Xung quanh phán quyết tử hình với nữ doanh nhân Wu Ying (Ngô Anh) Trung Quốc:

Lừa đảo, tín dụng đen hay kinh doanh bằng vốn vay hợp pháp?

Chủ Nhật, 04/03/2012, 03:35

Theo nguồn tin của LA times, phán quyết giữ nguyên án tử hình đối với nữ doanh nhân trẻ Ngô Anh (Wu Ying) - một trong những người phụ nữ thành đạt nhất Trung Hoa vì tội lừa đảo và huy động vốn bất hợp pháp của Tòa thượng thẩm Chiết Giang ngày 18/1 đang làm dấy lên làn sóng phản đối ở Trung Quốc. Phán quyết này nhằm đánh mạnh vào nạn lừa đảo và tín dụng đen đang nở rộ ở tỉnh này cũng như thực trạng chung tại Trung Quốc...

Những người ủng hộ Ngô Anh cho rằng nữ doanh nhân trẻ này đã không làm điều gì khác hơn so với các doanh nghiệp tư nhân khác, họ đã kinh doanh trong điều kiện các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn.

Hành trình của người phụ nữ thành đạt bậc nhất Trung Quốc

Vài năm trước, Ngô Anh là hiện thân của truyền thuyết Trung Hoa thời hiện đại, đó là sự vươn lên làm giàu từ nghèo khó: con gái của một nông dân thất học bắt đầu lập nghiệp từ một salon tóc khi cô mới 15 tuổi và chưa đầy một thập kỷ sau, cô đã tạo ra một đế chế doanh nghiệp hùng mạnh giúp cô trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Giờ đây nữ triệu phú mới chỉ 31 tuổi đang phải đối mặt với bản án tử hình.

Là chị cả trong gia đình nông dân có bốn chị em gái, Ngô Anh rời khỏi ngôi trường dạy nghề trung học phổ thông ở tỉnh Chiết Giang, phía nam Thượng Hải, để đến làm trong một tiệm làm tóc của bà dì. Sau đó cô khởi nghiệp làm riêng. Một chuỗi doanh nghiệp đã được cô lập ra sau đó: dịch vụ cho thuê xe ôtô, các câu lạc bộ giải trí, cơ sở massage và một công ty sản xuất kem dưỡng da mặt bằng cao nhau cừu. Công ty của cô, Bense Holding Group thông báo kế hoạch mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực hóa dầu và xây dựng.  Năm 26 tuổi, cô đã đứng vị trí thứ 6 trong top những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc với số tài sản ước tính hơn 500 triệu đôla. Danh hiệu "nữ triệu phú" khiến cô xuất hiện nhiều trên các tạp chí.

Song, sự nghiệp của Ngô Anh bất ngờ sụp đổ. Vào cuối năm 2006, một trong những chủ nợ của Ngô Anh đã bắt cóc cô 8 ngày, một hành động không bình thường vì hoạt động cho vay tín dụng đen ở Chiết Giang. Từ đó, người ta mới vỡ lẽ cô có vấn đề về tài chính. Tháng 2/2007, các quan chức địa phương đã bắt giữ Ngô Anh và tịch thu tài sản, bao gồm các tòa nhà, 41 chiếc xe hơi và một số lượng ngọc bích.

Ngô Anh sau khi nghe tuyên án tử hình tại phiên tòa ở tỉnh Chiết Giang tháng 4/2009.

Năm 2009, cô bị kết án tử hình vì huy động vốn bất hợp pháp hàng triệu đôla từ những nhà đầu tư cho doanh nghiệp bao gồm các khách sạn, cửa hàng vật liệu xây dựng, bất động sản và các hoạt động buôn bán với nước ngoài.

Chủ tọa phiên tòa, ông Shen Xiaoming, trong một cuộc phỏng vấn diễn ra vào tuần trước với tờ Legal Daily đã nói rằng, Ngô Anh đã vay tiền để tiêu xài cá nhân hoang phí. "Cô ta tạo ra những câu chuyện rằng cô ta dùng tiền vào các hoạt động đầu tư thương mại, khai mỏ và dầu khí. Cô ta đã khiến công chúng  lầm tưởng rằng, cô ta có sự hậu thuẫn về tài chính vững chắc bằng cách tạo ra một loạt các công ty ma trong thời gian ngắn và mua các không gian quảng cáo dọc các tuyến đường nhằm khuếch trương công ty".

Những tranh cãi gay gắt và khía cạnh luật pháp

Một trong những người ủng hộ Ngô Anh là chủ bút tờ Global Times, phụ san tờ Nhân dân nhật báo. Một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng cho thấy tỉ lệ người phản đối án tử hình đối với Ngô Anh rất cao, trong số đó có tên của ông trùm bất động sản Pan Shiyi và nhà điều hành công nghệ Kai Fu Lee, cựu Giám đốc Tập đoàn Google Trung Quốc.

Những người hậu thuẫn tài chính cho Ngô Anh nói rằng, các doanh nghiệp nhỏ thường phải phân loại các khoản vay và thường các nhà đầu tư tìm kiếm nơi có khả năng sinh lời cao vì các ngân hàng vẫn ưu tiên cho khối doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục hậu quả vỡ nợ, Ngô Anh có thể trả lại các khoản tiền nếu doanh nghiệp của cô không bị dừng hoạt động đột ngột. Một vài nhà đầu tư làm chứng cho cô trong suốt phiên tòa.

Từ khi Ngô Anh bị kết án, hệ thống tín dụng đen ở Chiết Giang bị chao đảo. Sai lầm đã không thể kiểm soát được và nhiều doanh nghiệp nợ nần chồng chất đã bỏ trốn khỏi đất nước, đẩy những người cho vay và người làm công vào cảnh khó khăn. "Có rất nhiều doanh nghiệp vay mượn nhiều tiền hơn Ngô Anh và sau đó bỏ trốn. Ngô Anh không làm như vậy. Cô ấy không chạy trốn và cố trả nợ dần” Zhang Yanfeng, một trong những luật sư của cô nói.

Các luật sư, các nhà hoạt động về nhân quyền và các học giả phản đối phán quyết tử hình đối với Ngô Anh đã tập hợp nhau lại trong một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng này. "Vụ việc này thể hiện sự thiếu độc lập trong hệ thống tòa án ở Trung Quốc", ông Hou Xingdou, nhà kinh tế học thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh phát biểu: "Rõ ràng có một số người đã muốn Ngô Anh phải chết".

Những người ủng hộ Ngô Anh nói rằng cô không làm những gì khác với phần đông các doanh nghiệp khác đang làm, phải hoạt động trong điều kiện các ngân hàng chỉ ưu tiên cho các công ty có vốn nhà nước vay vốn và vụ án của cô đã làm nản lòng giới doanh nghiệp. Những người khác thì cho rằng, thậm chí nếu Ngô Anh vi phạm pháp luật thì cô cũng không đáng bị tử hình.

Trung Quốc đã sửa Bộ luật Hình sự vào năm 2011 trong đó bỏ đi 13 tội không dùng bạo lực trong danh sách các tội có hình phạt tử hình. Tổ chức Dui Hua Foundation, một tổ chức hoạt động nhân quyền nói rằng, số lượng án tử hình đã bị cắt khoảng một nửa từ năm 2007 khi tòa án Tối cao xem xét lại các bản án tử hình dựa trên các phán quyết của Tòa án địa phương và tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 4.000 người đã bị tử hình mỗi năm, số lượng người bị tử hình cao nhất trên thế giới.

Dui Hua cho biết, Tòa án Tối cao đã thông báo xem xét lại bản án của Ngô Anh và sẽ đưa ra công chúng lời phát biểu "nghiêm túc giữ đúng sự thật"

Lương Lan (theo LA times)
.
.