Bình Phước:

Lật mặt chiêu lừa dân nghèo của kẻ giả danh luật sư

Thứ Bảy, 19/05/2012, 18:15

Dù chưa học qua trường lớp nào đào tạo về pháp lý nhưng Lê Đình Chuyên (58 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) vẫn tự nhận mình là "luật sư", "nhà nghiên cứu khoa học pháp lý". Với cái mác "hoàn hảo" như trên và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người dân tộc thiểu số, từ năm 2008 đến nay, Chuyên đi khắp các tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của dân nghèo.

Giả danh luật sư đi khắp nơi để lừa đảo

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước về việc giao đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Nai liên kết với Công ty cổ phần Quỳnh Vy trồng rừng và cao su tại Tiểu khu 202, UBND huyện Bù Đăng đã tiến hành triển khai phương án hỗ trợ hoa màu và giải quyết tái định canh cho các hộ dân bị thu hồi đất, trong đó có hộ gia đình ông Điểu Nhâm và 22 hộ dân tại thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Ông Điểu Nhâm và các hộ dân không đồng ý nên làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết trả lại đất.

Biết được thông tin trên, khoảng tháng 9/2008, Chuyên đến làm quen với anh Điểu Ber (42 tuổi, ngụ thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) và tự giới thiệu mình là luật sư rồi đưa danh thiếp, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cho Điểu Ber, hứa sẽ làm thủ tục giúp bà con đòi lại đất. Tin lời, anh Điểu Ber đã kể lại cho ông Điểu Lớp (51 tuổi, ngụ xã Đồng Nai), sau đó người này giới thiệu cho Điểu Nhâm biết và bảo Điểu Nhâm đến gặp Chuyên xem có nhờ giúp đòi đất lại được không.

Cuối tháng 5/2009, sau khi tìm hiểu và được Điểu Nhâm cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại,  Chuyên hứa với vợ chồng Điểu Nhâm sẽ "làm bằng được" để lấy lại đất trả lại cho bà con ổn định sản xuất vì bà con là dân bản địa, đất bị thu hồi trái phép. Tưởng thật, ông Điểu Nhâm nói đất bị thu hồi là đất của ông bà để lại và nhờ Chuyên đòi giùm mình và 22 hộ dân khác tại thôn 4, Đồng Nai. Chuyên nói để đòi lại đất phải có tiền làm chi phí đi Hà Nội và hứa trong  vòng 1 tháng sẽ đòi lại đất cho bà con. Chuyên yêu cầu Điểu Nhâm phải tự đứng ra chuẩn bị tiền và hứa nếu không đòi được đất sẽ trả lại tiền và yêu cầu đưa trước 30 triệu đồng.

Sau đó thì Chuyên liên tục điện thoại cho Điểu Nhâm yêu cầu đưa tiền để y đi Hà Nội và nâng giá lên 40 triệu đồng. Tin lời, ngày 3/6/2009, vợ chồng Điểu Nhâm đến nhà em gái của Chuyên ở Đắk Lắk đưa Chuyên 40 triệu đồng. “Được đằng chân, lân đằng đấu”, Chuyên tiếp tục yêu cầu Điểu Nhâm đưa thêm tiền với lý do tiền làm thủ tục, chi phí đi lại không đủ, nếu không đưa thêm tiền thì không đòi được đất và Chuyên sẽ không trả lại tiền đã nhận. Khi Điểu Nhâm nói không có tiền, Chuyên còn hù dọa: "Có muốn ở tù không?". Thế là ông Điểu Nhâm tiếp tục đi vay tiền của nhiều người đưa cho Chuyên tổng cộng 7 lần nữa với tổng số tiền là 252 triệu đồng.

Đến đầu tháng 5/2010, Chuyên tiếp tục nhiều lần gọi điện cho Điểu Nhâm yêu cầu đưa thêm 38 triệu đồng để làm hồ sơ gửi Cục 3- Thanh tra Chính phủ tại TP HCM yêu cầu lập đoàn thanh tra. Vợ chồng ông Nhâm đã ghi âm lại cuộc nói chuyện và giao nộp cho cơ quan điều tra. Biết mình bị Chuyên lừa, Điểu Nhâm đã làm đơn tố cáo Chuyên.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Công an còn tiếp tục nhận được đơn tố cáo của ông Vũ Văn Châu, ông Điểu K'Rang và một số hộ dân khác tố cáo Lê Đình Chuyên. Cụ thể, vào thời điểm năm 2000, các hộ dân Vũ Văn Châu, Hứa Thị Nhặt, Nông Tiến Lịch khai phá, lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép của Ban Quản lý rừng kinh tế Tân Lập tại khu vực Bàu Đỉa, ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. Cuối tháng 9/2006, UBND huyện Đồng Phú ra quyết định buộc các hộ dân khôi phục hiện trạng đất như trước khi bị lấn chiếm, đồng thời ra quyết định cưỡng chế. Do không đồng ý nên các hộ dân nhiều lần nộp đơn khiếu nại nhưng sau đó đều bị bác.

Đến khoảng tháng 4/2009, bà Trương Thị Thái (vợ ông Châu) đến UBND tỉnh Bình Phước nộp đơn khiếu nại việc thu hồi đất thì gặp Chuyên. Qua nói chuyện, Chuyên cũng tự giới thiệu mình là luật sư đang đi khiếu nại đòi lại đất cho một số người. Vì đã đi khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết, bà Thái về nói lại với chồng nên ông Châu bàn bạc với gia đình bà Nhặt, ông Lịch cùng nhau gặp Chuyên để nhờ khiếu nại đòi lại đất.

Đến giữa tháng 5/2009, ông Châu, ông Lịch, bà Nhặt đến gặp Chuyên và Chuyên khẳng định sẽ đòi lại đất trong năm 2009 và ra giá là 180 triệu đồng. Do giá quá cao, 3 người không đồng ý nên Chuyên hạ giá xuống còn 120 triệu đồng và hứa nếu không đòi được đất sẽ trả lại toàn bộ tiền. Tin lời, 3 hộ dân đã đưa cho Chuyên 40 triệu đồng.

Cũng trong khoảng thời gian trên, 29 hộ dân ở 2 thôn Đắk Xuyên và Đắk La, xã Đắk Nhau cũng làm đơn khiếu nại UBND tỉnh Bình Phước vì quyết định thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh trái phép tại Tiểu khu 144 Ban Quản lý rừng phòng hộ. Đến giữa tháng 5/2009, trong một lần đến UBND tỉnh hỏi kết quả khiếu nại, các ông Điểu K'Rang, Điểu P'Lớ, Điểu Gấc và già làng Điểu Bó được Chuyên đến làm quen. Theo đúng kịch bản cũ, ông Điểu K'Rang đã cung cấp cho Chuyên hồ sơ danh sách 29 hộ với diện tích bị thu hồi hơn 50 ha. Chuyên đặt điều kiện phải đưa 400 triệu đồng. Thấy những người này không có ý kiến gì, Chuyên đổi ý và "nâng" giá 500 triệu.

Sau khi ký hợp đồng với Chuyên, ông K'Rang và già làng Điểu Bó về thông báo lại cho 29 hộ dân biết đã nhờ "luật sư" Chuyên đi khiếu nại đòi lại đất cho bà con với giá 500 triệu đồng do K'Rang làm đại diện và yêu cầu mọi người đóng tiền. Do ai cũng chưa có tiền nên thỏa thuận nếu ai có tiền thì nộp trước, sau này đòi được đất những người khác sẽ trả lại tiền sau.

Sau đó, Chuyên gọi điện cho K'Rang và P'Lớ đến Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đưa tiền. Tại đây, P'Lớ đã đưa cho Chuyên 60 triệu đồng. Đến ngày 15/7/2009, Điểu K'Rang, P'Lớ, già làng Điểu Bó và một người nữa đến nhà Chuyên đưa tiếp 40 triệu đồng. Sau khi nhận tổng cộng 109 triệu đồng, Chuyên liên tục gọi điện cho K'Lang yêu cầu đưa đủ tiền nếu không sẽ hủy hợp đồng, không trả lại tiền. Lo sợ, các hộ dân đã đi vay tiền đưa cho K'Rang để giao cho Chuyên 4 lần nữa với số tiền 294 triệu đồng, tổng cộng 403 triệu đồng. Thấy Chuyên nhận tiền mà không đòi được đất nên cuối tháng 12/2009, các hộ dân đã làm đơn tố cáo Chuyên ra Cơ quan điều tra.

Vì sao người dân dính bẫy lừa?

Theo điều tra, để tiếp xúc gặp gỡ các hộ dân nhằm thu thập tài liệu, Chuyên thường thuê xe ôtô du lịch và tài xế đi theo để đưa đón. Ngoài ra, Chuyên cũng thường xuyên thuê ông Lý Quận (ngụ Sóc Trăng) đi theo mình để "giúp việc". Ông Quận cũng có lời khai chỉ biết Chuyên nói mình là luật sư đi khiếu kiện thuê cho người khác. Ông có chứng kiến nhiều lần Chuyên trao đổi, tiếp xúc với những người dân nhưng không rõ cụ thể nội dung gì. Trong những lần tiếp xúc với người dân, không biết bằng cách nào đó mà Chuyên lôi kéo được một vài nhà báo khu vực Tây Nguyên đi theo mình để lấy tin, viết bài. Tuy nhiên, qua xác minh việc Chuyên làm gì, quan hệ với những người dân như thế nào các nhà báo này hoàn toàn không biết.

Nhằm tạo lòng tin cho các bị hại, Chuyên còn dùng thủ đoạn photo giấy chứng nhận đơn của cơ quan tiếp nhận đơn rồi viết chèn thêm vào giấy biên nhận về họ tên người khiếu nại, về việc yêu cầu lập đoàn thanh tra... mục đích của Chuyên là để các bị hại tin tưởng để y nhanh chóng lấy lại tiền.

Theo xác nhận của Vụ Khiếu nại - Tố cáo: Từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2010, nơi này có tiếp Chuyên và Điểu Nhâm, Điểu K'Rang gửi đơn khiếu nại 3 lần. Tại đây, Chuyên giới thiệu mình là luật sư trợ giúp và tư vấn pháp lý được các hộ dân trên ủy quyền hợp pháp trong việc giải quyết đơn khiếu nại về việc lâm trường lấy đất của dân.

Xác minh tại Phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ, nơi này cũng xác nhận: Vào ngày 7/8/2009, Chuyên có đến đây một lần để gửi đơn khiếu nại quyết định số 1456 của UBND tỉnh Bình Phước do K'Lang ủy quyền…

Thực tế cho thấy, các hợp đồng Chuyên soạn sẵn để ký kết với các hộ dân không thuộc một trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng được quy định của Bộ Luật dân sự bởi các điều khoản do Chuyên soạn sẵn trong hợp đồng đều có lợi cho Chuyên, bất lợi luôn thuộc về bị hại.

Xét tính chất hậu quả vụ án là nghiêm trọng, bị cáo phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, số tiền bị cáo chiếm đoạt bị hại có giá trị lớn, hành vi bị cáo gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng, những người bị hại đều có hoàn cảnh khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Không những thế, hành vi của bị cáo còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây áp lực đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại…

Ngày 7/5 vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Lê Đình Chuyên mức án 14 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài hành vi trên, tại tỉnh Đắk Nông, Chuyên cũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức và thủ đoạn tương tự, cuối tháng 9/2011, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt Chuyên 12 năm tù (do bản án này chưa có hiệu lực nên tòa chưa tổng hợp hình phạt của hai bản án - PV)

A.Huy
.
.