Khi "choai choai" gây án

Thứ Bảy, 12/09/2009, 17:40
Có thể đó là cậu nhóc đang đi học tại một trường THPT nào đó trên địa bàn thành phố, kẹt tiền xài bèn rủ thêm vài người bạn cũng… kẹt tiền không kém đi ăn cướp và bị bắt. Cũng có thể, đó là một cậu nhóc sống dặt dẹo nơi hè phố hoặc lớn lên trong khu ổ chuột, 10 tuổi đã biết hút thuốc lá, chơi tài mà. 11 tuổi theo đàn anh tập tành đi “đá đổng”. 15 tuổi đủ chuẩn để cầm đầu một băng cướp chuyên gây án lúc nửa đêm...

Những băng cướp tuổi thiếu niên thường có cách gây án khác nhau và cũng luôn để lại những câu hỏi lớn về trách nhiệm xã hội sau khi chúng sa lưới...

1. Trước đây, khi thực hiện những bài viết về tình trạng thiếu niên “bỗng dưng gây án” mà nhiều người thường gọi khác đi là “bạo lực học đường” tôi cảm nhận rất rõ sự bốc đồng của các “sát thủ” đang trong lứa tuổi cắp sách này. Có thể đâm chết bạn vì một câu cãi vã, gây thương tật cho người khác vì cái liếc mắt hoặc đơn giản chỉ là vì “nhìn cái mặt thằng đó thấy ghét”, bị nhại tiếng, do ghen tuông...

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này cũng đồng thuận với quan điểm “Đó vẫn là sự phát triển quá mãnh liệt của “cái tôi” lẫn nhu cầu tự khẳng định. Nhiều bạn trẻ chưa được giáo dục một cách kỹ lưỡng về việc nhận thức bản thân, về kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng biết chấp nhận người khác..., dễ dẫn đến việc làm cho “cái tôi” phát triển quá “khổ”. Khi “cái tôi” quẫy đạp sẽ làm cho các em bằng cách này hay cách khác để tự khẳng định mình. Điều đó làm cho các em có những hành vi quá khích với người khác trong cuộc sống.

Ở một phương diện khác, nhiều bạn trẻ cũng tìm cách khẳng định mình bằng những hành động ngây ngô, hành vi “hoành tráng” và đầy màu sắc để nghĩ rằng mình sẽ nổi bật nhưng chưa chắc đó lại là cách hợp lý. Sự chông chênh giữa cái muốn và cái đang có, giữa cái nghĩ và cái làm, giữa suy nghĩ của mình và đánh giá của người khác làm cho tuổi vị thành niên diễn biến hết sức phức tạp”. Đó là nhận định của một chuyên gia có uy tín, nhiều năm làm công tác nghiên cứu tâm lý của thiếu niên. Tuy nhiên, thiếu niên vẫn có những phút không bốc đồng mà gây án có tổ chức, như là những băng tội phạm chuyên nghiệp hẳn hoi.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP HCM vừa đưa ra xét xử vụ án “cướp tài sản” do Lê Tấn Phát, Trương Thị Trúc Linh, Hồ Xuân Hạnh và Tôn Thất Anh Tuấn thực hiện. Những đối tượng này, có người đang theo học lớp 12 tại một trường THPT, có em sinh năm 1990. Thời điểm gây án là vào tháng 9/2008. Để có tiền tiêu xài, Phát, Linh, Hạnh và Tuấn bàn nhau đi cướp tài sản bằng thủ đoạn yêu cầu cửa hàng đổi ngoại tệ cho nhân viên mang tiền đến nhà để trao đổi ngoại tệ với số lượng lớn. Sau đó, 4 đối tượng này sẽ lừa nhân viên mang tiền đến nơi vắng vẻ để... cướp.

Thống nhất thủ đoạn thực hiện, Phát yêu cầu Hạnh và Linh đến cửa hàng thu mua ngoại tệ trên đường Lê Lợi (quận 1) để liên hệ đổi ngoại tệ và lấy số điện thoại. Sáng ngày 16/9/2008, Phát dùng xe Nouvo chở Hạnh và Tuấn đi khảo sát những địa điểm vắng vẻ có thể thực hiện hành vi cướp tài sản. Và cuối cùng, cả 3 chọn địa điểm tại hẻm 83 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh.

Có được địa điểm “hợp lý”, cả 3 quay về nhà trọ của Linh ở đường Nguyễn Thượng Hiền. Tại đây, Phát bảo Linh dùng điện thoại di động gọi cho cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi, yêu cầu cho nhân viên mang tiền đến nhà để đổi 20.000 USD. Khi nhận được sự đồng ý của cửa hàng, Linh hẹn nhân viên giao dịch đến hẻm 83 Đinh Bộ Lĩnh, đúng theo kế hoạch mà cả nhóm đã bàn. Lúc này, Phát điều Hạnh và Linh ra chợ Bà Chiểu mua hung khí để thực hiện vụ cướp là 3 con dao lưỡi inox, cán đen. Để có thêm hung khí, lúc Linh và Hạnh mang 3 con dao về phòng trọ, Phát lấy thêm ngay tại phòng trọ 2 ống tuýp sắt bỏ tất cả vào balô màu đen mang theo bên mình đến điểm hẹn với nhân viên giao dịch của cửa hàng thu đổi ngoại tệ.

Một số thành viên trong băng cướp tài sản do đại ca 15 tuổi cầm đầu.

14h cùng ngày, chị Tạ Thị Bảo Xuyên là nhân viên giao dịch của cửa hàng mang theo số tiền 381 triệu tương ứng với số tiền quy đổi là 20 nghìn USD cùng máy chụp ảnh và một số vật dụng khác bỏ trong cốp xe honda SCR đến địa điểm mà Linh đã hẹn trước. Đến chân cầu Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) gần đường Đinh Bộ Lĩnh, chị Xuyên gọi điện thoại cho Linh báo là đã mang tiền đến địa chỉ Linh cho, nhưng không tìm thấy nhà và sẽ chờ Linh ở số nhà 20 thuộc hẻm 83.

Nghe tin Linh báo “con mồi” đang ngồi đợi tại địa điểm trên cùng đặc điểm nhận dạng chị Xuyên, Phát liền lấy xe gắn máy chở Hạnh, Tuấn chở Linh cùng đến địa chỉ mà chị Xuyến đang ngồi chờ. Trên đường đi, Phát mua 2 khẩu trang đưa cho Linh một cái, cái còn lại Phát sử dụng. Đến nơi, phát hiện chị Xuyên đang ngồi đợi trước cửa nhà số 20, Phát bảo Linh đón xe ôm về phòng trọ trước, còn Tuấn và Hạnh nhanh chóng tấn công “con mồi”. Hạnh dùng ống tuýp sắt đánh vào lưng, còn Tuấn dùng tay không tấn công liên tiếp vào chị Xuyên.

Bất ngờ vì bị tấn công, chị Xuyên ngã xuống xe nhưng vẫn cố gắng ôm lấy xe, bảo vệ số tiền đang để trong cốp xe. Phát hiện chuyện này, Phát dùng chân đạp cật lực vào mặt chị Xuyên và yêu cầu Hạnh lấy xe chị Xuyên chạy về nhà trọ của Linh ở đường Nguyễn Thượng Hiền trước, còn Phát và Tuấn sẽ tẩu thoát sau.

Sau khi “thành công” với phi vụ cướp tiền này, tại nhà trọ của Linh, Phát “kiểm kê” tài sản cướp được gồm có: 381 triệu đồng, 1 máy ảnh hiệu Canon cùng một máy tính. Phát lấy 175 triệu và máy ảnh, còn lại 206 triệu thì bọn Linh, Tuấn và Hạnh chia nhau. Chiếc xe SCR tạm thời để tại phòng Trọ của Linh chờ tiêu thụ sau. Một tuần sau đó, Phát đem chiếc xe này đến khu vực Cầu Kiệu bán được 4 triệu đồng. Có tiền trong tay, 4 đối tượng nhanh chóng lao vào ăn chơi... Vài trăm triệu đồng tiền cướp được nhanh chóng “bốc hơi”.

Lúc này, Cơ quan Công an cũng đã nắm được lai lịch của các đối tượng khả nghi trong vụ cướp tiền của chị Tạ Thị Bảo Xuyên vào chiều ngày 16/9. Ngày 18/10, Tuấn và Phát bị Cơ quan Công an TP HCM bắt khẩn cấp, hôm sau thì Hạnh và Linh ra đầu thú. Tại Cơ quan điều tra, không quá khó khăn trong đấu tranh để 4 đối tượng này khai báo tất cả hành vi phạm tội của chúng. Tại phiên tòa, hành vi của nhóm cướp thiếu niên này được đánh giá là “nguy hiểm cho xã hội cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật” và 45 năm tù cho “phi vụ” 381 triệu là cái giá mà các đối tượng này phải trả cho hành vi phạm tội của mình. Cánh cửa tương lai, có vẻ như đã khép lại quá sớm đối với những thanh thiếu niên “thích tiền mà không thích lao động” này.--PageBreak--

2. Giữa tháng 8/2009, Cơ quan CSĐT Công an quận 1, TP HCM đã bắt được nhóm đối tượng chuyên cướp tài sản trên phố, bao gồm 7 đối tượng. Các nghi can bị bắt gồm: Nguyễn Văn Quý, Lê Duy Khánh, Hồ Hồng Bảo, Phạm Trung Hiếu, Trần Văn Đức, Nguyễn Hồng Phúc và Phan Nguyễn Thiện Tâm đều ngụ quận Bình Thạnh. Hầu hết các đối tượng trong băng cướp đều không đến trường và không có nghề nghiệp, độ tuổi từ 15 đến 23.

Trong quá trình truy vấn, xác định được rằng Nguyễn Văn Quý, tức Quý “mọi”,  chính là đại ca của cả băng cướp này. Quý “mọi” cũng là thành viên có số tuổi ít nhất trong cả bọn, Quý năm nay vừa tròn 15 tuổi. Có lẽ, sau khi sa lưới, giới giang hồ hè phố sẽ đặt cho Quý cái biệt danh mà nhiều tờ báo đã đặt là “Đại ca tuổi 15”. Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra cho thấy, đây là băng cướp liên quận hoạt động từ nhiều tháng nay và đã gây ra hàng loạt vụ cướp trên địa bàn thành phố.

Thủ đoạn cướp tài sản của bọn chúng khá đơn giản, dưới sự chỉ huy của Quý “mọi”, bọn chúng sẽ cho xe rảo quanh các tuyến đường trên địa bàn TP HCM. Sau khi phát hiện con mồi thường là những phụ nữ đi xe một mình trong đêm tối, ở những đoạn đường vắng người hoặc những người đàn ông say xỉn... Bọn chúng sẽ cho xe áp sát vào “con mồi” và nhanh chóng tấn công tới tấp bằng đấm, đá và cả... nón bảo hiểm. Sự tấn công liên tục và bất ngờ thường khiến nạn nhân quăng xe để thoát thân. Cứ mỗi lần như vậy là một lần Quý “mọi” cùng 6 đàn em lại thành công trong một phi vụ cướp tài sản. Cho đến nay, Cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra hành vi của nhóm cướp tài sản này.

Trước đó, Công an quận Phú Nhuận, TP HCM  cũng đã bắt được 4 nghi can chính trong băng nhóm chuyên cướp xe đạp của học sinh. Hầu hết các đối tượng này đều trong độ tuổi từ 13 đến 16, cùng ngụ tại quận Phú Nhuận. Ban đầu, các nghi can đã thừa nhận hành vi cướp tài sản của mình và khai nhận đã gây ra ít nhất 3 vụ cướp xe của học sinh quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.

Với thủ đoạn là canh đúng vào trước giờ tan trường, nhóm này thường kéo đến các cổng trường, quan sát học sinh nào đi xe xịn liền chia nhau bám theo, khóa chặt “con mồi” rồi ép đến nơi vắng, dàn cảnh đánh nhau và cướp tài sản. Băng nhóm này đã gây kinh hoàng cho học sinh phổ thông ở địa bàn hai quận trên một thời gian, nhưng nhiều học sinh không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Khi phụ huynh làm đơn kêu cứu, lực lượng cảnh sát đã vào cuộc. Trong khi thực hiện vụ cướp tại quận Bình Thạnh, 4 thành viên của băng nhóm này đã bị bắt giữ. Số tiền kiếm được từ việc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đã được các tay cướp nhí này nướng vào trò chơi điện tử.

Rồi rất nhiều những vụ gây án khác, như: người giúp việc nhà 17 tuổi giết chủ nhà để có tiền đi mua sắm, sát thủ tuổi 15 giết người vì muốn có tiền chơi game online... Những “cái đầu nóng” của lứa tuổi thiếu niên cộng thêm việc “quen xài tiền, không quen làm” dễ dẫn đến các hậu quả đau lòng khác.

3. Tham gia các buổi trao đổi phỏng vấn với các chuyên gia tư vấn tâm lý, những nhà xã hội học cho đến những buổi hội thảo nhằm tìm giải pháp cho vấn đề “Tội phạm vị thành niên” chúng tôi nhận thấy rằng hầu như ai cũng nhìn nhận được bản chất của vụ việc chính là tâm lý của lứa tuổi thiếu niên rất phức tạp, khó phỏng đoán và thường nảy sinh những ý nghĩ bất bình thường khác. Nhưng, biết là một chuyện, có giải pháp lại là chuyện khác và thực hiện được giải pháp lại là một chuyện khác nữa.

Tôi nhớ có lần tham dự tại phiên tòa mà bị can là một thiếu niên phạm tội “giết người, cướp tài sản”. Khi chủ tọa hỏi mẹ một bị can về cách giáo dục, chăm sóc và quan tâm con cái trong nhà như thế nào, người mẹ này đáp như không cần suy nghĩ “Thì tại tui bận làm ăn. Thỉnh thoảng thấy con đi chơi qua đêm cũng cho đó là chuyện thường. Chứ ai có dè đâu nó lại hư như vậy”. Cái điệp khúc mà các bậc làm cha mẹ thường nói nhất trước tòa, mỗi khi con họ bị xét xử vì các tội danh nghiêm trọng thường là: “Ở nhà nó ngoan lắm..”, hoặc: “Thấy nó đi chơi với bạn, tưởng là bạn tốt. Ai ngờ...”. Tất tần tật mọi thứ đều được đổ lỗi cho công việc, cho hoàn cảnh neo đơn. Ít ai đủ dũng khí để thừa nhận rằng, con họ phạm tội là bởi sự buông lỏng của gia đình.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, trao đổi với chúng tôi qua e-mail là “thực trạng của xã hội càng lúc càng phức tạp, hành vi của thiếu niên hiện tại “chông chênh” quá, những chuẩn mực hành vi trong văn hóa có phần bị xem nhẹ. Để có thể giải quyết vấn đề này vẫn phải bắt đầu từ giáo dục gia đình vì cha mẹ phải luôn đồng hành với gia đình trong chuyện giáo dục nhân cách cho con cái. Và điều quan trọng hơn cả, thanh thiếu niên cần phải có những kỹ năng sống”.

Rõ ràng, cốt lõi của vấn đề vẫn là chuyện giáo dục ngay từ gia đình. Và nếu như không làm được chuyện này thì cũng có thể, sự không quan tâm, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tỉ lệ gây án của các thiếu niên ngày càng tăng và tính chất của vụ việc ngày càng phức tạp. Gần như đã hình thành các nhóm tội phạm chuyên nghiệp với những tay “đại ca” là các cậu nhóc mặt búng ra sữa.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân mà ít người để tâm đến chính là rèn luyện kỹ năng sống cho thiếu niên. Thiếu những kỹ năng sống, thiếu niên dễ lâm vào trạng thái hoảng loạn và bế tắc khi gặp các sự cố đời sống và chuyện hành xử tiêu cực sẽ là chuyện đương nhiên xảy ra.

Bao giờ, kỹ năng sống của thiếu niên đi kèm với sự quan tâm của gia đình được bàn đến như là giải pháp sống còn trước vấn nạn “thiếu niên gây án” thì lúc đó, mới có thể hy vọng chuyện đứng trước vành móng ngựa không phải là những gương mặt trẻ thơ, thảng thốt vì những hành động sốc nổi trong một phút bốc đồng của chính mình

Kinh Luân
.
.