Hô biến đất vàng, cựu Phó Chủ tịch thành phố chuẩn bị hầu tòa
Tòa sẽ triệu tập 15 đơn vị, tổ chức và 3 cá nhân có liên quan. Ông Tín và các đồng phạm đang bị giam giữ tại một trại tạm giam ở phía Bắc sẽ được di lý vào TP Hồ Chí Minh xét xử.
Năm 2014, Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa một đơn vị của Bộ Công an, ký, gửi văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách - một khu "đất vàng" thuộc phường Bến Nghé, quận 1, để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.
Ông Tín phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016, biết rõ nhà số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Khi tiếp nhận đề nghị của Bộ Công an về việc cho phép Công ty Bắc Nam 79 (của Phan Văn Anh Vũ) được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách, ông đã không báo cáo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Trưởng ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính), không giao Ban chỉ đạo 09 tham mưu đề xuất mà đã bút phê chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường "hướng dẫn thủ tục".
Ông Nguyễn Hữu Tín. |
Có được quyết định cho thuê và giao đất, Vũ "nhôm" và Công ty Bắc Nam 79 không sử dụng đúng mục đích mà hợp tác triển khai thực hiện dự án xây dựng trên khu đất 15 Thi Sách nhằm thu lợi cá nhân. Phan Văn Anh Vũ và 4 đồng phạm, nguyên cán bộ công an, đã bị xử lý trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến hành vi vi phạm của một số cán bộ thuộc UBND TP Hồ Chí Minh và một số sở, ngành.
Hậu quả khiến nhà nước thiệt hại hơn 800 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất, tính đến thời điểm khởi tố vụ án, và làm thất thoát 6,7 tỉ đồng do Công ty Bắc Nam 79 được hỗ trợ trái pháp luật. Vũ "nhôm" và các đối tượng xây dựng công trình cao 18 tầng, thu lợi hơn 1.033 tỉ đồng.
Ngoài ông Nguyễn Hữu Tín, các bị can Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường), Trương Văn Út (nguyên Phó phòng Quản lý đất, Sở TN-MT) đều bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.
Họ còn liên quan đến việc "phù phép" biến đất công thành đất tư nhiều khu đất đắc địa khác. Điển hình là khu "đất vàng" số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh, rộng khoảng 6.000m2, nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Đông Du, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Hai Bà Trưng, được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mà không tổ chức đấu thầu vào năm 2008.
Sau đó, Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất này để xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng. Sabeco dự kiến sẽ xây Dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng Sài Gòn Mê Linh Tower với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng.
Dựa trên tờ trình của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, tháng 6-2015, ông Nguyễn Hữu Tín, đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl thuê khu đất với thời gian 50 năm để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê. Hồ sơ về giải quyết thủ tục giao lô đất cho Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl do ông Trương Văn Út (phó phòng Quản lý đất) phụ trách, lập tờ trình để giám đốc sở duyệt rồi trình lên UBND thành phố.
Quyết định của ông Tín được cho là trái quy định so với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính. Lô đất 6.000m2 này đáng lẽ ra được giao cho Sabeco trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp Sabeco không có nhu cầu sử dụng thì thành phố phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl.
Tháng 6-2016, Sabeco đã thoái vốn, đấu giá bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ (26% vốn điều lệ) cho Attland. Sau đấu giá, Attland đã nắm 49% cổ phần tại Sabeco Pearl, 51% còn lại được chia đều cho hai thành viên sáng lập là Công ty Hà An và Công ty Mê Linh. Đến tháng 10-2016, Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Bằng những trò "hoán đổi" đấu giá theo hình thức thoái vốn lô đất này đã rơi vào tay tư nhân một cách ngoạn mục.
Ngày 6-10-2015, ông Tín còn ký văn bản giao Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) và Sở Tài nguyên Môi trường thành phố thực hiện thủ tục bán chỉ định mặt bằng số 129 Pasteur cho Công ty Bắc Nam 79. Trước đó, ngày 22-6-2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã từng có quyết định, cho phép Công ty Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm" sử dụng khu đất số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1) với thời hạn 50 năm.
Đến tháng 5-2012, Sở Tài nguyên Môi Trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Bắc Nam 79 đã vẽ ra dự án xây dựng khu phức hợp cao 25 tầng trên khu "đất vàng" này. Hiện dự án này đang bị tạm ngưng. Ông Tín cũng dính trách nhiệm khi quyết định chỉ đạo cấp dưới cưỡng chế căn nhà liền kề khu đất, số 69A đường Lý Tự Trọng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh.