Khi nắm đấm thay lời yêu thương

Thứ Ba, 03/09/2019, 16:34
Những ngày qua, hình ảnh một gã đàn ông thẳng tay tung quyền đánh ngã người vợ khi đang bế đứa con mới 2 tháng tuổi trên tay, đã gây "địa chấn" trong dư luận cộng đồng.

Vụ bạo hành này nối dài thêm danh sách những cuộc xung đột gia đình gây hậu quả thương tâm trong thời gian gần đây. làm gì để tránh tái diễn hiện tượng xấu xí này và bảo vệ những nạn nhân của nạn bạo hành.

Cạn nghĩ hay cạn tình

Xung đột dùng đến nắm đấm không phải chuyện hiếm trong đời sống vợ chồng ở gia đình Việt, nhưng cảnh gã chồng hùng hổ ném đồ rồi thoi những quyền như điên dại vào mặt vợ khi đang bồng bế đứa con thơ, làm 2 mẹ con nhiều lần ngã lăn ra nền nhà, chỉ vì người vợ muốn kê lại tivi trong nhà… thì sự việc đã gây phẫn nộ cộng đồng.

Đoạn clip ghi lại hành động man rợ của Nguyễn Xuân Vinh (ở chung cư CT1B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đối với vợ con của mình, ngay sau khi phát tán trên không gian mạng vào sáng 27-8 đã gây chấn động dư luận.

Hình ảnh Nguyễn Xuân Vinh hành hung dã man vợ tại nhà riêng, được cắt ra từ clip.

Được cho là thầy dạy võ tán thủ ở huyện Mê Linh, nhưng qua những gì mà Vinh hành xử với vợ con mình, cho thấy đó chỉ là một kẻ võ biền bỉ lậu, cạn nghĩ và cạn tình. Giới võ thuật Hà Nội cũng lập tức lên tiếng, lên án hành vi vô nhân tính của Nguyễn Xuân Vinh và xác nhận anh ta không phải là võ sư chính thống, không sinh hoạt tại một tổ chức võ thuật nào.

Trao đổi với báo chí, chị Vũ Thu L. cho biết tình trạng cuộc sống chung "cơm không lành, canh chẳng ngọt" của 2 người đã lâu. Kết hôn năm 2011 nhưng chỉ 2 năm sau, họ đã ra tòa xin ly hôn vì không hòa hợp. Sau đó, vì Vinh xin lỗi vợ cùng gia đình bên ngoại, thương con trai nhỏ mới hơn 1 tuổi (tại thời điểm đó) nên chị L. đã đồng ý quay lại.

Nhưng rồi cuộc sống chung vẫn tiếp tục xảy ra cãi vã, xô xát. Sự việc lần này vượt quá sức chịu đựng, nên chị L. đã có đơn trình báo gửi Công an phường Thạch Bàn đề nghị giải quyết. Trong lúc cơ quan chức năng đang lấy lời khai bị hại thì Vinh tiếp tục nhắn tin đe dọa vợ cùng gia đình bên ngoại. 

Sau trận đòn độc địa của người chồng vũ phu, chị được gia đình đưa đi bệnh viện thăm khám rồi trở về ở tại nhà mẹ đẻ (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bản thân Vinh bị cơ quan điều tra - Công an quận Long Biên triệu tập lấy lời khai và tạm giữ hành chính.

Được biết, chị L. đã quyết định ly hôn với người chồng vũ phu. Chị nói: "Tôi muốn người ta phải hiểu ra việc không ở được với nhau nữa thì hãy chia tay trong êm đẹp. Tôi không muốn con mình sống trong môi trường sợ hãi như thế, khi bố đánh mẹ trước mặt con. Con tôi chia sẻ rằng cháu rất sợ bố, khi bố thường xuyên chửi mắng. Dù không đánh đập, nhưng lại thường xuyên bạo hành về mặt tinh thần".

Sau khi Vinh viết cam kết đồng ý thuận tình ly hôn, dành quyền nuôi con cho chị L. và chấm dứt mọi hành vi đe dọa gia đình vợ, thì chị L đã rút đơn đề nghị xử lý Vinh. 

 Vài ngày trước, một đoạn clip khác được tung lên mạng ghi lại cảnh một nam giới lao vào đấm đá tới tấp người vợ đang bế con nhỏ trước sự chứng kiến của con trai lớn. Sự việc được xác định xảy ra tối 20-8 tại gia đình một nam nhân viên Kho bạc Nhà nước Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn).

Ngày 17-8, nạn nhân Lâm Thị Mến (31 tuổi, có thai khoảng 26 tuần), được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch…

Nhưng chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân đã xin xuất viện, bởi gã chồng vũ phu Huỳnh Ngọc An (26 tuổi, ở xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, Bình Thuận) đe dọa nếu chị không về sẽ giết chết tại bệnh viện. Trước đó, vào khoảng 22h30 ngày 16-8, sau khi đi nhậu về thấy vợ vẫn đang nằm ngủ, An đã chửi rủa thậm tệ rồi vơ cây gỗ dài 80cm lao vào đánh vợ.

Nạn nhân Lâm Thị Mến bị chồng đánh gây thương tích nặng.

Khi chị Mến bỏ chạy, An đã cầm dao đuổi theo đập liên tiếp khiến chị gục tại chỗ. Được biết, hơn một năm qua, An đã đánh đập vợ rất nhiều lần, đến mức chết đi sống lại nhưng lần này là tàn nhẫn nhất. Hiện nay ngoài các vết thương khủng khiếp trên, thị lực của chị suy giảm nghiêm trọng. 

Thương xót hoàn cảnh của chị Mến, một số người dân địa phương đã phải bỏ việc, thay nhau đút cho nạn nhân ăn do hai tay chị bị đánh gãy không thể cầm nắm được gì.

Tại buổi tọa đàm dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia chiều 20-5 ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam, câu chuyện của bà C. - một phụ nữ 50 tuổi đã khiến nhiều người rùng mình. Theo lời kể của bà, trong nhiều năm ròng bà liên tục bị chồng đánh đập mỗi khi uống say.

Bà C. thuật lại câu chuyện đau thương của mình tại hội nghị ngày 20-5 ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Thậm chí có tháng, ngày nào bà cũng bị đánh. Không dám về ngoại cầu cứu vì bố mẹ đẻ đã cao tuổi, sợ ông bà lo nên cứ ngày này qua tháng khác bà cắn răng chịu đựng đòn roi. Trốn chồng, bà vào bếp khoá cửa nhưng vẫn bị chồng phá cửa tìm.

Nhiều đêm bà sợ đòn trốn ra ngủ cùng với lợn, nhưng vẫn bị gã chồng truy tìm được và lôi ra đánh. Khắp người bà C chằng chịt thương tích. Đã ít nhất 4 lần bà phải vào bệnh viện điều trị do bị chồng đánh. Đỉnh điểm vào năm 2014, gã chồng ném thẳng thanh củi to vào mặt bà, gây vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc, đứt tuyến lệ mắt trái.

Cuối tháng 6-2019, vụ chồng hành hung vợ, châm lửa đốt nhà rồi dùng dao cứa vào cổ tự sát đã gây chấn động TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đó là một cặp vợ chồng trẻ, ở địa phương khác đến thuê nhà ở phường Trung Sơn để đi làm.

Trong lúc xô xát, người chồng tấn công gây thương tích rất nặng cho vợ rồi đốt nhà, cắt cổ tự sát.  8h15' sáng 17-5-2019, tại căn nhà số 8, ngõ 230 đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh xảy ra vụ chồng dùng dao cứa cổ vợ, rồi rạch bụng tự sát…

Nguyên nhân chính do bất bình đẳng giới

Những vụ việc kể trên là minh chứng cho con số thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo đó, trong 5 năm trở lại đây đã xảy ra khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình/năm. Trong số các vụ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%. Phỏng vấn sâu, có tới 58% số phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần.

Phân tích về hiện tượng bạo lực gia đình, Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển (Giám đốc Trung tâm Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân) nói: "Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội, do đó bạo lực gia đình là dạng thức thu nhỏ của bạo lực xã hội. Đó là việc sử dụng vũ lực hoặc các hành vi khác thiếu tính nhân văn giữa các thành viên trong gia đình với nhau, để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống chung.

Bạo lực gia đình bao gồm bạo hành thể chất, như việc đánh đập, tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này phổ biến nhất, thường xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái hoặc con cái và cha mẹ già. Bạo lực tinh thần (tâm lý) cũng khá phổ biến nhưng khó nhận dạng được so với bạo lực thể chất.

Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự, đe dọa hoặc khủng bố tâm lý, gây nên sự phẫn uất, khủng hoảng ý thức và tâm sinh lý phụ nữ.

Bên cạnh đó, việc thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm theo kiểu "chiến tranh lạnh" cũng được coi là một dạng bạo lực. Bạo hành tình dục là việc ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Ngoài ra còn có dạng thức bạo hành xã hội. Đó là việc cấm cản không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng".

Vẫn theo Thượng tá Hiển, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nạn bạo hành gia đình. Bạo lực đối với phụ nữ là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình.

Căn nguyên của hiện tượng tiêu cực này, tựu trung lại do một số nguyên nhân như thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhiều ông chồng tự cho mình quyền được dạy bảo vợ con, cho rằng người khác không có quyền can thiệp vì đó là chuyện nội bộ gia đình. Các nguyên nhân khác như ngoại tình, ghen tuông, học vấn thấp, nghiện ngập ma túy, nghiện game… cũng thường dẫn tới bạo lực.

Bên cạnh đó, thói quen uống rượu say đã khiến nhiều người chồng bị hạn chế khả năng nhận thức, thiếu kiềm chế và dễ bị kích động khi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với vợ con. Đời sống kinh tế khó khăn cũng là nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này. Ngạn ngữ có câu khi cái nghèo đi vào bằng cửa chính thì hạnh phúc đi ra bằng cửa sổ.

Nhiều gia đình do túng thiếu phát sinh xung đột, cãi cọ, đổ lỗi cho nhau… dẫn đến những căng thẳng, bức xúc tâm lý và phát sinh bạo lực. Ngoài ra, nạn cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… cũng đã đẩy bao gia đình vào tình cảnh "xào xáo". Do thua bạc, về nhà lấy tài sản đem bán trả nợ, hoặc việc đánh bạc bị vợ con ngăn cản, dễ làm phát sinh xung đột, bạo lực.

Thạc sĩ tâm lý Lê Thu Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, chính là sự bất bình đẳng giới, là những định kiến sai lầm về vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày nay.

Bà Hà phân tích: "Xuất phát từ những quan niệm xưa cũ về quyền lực gia trưởng, trọng nam khinh nữ, khiến nhiều ông chồng trong xã hội hiện đại vẫn tự cho mình cái quyền định đoạt mọi thứ, áp đặt bừa bãi ý chí độc đoán của mình lên vợ con.

Thực sự đó là lối suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mang đậm bản chất của tư duy tiểu nông, không phù hợp với xã hội hiện đại và yêu cầu của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bảo vệ bình đẳng giới. Đó cũng chính là căn nguyên sâu xa của nạn bạo hành gia đình, cần nhận diện và có các giải pháp phù hợp để giải quyết, vì sự tiến bộ của phụ nữ"

Kỹ năng cho "người trong cuộc"

Bàn luận về cách hóa giải xung đột trong gia đình, Thạc sĩ Lê Thu Hà nói: "Theo tôi, những người trong cuộc phải có những kỹ năng nhất định. Trước hết, không được lạm dụng "chiến tranh lạnh", vì nỗi giận hờn, ức chế tích tụ, chất chứa lâu ngày sẽ rất dễ bùng phát thành sự việc ngoài tầm kiểm soát. Vì thế sau cơn nóng giận, các bên cần bình tâm lại để trao đổi vấn đề vừa tranh cãi.

Tuy nhiên, tính tự ái tuổi trẻ cao ngất thường sẽ cản trở sự nhượng bộ, mở lời trước. Lúc này, người chồng nên thể hiện sự đại lượng, bao dung trước điều chưa phải của vợ, hoặc chủ động thừa nhận lỗi của mình. Mục tiêu không phải là thắng thua, mà là sự yên vui trong gia đình.

Cần tránh tuyệt đối những lời bóng gió, những lời châm chọc mỉa mai làm tổn thương nhau. Cách xưng hô lạnh lùng kiểu "anh - tôi" hay "cô - tôi" không nên xuất hiện.

Biết lắng nghe nhau khi nói chuyện, vợ chồng chỉ nên tập trung vào vấn đề cần giải quyết, không nên đưa đẩy câu chuyện lan man, làm rắc rối thêm. Đặc biệt lưu ý, khi một bên đã tỏ ra cáu giận, mất kiểm soát thì không nên đôi co, mà cần tránh đi, đợi khi bình tâm mới cùng xem xét vấn đề".

Nhật Nam
.
.