Lan man về chuột

Thứ Sáu, 15/02/2008, 16:00
Chuột là động vật nhỏ có vú thuộc loài gặm nhấm. Họ chuột (có tên khoa học: Mus), có 41 loài. Năm 1100 trước công nguyên, chuột bạch được phát hiện tại Trung Quốc. Nhưng, có thể chúng đã có từ thời cổ đại Hy La.

Vài nét về chuột

Chuột ăn ngũ cốc, thịt, cá, rau, quả, hạt, cỏ, giun, loài giáp xác, cả xác động vật thối để sống. Chúng biết dự trữ lương thực để dùng sau và sống về đêm.

Tuổi thọ trong phòng thí nghiệm là 2 năm, nhưng chuột nhắt hoang sống trung bình chỉ khoảng 5 tháng. Chuột cống dài 18cm, nặng: 200-400g, sống hoang 18 tháng và khoảng 3 năm trong phòng thí nghiệm. Chuột cống mang thai từ 22 đến 24 ngày và sinh mỗi lứa trung bình 8 con. Chuột cống sinh 5 lứa/năm và thôi cho bú khi chuột con được 3 đến 4 tuần.

Chuột phá hoại mùa màng. Loại vi khuẩn từ bọ chét của chuột đã nhiễm bệnh truyền sang người, gây sốt, nổi hạch hoặc viêm phổi. Khuẩn chuột gây bệnh dịch hạch lây lan qua phân và ký sinh. Thế kỷ XVIII, thời trung cổ ở châu Âu, bệnh dịch hạch bùng phát. Năm 1775, tại Bắc Mỹ, nhiều người bị nhiễm trùng hô hấp chết do hít bụi nhiễm phân chuột (hantavirus).

Tháng 8/1992, chuột xâm nhập tổng hành dinh của NASA ở Washington, D.C., làm các nhân viên NASA phát khiếp. Chúng bị diệt ngay. Chưa đầy một năm sau, tháng 10/1993, 165 con chuột chạy vào Nhà Trắng. Các nhân viên phục vụ Nhà Trắng phải đặt nhiều bẫy diệt chuột để phòng bệnh dịch.

Tuy vậy, chuột lại là ẩm thực đặc sản. Từ thời tiền sử, con người ở miền Đông Zambia và Bắc Malawi (châu Phi), đã biết ăn thịt, coi thịt chuột như món ngon bổ bởi chúng giàu chất protein. Chuột cũng là mồi để nuôi rắn, thằn lằn, nhện đen lớn và chim săn mồi. Không chỉ là món béo bở của riêng mèo và các động vật ăn thịt khác như chó hoang, chồn, chuột đồng còn là món khoái khẩu của dân nhậu, nhất là ở miệt vườn.

Gien chuột tương đương gien người

Năm 1950, chuột là loài gặm nhấm đầu tiên theo con người vào không gian. Trong chuyến du hành vũ trụ, các phi hành gia nuôi chúng bằng khoai tây.

Theo Nature, bản đồ gien chuột với khoảng 2 triệu ký hiệu phần tử ADN được các nhà khoa học 6 nước vẽ xong và công bố vào tháng 4/2003. Chuột có 99% gien tương đương gien người, nhất là các gien gây bệnh. Tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng việc giải mã này giúp tìm ra cách chữa trị nhiều chứng bệnh cho người như Alzeimer, Parkinson, đái tháo đường...

Chuột đã được sử dụng cho các nghiên cứu chữa trị các chứng bệnh khác như ung thư, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh, chứng nghiện rượu...

Năm 2003, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Pháp tuyên bố đã nhân bản thành công một số con chuột đồng, gồm cả đực lẫn cái. Mới đây, các nhà khoa học Nhật đã hiệu chỉnh gien để tạo ra giống chuột không sợ mèo!.

Dù là loài phá hoại  mùa màng, gây bệnh dịch... nhưng chuột lại giúp ích rất nhiều cho loài người: làm vật thí nghiệm, làm thức ăn cho loài bò sát hoặc làm món nhậu cho giới bình dân.

Trên cả các thiết bị khoa học tối tân và loài người khôn ngoan thông minh, chuột lại làm được những chuyện mà đôi khi con người bó tay hoặc khó làm được: dò mìn, làm bom chuột, làm vật thí nghiệm  để nghiên cứu chữa trị nhiều chứng bệnh cho loài người...

Hùng Phi (Từ Internet)
.
.