"Lướt sóng" lan đột biến và cái kết đắng
- Giật mình với những phiên mua bán, đấu giá lan đột biến
- Cảnh báo dấu hiệu lừa đảo mua bán Lan “đột biến gen”
Nhành lan... ngàn tỷ!
Nóng lên từ cuối năm 2019, song đến mùa hè 2020 cơn sốt chơi lan đột biến dường như đã đạt đỉnh với một thương vụ gây "chấn động dư luận" vào ngày 7-7-2020. Theo những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, thương vụ được cho là giữa hai nhà vườn ở Thái Bình và Hòa Bình. Giò lan Hồng minh châu được giao dịch với giá... 1 ngàn 400 tỷ đồng!
Thông tin này đã khiến cho cả những người trong giới chơi lan sành sỏi, lẫn dân "thời vụ" đều choáng váng. Trên khắp các diễn đàn về lan, sinh vật cảnh đều bàn tán xôn xao. Người thạo tin thì nói rằng, chính mắt họ đã chứng kiến những giao dịch chục tỷ, trăm tỷ cho các cây hoặc kie lan (cây mầm) như "Bảo duy 5 cánh trắng", "Juliet", huyền thoại "Bướm đại ngàn"... nên chuyện nhành lan có giá ngàn tỷ cũng có thể có(!?). Tuy nhiên, đa phần dư luận nghiêng về giả thuyết... viết nhầm con số.
Và rồi những đồn đoán cũng đã ngã ngũ, khi anh Trần Thiêm (chủ vườn lan ở Thái Bình - chủ nhân chậu lan Hồng minh châu) lên tiếng rằng anh mua lại của một người anh em trong nghề ở Hòa Bình. Và giá trị thật của thương vụ chỉ là 1,4 tỷ đồng cho hai cây lan Hồng minh châu và Hồng xòe. Người làm phông đã in nhầm thêm đến 3 con số 0.
Trước đó, cộng đồng chơi cũng lan rầm rộ chia sẻ hình ảnh một chậu lan Juliet đẹp, độ dài chừng 20-30cm với giá 83 tỷ đồng. Một đoạn video của một tài khoản chơi lan đột biến ghi lại thương vụ chuyển giao chậu lan diễn ra từ cuối tháng 6. Nó đã làm bùng lên những tranh luận sôi nổi về giá trị của chậu lan đột biến này.
Hình ảnh mầm lan đột biến được giao dịch với giá hàng tỷ đồng đã khiến nhiều người lao vào lướt sóng. |
Đa phần các bình luận đều chung quan điểm chậu Juliet nở hoa đẹp, cân đối và nhìn hút mắt. Tuy nhiên, ở phương diện giá trị thì có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người cho rằng, 83 tỷ đồng cho một chậu lan là mức giá "không tưởng", "điên rồ" và "không có thật".
Và, trong khi cư dân mạng lẫn những người mê lan còn mải tranh cãi về giá trị cũng như thông tin "loạn xà bần" thì đã có nhiều người chơi lan nghiệp dư lẫn chủ vườn giàu kinh nghiệm "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo.
Những chiêu trò thổi giá
Mới đây Công an huyện Phù Ninh (Phú Thọ) nhận được đơn trình báo của ông Đoàn V.N. (trú tại huyện Phù Ninh) về việc ông bị một số đối tượng lừa đảo số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng. Theo ông N., dù có kinh nghiệm chơi lan tới hơn chục năm song ông N. vẫn phải cay đắng dính chiêu lừa của các đối tượng. Trước đây, giò lan ông mua có giá cao nhất cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng.
Cho đến khoảng tháng 6-2020, thấy thị trường lan đột biến lên cơn sốt, ông N. tìm đọc trên các trang mạng xã hội về lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng. Qua giới thiệu của bạn bè, ông tham gia một số group người chơi lan trên Facebook và bắt đầu bị cuốn vào trò lướt sóng này.
Qua Facebook Nguyễn Văn Lộc, ông N. đặt mua cây lan đột biến đầu tiên với giá 95 triệu đồng. Chỉ một ngày sau, đã có người từ Hải Phòng gọi đến bảo muốn mua lại giò lan trên với giá 115 triệu đồng. Thấy giá quá hời nên ông N. đồng ý ngay. Cũng theo ông N., vì thấy lãi khủng nên ông đã giao dịch lướt sóng thêm nhiều lần. Tổng số tiền mua lan ông chuyển vào tài khoản của Facebook Nguyễn Văn Lộc đến nay đã là 2,6 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 7, sau khi nhận lan được cho là đột biến, ông N. thấy cây lan nhận được không có hoa, rất khác với những hình ảnh ở trên mạng. "Tôi đã gọi điện cho Facebook kia, bên đó bảo "vừa cắt hoa đi". Nhưng nếu cắt thì phải còn nguyên cuống, đằng này trên thân cây trống trơn" - ông kể mà giọng rất bức xúc.
Cũng theo ông N., trong vòng một tuần sau, những người người mua cây lan đột biến của ông đồng loạt gọi thông báo, họ nghi ngờ lan giả và yêu cầu hoàn trả tiền. Ông N. đã gọi ngay cho Facebook Nguyễn Văn Lộc nhưng bị chặn số. Lúc đó vì quá lo sợ nên ông N. đã cắm giấy tờ nhà, mượn tiền anh em, họ hàng để trả cho khách hàng tổng số tiền là 2 tỷ 80 triệu đồng và ôm về những giò lan "rởm".
Theo anh Hoàng Long, một chủ vườn sinh vật cảnh tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), nhiều năm trước anh suýt trở thành nạn nhân của một màn kịch tinh vi. Số là thời điểm đó nhà anh có vài cây sanh, trị giá khoảng vài chục triệu đồng/cây. Đột nhiên, trong xóm xuất hiện nhiều "đại gia" đến tận nơi gạ mua với giá gấp đôi, gấp ba. Sau khi đã bán hết vườn, một buổi sáng anh Long nhận được một cuộc điện thoại đến hỏi mua cây. Họ nói là cần biếu sếp nên muốn có ngay trong ngày, giá không phải suy nghĩ!
Sau đó khoảng vài giờ thì có mấy thanh niên đi xe tải đến tận nơi chào bán cho anh một cây sanh với giá 1 tỷ đồng. Anh chụp ảnh lại rồi gửi cho bên đặt hàng để chốt giá. Nghe bên kia nói sẵn sàng trả 2 tỷ đồng, anh Long vội gọi cho mấy thanh niên kia để lấy hàng. Khi anh Long chuẩn bị giao tiền thì bố anh biết chuyện, lập tức ngăn cản. Ông nói anh cần phải cảnh giác và thực hiện giao dịch thận trọng: "Nếu ông khách thực sự muốn mua thì phải chuyển khoản trước, ít nhất 50% giá trị của cây rồi mới nói chuyện tiếp". Y rằng, khi anh Long đề nghị ông khách chuyển trước cho 1 tỷ đồng thì vị khách kia cũng lặn mất tăm.
Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo lan đột biến. |
Cũng theo anh Long, hiện chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo bán lan đột biến thường sử dụng là cho cò mồi, chân gỗ gọi điện thoại hoặc đến tận vườn mua lan với giá cao. Sau đó một vài ngày nâng giá thêm nữa khiến chủ vườn tưởng sốt thật và đi lùng cây về để bán. Khi đó các đối tượng sẽ tạo đơn ảo, rồi chào mời chủ vườn mua với giá rất cao. Nghĩ sẽ bán được ngay, chủ vườn vội gom tiền mua. Nhưng khi mua xong, liên hệ với khách hàng thì không thể liên lạc được.
"Cũng chính bởi nhiều người đã dính bẫy này nên nhiều chủ vườn hay nói đùa "lan đột biến" nghĩa là người bán đột nhiên biến mất, còn người mua thì bị đột tử sau khi mua!" - anh Long chép miệng.
Còn theo ông Trần Hưng - một chuyên gia chơi lan đột biến ở Nam Trực (Nam Định) đã có 30 năm kinh nghiệm thì vài chục năm trước, khi mà công nghệ sinh học còn chưa phát triển, hoạt động biến đổi gen chỉ xảy ra trong tự nhiên (khi có một tác động đặc biệt từ thiên nhiên) nên thực vật, động vật biến đổi gen là rất hiếm. Do hiếm nên quý, giá trị thường được đẩy lên cao mà cũng không có mà mua.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây công nghệ sinh học có những bước phát triển vượt bậc, con người có thể can thiệp vào gen vật nuôi, cây trồng nhằm mục đích tăng năng suất, chịu được sâu bệnh, ra màu sắc mới. Rất nhiều các loại cây trồng ăn hạt và ăn quả đều được biến đổi gen, cây cho hoa cũng nhiều loại được biến đổi gen để cho ra màu khác lạ (hoa hồng xanh, hoa hồng đen, hoa hồng tím...) Ở Trung Quốc, giống lan phi điệp được can thiệp bằng công nghệ để cho ra những màu lạ (lan đột biến) là điều rất bình thường. Nhưng, khi về Việt Nam, những nhành lan đã bị thổi giá lên như thần thánh.
Qua thực tế mua bán và qua trao đổi từ những người làm nghề thì có thể thấy các đối tượng có rất nhiều chiêu trò khác nhau để lừa đảo giao dịch lan đột biến. Do thời gian gần đây việc chơi lan phi điệp đã có hoa hoặc chơi kie (mầm lan) ngày một trở nên rầm rộ, lãi khủng nên có không ít người chỉ biết sơ sơ về lan cũng ôm tiền "lướt sóng". Chính họ đã góp phần đẩy giá lan đột biến lên những mức không tưởng.
Bên cạnh đó, chính vì thiếu hiểu biết nên nhiều "nhà đầu tư" bị các đối tượng cho xem ảnh lan đột biến đã được Photoshop, bán với "giá rẻ" khoảng 50-100 triệu đồng. Khách hám lợi vội vàng chốt đơn, chuyển cọc sẽ bị các đối tượng ôm cọc bỏ trốn. Hoặc sẽ giao cho lan mầm "đểu", giá chưa đến vài trăm ngàn đồng.
Tinh vi hơn, có những đối tượng lập ra nhiều group lan đột biến. Rồi lập nhiều tài khoản Facebook vào để vào comment tạo sóng, tạo đơn giả nhằm đẩy giá cho những nhành lan vốn rất bình thường. Những nick Facebook kẻ tung người hứng, nào là "chậu lan này có gốc là lan tiến vua từ thời nhà Nguyễn, giá như thế (vài tỷ) là quá hời". Hay như: "Nhành lan siêu đột biết này thuộc dạng cực phẩm, tuyệt phẩm; nếu không chốt đơn nhanh rất có thể sẽ mất bạc tỷ như chơi"... khiến nhiều người vội vàng xuống tiền để rồi phải ôm hận.
Hàng loạt ổ nhóm lừa đảo lan đột biến sa lưới
Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt một ổ nhóm gồm hàng chục đối tượng đến từ Hòa Bình có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan phi điệp đột biến. Theo tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an, nhóm đối tượng từ Hòa Bình di chuyển đến thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bọn chúng thuê lại một ngôi nhà 2 tầng để làm nhà vườn nuôi trồng và buôn bán lan phi điệp đột biến.
Để tạo được sự tin tưởng cho các nạn nhân, nhóm đối tượng lừa đảo này đã lên mạng xã hội rao bán lan phi điệp đột biến kèm theo giấy bảo hành, cam kết bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa. Nhiều người tin tưởng đã chuyển hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Tuy nhiên, khi nhận cây về chăm sóc, một thời gian sau họ phát hiện ra mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo.
Đầu tháng 7, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách mua hoa lan với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Xác định đây là hành vi lừa đảo nghiêm trọng, các đối tượng hoạt động theo nhóm, gây mất an ninh trật tự cũng như hoang mang cho người dân trên địa bàn nói chung, người đam mê hoa lan nói riêng, Công an huyện Yên Thủy đã xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự phối chặt chẽ của các lực lượng chức năng, cuối tháng 7, Công an huyện Yên Thủy đã "cất lưới" bắt giữ nhóm lừa đảo gồm 5 đối tượng, do N.Q.Đ (SN 1980) cầm đầu. Tại Cơ quan công an, các đối tượng đều thừa nhận hành vi lừa đảo của mình. Chúng khai, do thấy lợi nhuận về hoa lan đột biến có giá trị cao nên đã nảy sinh hành vi lừa đảo. Bằng cách chúng mua cây hoa lan loại thường (có giá trị thấp), sau đó lấy các công cụ như keo 502, dây thép gắn bông hoa của cây lan đột biến (đột biến 5 cánh trắng phú thọ) vào thân hoa lan đã chuẩn bị. Gắn ghép xong, chúng chụp ảnh, quay video rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội để bán với giá cao.
Ngày 16-7, khách hàng tên Lê.T.T đã liên hệ hỏi mua. Khi con mồi cắn câu, ngay lập tức chúng hướng dẫn anh Th. đến địa chỉ vườn lan chúng đã thuê sẵn để cho khách xem cây và thực hiện giao dịch với số tiền gần 170 triệu đồng. Ngay sau khi giao dịch thực hiện xong, bọn chúng đã chia nhau số tiền lừa được của khách rồi "biến mất".
Người dân cần thận trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán lan đột biến Mới đây, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã ra khuyến cáo với hội sinh vật cảnh các địa phương về việc mua bán hoa lan đột biến. Theo đó, hiện nay trên nhiều hội, nhóm, diễn đàn và các phương tiện truyền thông đại chúng đang bàn tán xôn xao về giá trị của giống hoa lan đột biến, trong đó có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Để tránh những hậu quả đáng tiếc đối với người chơi sinh vật cảnh trên cả nước, Thường trực Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đề nghị lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương khuyến cáo hội viên của mình trong giai đoạn này cần thận trọng, tỉnh táo khi tham gia mua bán, trao đổi... đối với những loại hoa lan đột biến". |