"Jack mổ bụng" chỉ là nhân vật tưởng tượng của báo chí
Trên cơ sở những tài liệu được chuyên gia này phát hiện trong kho lưu trữ của Cảnh sát London, Cook đã xác định được rằng, Jack chính là một thủ phạm không có thật từ những tội ác của một vài tên tội phạm riêng biệt nào đó.
"Sản phẩm" hư cấu của báo The Star
Theo những tài liệu mà Cook đã tìm thấy, có ít nhất 2 nạn nhân đầu tiên từ trước tới giờ vẫn được gán cho thủ phạm Jack - Emma Smith bị sát hại vào ngày 3/4/1888 và Martha Tabram ngày 7/8/1888 - thật ra chẳng có liên quan gì tới tên này. Giờ đây, ngay cả phần lớn các chuyên gia khác đều cho rằng, hai tội ác ban đầu này không liên quan gì tới những vụ sau đó. Hơn nữa, nhà sử học này còn chứng minh được rằng, lá thư nổi tiếng được cho là của "Jack the Ripper" viết chỉ là trò giả mạo.
Tác giả thực sự của nó chính là Frederic Best, một trong các phóng viên của tờ The Star, người đã gửi lá thư trên cho hãng tin tại London. Lá thư bắt đầu bằng từ "Dear Boss!" (Ông chủ thân mến), trong có nội dung thừa nhận những tội ác đã gây ra, cùng với chữ ký dưới cái tên "Jack the Ripper", về sau đã được dùng làm tên của chính thủ phạm trong tưởng tượng này.
Dựa theo những dữ liệu đã có của Giáo sư Andrew Cook, tờ The Star tại London chính là chủ mưu của vụ việc này để kiếm lợi nhuận, nhờ đó mà số lượng phát hành của báo này đã tăng lên nhanh chóng và thu được những khoản lợi nhuận lớn.
Cần biết là vào giai đoạn sự kinh hoàng của người dân lên tới đỉnh điểm vì vụ "Jack the Ripper", The Star đã phát hành tới 232 ngàn bản mỗi ngày mà vẫn không cung cấp đủ cho những người muốn biết thêm thông tin về kẻ cuồng sát. Còn bức thư nổi tiếng có ký tên của Jack đã xuất hiện vào đúng thời điểm cảnh sát vừa trả tự do cho một tay thợ giày bị nghi ngờ là thủ phạm, sau khi nhân vật trên có những chứng cứ ngoại phạm rõ ràng được nhiều người xác nhận. Ngay sau sự kiện này, số bản phát hành của The Star - trước đó luôn khẳng định giả thuyết tay thợ giày là thủ phạm - đã sụt giảm rất nhanh chóng.
Cũng theo Andrew Cook, sự kinh hoàng của người dân xung quanh vụ "Jack the Ripper" còn khiến cho các thám tử cảnh sát bị thu hút theo nhiều dấu vết giả. Bản thân sự việc cũng khiến cho những tên sát nhân thực sự cảm thấy mình được an toàn, khi đã có kẻ tự nhận lấy trách nhiệm. Được biết là kết quả của những nỗ lực điều tra trong suốt 5 năm được Andrew Cook trình bày trong cuốn sách "Jack the Ripper: Case Closed" của mình.
"Jack the Ripper" đã từng được gán cho tội sát hại từ 5 đến 11 phụ nữ hồi năm 1888 tại các khu vực phía đông thủ đô nước Anh - ít nhất trong số này là 5 nạn nhân có tên Mary Nichols, Annie Chapman, Elizabeth Stride, Catherine Eddowes và Mary Kelly.
Trong kho lưu trữ, Andrew Cook đã phát hiện ra một bài trả lời phỏng vấn vào năm 1910 của Percy Clark, trợ lý chuyên gia giải phẫu của cảnh sát vào đúng thời điểm những vụ sát nhân này. Người này khẳng định chỉ có 3 vụ là có thể đưa ra giả thuyết có mối liên quan tới nhau. Chưa kể điều tra viên kỳ cựu Thomas Arnold sau khi về hưu đã tuyên bố rằng, nạn nhân Kelly chưa chắc đã phải do Jack sát hại.
Bản thân ông Cook sau khi điều tra kỹ lưỡng các tài liệu lưu trữ cũng khẳng định, tất cả 6 vụ sát nhân còn lại ở khu vực Whitechapel hoàn toàn không có liên quan gì tới nhau.
Những huyền thoại quanh "Jack the Ripper"
Quay trở lại với quá khứ, kẻ cuồng sát đã đi vào lịch sử Jack đã bị gán cho tội sát hại 5 cô gái điếm tại London từ tháng 8 đến tháng 11/1888. Tất cả các nạn nhân đều bị cắt cổ họng. Cảnh sát cho rằng, thủ phạm là kẻ có chuyên ngành về y khoa - những vết cắt rạch trên người nạn nhân đều cho thấy đây là một tay chuyên nghiệp.
Thật ra trước Andrew Cook, giả thuyết về có nhiều thủ phạm đứng đằng sau cái tên "Jack the Ripper" đã được nhiều nhà sử học, hình pháp học nhắc tới. Như vào năm 2006, thám tử người Anh Trevor Marriott cũng đã đi tới một kết luận tương tự như vậy. Những nghi ngờ của Marriott được xuất phát từ việc, thi thể của 2 nạn nhân được phát hiện chỉ cách nhau có 12 phút. Trong khi trên thực tế, một kẻ sát nhân sau khi thực hiện tội ác thường phải tìm cách xóa dấu vết và lẩn trốn ngay, không thể nào sát hại tiếp nạn nhân thứ hai một cách nhanh chóng đến như vậy.
Cơ quan Cảnh sát Anh vào thời đó đã rà soát khoảng 200 đối tượng trong vụ án trên, trước khi gút lại danh sách gần 10 nghi phạm có khả năng cao nhất - trong đó có viên bác sĩ người Mỹ Francis Tumblety, cháu của Nữ hoàng Victoria là Hoàng thân Albert Victor v.v...
Có nhiều giả thuyết cũng bị các thám tử cảnh sát bác bỏ sau một thời gian điều tra. Chẳng hạn như một kẻ có tên Aaron Kosminski sống gần các hiện trường phát hiện các vụ án mạng kinh hoàng đó. Hắn là người căm thù tất cả phụ nữ, đặc biệt là những cô gái điếm. Bị một trong các nhân chứng nhận dạng sau đó chừng một năm rưỡi, nhưng Kosminski không biết gì về y khoa.
Kẻ bị tình nghi thứ hai - George Chapman - tốt nghiệp đại học y. Hắn đã từng sát hại 3 người phụ nữ và âm mưu thanh toán nốt người thứ tư. Về sau mối nghi ngờ đối với Chapman bị dỡ bỏ do hắn sát hại các nạn nhân của mình bằng thuốc độc, còn Jack hành động bằng dao. Chưa kể Chapman khi đó mới có 23 tuổi, còn các nhân chứng khẳng định thủ phạm nhiều tuổi hơn. Nghi phạm thứ ba là người cháu Albert Victor của Nữ hoàng Victoria.
Các điều tra viên cho rằng ông này bị mắc bệnh giang mai có thể dẫn đến điên loạn và giết người. Ngoài ra, ông hoàng này có con với một phụ nữ thuộc tầng lớp hạ lưu ở ngay khu vực thường xảy ra án mạng, nên thường xuyên có mặt tại đó. Nhưng điều tra sau đó cho thấy, Victor không có mặt tại London vào thời điểm của những vụ án mạng