Khi lương tâm bị khuất phục bởi... đồng tiền
- Bắt nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai
- Vụ thổi giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai: Núp bóng xã hội hóa để chặt chém người bệnh
Từ một đề án đặt mục tiêu vì người bệnh lên hàng đầu lại bị các bị can lợi dụng, nâng giá nhằm "móc túi" người bệnh. Họ, những người bị khởi tố phải chăng đã để lương tâm của mình cho tiền tài khuất phục?
Cái bắt tay "dưới gầm bàn"
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, (nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai) vào ngày 25/9/2020.
Hành vi phạm tội của các bị can liên quan đến đề án liên doanh, liên kết lắp đặt Hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và Robot trợ giúp chính xác Rosa, liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Cổ phần Công nghệ BMS (Công ty BMS).
Ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Trước đó, ngày 31/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan. Liên quan đến vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS); Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).
Theo kết quả điều tra ban đầu, Bệnh viện Bạch Mai được công nhận là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh Hạng đặc biệt theo Quyết định số 186/QĐ-BNV ngày 25/1/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đây là đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Bộ Y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu.
Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên bệnh viện để lắp đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số khoa. Đến nay, có 10 đề án đã thanh lý hợp đồng, còn 27 đề án xã hội hóa đang hoạt động. Trong số này, Công ty BMS được biết là đối tác quan trọng của Bệnh viện Bạch Mai với hàng loạt thiết bị đã được lắp đặt theo hình thức xã hội hóa.
BMS đã triển khai lắp đặt hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh tại khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não. Theo đó, Robot Rosa (xuất xứ Pháp) có tổng giá trị đầu tư là 39 tỉ đồng. Vốn do bên B đầu tư, thời hạn liên kết là 7 năm (2017-2024).
Sau khi trừ chi phí thuế TNDN và các chi phí chung (bao gồm cả chi phí bảo hiểm rủi ro và chi phí phải trả lãi vay ngân hàng), bên A được hưởng 50%, bên B 50% chênh lệch thu chi. Tuy nhiên, theo báo cáo từ CV10/2019/BMS, ngày 22/10/2019 của Công ty CP công nghệ BMS cho thấy, giá của các thiết bị theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) là 7,056 tỉ đồng.
Chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ là 2,5 tỉ đồng; chi phí thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ Y tế là 1,08 tỉ đồng; thuế VAT 5% là 352,83 triệu đồng. Như vậy, tổng tất cả các chi phí khi mua máy Robot Rosa là hơn 10,9 tỉ đồng. So với con số 39 tỉ đồng được ghi trong hợp đồng, số tiền bị đội vống lên gấp gần 4 lần.
Theo tính toán, nếu theo giá thực, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh khoảng hơn 4 triệu đồng, nhưng với giá khống thì số tiền thu thực tế của bệnh nhân lên tới 23 triệu đồng/ca.
Trong các năm 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch các đối tượng chiếm đoạt, hưởng lợi khoảng hơn 10 tỉ đồng. Với việc thổi giá trị máy robot Rosa dùng trong phẫu thuật sọ não lên gấp 4 lần so với giá thực, hàng trăm bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai đã bị "móc túi" với khoản tiền 10 tỉ đồng.
Vai trò chính của nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong quá trình triển khai, Bệnh viện Bạch Mai xảy ra nhiều sai sót về quy trình, thủ tục.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán Trưởng Bệnh viện Bạch Mai. |
Điển hình là việc ban hành chủ trương liên doanh, liên kết không có văn bản thống nhất giữa Ban giám đốc, Đảng ủy và tổ chức công đoàn; không tổ chức lựa chọn đối tác liên kết theo quy định; chủng loại thiết bị, hình thức liên kết; đề án chưa được cơ quan quản lý Bộ Y tế phê duyệt; vi phạm nguyên tắc xác định giá trị tài sản dùng để liên doanh, liên kết; xác định nguyên giá tài sản cố định và khấu hao…, dẫn tới các công ty nâng giá thiết bị đưa vào liên doanh liên kết gây thiệt hại cho người bệnh và quỹ bảo hiểm y tế.
Bộ Công an cũng nêu rõ, quá trình điều tra, đã làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Ban đầu, Cơ quan điều tra nhận định, các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận đã có hành vi phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá, việc đưa vào sử dụng hệ thống robot nhằm "mang đến cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị công nghệ cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc ra nước ngoài điều trị". Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã làm rõ vai trò của Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm trong việc nâng khống giá thiết bị y tế đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Anh lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, đã có hành vi vụ lợi và động cơ cá nhân làm trái các quy định tại Thông tư 17/2007 của Bộ Y tế, Thông tư 45/2003 của Bộ Tài chính và Quy chế 288/BM của Bệnh viện Bạch Mai để chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỉ đồng không có căn cứ, không đúng thực tế, chiếm đoạt tiền điều trị của người bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền có hành vi thực hiện theo chỉ đạo, ủy quyền của Nguyễn Quốc Anh đã ký các thủ tục đề nghị thẩm định giá, hợp đồng thẩm định giá để hợp thức nâng giá Robot Rosa lên 39 tỉ đồng không có căn cứ.
Bà Trịnh Thị Thuận có vai trò quan trọng trong việc tham mưu, rà soát các số liệu, tài liệu tài chính kế toán để trình ký nháy đề án, hợp đồng liên doanh liên kết; tính toán chính xác cơ cấu chi phí, nguyên giá Robot Rosa để tính khấu hao và thực hiện thủ tục đối chiếu công nợ, thanh toán tiền cho Công ty BMS sau khi đề án được triển khai.
Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Quốc Anh có vai trò chính. Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận có vai trò giúp sức, là đồng phạm của ông Nguyễn Quốc Anh.
Khắc phục mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế
Đầu tư cho y tế là khoản đầu tư tốn kém, xã hội hóa để tư nhân và các tổ chức xã hội tham gia đầu tư, gánh bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước.
Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bạch Mai |
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách xã hội hóa y tế mà Việt Nam đang áp dụng, đưa tư nhân vào các bệnh viện công như hiện nay đang biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế, mập mờ công tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người. Khi cơ chế hoạt động không rõ ràng, mập mờ công tư, việc những người có quyền sử dụng nguồn lực công, mượn danh nghĩa xã hội hóa y tế để trục lợi là chuyện khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, việc nâng khống giá trị máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là một trong các chiêu trò làm giàu cho các nhóm lợi ích trong y tế công, nhân danh xã hội hóa y tế để trục lợi. Đây là mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế cần phải được giải quyết.
Việc xã hội hóa y tế không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai mà ở hầu hết các bệnh viện công, nếu không giải quyết rốt ráo mặt trái này thì khả năng xảy ra những trường hợp trục lợi khác không phải là cá biệt. Y tế Việt Nam cần có một chính sách xã hội hóa đúng đắn sao cho ngành y phát triển tốt về mặt chuyên môn kỹ thuật, người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển, không phải bị thiệt thòi từ sự phát triển này.
Nhiều ý kiến đưa ra khẳng định cần minh bạch hóa hợp đồng liên danh, liên kết, hợp tác kinh doanh. Việc đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp hợp tác cung cấp thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công theo dạng xã hội hóa đều phải thực hiện công khai. Ở một số nước, khi các nhà đầu tư thực hiện dự án, họ đều kiểm toán tài sản đầu tư là bao nhiêu, có đúng giá thị trường không, trường hợp chi phí đầu tư cao hơn giá thị trường sẽ không được chấp nhận. Vì nếu để vậy nhà đầu tư sẽ không còn lợi nhuận, nhà nước không thu được thuế từ nhà đầu tư.
Trong khi các chính sách về xã hội hóa trong ngành y vẫn đang trong giai đoạn vừa làm vừa hoàn thiện, để khắc phục và hạn chế được những tồn tại, thì vấn đề quan trọng là đạo đức, lương y của những lãnh đạo bệnh viện và các y bác sĩ - những người trực tiếp tư vấn cho người bệnh sử dụng các thiết bị xã hội hóa tại bệnh viện. Làm sao để người nghèo vẫn có cơ hội chữa bệnh, không phải bất lực trở về khi giá chữa bệnh quá cao mà nguyên nhân là do những chi vô lý từ thiết bị y tế.
Ông Nguyễn Quốc Anh, sinh năm 1959, quê xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông Quốc Anh là PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động. Ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từ 2009 - 2019. Ông có gần 30 năm công tác và gắn bó với Bệnh viện Bạch Mai. Một trong những đóng góp đáng kể nhất của PGS.TS Nguyễn Quốc Anh là gây dựng và phát triển Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện, áp dụng và triển khai các kỹ thuật mới vào điều trị bệnh nhân. Quá trình công tác, ông Nguyễn Quốc Anh từng trải qua các chức vụ như: Hiệu trưởng Cao đẳng y tế Bạch Mai, Phó trưởng khoa Y - Dược trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó trưởng Bộ môn Gây mê Hồi sức trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Kết quả xác minh cho thấy, đã có từ 2-7% doanh thu của các hệ thống máy trong các đề án liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai đã được chuyển về các khoa thụ hưởng. Chỉ tính 25 đề án triển khai thì các khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã thu được khoảng 209 tỉ đồng. Riêng khoa Chẩn đoán hình ảnh được nhận 134,4 tỉ đồng. Số tiền thu trên sau khi bệnh viện trích về các khoa đã chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo của bệnh viện; trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo các khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỉ đồng, đây được xác định là hành vi mang tính vụ lợi. |