Làm rõ sai phạm KĐTM Thủ Thiêm: Mong giải tỏa những bức xúc của người dân

Thứ Hai, 01/07/2019, 10:45
Kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, vừa được Thanh tra Chính phủ công bố đã gây sự chú ý lớn của dư luận, bởi vụ việc này thời gian qua luôn được người dân thành phố và dư luận quan tâm chờ đợi.

“Chưa đề cập đến quyền lợi của người dân”

Kết luận thanh tra (KLTT) về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại KĐTM Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, được Thanh tra Chính phủ công bố chiều 26-6 cho thấy việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm của TP Hồ Chí Minh lộ rõ nhiều bất cập, chưa hiệu quả, mất cân đối về tài chính gây lãng phí, nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước với giá trị lớn.

Đồng thời, trong khi doanh nghiệp thu lợi lớn từ các quyết định sai của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan thì người dân đang có nhà cửa lại rơi vào tình cảnh mất đất, nhà, từ đó diễn ra tình trạng khiếu nại phức tạp kéo dài hàng chục năm qua.

KLTT được công bố đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người dân Thủ Thiêm có liên quan. Tuy nhiên, đa số họ cho rằng KLTT còn khá chung chung, chưa đi thẳng vào những nội dung mà người dân khiếu nại. Theo người dân, trong KLTT chỉ mới quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung mà không nói gì đến những người dân đang bám trụ ở những mảnh đất của họ vì bị cưỡng chế, thu hồi nhà đất.

Ông Lê Văn Lung (ở khu phố 1, phường Bình An, quận 2) có nhà đất ngay khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch cho biết, ông cảm thấy KLTT mới ban hành không liên quan gì đến nội dung khiếu nại tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Theo ông Lung, sau khi có Kết luận 1483 hồi tháng 9-2018 trong đó có đưa ra kết quả 4,3 ha là ngoài ranh quy hoạch, cũng như chỉ ra những sai phạm khác khi chính quyền không bố trí 160 ha liền kề cho người dân tái định cư. Kết luận 1483 đã chỉ ra những sai phạm như vừa nêu và người dân đã ghi nhận.

Một trong những bản đồ trong bộ bản đồ gốc tỷ lệ 1/5000 của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn KLTT lần này chỉ nêu ra những sai phạm, khuyết điểm của tổ chức và đơn vị trong quá trình thực hiện KĐTM Thủ Thiêm và các dự án BT, các dự án thành phần của KĐTM chứ không liên quan đến các khiếu nại, quyền lợi của người dân. Trong đó, phần nội dung chính yếu của người dân còn khiếu nại là “5 khu phố của 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch” và cả chuyện tái định cư.

Trong Kết luận 1483 đã không làm rõ nên người dân Thủ Thiêm đã đề nghị Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra để làm theo nội dung đơn khiếu nại tố cáo của người dân.

“Thanh tra Chính phủ chỉ tập trung nêu những sai phạm của các cơ quan, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh. Trong khi những bức xúc liên quan đến quyền lợi của người dân lại không được đề cập đến. Vì thế, chúng tôi mong muốn Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ những khiếu nại của người dân”, ông Lung bày tỏ.

Có nhà không nằm trong ranh quy hoạch dự án nhưng vẫn bị đề nghị di dời, giải tỏa nhiều lần, tuy nhiên cho đến nay, gia đình ông Hồng Minh Hải (70 tuổi, cán bộ về hưu, căn nhà số B27/10), vẫn bám trụ tại khu vực 4,3ha này. Căn nhà của ông Hải là căn nhà còn nguyên vẹn duy nhất tại khu vực này, còn lại gần như đều bị giải tỏa. Ông Hải cho biết ban đầu ông tưởng nhà mình thuộc khu vực quy hoạch nên cũng đồng ý chuyển đi. Tuy nhiên, sau đó ông đã biết khu vực nhà mình bị giải tỏa sai nên kiên quyết không di dời.

Ông Lê Văn Hạnh tại khu đất của tổ tiên để lại.

Ông Hải cũng cho rằng KLTT vừa được Thanh tra Chính phủ công bố vẫn chỉ nêu chung chung, chứ chưa đề cập cụ thể về những vấn đề người dân Thủ Thiêm quan tâm như không nói rõ đến sự ảnh hưởng của dự án đến các hộ dân và cũng không đề xuất hướng giải quyết như thế nào khi lấy đất của dân nằm ngoài ranh quy hoạch, bất cập về giá đền bù, chính sách tái định cư, xử lý nghiêm những người làm sai...

Tìm tới tòa soạn để nói lên ý kiến của mình ngay sau khi đọc hết bản KLTT, ông Lê Văn Hạnh (77 tuổi, ngụ Trần Hưng Đạo, quận 5) cho biết, gia đình ông có khu đất của tổ tiên để lại mà theo ông là rộng tới 7,5 ha tại phường An Khánh, quận 2. Khu đất này hiện vẫn đang có mộ phần của ông nội ông Hạnh hiện hữu dù nơi đây vẫn là một khu đất bốn bề lau sậy, cỏ lác ngập đầu người, nước ngập xâm xấp, nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.

“KLTT chỉ nêu chung chung mà không đề cập hay có hướng giải quyết cho quyền lợi của người dân có đất bị giải tỏa, thu hồi ở dự án này”, ông Hạnh nêu ý kiến.

Ông Lê Văn Lung chia sẻ xung quanh Kết luận thanh tra.

Trên đây chỉ là một số ý kiến của người dân có quyền lợi về nhà đất liên quan ở dự án KĐTM Thủ Thiêm. Nhiều người dân ở khu vực này cho đến nay vẫn đang tiếp tục hành trình đòi quyền lợi cho gia đình mình, trong số đó không ít người phải chịu sống trong cảnh tạm bợ, khổ sở dù trước đó họ đã có nhà cửa đàng hoàng.

Tổng chi phí đầu tư KĐTM Thủ Thiêm đã lỗ hơn 8.734 tỷ đồng

Để đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã phải di dời để nhường chỗ cho “siêu dự án” này, với khoảng 99% diện tích đất đã được bồi thường, giải tỏa.

Trên thực tế, quá trình triển khai KĐTM Thủ Thiêm đã phát sinh rất nhiều khiếu nại, bắt đầu từ khoảng năm 2005 khi tiến hành giải tỏa, đền bù nhà đất của người dân và càng về sau càng căng thẳng, gay gắt. Quan trọng là trong Kết luận số 1483, Thanh tra Chính phủ khẳng định khiếu nại của người dân là có cơ sở; đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Trong đó, có việc TP Hồ Chí Minh điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt trước đó.

KLTT cho thấy những việc làm của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã thể hiện công tác quản lý, sử dụng đất bị buông lỏng, thiếu kiểm soát, giao đất tràn lan cho các dự án, phá vỡ không gian quy hoạch... UBND thành phố, các sở, ngành chức năng và nhà đầu tư đã có các vi phạm chủ yếu là giao đất cho doanh nghiệp không đúng giấy phép kinh doanh, không đúng thẩm quyền, chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng, giao đất công không qua đấu giá...

Theo KLTT, toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm là 221,68 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng UBND TP Hồ Chí Minh đã sử dụng chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai.  

UBND TP Hồ Chí Minh đã sử dụng đơn giá bằng chi phí đầu tư bình quân là 26 triệu đồng/m2 không đầy đủ, thiếu chính xác, không đúng quy định làm giá tối thiểu để tính tiền sử dụng đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính KĐTM Thủ Thiêm đã được chỉ định nhà đầu tư hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đất theo quy định. Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng cho dự án 4 tuyến đường chính khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định, một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện những khoản chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT 4 tuyến đường chính thiếu căn cứ và chưa đúng quy định 3.901 tỷ đồng; các khoản do phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng sai khoảng 1.734 tỷ đồng; loại khỏi chi phí khi quyết toán dự án 4 tuyến đường chính 25 tỷ đồng là khoản chi phí không đủ điều kiện quyết toán vào dự án...

KLTT nêu rõ, nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên là do lãnh đạo UBND thành phố không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như không lập các dự án theo thứ tự ưu tiên để trình duyệt theo quy định; theo đó, giao đất, cho thuê đất trước khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính KĐTM Thủ Thiêm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định...

Đặc biệt, theo KLTT, tổng chi phí phải trả để đầu tư KĐTM Thủ Thiêm là hơn 83.335 tỷ đồng (gồm chi phí đầu tư và lãi tiền tạm ứng từ ngân sách) nhưng tổng thu dự kiến đến thời điểm này chỉ là hơn 74.601 tỷ đồng (bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016), gây “mất cân đối vốn” hay nói rõ hơn là đã lỗ hơn 8.734 tỷ đồng. Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm này thuộc lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm.

Thanh tra Chính phủ cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các thiếu sót, vi phạm là nguyên nhân chủ quan, đặc biệt một số nơi thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhiều vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm đến 30-9-2018 là hơn 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này trên 4.286 tỷ đồng.

Đồng thời, kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042 tỷ đồng. Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30-9 để báo cáo Thủ tướng...

Thanh tra Chính phủ chuyển KLTT đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận.

Phú Lữ
.
.