Hổ dữ còn không ăn thịt con...

Chủ Nhật, 22/11/2020, 16:05
Khi hội đồng xét xử (HĐXX) ra phán quyết tuyên án tử hình đối với Nguyễn Minh Tuấn, án chung thân đối với Lan Anh về tội giết người, phòng xét xử vang lên tiếng vỗ tay, rồi tiếng gào khóc, tiếng nức nở của những thân nhân bị kìm nén. Bị cáo Lan Anh khuỵu xuống, dập đầu xin mẹ và người thân tha tội.

Ám ảnh ngày cuối đời của bé gái 3 tuổi bị bạo hành

Sáng 18-11, Nguyễn Minh Tuấn (31 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi) được cảnh sát dẫn giải đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Cả hai đều là bị cáo trong vụ “Giết người” và “Tàng trữ ma túy”. Ngoài cổng, hàng chục người căng băng rôn in hình nạn nhân N.M.M. (3 tuổi, con gái riêng của Lan Anh). Họ đề nghị tử hình cả 2 bị cáo vì hành vi bạo hành khiến bé gái tử vong.

Theo cáo buộc, năm 2016, Lan Anh kết hôn với anh T.N.S. (27 tuổi, quê Hải Dương), có một con chung là cháu M. Sau khi kết hôn, do phát sinh mâu thuẫn nên Lan Anh không chung sống cùng chồng mà chuyển về ở với mẹ đẻ là bà Vũ Thị D (trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội). Sau khi sinh cháu M. được 3 tháng thì Lan Anh quen biết và sống chung với Nguyễn Minh Tuấn nên đã để con gái cho mẹ đẻ chăm sóc.

Năm 2018, Lan Anh ly hôn với anh S. và kết hôn với Tuấn. Sau đó, hai người này có một con chung là cháu Nguyễn M.T. Tháng 10-2019, hai người này thuê phòng ở phố Phạm Ngọc Thạch (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) để sinh sống.

Tại đây, do thường xuyên thức đêm nên Tuấn đã mua ma túy tổng hợp về rồi rủ vợ cùng sử dụng. Ngày 5-3, Lan Anh gọi điện thoại cho bà D xin đón cháu M. sang ở cùng và được bà D đồng ý. Ban đầu Tuấn có vẻ yêu quý cháu M. Cháu M. ngoan và nghe lời. Thế nhưng, từ 8h sáng ngày 29 đến 2h sáng 30-3, bé M. đã bị Lan Anh và Tuấn 6 lần đánh đập rất dã man, tàn bạo. Cháu bị đa chấn thương trên khắp cơ thể và qua đời do chấn thương sọ não nặng.

Bà D với nỗi đau mất đứa cháu ngoại thân yêu.

Tại phiên xét xử, từ lời khai của các bị cáo, hình ảnh ngày cuối đời của bé gái M.M được tái hiện đầy ám ảnh. Những người có mặt tại phiên xét xử đi từ cảm xúc xót thương bé gái đến căm giận hai bị cáo là những người được bé vẫn gọi là mẹ và bố. Vụ việc bắt đầu khi sáng 29-3 cháu M. đòi ăn bánh gạo. Tuấn nói chờ mẹ chuẩn bị bữa sáng nhưng bé gái không chịu nên Tuấn đã phạt cháu bằng cách bắt cháu ngồi trong chậu.

Tiếp đó, Tuấn lấy cán chổi đánh cháu rồi bỏ lên phòng ngủ. Còn cháu M. không được cho ăn, bắt ngồi trong chậu và ngủ gật. 11h cùng ngày, Tuấn dậy thấy cháu M. đã ra ngoài ngủ nên tiếp tục bắt cháu ngồi vào chậu. Tiếp đó, khi Lan Anh hỏi muốn ăn gì, cháu luôn trả lời “muốn uống sữa của bà yêu” (sữa do bà ngoại cháu cho khi Lan Anh đón cháu). Nghe vậy, Lan Anh tiếp tục phạt cháu, không cho ăn, không cho uống sữa và uống nước. Sau đó cả Tuấn và Lan Anh tiếp tục sử dụng ma túy.

Đau lòng hơn, mỗi khi hai bị cáo sử dụng ma túy xong là lại một trận đòn roi với M., dù cháu đã ngoan ngoãn ngồi trong chậu chịu phạt. Đến đêm 29-3, khi Tuấn đi ngủ, Lan Anh cũng buồn ngủ nhưng Tuấn bảo Lan Anh sử dụng ma túy cho tỉnh táo để lại tiếp tục đứng canh phạt bé M. Do kiệt sức, cháu M ngủ thiếp đi trong chậu, thì Lan Anh dùng kim đâm vào chân, đầu gối, không cho cháu ngủ. Cháu xin uống nước, cô ta cũng không cho.

Rạng sáng 30-3, khi thấy cháu đã mệt lả đi, Lan Anh mới nhắc Tuấn tha phạt cho cháu, sau đó bị cáo ép cháu đi tắm. Bị cáo chỉ dừng những hành động bạo hành bé M lại khi bé đã mệt lả, có dấu hiệu suy hô hấp, nôn ọe. Đến khoảng 8h ngày 30-3, cháu có biểu hiện khó thở nên Lan Anh điện thoại cho bố của Tuấn nhờ đưa cháu đi cấp cứu. Đến khoảng 11h cùng ngày thì cháu M. tử vong do chấn thương sọ não.

Phiên tòa để lại nhiều nước mắt, nhiều nỗi đau.

Trả lời về nguyên nhân chết của nạn nhân, giám định viên cho biết với độ tuổi còn rất nhỏ, chỉ cần lực tác động nhỏ cũng có thể tổn thương vùng não. Nguyên nhân cháu bé chết là do chấn thương sọ não nặng, do thương tích từ vật tày gây nên. Việc các luật sư cho rằng cháu chết vì bệnh lý là không có cơ sở, cần loại bỏ.

Dù tại phiên xét xử, các bị cáo cho rằng mình không bạo hành cháu M., HĐXX khẳng định có đủ căn cứ kết luận về các vết thương cũng như cái chết của nạn nhân là do hai bị cáo gây ra.

Không có lời bào chữa nào cho hành vi của các bị cáo

Trước HĐXX, Lan Anh trần tình, từ bé bị cáo sống chung với mẹ. Mẹ bị cáo là mẹ đơn thân, bị báo có một quá khứ không hạnh phúc. Tiếp đó, Lan Anh bất ngờ tố mẹ đẻ có hành vi xâm hại và đánh đập con gái mình, nên mới nhất quyết đón con về nuôi. Đối chất tại tòa, bà D cho rằng các lời khai trên của 2 bị cáo hoàn toàn sai sự thật. Bà nói rất yêu thương cháu M., trước khi về ở với vợ chồng Lan Anh cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Người phụ nữ này đề nghị HĐXX làm rõ hành vi đánh đập, bạo hành bé gái khiến nạn nhân tử vong.

Suốt phiên tòa, bà D ôm di ảnh của cháu ngoại rồi khóc. Trước mặt bà là hai kẻ đã sát hại cháu ngoại bà nhưng cũng là con gái và con rể của bà. Tuy nhiên, tột cùng nỗi đau, bà Vũ Thị D vẫn giữ nguyên quan điểm mức phạt cao nhất đối với Tuấn. Còn với Lan Anh, bà vẫn mong muốn được giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo còn nuôi con nhỏ.  "Lan Anh có thể giết chết con của nó nhưng tôi thì không làm điều ấy. Dẫu sao nó cũng là con tôi...", bà D bật khóc.

Luật sư xem lại hình ảnh thực nghiệm điều tra vụ án.

Trong suốt quá trình diễn ra phiên xét xử, hai bị cáo không thừa nhận hành vi bạo hành khiến cháu M. tử vong. Đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh, vụ án xuất phát từ cuộc sống buông thả, mâu thuẫn với mẹ đẻ rồi đánh đập con tử vong. Bị cáo Tuấn là nguười chủ mưu gây ra vụ án còn Lan Anh là đồng phạm tích cực. Hai bị cáo không thừa nhận nhưng qua kết quả giám định, viện kiểm sát nhận thấy các bị cáo đã hành hạ cháu M. mà đổ lỗi cái chết của cháu M. do bị cảm. Các bị cáo còn nhiều lần sử dụng ma túy. Nạn nhân sinh ra trong hoàn cảnh éo le, thiếu tình thương của cha mẹ nhưng không được bù đắp, ngược lại còn bị hành hạ trong nhiều ngày.

Mặc dù tại phiên tòa, Lan Anh không thừa nhận việc châm kim vào tay cháu M. nhưng trong bản khám nghiệm đã xác định rõ việc nữ bị cáo làm việc này. Bị cáo Lan Anh không nuôi dưỡng con, không ngăn cản việc bạo hành cháu, lẽ ra cần loại trừ vĩnh viễn nhưng vì đang nuôi con nhỏ nên không áp dụng hình phạt tử hình.

Khi luật sư bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho nữ bị cáo, đại diện viện kiểm sát hỏi, sao không nghĩ đến những ngày hành hạ con đến chết? Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội nhấn mạnh, không có lời bào chữa nào cho hành vi của các bị cáo, tội ác của các bị cáo không thể dung thứ.

Bị can Lan Anh phải trả giá vì tình yêu mù quáng.

Khi sự mù quáng đưa đường dẫn lối

Suốt trong quá trình xét  xử, Lan Anh liên tục cho rằng, Nguyễn Minh Tuấn là một người chồng tốt, hiền lành, không bao giờ có ý định đánh con đến chết(?) Trong thời gian đầu, chồng bị cáo đối xử với cháu rất tốt, cháu rất quấn bố. Tuấn còn dạy cháu vẽ, dạy cháu nói được tên tuổi nhà của mình, để nếu bị lạc cháu có thể nói rõ địa chỉ. Thời gian đấy, trong lúc hỏi cháu muốn ai là người cho ăn cơm, ai là người tắm, cháu luôn nói là bố. Bình thường trưa cháu ngủ dưới nhà, tối thì lên ngủ với bố. Trong suốt quá trình đón cháu về sống cùng, chồng bị cáo đối xử với con bị cáo rất tốt, còn lo lắng cho bé nhiều hơn bị cáo(!)

Những lời biện hộ của bị cáo khiến những người có mặt tại phiên xét xử phẫn nộ. Bởi đó là lời bao biện của một người đàn bà có tình yêu mù quáng, không phân biệt đúng - sai, tốt - xấu. Đến thời điểm này, bị cáo vẫn chưa có sự xót thương có đứa con 3 tuổi bị bạo hành cho đến tử vong.

Bị can Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh.

Tại buổi tuyên án, chủ tọa nêu rõ, hành vi bị cáo khai bị ép cung là không có căn cứ bởi suốt quá trình sau vụ án, lấy lời khai có cả luật sư bị cáo đều khai nhận tội lỗi mình gây ra. Hành vi các đối tượng gây ra với cháu M. rất tàn nhẫn. Các bị cáo đã hành hạ cháu trong nhiều ngày, không chỉ một mà tận hai bị cáo thay nhau đánh đập cháu không thương tiếc.

Xét trong vụ án này, với hành vi vô cùng tàn bạo, tòa nhận thấy cần loại bỏ bị cáo Nguyễn Minh Tuấn ra khỏi xã hội. Đối với Lan Anh, cô ta đánh đập con dù con không có lỗi, còn nhỏ tuổi, hành vi của bị cáo nghiêm trọng hơn khi sử dụng ma túy. Từ tình tiết trên, tòa không áp dụng biện pháp tử hình với bị cáo nhưng cần thiết phải nghiêm trị, loại trừ ra khỏi xã hội. HĐXX xử phạt Nguyễn Minh Tuấn tử hình về tội giết người và 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh bị phạt tù chung thân về tội giết người, 18 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Khi HĐXX ra phán quyết tuyên án tử hình đối với Nguyễn Minh Tuấn, án chung thân đối với Lan Anh về tội giết người, phòng xét xử vang lên tiếng vỗ tay rồi lại vang lên tiếng gào khóc, tiếng nức nở của những thân thân bị kìm nén. Có tiếng khóc than thương cho bé gái 3 tuổi bị chính mẹ ruột và bố dượng bạo hành tử vong, lại có tiếng khóc thương cho chính những người thân của các bị cáo.

Lan Anh bật khóc nức nở, vẫn còn quỳ gối xin mẹ đẻ làm đơn xin giảm án cho Tuấn. Cô ta cũng nói xin lỗi chồng sau khi Tuấn nhận án tử. Lan Anh lạc giọng: “Mẹ ơi, mẹ xin cho chồng con đi. Mẹ hãy thương con, cả cuộc đời con không hạnh phúc rồi. Chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi chồng con chết. Chồng ơi em xin lỗi chồng...”.

Chứng kiến con gái quỳ gối xin lỗi sau những tội lỗi mà mình đã gây ra, bà D ôm chặt di ảnh cháu ngoại khóc nức nở. Có lẽ, sau cái chết của bé M. cùng sự mất nhân tính của một người mẹ thì dù có quỳ gối, có khóc lóc bao nhiêu đi nữa, Lan Anh cũng chẳng thể chuộc lại lỗi lầm của mình và nhận về sự tha thứ.

Kết thúc phiên xét xử, khi dẫn giải các bị cáo ra xe, những tiếng khóc dồn nén lại tiếp tục vang lên. Có tiếng ai oán, có tiếng chửi rủa xót xa: “Chúng mày không xin lỗi con bé một tiếng được à?”. Rồi lại có tiếng người đàn ông khóc chạy theo xe phạm nhân “Cháu ơi, cháu ơi...”.

Ông cứ khóc, cứ gọi, cứ đi loanh quanh vật vã, vì ông không biết đang khóc thương cho ai, khóc cho đứa cháu tội lỗi đang ở trong xe chở phạm nhân, hay khóc cho đứa cháu của ông là nạn nhân của chính mẹ của nó. Vụ án khép lại, nỗi đau còn mãi, còn trong chính những cảm xúc của người nhà nạn nhân, cũng là người thân của bị cáo.

Trần Tâm
.
.