Khi nắm đấm thay lời yêu thương

Chủ Nhật, 10/05/2020, 19:18
Những ngày gần đây, hàng loạt vụ án nghiêm trọng lại xảy ra trong phạm vi gia đình. Dư luận chưa hết bàng hoàng khi xem đoạn clip ghi lại cảnh một "nghịch tử" cầm chiếc ghế dài nhằm đầu mẹ già bổ xuống, rồi hình ảnh người cha trên đầu chằng chịt vết rạch ngang dọc mà thủ phạm chính là đứa con trai, thì lại đến vụ chồng đang tay chém hạ cả vợ và đứa con nhỏ 2 tuổi tại Hà Nội.

Những vụ án đó nối dài thêm danh sách các vụ bạo lực gia đình hiện nay. Vậy khi đứng trước nguồn nguy hiểm đến từ chính người thân của mình, người trong cuộc cần làm gì?

Sự xuống cấp đáng sợ

Ngày 25/4, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông hùng hổ vác ghế dài lao từ trong nhà ra ngoài, nhằm vào đầu một bà cụ rồi bổ xuống. Nạn nhân đổ gục và nằm bất động ngay lập tức.

Trong chú thích của đoạn clip này, chủ tài khoản facebook cho biết sự việc xảy ra tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, Yên Bái và kẻ hành hung cùng đứa quay clip đều là con đẻ của nạn nhân. Sau khi được đăng tải, đoạn clip đã tán phát chóng mặt trên mạng, với hàng nghìn lượt bình luận thể hiện sự công phẫn cực độ trong dư luận xã hội.

Trần Văn Tam, nghịch tử phang ghế vào đầu mẹ.

Ngay khi những hình ảnh rùng rợn ấy đập vào mắt, tôi cũng không kìm nén được sự phẫn nộ liền gọi ngay cho Thượng tá Phạm Duy Thịnh - Trưởng Công an huyện Văn Yên. Thượng tá Thịnh cho biết đơn vị đã tiếp nhận thông tin và đang tổ chức xác minh. Tài liệu điều tra xác định nạn nhân là bà Hoàng Thị Xay (hơn 60 tuổi) - mẹ đẻ của Trần Văn Tam (40 tuổi), kẻ đã phang ghế vào đầu bà dẫn đến bất tỉnh.

Nguyên nhân sự việc được xác định do Tam thường xuyên rượu chè, bà Xay đã có lời lẽ nhắc nhở nên anh ta khó chịu, bực tức. Nhân có men rượu trong người, Tam đã có hành động "đại nghịch bất đạo" đối với đấng sinh thành của mình.

Chưa hết, trong khi tên Tam hành hung mẹ già thì người em (con trai thứ của bà Xay) chứng kiến sự việc. Anh ta không những không xông vào can ngăn, mà còn hô "đập chết đi!" để kích động người anh đánh mẹ và rút điện thoại đứng ghi hình sự việc một cách vô cảm. Do may mắn nên nạn nhân không bị tổn thương sọ não, chỉ xây xát nhẹ.

Trần Văn Tam tại Cơ quan điều tra.

Công an huyện Văn Yên đã thỉnh thị ý kiến cấp trên về đường lối xử lý sự việc. Cá nhân tôi cùng một số chuyên gia pháp lý, kiểm sát viên và luật sư đều nhận định rằng hành vi của Trần Văn Tam là đặc biệt nguy hiểm, có dấu hiệu của tội giết người.

Quan sát trên clip, thấy tên này dùng 2 tay vung cao chiếc ghế dài bằng gỗ rất nặng, nhằm đầu người mẹ bổ xuống một cách cực kỳ hung hãn. Nếu đập trúng đầu thì hậu quả nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân là điều có thể nhìn thấy trước. Dùng hung khí nguy hiểm tác động lên bộ phận trọng yếu trên cơ thể người là vùng đầu mặt, là hành vi khách quan trong tội giết người.

Tuy nhiên cũng cần xem xét về ý chí chủ quan của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội, cân nhắc yếu tố hậu quả… để áp dụng hình thức xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Đối với người em có hành vi quay clip, kích động ông anh đánh mẹ cũng cần phải xử lý nghiêm vì đã phạm vào các quy định tại Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Vài ngày trước đó, ông Đoàn T. (74 tuổi, ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với 17 vết thương ngang dọc tập trung trên vùng sọ não. Khi những hình ảnh ghê sợ đó được đưa lên mặt báo, lập tức đã gây rúng động dư luận xã hội.

Văn phòng Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc điều tra. Sơ bộ xác định kẻ thủ ác chính là con trai và cháu của ông T.. Nguyên nhân là do bất đồng trong gia đình liên quan đến phân chia tài sản. Ông T. có 5 người con, 2 trai, 3 gái và có hơn 1.400m² đất có thể phân được 11 lô đất ở. Gần đây ông T. bị mắc bệnh hiểm nghèo, nên bàn bạc với các con chia đất của gia đình, để ông bán đi một lô lấy tiền thuốc thang. Tuy nhiên, người con trai cả không đồng ý.

Khoảng 15h30 ngày 20/4, ông T. tiếp tục đưa việc bán đất để chữa bệnh ra bàn thảo thì lại xảy ra cãi vã với người con cả. Hai bố con người này đã dùng gậy đánh ông T. ngã xuống đất bất tỉnh và dùng vật nhọn rạch nhiều nhát lên đầu. 

Cơn bàng hoàng của xã hội chưa lắng dịu thì mới đây nhất, vụ chồng dùng dao sát hại vợ và đứa con trai mới 2 tuổi đầu tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội lại thổi bùng lên nỗi lo âu về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Đối tượng Quách Văn Nam.

Sáng 2/5, trong lúc cãi nhau với vợ là chị Dương Khắc H. (sinh năm 1999, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội), Quách Văn Nam (sinh năm 1989, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã dùng 1 con dao tông chém chết vợ cùng con trai là cháu Quách Phú T. (sinh năm 2018). Khi chúng tôi xuống hiện trường tìm hiểu sự việc, bà Nga (mẹ của Nam) nghẹn ngào cho biết Nam là đứa con trai duy nhất của bà, do một tay bà nuôi nấng sau khi chồng bỏ đi.

2 năm trước, Nam cưới vợ, cả nhà chuyển về ở cùng với bà ngoại (mẹ bà Nga) để tiện chăm sóc nhau. Vợ chồng Nam rất hay cãi nhau. Trước khi xảy ra vụ án mạng, họ cũng xảy ra cãi vã. Khi bà Nga đi chợ về, Nam khóc lóc bảo "con không hầu hạ mẹ được nữa rồi, con vừa giết vợ và con trai", nói xong Nam đi bộ lên trụ sở Công an tự thú.

Chuyện buồn này khiến chúng ta nhớ lại những huyết án xảy ra cách đây chưa lâu, cũng dưới một mái nhà, giữa những người có cùng quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân. Điều đáng sợ là tần xuất xuất hiện những vụ bạo lực ngày càng dày, báo hiệu những điều bất thường đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.

Những vụ giết người thân xảy ra gần đây chỉ vì những va chạm trong đời sống chung, hay liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản thừa kế…đã gióng lên hồi chuông báo động về sự sa sút của nền tảng đạo đức ở bình diện xã hội. Bạo lực gia đình, phản ánh bạo lực xã hội đang diễn biến một cách đáng sợ, bởi gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội. Số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18 - 20%, là tỷ lệ rất cao. Còn theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm ở nước ta xảy ra khoảng 20.000 vụ, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

Nhận diện nguyên nhân

Phân tích những lý do dẫn đến xung đột, bạo lực gia đình hiện nay, Trung tá Lê Minh Hải, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cho rằng nguồn cơn dẫn đến xung đột bằng bạo lực trong gia đình rất đa dạng.

Đó có thể là những va chạm, bất đồng quan điểm từ những vấn đề nhỏ nhặt trong đời sống chung (như vụ đối tượng Nam giết vợ ở quận Tây Hồ, vụ đối tượng Tam đánh mẹ ở Yên Bái), hay những mâu thuẫn về lợi ích khi có tranh chấp đất đai hay tài sản thừa kế (như vụ đánh bố trọng thương ở Phú Yên, vụ thảm sát cả nhà em trai tại Đan Phượng, Hà Nội…).

Những mâu thuẫn đó được tích tụ lâu ngày, dẫn đến sự ức chế, căng thẳng thường trực, thậm chí là thái độ ghét bỏ, căm phẫn chính người thân của mình.

Ở những người có giáo dục tốt, có đạo đức, nhân cách, biết quý trọng các giá trị văn hoá truyền thống gia đình… họ sẽ lựa chọn các cách ứng xử phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và chuẩn mực đạo đức, biết cách kiềm chế cảm xúc, không bị cuốn theo diễn biến sự việc dẫn đến hành động bột phát mang tính bản năng thiếu suy xét.

Trong khi cũng ở những tình huống tương tự, nếu là người trong đặc điểm tâm lý cá nhân đã chứa đựng những yếu tố lệch lạc, tiêu cực như lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao lợi ích cá nhân, coi trọng đồng tiền và giá trị vật chất, coi nhẹ tình cảm gia đình… họ dễ mất kiểm soát hành vi và hành xử theo bản năng. Những đặc điểm tiêu cực trong tâm lý cá nhân, được hình thành trong quá trình tương tác giữa chủ thể và môi trường sống bên ngoài.

Vì vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình có đổ máu cần phải xác định là do sự lệch lạc, xuống cấp về đạo đức của cá nhân người phạm tội, chứ các tình huống cụ thể, chẳng hạn như do cãi vã hay tranh chấp, thực sự không phải là nguyên nhân của tội phạm. Vì cùng tình huống đó, không phải ai cũng chọn cách xử sự tàn bạo với người thân của mình.

"Có hiểu đúng điều này mới có thể "kê" đúng thuốc để chữa cho căn bệnh nguy hiểm này của xã hội. Theo chúng tôi, mấu chốt là phải chặn được đà suy thoái của đạo đức xã hội. Văn hoá xuống cấp là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cần phải nhận diện rõ điều đó" - Trung tá Hải nhấn mạnh.

Thoát khỏi xung đột

Từ thực tiễn điều tra các vụ trọng án, Trung tá Hải cho biết khi xảy ra mâu thuẫn, nếu các bên đều thiếu kỹ năng quản trị cảm xúc, rất dễ dẫn tới tình huống "lửa đổ thêm dầu". Những người trong cuộc có thể bị lôi cuốn rất nhanh vào cuộc tranh chấp để bảo vệ cái tôi ích kỷ. Lúc này nếu không có sự can ngăn từ bên thứ 3, hoặc sự chủ động rút lui từ một phía, thì ranh giới giữa một cuộc cãi vã với trận xung đột bằng bạo lực rất mong manh. Tại thời điểm đó, người ta có thể làm mọi thứ không cần suy xét, miễn là giải tỏa được sự bức xúc tâm lý bên trong.

Nhiều đối tượng sau khi giết người thân, đều sống trong sự dằn vặt, ân hận, nhưng đã quá muộn. Họ gây án trong lúc mất bình tĩnh, nóng giận hoặc căm tức cực độ với người thân của mình. Lúc này khả năng điều chỉnh kiểm soát và điều chỉnh hành vi xuống đến mức thấp nhất. Đây chính là đặc điểm tâm lý cần biết để chủ động phòng tránh bạo lực trong gia đình. Khi cuộc tranh luận trong gia đình đã phát triển theo hướng căng thẳng, người ta thường quyết liệt bảo vệ cái tôi, cái đúng của mình.

Khi đó, mọi tranh biện, phân tích, lập luận đều không có hiệu quả. Ngược lại, chính thái độ tranh đúng, tranh khôn, tranh lợi… bằng mọi giá, càng khiến cho các bên cùng bị kích động, có thể dẫn tới các hành vi mất kiểm soát. Do đó, mỗi người cần phải chủ động kiểm soát bản thân, tránh dùng lời nói, hành động, cử chỉ xúc phạm hay hạ thấp giá trị, nhân phẩm của người thân.

Giải pháp khôn ngoan lúc này là tìm cách "hạ hỏa”, để câu chuyện không trượt khỏi quỹ đạo, phạm vi công việc cần bàn. Sự can thiệp, can ngăn từ người thứ 3 trong gia đình là rất cần thiết lúc này. Có một cách dễ hơn là tìm lý do hợp lý để rời đi, chứ không nên tiếp tục kéo dài cuộc đôi co cãi vã, lợi bất cập hại.

Đợi khi người thân của mình bình tĩnh trở lại, hoặc có thêm những người khác trong gia đình, mới bình tĩnh trở lại vấn đề đang bất đồng quan điểm. Ngoài người thân trong gia đình, với các tình huống phức tạp, nên nhờ cậy đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở làm trung gian hoà giải.

Đào Trung Hiếu
.
.