Án tù cho kẻ biển thủ hàng trăm tác phẩm của danh họa Picasso

Thứ Năm, 02/04/2015, 16:45
Tòa án thành phố Saint-Germain-en-Laye thuộc tỉnh Ile-de-France, Pháp vừa kết thúc phiên xử kéo dài hơn một tháng, tuyên phạt bị cáo Pierre Le Guennec 76 tuổi mức án 2 năm tù treo vì đã biển thủ gần 300 tác phẩm của một họa sĩ, cũng như phải trả lại tất cả hiện vật bị đánh cắp cho những người thừa kế hợp pháp.

Theo hồ sơ vụ án vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, bị cáo P. Guennec được cố họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) thuê làm thợ điện, được phép ăn nghỉ tại ngôi biệt thự Villa La Californie ở thành phố Cannes ven bờ Địa Trung Hải, cũng là nơi cư ngụ trong 3 năm cuối cùng của đại danh họa trên đất Pháp trước khi ông từ trần.

Tháng 1/2000, P. Guennec khi ấy đã nghỉ hưu liên hệ với con trai nhà danh họa là ông Claude Picasso, Giám đốc Quỹ Quản lý di sản của Picasso để được cấp giấy chứng nhận tính xác thực từ 26 bức tranh của Picasso chưa được công bố. Sau đó, P. Guennec đã tiết lộ đang cất giữ dưới nhà để xe 271 tác phẩm do Picasso sáng tác trong giai đoạn từ năm 1900 đến 1932, bao gồm 9 bức tranh nghệ thuật lập thể đã hoàn chỉnh, hơn 200 bản vẽ phác thảo trong đó có 91 bức thuộc một cuốn bản thảo dày 100 trang, 30 bức tranh bột màu trên giấy cùng thạch bản đi kèm.

Khi bị ông Claude  Picasso tra hỏi nguồn gốc các tác phẩm, Guennec phân bua rằng vào cuối năm 1972 đã được bà Jacqueline Roque (1927-1986), người vợ sau từng được họa sĩ gọi là "Nàng thơ của đời anh", đã gói ghém tất cả trong một chiếc hộp các tông đưa cho ông ta và được chồng chấp thuận. P. Guennec biện bạch rằng do các bức họa chủ yếu vẽ bà vợ trước người Nga Olga Khokhlova (1918-1955) của họa sĩ, nên người vợ sau muốn "tống khứ chúng đi cho rảnh mắt"(!).

Một phần trong số tranh bị đánh cắp được trưng bày.

Tháng 5/2011, thay mặt những người thừa kế hợp pháp của nhà danh họa, ông Claude Picasso đã khởi kiện P. Guennec ra Tòa án thành phố Saint-Germain-en-Laye là nơi đương sự đang cư ngụ cùng gia đình, cũng là nơi cất giấu các tác phẩm bị chôm chỉa hơn 40 năm trước. Sau một thời gian tiến hành thu thập chứng cứ để truy tố vợ chồng nhà Guennec về tội đánh cắp tác phẩm nghệ thuật, phiên tòa chính thức khai mạc vào ngày 10/2/2015.

Về phần mình, khi ra làm chứng trước tòa, ông Claude Picasso đã đưa một dẫn chứng rằng cha ông mỗi khi tặng một tác phẩm nào đó cho bất cứ ai, đều không quên đặt bút ký tặng ngay trên tác phẩm ấy. Ví như trường hợp của ông Maurice Bresnu, tài xế riêng của họa sĩ đã được tặng gần 200 bức vẽ, tranh tượng và bản thảo đều có chữ ký đề tặng đi kèm.

"M. Bresnu là em họ bên vợ của P. Guennec, cũng là người giới thiệu bị cáo đến sửa điện và lắp thiết bị chống trộm tại biệt thự Villa La Californie, nên được danh họa Picasso tin tưởng cho ăn ở luôn trong nhà. Rồi bị cáo đã tận dụng lợi thế này để tiến hành đánh cắp vì mục đích vụ lợi", ông C. Picasso khẳng định.

Trong phần tranh tụng trước tòa, nữ luật sư Evelyne Rees biện hộ cho bị cáo lập luận rằng: "Bên nguyên đơn trong đó có 3 người con ngoài giá thú của Picasso gồm Claude Picasso, Paloma Picasso và Maya Picasso đều không thể có tư cách hợp pháp thay mặt người cha đã khuất để khởi kiện". Nhưng tòa đã bác bỏ luận điểm này, bởi pháp luật lâu nay vẫn công nhận họ nằm trong số những người được thừa kế di sản của danh họa.

Vợ chồng Guennec cùng luật sư biện hộ trước giờ khai mạc phên tòa.

Bản cáo trạng của Viện Công tố Saint-Germain-en-Laye đề nghị mức án cho bị cáo P. Guennec là 5 năm tù giam, đồng thời phải nộp phạt bổ sung 375.000 euro, tương đương số tiền mà giới chuyên môn đã bỏ ra để tu bổ một phần những tác phẩm hoàn chỉnh của Picasso, bị hư hại do bảo quản trong thời gian dài. Trong phiên xử cuối cùng diễn ra vào ngày 20/3 vừa qua, tòa đã ra phán quyết tuyên phạt P. Guennec mức án 2 năm tù treo; đồng thời phải hoàn trả mọi hiện vật đang cất giữ cho Quỹ Quản lý di sản của Picasso, là cơ quan đại diện cho những người thừa kế hợp pháp của cố họa sĩ. Còn bị cáo Guennec và vợ bị tuyên phạt 2 năm tù treo về các tội danh đồng lõa và không tố giác tội phạm.

Sau khi hay tin về kết quả phiên tòa, bà Dominique Sassi 88 tuổi, cũng là nghệ nhân đồ gốm hàng đầu nước Pháp từng được danh họa Picasso truyền nghề, đã lên tiếng: "Làm sao mà danh họa và điêu khắc gia Picasso với bản tính cực kỳ cẩn thận, lại đi tặng gần 300 tác phẩm của mình mà không kèm bất cứ chữ ký nào. Đây là điều thật vô lý". Còn theo các chuyên gia thẩm định nghệ thuật thì 271 tác phẩm bị biển thủ của Picasso có giá trị từ 60-80 triệu euro theo thời giá hiện nay.

Được biết, đại danh họa Pablo Picasso từng được lịch sử nghệ thuật tạo hình thế giới tôn vinh như là "cha đẻ" của trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc hiện đại. Ông từng được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.