Lật tẩy trò “phù phép” đấu thầu thuốc tại Gia Lai
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhóm chuyên gia đấu thầu thuốc gồm 8 cán bộ thuộc Sở Y tế Gia Lai đã bắt tay nhau xây dựng một kịch bản hòng trục lợi tiền tỉ qua các lần đấu thầu thuốc từ năm 2009-2010. Những hành vi cố ý sai phạm này đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 8,5 tỉ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn bệnh nhân…
Căn cứ trên cơ sở Luật Dược 2005 và thực hiện các quy định của Nhà nước về đấu thầu thuốc, từ năm 2008 đến năm 2010, Sở Y tế Gia Lai đã thực hiện việc đấu thầu hơn 2.400 danh mục thuốc chữa bệnh các loại với tổng số tiền gần 500 tỉ đồng. Tổ chuyên gia đấu thầu của Sở Y tế gồm 8 cán bộ: Nguyễn Công Nhân, Đặng Đức Châu - Phó giám đốc Sở; Phan Minh Hiếu, Phó phòng nghiệp vụ Y; Đoàn Cường, Phó phòng nghiệp vụ Dược; Rơh Mah Blih, Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ; Bùi Ngọc Thư, Phó phòng Kế hoạch tài vụ kiêm Kế toán trưởng; Lê Khánh Lân, cán bộ phòng Kế hoạch và Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên viên Phòng nghiệp vụ Dược.
Nhóm chuyên gia này đã cùng nhau thực hiện các chiêu thức: một số mặt hàng thuốc có giá thấp hơn nhưng không chọn thầu, xét dự thầu sai xuất xứ một số mặt hàng thuốc, thay đổi giá thuốc… nhằm làm lợi cho doanh nghiệp trúng thầu để ăn chia, tư lợi. Hai doanh nghiệp được gọi là… "con nuôi" của Sở Y tế Gia Lai trúng thầu là Công ty Cổ phần Dược - Vật tư Y tế Gia Lai và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai.
Để vạch rõ thủ đoạn gian dối, các điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã bí mật bảo vệ đưa "núi" tài liệu về các gói hồ sơ đấu thầu các năm ra Hà Nội để giám định sai phạm, thiệt hại. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã phải "gõ cửa" Cục Quản lý đấu thầu (CQLĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trợ giúp. Thế nhưng, đề nghị này ngay lập tức bị từ chối với lý do: thiếu kinh phí và thiếu kinh nghiệm nên khó xác định đúng, sai trong tân dược.
Đầu tháng 11/2010, Cơ quan CSĐT Gia Lai buộc phải báo cáo Cơ quan Điều tra Bộ Công an để được chỉ đạo có hướng giải quyết. Đến cuối tháng 11/2010, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT thực hiện giám định về một số nội dung: Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc các năm 2008, 2009, 2010 của Sở Y tế Gia Lai có thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu thầu hay không?
Trong 10 mặt hàng thuốc không được xét trúng thầu có mặt hàng nào đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay không? Việc Tổ chuyên gia xét trúng thầu đối với 7 mặt hàng thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam bị “phù phép” thành thuốc châu Á, thuốc châu Á biến thành thuốc châu Âu, gây thất thoát tiền Nhà nước, làm thiệt hại cho người bệnh, Quỹ BHYT.
Liều lĩnh hơn, Tổ chuyên gia đấu thầu này đã loại ra 9 mặt hàng thuốc có giá thấp hơn và đạt cả 3 tiêu chí xét thầu để chọn 9 mặt hàng thuốc khác có giá thầu cao hơn, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, Quỹ BHYT và cả hàng nghìn người bệnh. Xác định của Sở Tài chính Gia Lai ngày 8/11/2011, Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và Quỹ BHYT hơn 8,5 tỉ đồng.
Bệnh nhân bị móc túi trong suốt 3 năm bởi trò “phù phép”. Ảnh minh họa. |
Thượng tá Nguyễn Văn Đỡ, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Gia Lai cho biết: "Việc xác định thời gian khởi tố đối với 8 đối tượng phải có quyết định đúng đắn. Tội danh mà các đối tượng này gây ra mang tính định lượng, vì vậy phải có thiệt hại mới khởi tố vụ án được. Tuy nhiên, việc giám định vẫn còn vướng mắc, thiếu các chế tài, gây khó khăn, ách tắc cho Cơ quan Điều tra để làm rõ vụ án. Các điều tra viên đã nỗ lực, bảo đảm thời hạn điều tra và đảm bảo làm rõ đúng người, đúng tội".
Điển hình, trong năm 2009, loại thuốc Mebendazoi 500mg, sản xuất tại Việt Nam, giá dự toán 4.500 đồng/viên, trong khi đó giá dự thầu và phê duyệt trúng thầu bị Tổ chuyên gia xét thầu "phù phép" xuống còn có 709 đồng/viên, chênh lệch 3.791 đồng/viên (tỉ lệ vượt 634,7%). Thuốc Amikacin 500mg/100ml, sản xuất tại châu Á, giá dự toán 52.500 đồng/chai, thì giá dự thầu và phê duyệt trúng thầu bị hạ xuống còn 13.311 đồng/chai, chênh lệch 39.189 đồng/chai (vượt 394,4%). Năm 2010, loại thuốc Cefixim 100mg, giá dự toán 7.035 đồng/viên, giá trúng thầu chỉ 1.512 đồng/viên, chênh lệch 5.523 đồng/viên (vượt 465,28%)…
Công tác thẩm định và giá thuốc trúng thầu cũng được Tổ chuyên gia xét thầu dở trò gian dối. Cơ quan chức năng đã phát hiện 83 hồ sơ thẩm định không đúng với hồ sơ mời thầu, giá thuốc thấp không chọn mà chọn giá thuốc cao để trình duyệt trúng thầu. Có tới 65 danh mục thuốc không thực hiện đúng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Có 10 danh mục thuốc (đảm bảo về yêu cầu hồ sơ kỹ thuật), Tổ chuyên gia xét thầu không chọn giá thấp hơn để xác định giá, trình UBND tỉnh phê duyệt trúng thầu, mà lại chọn giá cao hơn đã làm thiệt hại cho ngân sách và kinh phí BHYT trên 3,7 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có 8 danh mục thuốc được công nhận thuốc sản xuất tại châu Âu, nhưng thực tế thuốc sản xuất tại Việt Nam và châu Á. Trò gian manh này đã làm lợi cho các doanh nghiệp "con nuôi" trên 2 tỉ đồng, trong khi Nhà nước và người bệnh thì chịu thiệt hại nghiêm trọng…
Ngày 18/11/2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng gồm ông Phan Minh Hiếu- Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Y và ông Đoàn Cường - Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Dược vì đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 21/11/2011, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ 2 Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai là ông Nguyễn Công Nhân và ông Đặng Đức Châu để phục vụ công tác điều tra. Ngày 23/11, Sở Y tế Gia Lai cũng có quyết định đình chỉ công tác đối với 6 cán bộ của Sở, gồm: Đoàn Cường (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Dược), Phan Minh Hiếu (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y), Rơh Mah Blih (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ), Bùi Ngọc Thư (Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ kiêm Kế toán trưởng), Lê Khánh Lân (cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài vụ) và Nguyễn Thị Kim Liên (chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Dược) vì có liên quan đến sai phạm về đấu thầu thuốc. Chiều ngày 30/11, Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với 2 Phó giám đốc nói trên. |