Khép lại phiên xét xử vụ lừa bán đất ảo chiếm tiền tỉ: Dư âm nặng nề

Thứ Ba, 27/05/2014, 20:30

Không còn cái kiểu phớt lờ mọi cáo buộc của các nạn nhân như phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm ngày 29/4, sáng 6/5, cô giáo biến chất lắm mưu ma chước quỷ Nguyễn Minh Hà đến tòa với vẻ mặt bần thần, căng thẳng và tiều tụy. Bị đại diện Viện KSND đề nghị án chung thân cho cả hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và liên tục bị HĐXX "bắt bài" khi càng khai báo quanh co, gian dối thì càng lộ bản chất nên dường như thị đã thấm đòn.

Án chung thân được tuyên, thị Hà đã phải đền tội, nhưng phía sau chuỗi hành trình tung hoành của thị trong thời gian qua mà Chuyên đề ANTG đã nhiều lần phanh phui, làm rõ, song người ta thấy vẫn còn đó những dư âm nặng nề phía sau bản án này.

Án đã tuyên nhưng lòng người vẫn còn trĩu nặng

Sáng 6/5, vẫn gương mặt bình thản, vẫn cái kiểu phớt lờ ánh mắt đầy căm hận và cả những lời đay nghiến từ những con người bị con gái mình dùng giấy tờ giả và miệng lưỡi xảo ngoa tròng "thòng lọng" vào cổ, bà Vương Thị Tâm Hương, mẹ của Nguyễn Minh Hà tiếp tục đến tòa động viên tinh thần con gái. Thị Hà có đông anh em và lúc hoàng kim của thị, thị có lắm kẻ bu quanh, có cả những "anh em" thân tình mà thị thường khoe là "thứ dữ" đủ sức chống lưng cho thị nhưng lúc này đây, chẳng thấy ai ngoài bà Hương đến dự tòa.

"Lúc được người này người kia giới thiệu, tôi như nhiều người khác chỉ biết loáng thoáng bà Tâm Hương, mẹ Hà, là cán bộ Tòa án quận Bình Thạnh. Một người như thế ai cũng nghĩ sống đường hoàng, đức độ, có quan hệ rộng, có hiểu biết và am tường pháp luật. Một cô giáo có mẹ như thế và có vẻ bề ngoài sang trọng, ở nhà cao cửa rộng thì mấy ai lại nghi ngờ là kẻ gian tà bao giờ… Bộc bạch trong tâm trạng đầy uất ức, chị Hoàng Lê (chồng chạy xe ôm, bị Nguyễn Minh Hà chiếm đoạt gần 400 triệu đồng) tâm sự đến bây giờ, chị vẫn không hiểu vì sao bà Tâm Hương lại để con gái mình trượt dài vào vòng tội lỗi đến như vậy.

Khi tiếp xúc, có rất nhiều nạn nhân dùng những lời lẽ rất nặng nề, nói về bà Tâm Hương mà chúng tôi không tiện nêu ra. Có nạn nhân vì quá căm phẫn còn chửi rủa bà này ngay tại sân tòa. Có người như chị Hoàng Dung (bị thị Hà chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng) nói không chỉ có thế, chồng bà Tâm Hương cũng bày tỏ thái độ khó hiểu khi nạn nhân của con mình đến đòi tiền: "Khi tôi đến đòi tiền, bà Tâm Hương nhiều lần thay mặt Hà đứng ra dàn xếp, xin khất nợ và cứ thế mà làm tới. Bực quá tôi làm căng thì chồng bả vạch ngực thách thức bảo không trả, muốn đâm chém gì thì tùy…".

"Tôi bị thị Hà dùng giấy tờ giả chiếm đoạt 800 triệu đồng, chồng tôi vì đau buồn đã phải chết trong túng quẫn mà thị Hà bị như vậy là quá nhẹ” - bà Từ Thị Phú, ngoài 70 tuổi, ngụ quận 2, căm phẫn.

Bà Tâm Hương là Hội thẩm nhân dân, nghĩa là người được tòa án quận Bình Thạnh mời thăng đường trong các phiên xét xử. Với vai trò này, bà Tâm Hương có quyền xét hỏi những người vi phạm pháp luật hay nhờ tòa phân xử trong những mối quan hệ tranh chấp dân sự. Là người hiểu luật, rành luật, theo các nạn nhân, với cương vị ấy, lẽ ra bà phải dùng kiến thức, kinh nghiệm để răn dạy con thì bà này "mở đường cho hươu chạy".

Bà Đoàn Bích bức xúc: "Ở phiên xét xử ngày 29/4, để xin giảm tội cho Hà, bà Hương đã nộp cho tòa kỷ niệm chương của ngành tòa án. Là người của luật pháp mà bà này dung dưỡng cho con gái làm nhiều điều ngang trái. Ngay cả tôi đây, gia đình bả cũng bỏ qua tất cả nghĩa tình sui gia... Để rồi đến khi con Hà lừa đảo gia đình tôi khánh kiệt mà họ vẫn nhởn nhơ coi như chuyện đã rồi. Thử hỏi trên thế gian này có ai tàn nhẫn hơn thế nữa?".

Theo kết luận của Cơ quan điều tra cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát thì bà Tâm Hương cùng chồng và các anh chị em của Nguyễn Minh Hà không liên quan gì đến chuỗi hành vi phạm tội của thị. Một số đối tượng khác như Mỹ, Trang… là cò đất và có mối quan hệ thân tình với thị Hà trước và sau khi thị bị bắt mà khi chúng tôi tiếp xúc, các nạn nhân khẳng định "đồng bọn của nó" cũng nằm ngoài vòng lao lý. Nói tóm lại chỉ có mình Hà chịu tội.

Thực hư những điều này chúng tôi không bàn sâu vì đó là việc của những người có trách nhiệm. Vấn đề ở đây là dù như thế nào thì bên cạnh một bộ phận nhỏ dư luận và có cả một số nạn nhân tin rằng một mình thị Hà thì không thể có được kịch bản lừa đảo hoàn hảo và tinh vi như vậy được.

"Có một phần lỗi của các bị hại"

Khi thăng đường xử vụ Nguyễn Minh Hà, lúc cho thị Hà đối chất với các nạn nhân, HĐXX đã nhận định hàm ý như thế, khi cả thảy những nạn nhân của Hà lúc được hỏi đều trả lời với đại ý họ mua đất nền dựa trên niềm tin, mua trên giấy chứ không rõ đất ấy nằm chính xác ở đâu, có thực sự của Hà hay không. Không ít nạn nhân cẩn thận hơn đòi Hà đưa đi xem đất thì được thị hoặc các cò đất mà thị bắt tay dắt đến miếng đất trống nào đó chỉ trỏ bảo là "đất của chị Hà".

Vậy là tin, là giao tiền mà không đi kiểm chứng bằng việc đến gặp chủ đầu tư hỏi cho cặn kẽ. Đến khi thấy thị Hà cứ lần lữa việc bàn giao đất, khi thấy thị cứ chơi bài "con ma nhà họ Hứa", các khổ chủ mới sinh nghi, khi ấy họ mới hộc tốc kiếm tìm chủ đầu tư hỏi thăm thì chuyện đã quá muộn.

Bản án tù chung thân cho cô giáo biến chất được các nạn nhân đồng tình.

Bà Lê Thị Thanh Sang (SN 1978, ngụ phường 5, quận Bình Thạnh) là một trong số đó. Tháng 11/2010, qua sự giới thiệu của những người thân quen, bà Sang biết được “cô giáo đại gia” đang có nhu cầu bán một số nền đất với giá rẻ bất ngờ, nếu mua chắc chắn sẽ có lời nên bà Sang tìm đến. Để chứng minh mình không nói dóc, thị Hà trưng ra bản hợp đồng dỏm số 16 mà thị ký kết với chủ đầu tư dự án nền nhà Chu Văn An ở phường 12 (quận Bình Thạnh). Với "bảo bối" này, Hà lập giấy tay bán cho bà Sang 2 nền đất A6 và A11 diện tích 8x25m với giá 1,8 tỉ đồng. Nhận tiền đặt cọc 700 triệu đồng, Hà hẹn sẽ sang tên cho bà Sang nhưng đến hẹn thì thị lại hứa, và hứa…

Thê thảm hơn bà Sang, bà Nghiêm Thu Hằng (SN 1966, ngụ quận Bình Thạnh) cũng bị thị Hà dùng bản hợp đồng số 16  "làm bùa" và "nuốt" của bà này đến 1,5 tỉ đồng tiền đặt cọc. Bà Võ Thị Kim Khuyên (SN 1969, ngụ phường 6, quận Bình Thạnh) cho biết cũng với bản hợp đồng số 16 tự tạo, thị Hà đã đưa bà vào tròng rồi "cắn" của bà 470 triệu đồng.

Cùng với hợp đồng dỏm số 16, thị Hà còn dùng 4 bản hợp đồng đầu tư nhà ở, đất nền khác bẫy nhiều người. Khi được chủ tọa Vương Văn Nghĩa cho "mặt đối mặt" với thị Hà và qua xét hỏi, không chỉ vị chủ tọa, các thành viên trong HĐXX mà nhiều người dự khán rất đỗi ngỡ ngàng khi hầu hết các nạn nhân bị lừa hàng trăm và hàng tỉ đồng kia có kiểu mua bán đất đai với Nguyễn Minh Hà dễ dàng hơn cả mua, bó rau, con cá…

Tiền chiếm đoạt đi đâu?

Theo như cáo trạng của Viện KSND, Nguyễn Minh Hà đã dùng thủ đoạn sử dụng bản vẽ, hóa đơn, hợp đồng hợp tác đầu tư giả để giới thiệu, bán các dự án nền đất không có thật để chiếm đoạt tiền đặt cọc của 18 bị hại với tổng số tiền 16.265.600.000 đồng. Như đã nói ở số báo trước, theo các nạn nhân, kỳ thực số tiền mà thị Hà chiếm đoạt  của các bị hại nhiều hơn con số trên rất nhiều.

Đơn cử một số trường hợp được cáo trạng ghi nhận kết quả điều tra là giao dịch dân sự: "Ngày 3/6/2010, Hà viết giấy vay 380 triệu đồng của ông Lê Bá Hân với lãi suất 5%/tháng, Hà khai đã trả cho ông Hân nhiều lần với số tiền 175 triệu đồng nhưng không có giấy tờ chứng minh. Ngày 10/6/2011, Hà làm hợp đồng thế chấp giấy tờ nhà để vay 1 tỉ đồng của ông Đinh Thái Hùng với lãi suất 3%/tháng nhưng đến thời điểm trả nợ, Hà không thực hiện như cam kết. Ngày 3/12/2011, Hà viết giấy vay 1,1 tỉ đồng của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh hẹn đến ngày 27/2/2012 sẽ trả nhưng sau đó không thực hiện"…

Nguyễn Minh Hà sau phiên xét xử.

Căn cứ vào đơn tố cáo và kết luận của Cơ quan điều tra, chúng tôi nhận thấy chuyện các bị hại phản ánh Nguyễn Minh Hà "ẵm" ít nhất hơn 30 tỉ đồng không phải là không có cơ sở. Số tiền chiếm đoạt lớn như thế nhưng lạ một điều là khi thị bị bắt giam, Cơ quan điều tra chẳng thu được một đồng xu nào. Cái sự lạ này theo dư luận là nhân lúc cơ quan chức năng còn "đủng đỉnh", thị Hà cùng người nhà đã kịp tẩu tán tài sản. Thị Hà không mua bán, làm ăn nên chuyện thị nói thua lỗ, trả lãi vay nóng là bịa đặt. Vì bịa nên khi tòa hỏi vay của ai thì thị… đớ họng. Số tiền ăn chơi, tiêu xài của Hà cũng chỉ là con số nhỏ trong tổng số tiền mà thị chiếm đoạt của các nạn nhân. Nhiều nạn nhân tố cáo, tiền chiếm đoạt được thị Hà dùng để mua vàng tích trữ. Bởi lẽ thị Hà không hề có bất kỳ một giao dịch nào đụng đến số tiền lừa đảo hàng chục tỉ này.

Bà Ngọc Anh cùng nhiều nạn nhân khác khẳng định: họ có cơ sở để tin chắc rằng Nguyễn Minh Hà tẩu tán tài sản và thay vì dùng số tiền đó để khắc phục hậu quả thì Hà cùng người thân dùng tiền bất chính để làm những điều khuất tất. "Đến bây giờ Hà vẫn nghĩ "đa kim ngân phá luật lệ". Ngay khi chủ tọa vừa tuyên bản án tù chung thân, lúc được các chiến sĩ công an giải ra ngoài phòng xử, Hà đã nói với bà Tâm Hương đại ý: mẹ đừng lo và cứ theo kế hoạch… Điều đó cho thấy thị còn rất nhiều tiền và thị đang tính chạy tội ở cấp cao hơn" - bà Đoàn Bích, Việt kiều Mỹ, nạn nhân của Nguyễn Minh Hà, phỏng đoán. Bà Bích nói rằng chỉ vài hôm nữa, bà về Mỹ, dù vẫn còn nhiều bức xúc quanh vụ việc nhưng về cơ bản, bà rất mãn nguyện vì cái kết cục đền tội của Nguyễn Minh Hà.

"Hai ngày trước mẹ tôi lâm trọng bệnh phải vô cấp cứu trong bệnh viện, khi dọn phòng cho mẹ, tôi thấy một bọc nylon quấn nhiều lớp giấu trong chiếc gối cũ mà bà thường dùng, cứ nghĩ đó là những giấy tờ quan trọng hay là tiền bạc cũ cất giữ để dành, nhưng khi mở ra thì thấy chỉ có tờ báo ANTG, số đầu tiên nói về hành vi lừa đảo của Minh Hà. Điều đó cho thấy sau những bức xúc và mất niềm tin, mẹ tôi đã tin tưởng vào sự đấu tranh quyết liệt của Ban biên tập báo CAND trước kẻ gian manh, xảo trá, nên bà mới trân quý tờ báo đến như vậy" - bà Đoàn Bích tâm sự trong nước mắt.

Về cơ bản, vụ án Nguyễn Minh Hà tạm khép lại nhưng sự tranh đấu đòi quyền lợi bị chiếm đoạt của các bị hại vẫn còn đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và sẽ trở lại khi có thông tin mới nhất!

Xuân - Thành
.
.