Xét xử sai phạm tại ngân hàng Đại Tín:

Luật sư của bà Hứa Thị Phấn "phản pháo" tại tòa

Thứ Hai, 28/05/2018, 13:21
Sau khi thân chủ bị đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án 30 năm tù, các luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn đã đưa ra nhiều bằng chứng làm căn cứ cho đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.


Về sức khỏe của bà Phấn

Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, luật sư Trương Vĩnh Thuỷ cho rằng, bà Phấn năm nay đã trên 70 tuổi, sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh. Trước khi bị khởi tố, ngày 6-3-2017, bà Phấn đã phải nhập viện điều trị cho đến tận thời điểm phiên tòa đang diễn ra. Vì vậy, cơ quan CSĐT không thể tiến hành lập biên bản hỏi cung bà Phấn.

Trong suốt quá trình điều trị, sức khỏe của bà Phấn ngày càng xấu đi. Luật sư cho rằng cáo trạng xác định bà Phấn không hợp tác với cơ quan điều tra là không đúng. Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng, HĐXX xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm vào tháng 9-2016 đã ra quyết định khởi tố vụ án, xác định hành vi của một số bị cáo được đưa ra xét xử tại phiên tòa này lại tiếp tục tham gia HĐXX phiên tòa này là không vô tư, khách quan.

Các bị cáo tại toà.

Cáo trạng ghi bà Phấn có hành vi sử dụng 5.256 tỷ đồng là số tiền thực tế gây thiệt hại trong hành vi cố ý làm trái, nhưng đồng thời cũng ghi nhận có 21 bị cáo trong tổng số các bị cáo là đồng phạm trong tội danh này, từng bị cáo được ghi số tiền cụ thể cho từng người gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín.

Như vậy, nếu cộng số thiệt hại của mỗi bị cáo gây ra sẽ lên đến gần 23.000 tỷ đồng. Với cáo buộc như trên, nếu các bị cáo thật sự phạm tội thì khi lượng hình sẽ dựa trên tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại để buộc tội hay tổng số tiền quy kết bà Phấn sử dụng trái phép? Đây cũng là một nghịch lý, không tách bạch, không rõ ràng, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo.

Về con số công ty Phương Trang nợ ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng

Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, VKS cũng như các luật sư của nhóm Phương Trang đều khẳng định, Phương Trang bị bà Phấn lợi dụng cho ký các chứng từ hợp đồng vay trước sau đó không giải ngân cho nhóm Phương Trang mà dùng thủ đoạn chiếm đoạt.

Đặc biệt, Phương Trang chỉ có quan hệ vay tiền tại ngân hàng Đại Tín chứ không có mối quan hệ thân thiết, không có mượn nợ cá nhân của bà Phấn. Tuy nhiên những lời trình bày của những người đại diện nhóm Phương Trang là không chính xác.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ.

Bởi theo luật sư Thơ, nhóm Phương Trang đã vay nợ rất nhiều lần từ phía bà Phấn, trong đó có số tiền ông Phạm Đăng Quan (nguyên TGĐ công ty Phương Trang) vay 400.000 USD, đã từng đến chúc mừng sinh nhật bà Phấn, từng đi làm từ thiện, tặng cho bà Phấn chiếc xe Maybach, mời bà Phấn, con cháu và lãnh đạo ngân hàng Đại Tín đi nước ngoài.

Để đáp lại "tấm chân tình" của nhóm Phương Trang, bà Phấn đã tặng lại cho ông Nguyễn Hữu Luận - chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang một căn hộ tại Tòa nhà Topaz 1, khu đô thị Sài Gòn. Luật sư Thơ cũng đề nghị HĐXX công nhận chiếc USB có đoạn ghi âm trao đổi giữa bà Phấn, ông Luận, ông Quan, ông Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu ông Luận với bà Phấn) là chứng cứ, đưa vào để giám định, đánh giá vì cuộc trao đổi này phù hợp với các biên bản ngày 10-3-2012, 14-3-2012 liên quan đến nợ, dự án Bình Điền để làm sáng tỏ vụ án.

"Không thể vì quan điểm của VKS cho rằng việc cung cấp USB không có ý kiến của bà Phấn mà bác bỏ, nhận định này là trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015", luật sư Thơ nói.

Đồng quan điểm, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, thực chất việc bà Phấn và nhóm Phú Mỹ cho nhóm Phương Trang vay mượn tiền là cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất vay ngân hàng, để Phương Trang có tiền đáo hạn các khoản vay nợ tại ngân hàng TMCP Sài Gòn. Sau đó, nhóm Phương Trang giải chấp tài sản từ ngân hàng này và chuyển sang thế chấp vay tiền tại ngân hàng Đại Tín lấy tiền trả nợ cho nhóm Phú Mỹ.

Luật sư Lưu Văn Tám.

Việc cho vay của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ là cho vay đáo nợ nên cho vay với lãi suất cao nhưng các khoản tiền nhóm Phú Mỹ cho nhóm Phương Trang lại không có gì đảm bảo.

Vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo cho việc thu hồi được các khoản nợ (gốc và lãi) đã cho Phương Trang vay, bà Phấn đã sử dụng tư cách là cổ đông lớn tại ngân hàng Đại Tín, để yêu cầu nhóm Phương Trang ký tên trước trên các hợp đồng tín dụng, hồ sơ, khế ước nhận nợ, ủy nhiệm chi... cho nhóm Phú Mỹ sử dụng một phần khoản vay này để cấn trừ vào các khoản tiền Phương Trang vay nợ của nhóm Phú Mỹ để đáo hạn nợ. Vì vậy, không có chuyện thu chi khống mà có thu chi thật, nhưng việc sử dụng khoản vay là theo sự thỏa thuận của hai nhóm Phú Mỹ và Phương Trang.

Số tiền thực nợ của Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín, con số 9.400 tỷ đồng là phù hợp với nội dung bản dịch tài liệu băng ghi âm chứa trong USB luật sư Thơ cung cấp tại toà. Luật sư Tám chứng minh nguồn gốc số tiền bà Phấn và nhóm Phương Trang vay có từ nguồn tiền giải ngân các khoản vay trong số 23 cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ vay tại ngân hàng Đại Tín đã tất toán; tiền được rút từ tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của các cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ; tiền từ nguồn tiền mặt của Nhóm Phú Mỹ...

Về trình tự, thủ tục cho vay của ngân hàng Đại Tín khi cho nhóm Phương Trang vay tiền đều được thực hiện đúng quy định. Tất cả 88 hợp đồng vay tín dụng của nhóm Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín đều được ngân hàng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay. Toàn bộ các hồ sơ vay, chứng từ kế toán, quyết toán thu chi có liên quan đến các khoản vay của Phương Trang đều được hạch toán đầy đủ trong hệ thống sổ sách của ngân hàng.

Các chứng từ giao dịch tại ngân hàng đều được người đại diện của Phương Trang trực tiếp ký tên, đóng dấu đầy đủ, đúng quy định. Hiện nay, toàn bộ các hồ sơ, chứng từ giao dịch của Phương Trang đều đang được ngân hàng Xây dựng (tên mới của ngân hàng Đại Tín) lưu giữ đầy đủ theo quy định. Chính vì vậy, mới có việc Ngân hàng Xây dựng đang có 26 vụ kiện nhóm Phương Trang tại tòa án các địa phương.

Về quy kết tội "lạm dụng tín nhiệm..."

Về hành vi của bà Phấn cùng những người có liên quan bị quy kết tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Theo luật sư Trương Vĩnh Thuỷ, cáo trạng thể hiện nguyên nhân ngân hàng Đại Tín thua lỗ dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách tại thời điểm tháng 2-2012 là do ngân hàng trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi 5.978 tỷ đồng. Như vậy tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỷ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như cáo trạng quy kết.

Theo luật sư, việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bằng phương pháp so sánh với nhà đất ở đường Nguyễn Đình Chiểu - Lý Chính Thắng là bất hợp lý. Bên cạnh đó, sau khi mua lại căn nhà này, ngân hàng cho thuê với giá 525 triệu đồng/ tháng. Tại phiên tòa, ông Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT) khai mục đích mua căn nhà trên là để làm trụ sở chính của ngân hàng Đại Tín, giá nhà tương đương 25.000 lượng vàng SJC tại thời điểm mua nhà, tức bà Phấn không lấy tiền lời vì trước đó bà mua bằng vàng.

Với luận cứ vừa nêu, luật sư cho rằng hành vi của bà Phấn và những người liên quan chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Bào chữa cho các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Vĩnh Mậu (thành viên HĐQT ngân hàng Đại Tín), các luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân khách quan, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo này. Họ đều là những người làm công ăn lương, chịu ơn của bà Phấn, làm theo sự chỉ đạo của bà Phấn... từ đó giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản), luật sư Lê Thị Minh Ngọc cho rằng bị cáo Tụ có sai sót khi tiến hành thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, vì hiểu nhầm giữa định giá và thẩm định giá là giống nhau. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo không cấu thành tội như VKS truy tố, từ đó luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội.

Trong phần luận tội, đại diện VKS xác định trong vụ án này bà Phấn là người chủ mưu, vì lòng tham lôi kéo hàng loạt người thân, nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi trái pháp luật. Với nhận định trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Phấn mức án 30 năm tù cho cả hai tội danh, tổng hợp hình phạt với bản án TAND cấp cao tại TP Hà Nội vừa tuyên là 30 năm tù. 

Cùng bị truy tố hai tội danh trên, Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, thư ký riêng của bà Phấn) bị đề nghị mức án từ 28-30 năm tù; Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín; cháu bà Phấn) 10-12 năm tù. Các thành viên trong HĐQT Ngân hàng Đại Tín gồm: Hoàng Văn Toàn bị đề nghị 7-8 năm tù; Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc, thành viên HĐQT) 6-7 năm tù, các bị cáo còn lại từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù về một trong hai tội danh trên.

Về phần trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị bà Hứa Thị Phấn bồi thường tất cả các khoản tiền đã chiếm đoạt cùng khoản lãi phát sinh và lãi phạt của hai khoản tiền trên. Buộc công ty Phương Trang và các công ty thuộc nhóm Phương Trang trả số tiền nợ gốc trên 3.936 tỷ đồng và lãi phát sinh. 

Để đảm bảo thi hành án, VKS đề nghị tiếp tục kê biên tất cả tài sản của bà Phấn đứng tên và nhờ người khác đứng tên đang bị kê biên. 

Riêng 114 bất động sản đang bị kê biên là tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, VKS đề nghị tiếp tục kê biên để xử lý vụ án trong giai đoạn sau. Giải toả kê biên chiếc xe Maybach (bà Phấn khai chiếc xe này tặng ông Nguyễn Hữu Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), trả cho chủ sở hữu là Công ty Thiên Tân (nằm trong nhóm công ty Phương Trang)...

A.Huy
.
.