Kẽ hở an ninh từ các vụ cướp ngân hàng

Thứ Ba, 04/08/2020, 18:30
Chỉ trong ba tháng, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hai vụ cướp ngân hàng hết sức manh động, liều lĩnh. Dù các đối tượng gây án nhanh chóng bị lực lượng điều tra hình sự bắt giữ, song việc bảo đảm an ninh an toàn cho hoạt động ngân hàng luôn phải được đề cao. Bản thân khách hàng và các cán bộ nhân viên ngân hàng cần nâng cao cảnh giác, tránh trở thành miếng mồi của tội phạm.


1. Ngày 27/7/2020, tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra một vụ cướp rất nghiêm trọng. Các đối tượng đeo kính đen, bịt khẩu trang, hiên ngang đi vào quầy giao dịch. Trước sự bất ngờ của các nhân viên ngân hàng, một đối tượng dùng súng bắn chỉ thiên, đồng thời hô lớn: "tất cả ngồi im, giơ tay lên" rồi đi vào từng quầy giao dịch lấy tiền ném ra sàn phía ngoài. 

Đối tượng còn lại để một bịch màu đen xuống sàn hét to: "thuốc nổ, nếu hô thì cho nổ" rồi nhặt tiền do đối tượng cầm súng ném ra cho vào túi màu đen. Sau khi cướp được tiền, hai đối tượng đi ra ngoài tiếp tục dùng súng đe dọa người dân, cướp xe máy Dream rồi tẩu thoát theo hướng về Đại lộ Thăng Long. Diễn biến sự việc xảy ra quá nhanh, chỉ trong vài phút nên tất cả các nhân viên của ngân hàng đều trong tình trạng "đứng hình" không kịp phải ứng.

Cặp đôi gây ra vụ cướp tại Ngân hàng BIDV Phan Hữu Mạnh và Hoàng Ngọc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, lực lượng điều tra hình sự đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm truy bắt hai đối tượng gây án. Đặc biệt nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Công an quận Đống Đa đã nhanh chóng khoanh được nghi can đầu tiên là Phùng Hữu Mạnh (sinh năm 1997, trú tại khu tập thể Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). 

Khoảng 0 giờ ngày 29/7, lực lượng Công an đã tiến hành bắt giữ Phùng Hữu Mạnh. Tiếp tục điều tra mở rộng, đến khoảng 4 giờ 30 ngày 29/7/2020, Công an Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an Hải Phòng, bắt được kẻ chủ mưu vụ cướp là đối tượng Hoàng Ngọc (sinh năm 1978, thường trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) khi đối tượng đang lẩn trốn tại TP Hải Phòng.

Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an cho thấy Ngọc và Mạnh quen nhau từ năm 2018, vì cùng "nghiện" game. Do chơi cờ bạc và nợ tiền nhiều người, Ngọc nảy ý định cướp ngân hàng BIDV tại tầng 1 tòa nhà nơi anh ta cư trú (số 27 phố Huỳnh Thúc Kháng). Đối tượng Mạnh vốn không nghề nghiệp, ham cờ bạc nên khi được Ngọc rủ đã gật đầu đồng ý.

Ngày 26/7, Ngọc nói với Mạnh ngày mai sẽ đi cướp ngân hàng, sau đó cả hai đến phố Trần Duy Hưng thuê nhà nghỉ. Tại đây, Ngọc cho Mạnh xem 1 khẩu súng ngắn màu bạc và 1 quả lựu đạn giả (Ngọc tự chế bằng cách quấn băng dính đen bên ngoài hộp phấn, kích thước khoảng 7x7cm).

Hai đối tượng thống nhất phân công Mạnh cầm "lựu đạn" đe dọa mọi người và uy hiếp người đi đường để cướp xe máy sau khi lấy được tiền, còn Ngọc sẽ nổ súng thị uy. Sau đó Ngọc mang súng và "lựu đạn" rời nhà nghỉ, để Mạnh ở lại, hẹn hôm sau gặp nhau. 

Khoảng 7 giờ ngày 27/7, Mạnh đi xe buýt đến gặp Ngọc tại khu vực gần chùa Thầy (huyện Quốc Oai). Hai đối tượng thay quần áo, mặc áo chống nắng do Ngọc chuẩn bị sẵn, rồi lên xe buýt, đi về đường Nguyễn Chí Thanh. Xuống điểm dừng, cặp đôi đi bộ vào ngõ 97 Nguyễn Chí Thanh, ra phố Nguyên Hồng. Khi đến gần ngân hàng BIDV, chúng dừng lại đeo găng tay, khẩu trang và đeo kính. Ngọc đưa cho Mạnh quả lựu đạn, rồi rảo bước đi trước.

Đối tượng Mạnh và Ngọc đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gây án.

Vào đến bộ phận giao dịch của ngân hàng, Ngọc rút súng bắn chỉ thiên, rồi chạy vào quầy lấy tiền ném ra cho Mạnh cất vào túi. Sau khi lấy được hơn 900 triệu đồng và cướp được chiếc xe máy, Mạnh điều khiển xe chở Ngọc tháo chạy theo hướng Nguyên Hồng-Trúc Khê, và đi về phía Đại lộ Thăng Long.

Đến khu vực đất trống trên tuyến đường này, hai tên cướp thay quần áo. Ngọc chia cho Mạnh một phần tiền, hẹn... 7 ngày sau sẽ đưa tiếp. Sau đó Mạnh đi ra bến xe buýt còn Ngọc điều khiển xe máy ra Đại lộ Thăng Long, vứt lại xe rồi đi bộ ra bến xe buýt gần đó, tìm cách tẩu thoát...

2.Theo một điều tra viên Phòng CSHS, vụ cướp tại ngân hàng BIDV đã ít nhiều lộ ra những sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh cho hoạt động ngân hàng. Đó là vào thời điểm hai tên cướp xuất hiện, gây án thì lực lượng bảo vệ của ngân hàng lại ngồi ở một góc khuất, gần như không phát hiện được dấu hiệu bất thường của "khách" đến giao dịch. Trong khi đó, một số giao dịch viên lại "tưởng" rằng đồng nghiệp... đùa dai. Phải đến khi nghe tiếng súng nổ thì họ mới biết đó là cướp thật.

Trần Hữu Trung - đối tượng gây ra vụ cướp tại Ngân hàng Techcombank chi nhánh Sóc Sơn.

Cách đây ba tháng, tại  Chi nhánh ngân hàng Techcombank, ở tổ 7, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ nổ súng cướp ngân hàng nghiêm trọng. Khoảng 15 giờ ngày 2/4/2020, một đối tượng nam giới, khoảng 25-35 tuổi, đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang và kính đen, đeo găng tay, điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Sirius màu đen, gắn BKS: 11B1- 214.47 đi đến Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Sóc Sơn để xe máy trên vỉa hè trước của ngân hàng rồi đi bộ vào ngân hàng.

Đối tượng bất ngờ rút súng bắn một phát đe dọa với ý định cướp tiền, song không thành. Khi bỏ chạy ra ngoài, đối tượng bị bảo vệ ngân hàng ngăn cản nên bắn tiếp phát thứ hai, rồi điều khiển xe máy bỏ chạy theo đường Quốc lộ 3 hướng đi Thái Nguyên.

Sau 6 ngày điều tra tích cực, Công an TP Hà Nội đã xác định đối tượng gây án là Trần Hữu Trung (sinh năm 1991, thường trú tại Tổ 33, Khu 5, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). Xác định đối tượng manh động, đã có tiền án, đang bị truy nã, hoạt động và di chuyển trên nhiều tỉnh thành, có trang bị vũ khí nóng; Công an TP báo cáo đề nghị Cục CSHS phối hợp, cùng Công an các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... vào cuộc xác minh, triệu tập các đối tượng có liên quan để truy bắt đối tượng Trung trong thời gian sớm nhất.

Qua trao đổi thông tin và được sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan Công an đã phát hiện và nắm chắc các quan hệ của Trung, nhất là tại khu vực tỉnh Quảng Ninh. Biết lực lượng Công an đang truy bắt gắt  gao, các mối quan hệ đều đã bị Cơ quan Công an phong tỏa, triệu tập; các mũi truy bắt của Công an đã áp sát, đối tượng Trung đã xin ra đầu thú.

Tại Cơ quan điều tra, Trần Hữu Trung đã khai nhận do làm ăn thua lỗ và cần tiền chi tiêu nên nảy sinh ý định đi cướp ngân hàng. Chiều ngày 20/4/2020, Trung đi từ nơi ở tại Bắc Ninh bằng xe máy và mang theo khẩu súng K59 với mục đích tìm ngân hàng có sơ hở để thực hiện hành vi cướp tài sản. Sau khi gây án, Trung lái xe bỏ chạy theo tuyến QL3 hướng lên Thái Nguyên, liên hệ với các đối tượng Giáp Ngọc Ninh, Chu Đức Chính để giúp gã trốn chạy. Sau gần một tuần từ khi vụ án xảy ra, Công an TP Hà Nội đã bắt được đối tượng gây án và hai kẻ giúp sức cho hắn.

Cũng theo cơ quan công an, trong vụ cướp xảy ra tại ngân hàng Techcombank Sóc Sơn, nhân viên và bảo vệ của ngân hàng đã rất may mắn khi không bị đối tượng bắn trúng. Được biết, khi bị đối tượng dùng súng uy hiếp, giao dịch viên của ngân hàng này nghĩ đó là súng giả nên đã không làm theo mà quay sang bấm chuông báo động. Thấy vậy đối tượng đã nổ súng, khiến cho một mảng tủ sắt bị xuyên thủng. Trong lúc trốn chạy, đối tượng có lẽ cũng "run" tay nên đã bắn trượt bảo vệ ngân hàng!

3.Theo Trung tá Vũ Đức Bình, Điều tra viên Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, ít năm trước anh từng thụ lý một vụ án cướp ngân hàng mà cũng thể hiện nhiều sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh. Cuối năm 2015, đối tượng Zhang Ze Ming (quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam du lịch và làm mất túi đựng tiền, hộ chiếu, thẻ ngân hàng... Anh ta nảy sinh ý định đi cướp tài sản để có tiền quay về Trung Quốc. Zhang Ze Ming đã chuẩn bị 1 chiếc búa đinh, 1 đôi găng tay, 1 khẩu trang rồi đi tìm địa điểm để thực hiện ý định của mình.

Khoảng 9 giờ ngày 29/10, Zhang Ze Ming đi đến Ngân hàng Viettinbank chi nhánh Bắc Hà Nội có địa chỉ 18 Hàng Đậu (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Anh ta lên quầy giao dịch trên tầng 2 nhưng thấy đông người nên ngồi chờ. 

30 phút sau khi thấy phòng giao dịch đã bớt người, Zhang đến quầy giao dịch gặp nhân viên ngân hàng rồi nói bằng tiếng Trung Quốc nhưng chị này không hiểu. Zang lấy 1 tờ giấy khổ A4 và ghi dòng chữ "Give me 10.000.000 dong" (có nghĩa là đưa cho tôi 10 triệu đồng) và đưa cho nhân viên này.

Nhân viên này cầm tờ giấy, vờ không hiểu rồi đưa cho một nhân viên khác để chị này bấm điện thoại xin hỗ trợ. Zhang phát hiện thấy lập tức đi nhanh vào phía trong quầy giao dịch, vừa đi vừa giơ búa lên rồi hét lớn và chỉ tay vào két sắt, ý nói là mở két sắt đưa tiền.

"Đối tượng chỉ có trong tay một cái búa đóng đinh bình thường mà tất cả các nhân viên ngân hàng đều dạt hết về một phía miệng kêu a..a, giơ hai tay lên cao qua đầu để đầu hàng. Ngay cả nhân viên bảo vệ cũng run cầm cập, đứng im như tượng gỗ. May mắn là một nam nhân viên ngân hàng kịp thời chạy từ tầng 3 xuống hô hoán mọi người bắt giữ đối tượng" - Trung tá Bình chia sẻ.

Tháng 11/2017, tại Ngân hàng chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Chương Mỹ ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ cướp nghiêm trọng. 

Khoảng 16 giờ cùng ngày khi khách hàng đang giao dịch khá đông, đối tượng Trần Văn Thành trà trộn vào và cướp giật số tiền 200 triệu đồng của khách hàng đang đặt tại quầy thu ngân. Bị cướp bất ngờ, nạn nhân và các nhân viên ngân hàng đã nhanh chóng hô hoán kêu cứu. Đúng lúc này, một tổ công tác của Công an huyện Chương Mỹ trong quá trình đi tuần tra, kiểm soát trên địa bàn nghe thấy tiếng kêu đã nhanh chóng tiếp cận. Tổ công tác đã tóm gọn Thành cùng toàn bộ tang vật của vụ án.

Lời khai của đối tượng đã cho thấy nhiều sơ hở của chi nhánh ngân hàng này. Đó là khi đối tượng vào giả vờ giao dịch thì quan sát thấy chi nhánh này không hề có camera, bảo vệ ngân hàng thì mải mê ngồi đọc báo, gọi điện thoại!

Theo một lãnh đạo Phòng CSHS, công tác bảo vệ ở nhiều ngân hàng hiện nay còn mỏng, có nơi không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa để phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án đối phó. Bên cạnh đó, hệ thống báo động và phát tín hiệu còn thiếu, nhiều khi còn bị trục trặc; nhân viên bảo vệ ít và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhân viên ngân hàng còn thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống phát sinh.

Chính vì thế, để đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhân viên bảo vệ cần phải được huấn luyện về nghiệp vụ, biết được tính năng nguy hiểm của vũ khí, có võ thuật tự vệ, xử lý từng tình huống… Trong thời gian làm việc, nhân viên bảo vệ luôn phải quan sát, theo dõi mọi con người, hoạt động trong trụ sở, đặc biệt là để mắt đến các đối tượng vào trụ sở mà không giao dịch. Tuyệt đối không sử dụng điện thoại để giải quyết việc cá nhân. Nếu có trên 2 bảo vệ thì cần biết phối hợp vòng trong vòng ngoài.

Một số ngân hàng lớn đã đầu tư trang thiết bị, biện pháp an ninh như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động... song cần đặc biệt chú trọng đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho nhân viên ngân hàng, ứng xử trong tình huống xảy ra cướp.

M. Tiến - M. Trí
.
.