bộc trực. "Nó mà không hài lòng cái gì là sổ toẹt, nói thẳng ruột ngựa, đâm ra đàn ông ít ai chịu được. Ngay đối với hai đứa con đẻ cũng không mấy khi được mẹ vỗ về yêu thương" - anh Khoa tâm sự.

Quay lại chuyện đau lòng xảy ra trong đêm ngày 30-6, anh Khoa kể: "Có lẽ do nó thiệt thòi từ bé, tay lại bị tật nên cái Thước rất thương con. Thương quá đâm chiều chuộng, nó đòi gì được nấy. Sau này lớn lên nhiễm bao nhiêu tính xấu, không sửa được. Nó chỉ thích ăn chơi mà không thích làm lụng. Rồi đánh bạn với một lũ chuyên nghề lêu lổng. Nó cũng khiến cho mẹ và bác biết bao lần phải xin lỗi hàng xóm, trả nợ thay…".

Không chỉ riêng gì anh Khoa, mà bà con hàng xóm nhà chị Thước cũng rất "nản" với tính tình ngỗ ngược của Chiến. "Nó có tật tắt mắt, chuyên trộm cắp của bác, của mẹ và của nhiều người dân trong xóm. Tiền nong, điện thoại, rồi xe đạp… cứ ai hở ra là Chiến "mổ" mất. Chị Thước có chút tiền vốn đi chợ, nhiều lần bị nó lấy trộm nên xin được ở đâu cái két sắt để cất vào. Thế mà rồi Chiến cũng mày mò mở được. Có lần chị ta thán với anh Khoa: "Thằng Chiến lại lấy của em 6 triệu cất trong két sắt. Bác xem có cách nào đòi lại cho em…".

Mỗi lần Chiến gây ra chuyện, đánh mắng cũng chả ăn thua chị Thước đành nhờ bác Khoa dạy dỗ. Bác cũng khuyên nhẹ nói nặng, rồi thì roi vọt song Chiến vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí năm lần bảy lượt anh Khoa còn mua xích để xích chân Chiến ở trong nhà, không được cho ra ngoài. Mỗi lần như thế hàng tháng trời, Chiến ăn uống, vệ sinh… tại chỗ. Nhưng cứ mỗi khi được tháo xích, là Chiến lại "ngựa quen đường cũ".

"Nhiều người bảo tôi phải có "biện pháp mạnh" để uốn nắn cháu, nhưng tôi gần như bất lực không nghĩ ra cách nào hơn cả. Có lần tôi cũng nhờ các anh ở xã giúp đỡ, song cũng chưa có biện pháp nào khả dĩ. Năm ngoái khi bị xích chân vào giường, nó cứ khóc lóc xin mẹ tháo xích để đi học lại. Nhưng mất bao nhiêu công sức xin nhà trường, nó sổ lồng cái là lại biến đi chơi, chả học hành đèn sách gì cả".

"Hồi nhỏ thì nó chỉ nghịch ngợm, nhưng sau lớn lên học lớp 6 là đã biết trộm tiền của bác. Rồi còn hay đến trường tiểu học để bắt nạt, trấn lột tiền của các em học sinh. Học đến lớp 8 thì nó bỏ học, mẹ nói thế nào cũng không nghe. Hôm trước nó còn nói dối là làm hỏng xe máy của bạn, đòi 3 triệu để đi sửa…" - người bác ruột nói, vẻ khắc khổ im đậm trên khuôn mặt sạm đen.

Minh Tiến
.
.