Hiểm họa từ dược liệu không nguồn gốc

Thứ Ba, 06/04/2021, 08:18
Khi đường dây buôn lậu 5.000 tấn thuốc bắc từ Trung Quốc vào Việt Nam của trùm buôn lậu Lâm Đình Hưng được khởi tố, điều tra, những "góc khuất" về việc nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm dược liệu không rõ nguồn gốc trên thị trường một phần hé lộ khiến không ít người giật mình.

Hệ thống các đại lý, nhà thuốc lấy nguồn hàng từ trùm buôn lậu len lỏi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Người tiêu dùng lo ngại ai đảm bảo chất lượng trong những thang thuốc mình đã sử dụng?

Thuốc bắc được phân luồng vàng qua cửa khẩu như rau quả

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án "Buôn lậu", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành.

Bị can Lâm Đình Hưng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Bắc có vai trò cầm đầu đường dây buôn lậu và 18 người khác bị khởi tố về tội "Buôn lậu". Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố bị can Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma và Hoàng Thanh Sơn, công chức Đội nghiệp vụ Hải quan về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối tượng Lâm Đình Hưng

Từ năm 2014, Hưng cùng với anh trai là Lâm Đình Hoài sử dụng giấy tờ của nhiều người thân thành lập nhiều công ty để vận chuyển thuê hàng hóa từ cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn về Ninh Hiệp cho các chủ hàng. Đầu năm 2019, Hưng nhận lời bị can Nguyễn Thị Ngân để vận chuyển, buôn lậu thuốc bắc từ Ái Điểm, Trung Quốc (giáp với cửa khẩu Chi Ma) về Lạng Sơn. Hưng, Hoài và Ngân đã bàn bạc thống nhất về việc tổ chức đường dây buôn lậu dược liệu thuốc bắc từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Chi Ma.

Các đối tượng nắm bắt được những sơ hở trong nhập khẩu để dễ dàng qua mặt lực lượng giám sát, móc nối với một số cán bộ thiếu trách nhiệm để tuồn hàng nghìn tấn thuốc bắc đội lốt hoa quả khô. Theo đó, Hưng đã lập nhiều công ty tại các tỉnh thành khác nhau có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vận tải để nhập khẩu hoa quả khô, vải, đồ gia dụng...

Những chuyến xe của Hưng mở tờ khai nhập khẩu tại hải quan để nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tẩm ướp để được phân luồng vàng (chỉ kiểm tra giấy tờ, không kiểm tra thực tế hàng hóa)... Nhưng ẩn chứa trong những bao hoa quả khô được khai báo lại là những nguyên liệu, dược liệu, thuốc bắc không rõ nguồn gốc.

Kho dược liệu lậu được kiểm tra, thu giữ

Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Hải quan, bị can Hưng đã dùng thủ đoạn tráo đổi container khi bị kiểm tra. Hưng chuẩn bị sẵn một container có chứa hàng theo tờ khai hải quan đặt trong bãi Tuấn Minh, khi Cơ quan Hải quan kiểm tra thì các bị can móc container này vào xe đầu kéo nên không phát hiện bất thường.

Sau khi kết thúc kiểm tra, nhóm của Hưng lại tháo container trên ra và móc container có chứa thuốc bắc lẫn hoa quả khô vào xe đầu kéo để vận chuyển về kho. Sau khi hàng được tập kết tại kho, Hưng và Hoài sẽ căn cứ vào danh sách Ngân gửi về từ Trung Quốc rồi phân công người làm vận chuyển cho khách tại 22 tỉnh, thành, trong đó chủ yếu là khách hàng tại Ninh Hiệp.

Kết quả điều tra xác định các bị can cũng đã vận chuyển 45 chuyến hàng với số lượng gần 5.000 tấn thuốc bắc buôn lậu từ Trung Quốc cho gần 300 khách hàng trên cả nước với tổng tiền cước vận chuyển là hơn 59 tỉ đồng. Khi vụ án được khởi tố, điều tra, dư luận bàng hoàng khi hàng nghìn tấn dược liệu được tuồn từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Chi Ma, trong khi cửa khẩu Chi Ma chưa phải là Cửa khẩu quốc tế. Theo quy định của pháp luật, "Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế" thì cửa khẩu Chi Ma không được phép nhập khẩu dược liệu.

Theo lời khai của những người làm tại Chi cục hải quan cửa khẩu Chi Ma, khi Công ty TNHH XNK Ninh Hiệp có tờ khai nhập khẩu các mặt hàng gồm các loại hoa nhài, đỗ đen... (là mặt hàng hoa quả khô) làm thủ tục thì được kiểm tra hồ sơ, ghi nhận kết quả trên hệ thống, và đều được kết luận "có giám sát, không phát hiện vi phạm" và dễ dàng được thông quan.

Theo kết luận, bị can Chu Bá Toàn được giao phụ trách công tác chống buôn lậu, chỉ đạo thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma… Kết quả điều tra xác định, trong hai ngày 3, 4/12/2019, Chu Bá Toàn đã buông lỏng quản lý, không tổ chức triển khai việc giám sát trực tiếp và bằng camera đối với hàng hóa, phương tiện trong khu vực giám sát hải quan. Bị can Toàn cũng không đôn đốc, kiểm tra công việc của các công chức dưới quyền trong việc giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu.

"Len lỏi" thị trường nội địa, coi thường hậu họa

Từ lời khai của Lâm Đình Hưng, số dược liệu trên được mua từ Ái Điểm, Trung Quốc về Việt Nam để giao cho 288 khách hàng trên cả nước tiêu thụ. Qua rà soát mã khách hàng trên các bao hàng thuốc bắc đã thu giữ, xác định có tổng cộng 100 khách hàng có hàng lậu bị thu giữ, trong đó có 79 khách hàng có giá trị hàng lậu dưới 100 triệu đồng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và 21 khách hàng có giá trị hàng lậu trên 100 triệu đồng, có dấu hiệu của tội Buôn lậu.

Theo lời khai của những nhà buôn này, họ đều nhận thức được việc kinh doanh dược liệu của mình chưa được cấp phép, không đủ điều kiện để nhập khẩu dược liệu. Tuy nhiên, do nguồn thuốc bắc được nhập khẩu từ đường dây của Hưng không có hóa đơn chứng từ, nên có giá bán rẻ hơn so với doanh nghiệp bán dược liệu trên thị trường nên đã đặt mua thuốc bắc của các đối tượng trên nhằm mục đích kiếm lợi nhuận bất chính.

Từ kết quả điều tra, phần lớn các khách hàng đặt mua thuốc bắc của Hưng làm nghề kinh doanh thuốc bắc kế thừa truyền thống của gia đình từ thế hệ trước. Tuy những khách hàng này không có trình độ văn hóa cao, không có điều kiện để làm công việc khác, nhưng họ khoác trên mình tấm áo "nhà thuốc gia truyền", "dược sĩ" để hàng ngày vẫn điềm nhiên kinh doanh mặt hàng mang tính quyết định tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Trong khi người tiêu dùng đều tin tưởng vào chất lượng và uy tín của nhà thuốc, thì những nhà thuốc này lại kiếm lợi nhuận bất chấp hậu họa sức khỏe của khách hàng, người bệnh.

Đối tượng Chu Bá Toàn tại Cơ quan điều tra

Trước đó, các đơn vị quản lý thị trường đã nhiều lần lên tiếng về việc tình trạng nguyên liệu thuốc bắc bày bán trên thị trường thiếu nguồn gốc xuất xứ. Trong khi, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Bài toán về chất lượng nguồn dược liệu nhập khẩu đã được nhiều cơ quan ban ngành vào cuộc và lên tiếng, song chưa có lời giải thuyết phục để ngăn ngừa hậu quả. Trong khi nhận thức về việc sử dụng dược liệu kém chất lượng, nhất là trong thuốc bắc, ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ của người dùng thì bất cứ người nào cũng nhận thức được.

Hiện nay, tâm lí của hầu hết người tiêu dùng rằng các sản phẩm có thành phần, nguồn gốc thảo dược là lành tính, yên tâm khi sử dụng, nên thảo dược được ứng dụng ngày càng nhiều, không chỉ là sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà còn cả sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, thực phẩm. Trong khi, dược liệu khác với thực phẩm, dược liệu sạch không chỉ có tiêu chuẩn sạch về hoá chất, không chất bảo quản mà dược liệu yêu cầu đòi hỏi có hàm lượng hoạt chất cao...

Pháp luật Việt Nam hiện quy định về quy trình nhập khẩu dược liệu rất chặt chẽ để loại trừ những hiểm họa từ nguồn dược liệu không có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng thì tin tưởng vào nhà thuốc vì uy tín, trình độ và có chuyên môn để thẩm định chất lượng của thuốc. Tuy nhiên, khi vụ án được điều tra, phát lộ đường dây lợi dụng kẽ hở, hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước để nhập lậu thuốc không nguồn gốc, một số nhà thuốc gia truyền mang mác "lương y" nhưng thực chất chỉ là những "nhà buôn" dược liệu.

Tiếp tục điều tra dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ

Kết quả trích xuất dữ liệu máy tính của Lâm Đình Hưng và điện thoại của Trần Văn Quang thể hiện từ ngày 25-3 đến 30-11-2019, hai người này đã đưa cho Chu Bá Toàn tổng số tiền 1,5 tỉ đồng. Ngày 30-7-2019, Hưng đưa cho Toàn và ông Hoàng Văn Quân, khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma 300 triệu đồng. Từ ngày 24-1 đến ngày 8-11-2019, Hưng đã đưa cho ông Hoàng Văn Quân số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó, 500 triệu được ghi nội dung "đưa sếp Quân chung nhau mua đất Lạng Sơn" và số tiền 300 triệu ghi nội dung "chi anh Toàn + anh Quân tháng 7 dương".

Hưng và Quang còn khai đưa tiền cho hàng loạt công chức hải quan gồm: Hà Tuấn T, Vũ Q, Lê Thanh H, Trần Hải Â, Nguyễn Văn Q, Chu Văn Đ từ 1-2 triệu trong quá trình làm thủ tục đăng ký nhập cảnh, mở tờ khai hải quan. Tuy nhiên các đối tượng liên quan không thừa nhận việc nhận tiền như lời khai trên. Tài liệu điều tra liên quan đến việc đưa nhận tiền chỉ là tài liệu một chiều, ngoài ra không thu thập được tài liệu nào khác để xác định việc này. Do thời hạn điều tra đã hết và để đảm bảo thận trọng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách tài liệu có dấu hiệu tội đưa, nhận hối lộ để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Kim Sa
.
.